I. SỰ CÔNG CHÍNH HÓA
1987. Ân sủng của Chúa Thánh Thần có sức mạnh công chính hóa chúng ta, nghĩa là, rửa chúng ta sạch tội lỗi, và truyền thông cho chúng ta sự công chính của Thiên Chúa nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô (Rm 3,22) và nhờ bí tích Rửa Tội (T. Tô-ma A-qui-nô 1-2; 90,4) :
“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: Đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết là chết đối tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 6, 8-11).
1988. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô khi chết cho tội lỗi, và được tham dự vào sự phục sinh của Người khi được sinh vào đời sống mới; chúng ta là những chi thể của Thân Thể Người là Hội Thánh (x. 1Cr 12), là những ngành nho được ghép vào Cây nho là chính Đức Kitô (x. Ga 15,1-4):
“Nhờ Thần Khí chúng ta được dự phần vào Thiên Chúa. Nhờ sự truyền thông Thần Khí, chúng ta được trở nên những người đồng phận với bản tính thần linh….Vì thế, những ai có Thần Khí ngự nơi mình, đều được thần linh hóa (T. A-ta-na-si-ô 1, 24).
1989. Công trình đầu tiên của ân sủng của Chúa Thánh Thần là sự hoán cải, việc này thực hiện sự công chính hóa theo lời rao giảng của Chúa Giêsu lúc khởi đầu Tin Mừng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Dưới tác động của ân sủng, con người quay về với Thiên Chúa và quay lưng lại với tội lỗi, và như vậy đón nhận ơn tha thứ và sự công chính từ trên cao. “Sự công chính hóa… không chỉ là sự tha tội, nhưng còn là sự thánh hóa và canh tân con người nội tâm”(Cđ Tren-tô: DS 1528).
1990. Sự công chính hóa giải thoát con người khỏi tội lỗi là điều đối nghịch lại với tình yêu của Thiên Chúa, và thanh tẩy trái tim họ khỏi tội lỗi. Sự công chính hóa là do sáng kiến của lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng ban ơn tha thứ. Nó giao hòa con người với Thiên Chúa. Nó giải thoát khỏi sự nô lệ tội lỗi và nó chữa lành.
1991. Sự công chính hóa đồng thời là việc đón nhận sự công chính của Thiên Chúa nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Ở đây, sự công chính cho thấy sự ngay thẳng của tình yêu của Thiên Chúa. Cùng với sự công chính hóa, đức tin, đức cậy và đức mến được đổ tràn vào trái tim chúng ta và sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa được ban cho chúng ta.
1992. Sự công chính hóa là công trạng nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô cho chúng ta, Người là Đấng đã tự hiến trên thập giá như của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, và Máu Người trở nên dụng cụ đền tội vì tội lỗi của mọi người. Sự công chính hóa được ban nhờ Phép Rửa, là bí tích của đức tin. Nó làm cho ta nên phù hợp với sự công chính của Thiên Chúa, Đấng nhờ quyền năng của lòng thương xót của Ngài làm cho chúng ta nên công chính tự bên trong. Sự công chính hóa có mục tiêu là vinh quang của Thiên Chúa và của Đức Kitô, và hồng ân của đời sống vĩnh cửu (Cđ. Tren-tô : DS 1529).
“Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môisen. Điều này, sách luật và các ngôn sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do hồng ân Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Ngài là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Ngài đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Ngài muốn cho thấy rằng Ngài vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô được nên công chính” (Rm 3,21-26).
1993. Sự công chính hóa thiết lập sự cộng tác giữa ân sủng của Thiên Chúa và sự tự do của con người. Về phía con người, sự công chính hóa được diễn tả trong sự ưng thuận của đức tin đối với lời Thiên Chúa, Đấng mời gọi con người hối cải, và trong sự cộng tác của đức mến với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng khởi xướng và gìn giữ sự ưng thuận đó:
“Khi Thiên Chúa đánh động trái tim con người nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, con người không phải là không làm gì khi đón nhận sự linh hứng này vì họ có thể khước từ sự linh hứng đó; tuy nhiên, nếu không có ân sủng Thiên Chúa, họ không thể đạt tới sự công chính trước mặt Ngài bằng ý chí tự do của mình” (Cđ. Tren-tô, DS 1525).
1994. Sự công chính hóa là công trình vô cùng tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô và được Chúa Thánh Thần ban tặng. Thánh Augustinô cho rằng “việc công chính hóa kẻ vô đạo là một công trình còn lớn lao hơn cả trời đất… Quả vậy, trời đất sẽ qua đi; còn ơn cứu độ và công chính hóa những người được tiền định sẽ tồn tại” (x. Ev, G 72,3). Thánh nhân còn cho rằng sự công chính hóa các kẻ tội lỗi vượt trên công trình tạo dựng các Thiên Thần trong sự công chính, vì điều này làm chứng lòng thương xót lớn lao của Thiên Chúa.
1995. Chúa Thánh Thần là vị thầy nội tâm. Sự công chính hóa, khi làm cho “con người nội tâm” được sinh ra (x. Rm 7,22; Eph 3,16), bao hàm sự thánh hóa toàn thể con người:
“Trước đây anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện… Nhưng giờ đây, anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời” (x. Rm 6,19.22).
II. ÂN SỦNG
1996. Sự công chính hóa của chúng ta là do ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng là một hồng ân, một sự trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Ngài: trở thành con cái Thiên Chúa (x. Ga 1,12-18), làm nghĩa tử (x. Rm 8,14-17), tham dự vào bản tính Thiên Chúa (x. 2Pr 1, 3-4) và vào sự sống muôn đời (Ga 17,3).
1997. Ân sủng là sự tham dự vào sự sống Thiên Chúa, đưa chúng ta vào sự thân mật của sự sống Chúa Ba Ngôi: nhờ bí tích Rửa Tội, Kitô hữu tham dự vào ân sủng của Đức Kitô, Đầu của Thân Thể Người. Với tư cách là “nghĩa tử”, họ có thể gọi Thiên Chúa là “Cha”, trong sự kết hợp với Người Con Một. Họ lãnh nhận sự sống của Thần Khí, Đấng thổi hơi đức mến trên họ và là Đấng hình thành Hội Thánh.
1998. Ơn gọi vào sự sống vĩnh cữu này là một ơn siêu nhiên. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa, bởi vì chỉ mình Ngài có thể tự mặc khải và tự ban tặng chính mình. Ơn gọi đó vượt mọi tài năng của trí tuệ và sức mạnh của ý chí nhân linh, cũng như của mọi thụ tạo (x. 1Cr 2,7-9).
1999. Ân sủng của Đức Kitô là một hồng ân nhưng không, Thiên Chúa ban cho chúng ta từ sự sống của Ngài, nhờ Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào linh hồn chúng ta để chữa trị nó khỏi tội lỗi và thánh hóa nó: Đó là ơn thánh hóa hay ơn thần linh hóa, được lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội. Ân sủng này là nguồn mạch của công trình thánh hóa chúng ta (x. Ga 4,14; 7, 38-39):
“Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được giao hòa với Ngài” (2 Cr 5,17-18).
2000. Ơn thánh hóa là một hồng ân thường xuyên, một trạng thái bền vững và siêu nhiên, kiện toàn chính linh hồn để nó có khả năng sống với Thiên Chúa và hành động vì tình yêu của Ngài. Chúng ta phân biệt ơn thường sủng là trạng thái trường tồn để sống và hành động theo lời kêu gọi của Thiên Chúa, và các ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa, hoặc vào lúc khởi đầu cuộc hối cải, hoặc trong tiến trình của công cuộc thánh hóa.
2001. Sự chuẩn bị của con người để đón nhận ân sủng đã là một công trình của ân sủng. Điều này là cần thiết để khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của chúng ta vào việc công chính hóa nhờ đức tin, và vào việc thánh hóa nhờ đức mến. Thiên Chúa kiện toàn nơi ta điều Ngài đã khởi sự, “vì Ngài khởi sự bằng cách tác động để chúng ta ước muốn, Ngài kiện toàn bằng cách cộng tác với những người đã muốn” (T.Âu-tinh, 17):
“Thật ra, khi chúng ta cũng làm việc, là chúng ta cộng tác với Đấng đang làm việc, bởi vì lòng thương xót của Ngài đi bước trước đến với chúng ta. Ngài đi bước trước, để chúng ta được chữa lành, và Ngài dõi theo sau để sau khi được chữa lành, chúng ta nên cường tráng; Ngài đi bước trước để chúng ta được kêu gọi, Ngài dõi theo sau để được vinh quang; Ngài đi bước trước, để chúng ta sống một cách đạo đức, Ngài dõi theo sau để chúng ta được luôn luôn sống với Ngài; bởi vì không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì” (T.Âu-tinh, 31).
2002. Sáng kiến tự do của Thiên Chúa đòi hỏi sự đáp trả tự do của con người, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, khi ban cho họ, cùng với sự tự do, khả năng nhận biết và yêu mến Ngài. Linh hồn chỉ tự nguyện mới có thể tiến vào sự hiệp thông của tình yêu. Thiên Chúa trực tiếp đụng chạm và đánh động trái tim con người. Ngài đặt trong con người sự khát vọng chân lý và điều thiện mà chỉ mình Ngài có thể làm thỏa mãn. Các lời hứa ban “sự sống đời đời” đáp lại khát vọng này, vượt quá mọi hy vọng:
“Lạy Chúa, sau những công trình rất tốt đẹp của Chúa, mặc dầu Chúa đã thanh thản làm nên chúng, Chúa đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy, chính là để nói trước với chúng con qua tiếng nói trong sách của Chúa rằng, sau những công trình rất tốt đẹp của chúng con mà chính Chúa đã ban cho chúng con, thì chúng con sẽ nghỉ ngơi trong ngày Sabat của đời sống vĩnh cửu trong Chúa (T.Âu-tinh, tự thuật 13, 36. 51).
2003. Ân sủng, trước hết và đặc biệt, là hồng ân của Thần Khí, Đấng công chính hóa và thánh hóa chúng ta. Nhưng ân sủng cũng gồm các hồng ân Thần Khí rộng ban cho chúng ta để liên kết vào công trình của Ngài, để làm cho chúng ta có khả năng cộng tác vào công trình cứu độ những người khác và làm phát triển Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh. Đó là các ân sủng bí tích, là những hồng ân riêng cho những bí tích khác nhau. Ngoài ra, còn có các ân sủng đặc biệt gọi là các đặc sủng theo từ Hi Lạp, mà thánh Phaolô sử dụng, có nghĩa là đặc ân, hồng ân nhưng không, phúc lợi (x. LG 12). Dù có đặc tính nào đi nữa, đôi khi là ngoại thường, như ơn làm phép lạ hay ơn nói tiếng lạ, các đặc sủng đều qui hướng về ơn thánh hóa và có mục tiêu là công ích của Hội Thánh. Các đặc sủng đều phục vụ đức mến là nhân đức để xây dựng Hội Thánh (x. 1Cr 12).
2004. Trong các ân sủng đặc biệt, phải kể đến các ơn chức phận là những ơn được ban để thực thi các trách nhiệm của đời sống Kitô hữu và các thừa tác vụ trong Hội Thánh:
“Chúng ta có những đặc sủng khác nhau tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai được khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ tọa, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái, thì vui vẻ mà làm” (Rm 12, 6-8).
2005. Ân sủng, vì là siêu nhiên, nên vượt tầm kinh nghiệm của chúng ta, và chỉ có thể nhận biết được bằng đức tin. Vì vậy, chúng ta không thể dựa trên tình cảm hay các việc làm của chúng ta để từ đó suy ra rằng chúng ta đã được công chính hóa hay được cứu độ (Cđ. Trentô: DS 1533-15324 ). Tuy nhiên, theo lời Chúa phán: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,20), việc nhìn xem các hồng ân của Thiên Chúa, trong đời sống chúng ta và trong đời sống các Thánh, mang lại cho chúng ta một bảo chứng là ân sủng đang hoạt động trong chúng ta và khơi dậy nơi chúng ta một đức tin lớn mạnh hơn, và một thái độ nghèo khó đầy tín thác.
“Một trong những minh họa đẹp nhất của thái độ này là câu trả lời của thánh nữ Jeanne d’Arc trước một câu hỏi gài bẫy của các quan tòa của Giáo Hội: “Khi bị hỏi: cô có biết mình đang sống trong ân sủng của Thiên Chúa hay không cô trả lời : “Nếu tôi chưa có, xin Chúa ban cho tôi; nếu tôi có rồi, xin Chúa thương gìn giữ tôi trong ân sủng Ngài” (T.Gioana thành Ars).
III. CÔNG TRẠNG
“Chúa được tôn vinh trong cộng đồng các Thánh, và khi tuyên dương công trạng của các ngài, Chúa tuyên dương bằng chính hồng ân của Chúa” (x. Sách lễ Rôma, tiền tụng lễ các thánh, dựa theo lời của thánh Âutinh, vị tiến sĩ về ân sủng, Tv 102,7).
2006. Từ “công trạng” thường được dùng để chỉ sự trả công mà cộng đồng hay xã hỗi đánh giá hành động của một vị thành viên của mình, xét như điều đó tốt hay xấu, đáng được thưởng hay bị phạt. Công trạng thuộc về nhân đức công bằng theo nguyên tắc về sự bình đẳng, là nguyên tắc chi phối nhân đức đó.
2007. Trước mặt Thiên Chúa, theo nghĩa hẹp về quyền lợi, con người không có công trạng gì. Giữa Thiên Chúa và chúng ta có sự bất bình đẳng không thể đo lường, bởi vì chúng ta đón nhận mọi sự từ nơi Ngài, là Đấng Tạo Hóa của chúng ta.
2008. Công trạng của con người trước mặt Thiên Chúa trong đời sống Kitô hữu là do Thiên Chúa đã tự ý muốn liên kết con người với công trình của ân sủng của Ngài. Hành động đầy tình phụ tử của Thiên Chúa, bằng sự thúc đẩy của ân sủng, là trước hết, thứ đến mới là hành động tự do của con người trong sự cộng tác của họ, cho nên các công trạng của các việc tốt lành trước hết phải được quy về ân sủng của Thiên Chúa, rồi mới quy về tín hữu. Ngoài ra chính công trạng của con người phải quy về Thiên Chúa, bởi vì các việc tốt lành của họ đều diễn ra trong Đức Kitô, nhờ những khởi xướng và trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
2009. Nhờ ân sủng, ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, có thể đem lại cho chúng ta một công trạng đích thực theo đức công chính nhưng không của Thiên Chúa. Đây là một quyền có được nhờ ân sủng, quyền sung mãn của tình yêu, làm cho chúng ta nên những người “đồng thừa tự” với Đức Kitô và xứng đáng được hưởng phần gia tài đã được hứa ban là đời sống vĩnh cửu (Cđ. Tren-tô: DS 1546). Công trạng do các việc tốt lành của chúng ta là những hồng ân của lòng nhân hậu của Thiên Chúa. “Ân sủng đã được ban trước giờ, giờ đây nợ được trả…. Các hồng ân của Thiên Chúa là những công trạng của bạn (T. Âu-tinh, bài giảng 298,4-5)
2010. Vì sự khởi xướng trong lãnh vực ân sủng thuộc về Thiên Chúa, nên không ai có thể có công trạng gì để lãnh nhận ân sủng đầu tiên nơi cội nguồn việc hối cải, ơn tha thứ và sự công chính hóa. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần và của đức mến, chúng ta mới có thể lập công cho bản thân và cho tha nhân để được những ân sủng hữu ích cho việc thánh hóa, cho việc gia tăng ân sủng và đức mến của chúng ta, cũng như để đạt tới sự sống vĩnh cửu. Theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể lập công để đáng lãnh nhận những lợi ích trần thế, như sức khỏe, tình bằng hữu. Những ân sủng và hồng ân này là đối tượng của kinh nguyện Kitô giáo. Việc cầu nguyện đem lại ân sủng cần thiết cho chúng ta để các hành động có được công trạng.
2011. Tình yêu Đức Kitô trong chúng ta là nguồn mạch mọi công trạng của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Ân sủng, khi kết hợp chúng ta với Đức Kitô bằng một tình yêu năng động, bảo đảm phẩm tính siêu nhiên của các hành vi của chúng ta và do đó, bảo đảm công trạng của các việc đó trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt người ta. Các Thánh luôn ý thức mãnh liệt rằng các công trạng của các ngài hoàn toàn là ân sủng.
Sau cuộc lưu đày trần thế, con hy vọng sẽ được về vui hưởng Chúa nơi Quê hương, nhưng con không muốn thu thập công trạng để được lên trời, con muốn làm việc chỉ vì tình yêu Thiên Chúa mà thôi…. Lúc cuộc đời xế bóng, con sẽ đến trước mặt Chúa với đôi bàn tay trắng, vì, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm. Mọi sự công chính của chúng con đều mang tì vết trước mắt Chúa. Vì vậy, con muốn được mặc lấy sự công chính của chính Chúa và đón nhận từ tình yêu Chúa phần sở hữu muôn đời là chính Chúa… (FT. Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu, tận hiến cho tình yêu nhân từ).
IV. SỰ THÁNH THIỆN CỦA KITÔ HỮU
2012. “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài… Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Ngài cũng kêu gọi; những ai Ngài đã kêu gọi, thì Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài đã làm cho nên công chính, thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang” (x. Rm 8, 28-30 ).
2013. “Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và đến sự trọn hảo của đức mến” (x. LG 40). Mọi người đều được kêu gọi nên thánh: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
“Để đạt được sự trọn hảo đó, các tín hữu phải sử dụng những sức mạnh mình đã lãnh nhận tùy theo mức độ Đức Kitô đã ban, để… khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong mọi sự, họ sẽ hiến thân với hết tâm hồn cho vinh quang Thiên Chúa và cho việc phục vụ người lân cận. Như vậy, sự thánh thiện của dân Thiên Chúa sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào, như đã thấy một cách rõ ràng trong lịch sử Hội Thánh qua đời sống của bao vị thánh” ( x. LG 40).
2014. Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng hướng đến sự kết hợp ngày càng mật thiết hơn với Đức Kitô. Sự kết hợp này được gọi là “thần bí”, bởi vì tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô nhờ các bí tích “các mầu nhiệm thánh”, và trong Người, tham dự mầu nhiệm của Ba Ngôi Chí Thánh. Thiên Chúa kêu gọi tất cả chúng ta đến sự kết hợp mật thiết này với Ngài, mặc dù những ân sủng đặc biệt và những dấu chỉ ngoại thường của đời sống thần bí này chỉ được ban cho một số người, để biểu lộ hồng ân nhưng không được ban cho mọi người.
2015. Con đường của sự trọn hảo phải đi qua thập giá. Không thể có sự thánh thiện, nếu không có sự từ bỏ và cuộc chiến đấu thiêng liêng. Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng bao hàm sự khổ chế và hy sinh hãm mình, là những điều từng bước dẫn tới việc sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc:
“Ai trèo lên, người đó không bao giờ ngừng từ bắt đầu này tiếp sau bắt đầu kia, qua những bắt đầu không chấm dứt. Người đó không bao giờ ngừng ao ước đều người đó đã biết rồi” (T. Ghê-gô-ri-ô thành Nit-sê, bài giảng 8).
2016. Các con cái của Mẹ thánh chúng ta là Hội Thánh, hy vọng một cách chính đáng được Thiên Chúa là Cha ban ơn bền đỗ đến cùng và sự trả công vì những công việc tốt lành đã được thực hiện nhờ ân sủng của Ngài trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu. Các tín hữu, tuân giữ cùng một quy luật sống, được tham dự vào “niềm hy vọng hồng phúc” của những người mà lòng thương xót của Thiên Chúa đã quy tụ trong “Thành thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương tang điểm để đón tân lang” (Kh 21,2).
TÓM LƯỢC
(Trích bản toát yếu sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo)
1. Công chính hóa là gì?
T. Công chính hóa là công trình tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa. Đó là hành động nhân từ và nhưng không của Thiên Chúa, Đấng tha thứ tội lỗi cho chúng ta và làm cho chúng ta nên công chính, thánh thiện trong trọn vẹn bản thân chúng ta, điều đó được thực hiện nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, ân sủng mà chúng ta đáng được nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, và được trao ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa Tội. Việc công chính hóa mở đường cho lời đáp trả tự do của con người, nghĩa là cho đức tin vào Đức Kitô và cho sự cộng tác với ân sủng của Chúa Thánh Thần.
2. Ân sủng công chính hóa chúng ta là gì?
T. Ân sủng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban giúp chúng ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và có khả năng hành động vì tình yêu Thiên Chúa. Ân sủng này được gọi là ơn thường sủng, ơn thánh hóa hay ơn thần hóa, vì ân sủng thánh hóa và thần hóa chúng ta. Ân sủng siêu nhiên, vì tùy thuộc hoàn toàn vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa và vượt quá mọi khả năng lý trí và sức lực của con người. Vì vậy, ân sủng vượt khỏi kinh nghiệm của chúng ta.
3. Các loại ân sủng khác là gì?
T. Ngoài ơn thường sủng, còn có ơn hiện sủng (ân sủng tùy hoàn cảnh), các ơn Bí tích (ân sủng đặc biệt của mỗi Bí tích), các ân sủng đặc biệt hay đặc sủng (có mục đích là sự thiện ích của Hội Thánh), trong đó có ơn chức phận, là ơn đi kèm theo việc thi hành các thừa tác vụ trong Hội Thánh và các trách nhiệm của đời sống.
4. Đâu là tương quan giữa ân sủng với tự do con người?
T. Ân sủng dọn đường, chuẩn bị và khơi dậy lời đáp trả tự do của con người. Ân sủng thỏa mãn những khát vọng thâm sâu của sự tự do con người, mời gọi tự do cộng tác, và hướng dẫn tự do đến sự hoàn thiện.
5. Công phúc là gì?
T. Công phúc là điều đem lại quyền được thưởng cho một hành động tốt. Trong những liên hệ với Thiên Chúa, con người tự mình không có gì được gọi là công phúc, vì học lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho con người có khả năng lập công nhờ kết hợp vào đức ái của Đức Kitô, nguồn mạch các công phúc của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, công phúc của những việc lành trước hết là do ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến mới do ý chí tự do của con người.
6. Chúng ta có thể lập công để lãnh nhận những điều thiện hảo nào?
T. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thẻ lập công để lãnh nhận, cho chính mình và cho người khác, những ân sủng hữu ích cho việc thánh hóa bản thân và cho việc đạt tới đời sống vĩnh cửu, cũng như của cải vật chất cần thiết cho chúng ta, theo kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ai có thể lập công để lãnh nhận ân sủng đầu tiên, là ân ban lúc khởi đầu để sám hối và được nên công chính.
7. Có phải mọi người đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo không?
T. Mọi tín hữu đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo. Sự thánh thiện này là sự viên mãn của đời sống Kitô hữu, sự hoàn hảo của tình yêu, được thực hiện trong việc kết hợp mật thiết với Đức Kitô và trong Người, với Thiên Chúa Ba Ngôi. Con đường nên thánh của người Kitô hữu, sau khi kinh qua thập giá, sẽ được hoàn thành trong cuộc phục sinh chung cuộc của những người công chính, trong đó “Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài”.