2030. Chính trong Hội Thánh, trong sự hiệp thông với tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội mà Kitô hữu chu toàn ơn gọi của mình. Từ Hội Thánh, họ đón nhận Lời Thiên Chúa chứa đựng các đạo lý của “Luật Đức Kitô” (Gl 6,2). Từ Hội Thánh, họ lãnh nhận ân sủng của các bí tích nâng đỡ họ trên “đường”. Từ Hội Thánh, họ học mẫu gương của sự thánh thiện; họ nhận ra hình ảnh và nguồn mạch sự thánh thiện này nơi Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, phân định ra sự thánh thiện này qua chứng từ chân chính của những người đang sống theo sự thánh thiện; họ khám phá sự thánh thiện này trong truyền thống linh đạo và trong lịch sử lâu dài của các Thánh, những vị đã đi trước họ và phụng vụ đang mừng kính các ngài theo chu kỳ các Thánh.
2031. Đời sống luân lý là một việc phượng tự thiêng liêng. “Chúng ta dâng hiến thân xác mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Rm 12,1), trong Thân Thể Đức Kitô mà chúng ta họp thành, và trong sự hiệp thông với hiến lễ Thánh Thể của Người. Trong phụng vụ và trong việc cử hành các bí tích, lời cầu nguyện và đạo lý được kết hợp với ân sủng Đức Kitô, để soi sáng và nuôi dưỡng cách hành động của Kitô hữu. Cũng như toàn bộ đời sống Kitô hữu, đời sống luân lý gặp được nguồn mạch và tột đỉnh của mình trong Hy lễ Thánh Thể.
I. ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ VÀ HUẤN QUYỀN CỦA HỘI THÁNH:
2032. Hội Thánh, là ”cột trụ và điểm tựa của chân lý” (1Tm 3,15), “đã lãnh nhận từ các Tông Đồ mệnh lệnh long trọng của Đức Kitô là phải loan báo chân lý cứu độ” (x. LG 17) “Hội Thánh phải loan báo các nguyên tắc luân lý trong mọi thời và ở mọi nơi, kể cả những nguyên tắc về trật tự xã hội, cũng như phải phán đoán về tất cả các thực tại nhân sinh, trong mức độ mà các quyền căn bản của con người hay việc cứu độ của các linh hồn đòi hỏi (x.CIC, can, 747).
2033. Huấn Quyền của các mục tử Hội Thánh về vấn đề luân lý, thường được thực thi trong việc dạy giáo lý và giảng dạy, với sự trợ giúp của các công trình của các nhà thần học và các tác giả linh đạo. Như vậy, từ đời nọ đến đời kia, dưới sự hướng dẫn và cảnh giác của các mục tử, “kho tàng” luân lý Kitô giáo được lưu truyền, kho tàng đó là một tổng hợp đặc trưng các quy luật, các mệnh lệnh và các nhân đức xuất phát từ đức tin vào Đức Kitô và được ban sự sống bởi đức mến. Một cách theo truyền thống, việc dạy giáo lý này lấy Mười Điều Răn, cùng với Tín biểu và Kinh Lạy Cha, làm nền tảng, vì Mười Điều Răn loan báo những nguyên tắc của đời sống luân lý, hữu hiệu cho tất cả mọi người.
2034. “Đức Giáo Hoàng và các Giám mục, với tư cách là “những thầy dạy đích thực, nghĩa là những người giảng dạy bằng quyền bính của Đức Kitô, rao giảng cho dân được trao phó cho các ngài, những điều phải tin và phải áp dụng vào cách ăn nết ở” (x. LG 25). Huấn Quyền thông thường và phổ quát của Đức Giáo Hoàng và các Giám mục hiệp thông với ngài, dạy các tín hữu chân lý phải tin, đức mến phải thực thi, vinh phúc phải trông cậy.
2035. Cấp độ tối thượng của việc tham dự vào quyền bính của Đức Kitô được đảm bảo bởi đặc sủng là ơn bất khả ngộ. “Kho tàng mặc khải thần linh rộng bao nhiêu, thì ơn này trải rộng bấy nhiêu” (x. LG 25); ơn này cũng trải rộng tới tất cả các yếu tố của đạo lý về luân lý, trong đó có đạo lý về luân lý, nếu không có những yếu tố này, các chân lý cứu độ của đức tin sẽ không được bảo toàn, trình bày hay tuân giữ (x. CDF, décl. “Mysterium Ecclesiae” 3).
2036. Quyền bính của Huấn Quyền cũng trải rộng đến các mệnh lệnh đặc thù của luật tự nhiên, bởi vì việc tuân giữ các mệnh lệnh đó do đấng tạo hoá đòi hỏi, là cần thiết để được cứu độ. Khi nhắc lại các quy định của luật tự nhiên, Huấn quyền của Hội Thánh thực thi phần chính yếu của nhiệm vụ tiên tri của mình, là loan báo cho mọi người họ thật sự là gì, và nhắc nhở họ phải là gì trước mặt Thiên Chúa (x. DH 14) .
2037. Luật của Thiên Chúa, được ký thác cho Hội Thánh, với tính cách là con đường của sự sống và chân lý, được trao cho các tín hữu. Vì vậy, các tín hữu có quyền (x. CIC can, 213) được giáo huấn về các mệnh lệnh cứu độ của Thiên Chúa, chúng thanh luyện trí phán đoán và nhờ ân sủng, chữa lành lý trí con người đã bị tổn thương. Các tín hữụ có nghĩa vụ tuân giữ các hiến chế và sắc lệnh do quyền bính hợp pháp của Hội Thánh công bố. Những quyết định này, mặc dầu mang tính kỷ luật, vẫn đòi sự mau mắn vâng phục trong đức mến.
2038. Trong việc giảng dạy và áp dụng luân lý Kitô giáo, Hội Thánh cần đến sự tận tâm của các mục tử, kiến thức của các nhà thần học và sự đóng góp của mọi Kitô hữu và mọi người thiện chí. Đức tin và việc thực hành Tin Mừng đem lại cho mỗi người một kinh nghiệm về đời sống “trong Đức Ki-tô”, kinh nghiệm này soi sáng cho họ và giúp họ có khả năng đánh giá những thực tại thần linh và nhân linh theo Thần Khí của Thiên Chúa (x.1Cr 2,10-15). Như vậy, Chúa Thánh Thần có thể dùng những kẻ thấp hèn nhất, để soi sáng những người thông thái và những người có chức phận cao trọng hơn.
2039. Các thừa tác vụ phải được thực thi trong tinh thần phục vụ huynh đệ và tận tụy đối với Hội Thánh, nhân danh Chúa (x.Rm 12,8.11). Đồng thời khi đưa ra phán đoán luân lý về các hành vi cá vị của mình, lương tâm mỗi người phải tránh đừng khép kín trong sự quan tâm cá nhân. Hết sức có thể, phải cố gắng tự mở rộng để quan tâm đến lợi ích của mọi người, như được trình bày trong luật luân lý tự nhiên và được mạc khải, và tiếp đó trong luật Hội Thánh và trong đạo lý đích thực của Huấn quyền về các vấn đề luân lý. Không được đối nghịch lương tâm cá vị và lý trí với luật luân lý hay với Huấn Quyền của Hội Thánh.
2040. Như vậy, giữa các Kitô hữu, một tinh thần con thảo đích thực với Hội Thánh có thể tăng trưởng. Tinh thần đó là sự triển nở bình thường của ân sủng Phép Rửa, ân sủng này đã sinh chúng ta vào trong lòng Hội Thánh và làm cho chúng ta trở nên những chi thể của Thân Thể Đức Kitô. Hội Thánh, với sự quan tâm từ mẫu của mình, ban cho chúng ta lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót này vượt trên mọi tội lỗi của chúng ta, và hành động một cách đặc biệt trong bí tích Hòa Giải. Hội Thánh, như một người mẹ ân cần, cũng rộng ban cho chúng ta mỗi ngày, trong phụng vụ của mình, lương thực là Lời và Thánh Thể của Chúa.
II. CÁC ĐIỀU RĂN HỘI THÁNH
2041. Các điều răn Hội Thánh được đặt trong đường hướng một đời sống luân lý gắn liền với đời sống phục vụ và được đời sống phụng vụ nuôi dưỡng. Tính cách bắt buộc của các luật thiết định này được công bố bởi các quyền bính mục vụ, có mục đích cung cấp cho các tín hữu mức tối thiểu rất cần thiết về tinh thần cầu nguyện và về nỗ lực luân lý, để gia tăng lòng mến Chúa yêu người.
2042. Điều răn thứ nhất (“Vào các Chúa nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu phải tham dự Thánh Lễ và tránh những công việc nô dịch”) đòi các tín hữu thánh hóa ngày tưởng niệm cuộc Phục Sinh của Chúa, cũng như những lễ phụng vụ chính để tôn kính các mầu nhiệm của Chúa, của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc và của các Thánh, trước hết bằng việc tham dự cuộc cử hành Bí Tích Thánh Thể, trong đó cộng đoàn Kitô hữu được quy tụ, và tránh không làm những việc tự bản chất có thể ngăn trở việc thánh hóa những ngày đó (x. CIC, 1246-1248; CCEO 880, 3; 881).
Điều răn thứ hai: (“Xưng tội trong một năm ít là một lần”) bảo đảm việc chuẩn bị rước Thánh Thể bằng việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nối tiếp công việc hối cải và tha thứ của bí tích Rửa Tội (x. CIC, 989, CCEO, 719).
Điều răn thứ ba: (“Rước Mình Thánh Chúa ít là một lần trong mùa Phục Sinh”) bảo đảm mức tối thiểu trong việc rước Mình và Máu Thánh Chúa, được liên kết với các lễ trong mùa Phục Sinh, vì Phục Sinh là nguồn gốc và trung tâm của phụng vụ Kitô giáo (x. CIC, 920, CCEO, 708-881).
2043. Điều răn thứ tư: (“Kiêng thịt và giữ chay trong những ngày thống hối do Hội Thánh quy định”) bảo đảm thời gian khổ chế và thống hối để chuẩn bị cho chúng ta mừng các lễ phụng vụ, và giúp chúng ta làm chủ được các bản năng và đạt tới sựu tự do của trái tim (x. CIC, 1246, CCEO, 881,1,4; 880,3).
Điều răn thứ năm (“Đóng góp cho các nhu cầu của Hội Thánh”) dạy các tín hữu có bổn phận đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội Thánh, tùy theo khả năng mỗi người (x. CIC, 222; CCEO 25).
III. ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ VÀ CHỨNG TỪ TRUYỀN GIÁO
2044. Lòng trung thành của những người đã lãnh Phép Rửa là điều kiện tiên quyết đối với việc loan báo Tin Mừng và đối với sứ vụ của Hội Thánh trong trần gian. Để tỏ cho mọi người thấy sức mạnh của nó về chân lý và sự rạng ngời, sứ điệp cứu độ phải được chứng thực bằng chứng từ của đời sống các Kitô hữu và các việc tốt lành được thực thi với tinh thần siêu nhiên, có sức mạnh lôi kéo người ta đến với đức tin và đến với Thiên Chúa (x. AA. 6).
2045. Bởi vì là chi thể của Thân Thể mà Đức Ki-tô là Đầu (x. Eph1,22), các Kitô hữu góp phần vào việc xây dựng Hội Thánh bằng sự kiên trì trong xác tín của mình và trong đời sống luân lý của mình. Hội Thánh được tăng số, lớn lên và triển nở bằng sự thánh thiện của các tín hữu của mình (x.LG 39), cho tới khi chính họ làm thành “con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Eph 4,13).
2046. Bằng đời sống theo Đức Kitô của mình, các Kitô hữu làm cho Nước Thiên Chúa mau đến, đó là “Nước của công bằng, của tình yêu và của bình an” (x. MR). Nhưng không vì thế mà họ xao lãng nhiệm vụ trần thế của mình; chính họ, trung thành với Thầy mình, chu toàn nhiệm vụ đó với sự ngay thẳng, với sự nhẫn nại và với tình yêu .
TÓM LƯỢC
(Trích bản toát yếu sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo)
1. Hội Thánh nuôi dưỡng đời sống luân lý của người Kitô hữu như thế nào?
T. Hội Thánh là cộng đoàn các người Kitô hữu. Trong Hội Thánh, họ đón nhận Lời Chúa và những giáo huấn về “Luật của Đức Kitô” (Gl 6,2), lãnh nhận ân sủng các Bí tích, kết hợp bản thân vào hy lễ Thánh Thể của Đức Kitô, để đời sống luân lý của họ trở thành một phượng tự thiêng liêng. Trong Hội Thánh, họ học gương thánh thiện của Đức Trinh Nữ Maria và của các thánh.
2. Tại sao Huấn quyền Hội Thánh can thiệp vào lĩnh vực luân lý?
T. Bởi vì Trách nhiệm của Huấn quyền Hội Thánh là rao giảng đức tin để mọi người tin và áp dụng đức tin vào đời sống cụ thể. Trách nhiệm này cũng bao gồm cả những điều răn đặc thù của luật tự nhiên, bởi vì tuân giữ những điều răn đó rất cần thiết cho ơn cứu độ.
3. Các điều răn của Hội Thánh có mục đích gì?
T. Năm điều răn của Hội Thánh có mục đích đảm bảo cho người tín hữu những điều tối thiểu thiết yếu về tinh thần cầu nguyện, đời sống Bí Tích, dấn thân luân lý và tăng trưởng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.
4. Năm điều răn của Hội Thánh là gì?
T. Năm điều răn của Hội Thánh là: 1) tham dự Thánh lễ Chúa nhật cũng như các ngày lễ buộc, kiêng việc xác và những hoạt động có thể cản trở việc thánh hóa những ngày đó; 2) xưng tội để lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa ít là mỗi năm một lần; 3) Rước lễ ít là trong mùa Phục Sinh; 4) Kiêng thịt và giữ chay trong những ngày Hội Thánh quy định; 5) Mỗi người theo khả năng, đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội Thánh.
5. Tại sao đời sống luân lý của người Kitô hữu rất cần thiết để loan báo Tin Mừng?
T. Nhờ đời sống luân lý phù hợp với Chúa Giêsu, các người Kitô hữu lôi kéo mọi người tin vào Thiên Chúa thật; họ xây dựng Hội Thánh; đem tinh thần Tin Mừng vào giữa lòng đời và chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa đến