CÙNG VỚI ÐỨC MARIA TRÔNG ÐỢI CHÚA THÁNH THẦN NƠI NHÀ TIỆC LY.
Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, sau khi đã kể tên 11 vị tông đồ, thánh Luca tiếp tục nói những lời hết sức quý giá đối với các Kitô hữu: “Hết thảy họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với các phụ nữ và Ðức Maria, Mẹ Ðức Giêsu và các anh em Ngài” (Cv 1, 14). Trong suy niệm này, chúng ta sẽ đi tới Núi Canvê, đến Nhà Tiệc Ly, và đi từ mầu nhiệm Vượt Qua sang mầu nhiệm Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Biến cố Thánh Thần Hiện Xuống bất thần xảy đến vào cuối cuộc đời Ðức Giêsu, sau khi lịch sử Cứu Ðộ đã đạt tới tột đỉnh. Chúng ta hiểu điều đó, vì giữa chúng ta và Chúa Thánh Thần như có hai bức tường ngăn cách, ngăn cản mối liên hệ trao đổi: bức tường tự nhiên và bức tường tội lỗi. Bức tường tự nhiên: vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí, còn chúng ta là xác thịt. Giữa Thánh Thần và xác thịt là một vực thẳm. Bức tường tội lỗi: vì ngoài sự phân cách do bản tính, còn có sự phân cách do tội lỗi nữa: “Chính tội ác của các ngươi đã ngăn cách giữa các ngươi và Thiên Chúa của các ngươi” (Ys 59, 2). Hai bức tường này phải được phá đổ hay nói cách khác đi, hai vực thẳm này phải được lấp đầy để Thần Khí có thể tràn xuống trên chúng ta. Ðây chính là điều mà công trình Cứu Chuộc của Ðức Kitô đã thực hiện. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài đã phá đổ bức tường ngăn cách tự nhiên, nối kết nơi chính mình Ngài: Thiên Chúa và con người, Thần Khí và xác thịt. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Ngài đã phá đổ bức tường ngăn cách của tội lỗi. Như chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Gioan: “Thần Khí chưa có, bởi Ðức Giêsu chưa được tôn vinh” (Yn 7, 39). Trước hết Ðức Giêsu phải chết đi để Ðấng An Ủi có thể đến (x. Yn 16, 7). Khi chết cho tội lỗi, Ðức Giêsu đã phá đổ bức tường thứ hai này. Thánh Phaolô đã nói: “Ngài đả phá hủy thân xác tội lỗi” (Rm 6, 6). Từ đó, không còn gì có thể ngăn cản Thánh Thần tuôn đổ, điều này quả thực đã xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần.
Tuy nhiên, nếu trong việc thực hiện hay tạo ra ơn cứu độ, Thánh Thần Hiện Xuống xảy ra ở điểm kết thúc, thì trong việc áp dụng ơn cứu độ cho chúng ta, Thánh Thần Hiện Xuống phải được đặt ở điểm khởi đầu. Nói rõ hơn: chúng ta không kết thúc với Thánh Thần mà là khởi đầu với Thánh Thần. Trong đời sống Giáo Hội cũng như trong đời sống mỗi người chúng ta, Thánh Thần không đến để hoàn thành tất cả, hay như một phần thưởng cho các việc làm, cho những gian lao thử thách của chúng ta. Ngược lại mới đúng. Nếu không có Thánh Thần thì chúng ta không thể làm được gì, ngay cả nói: “Giêsu là Chúa!” một cách có hiệu quả (x. 1C 12, 3). Ðời sống thiêng liêng của chúng ta khởi đầu với bí Tích Rửa Tội, và đó cũng chính là ngày lệ Ngũ Tuần của chúng ta.
Tất cả điều này đủ để chúng ta hiểu rằng giai đoạn thứ ba của cuộc hành trình theo bước chân Ðức Maria không giống như một thứ phụ trương, một sự thêm vào những chân lý lớn lao chiêm ngắm thấy trong mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Vượt Qua. Giai đoạn này là phương thế thiết yếu để những chân lý lớn lao đó trở nên có hiệu lực trong đời sống chúng ta. Chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta có thể bắt chước Ðức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể qua việc thụ thai, sinh hạ Ðức Giêsu và trở nên, cả chúng ta nữa, Mẹ của Ngài theo nghĩa thiêng liêng. Chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta có thể bắt chước Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, việc đứng dưới chân Thập Giá như Mẹ, trong lòng tin và niềmcậy trông.
Ðức Maria trong và sau ngày lễ Ngũ Tuần.
Khi thấy Tân Ước ít nói về Ðức Maria bao nhiêu thì người ta lại lấy làm ngạc nhiên bấy nhiêu khi gặp lại Ðức Maria đúng lúc, sau đồi Canvê là nhà Tiệc Ly, vào giây phút Thánh Thần Hiện Xuống. Như thế, Ðức Maria đã hiện diện vào ba thời điểm chủ chốt của mầu nhiệm Kitô giáo và của Giáo Hội: Nhập Thể, mầu nhiệm Vượt Qua và lễ ngũ Tuần.
Ðiều quan trọng trước tiên là cần phải loại bỏ một cảm tưởng sai lầm trong vấn đề chúng ta đang đề cập. Ở nhà Tiệc Ly cũng như trên đồi Canvê, Ðức Maria được nhắc tới cùng với các phụ nữ khác. Người ta có thể nghĩ rằng Ðức Maria hiện diện ở đó chỉ như một người trong số họ. Nhưng, cả ở đây nữa, tước hiệu “Mẹ Chúa Giêsu” theo sau tên của Người đã làm thay đổi tất cả, và đặt Ðức Maria lên một bình diện không những hoàn toàn vượt trên các phụ nữ mà còn vượt trên cả các tông đồ. Sự kiện Ðức Maria hiện diện ở đó trong tư cách là Mẹ Ðức Giêsu có ý nghĩa gì? Thưa, có ý nghĩa là, Thánh Thần, Ðấng sắp ngự xuống, chính là “Thần Khí của Con Mẹ!” Giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần có một mối liên kết khách quan, không thể cắt đứt: mối liên kết đó là chính Ðức Giêsu mà các ngài cùng sinh ra. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta đọc rằng Ðức Giêsu đã nhập thể “trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần”. Vì vậy Ðức Maria hiện diện ở nhà Tiệc Ly không phải chỉ như một trong số các phụ nữ, mặc dù bên ngoài không có điều gì phân biệt Người với những người khác và dù Người đã không làm gì để phân biệt mình với các phụ nữ khác.
Dưới chân Thập Giá, Ðức Maria xuất hiện như là Mẹ của Giáo Hội, ở đây, nơi nhà Tiệc Ly, Người xuất hiện như Người Mẹ đỡ đầu Giáo Hội. Một Người Mẹ đỡ đầu mạnh mẽ và đáng tin cậy. Ðể có thể chu toàn vai trò của mình, mẹ đỡ đầu phải là người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Ðức Maria là một Người Mẹ như thế: Người đã chịu Phép Rửa bởi Thánh Thần, và giờ đây Người mang Giáo Hội đến chịu Phép Rửa bằng Thánh Thần. Nếu người sắp chịu Phép Rửa là người đã trưởng thành thì người mẹ đỡ đầu giúp họ trong việc chuẩn bị: đó chính là điều Ðức Maria đã làm đối với các tông đồ và là điều Người đang làm đối với chúng ta.
Trước khi chào từ biệt Mẹ Thiên Chúa vào giờ Mẹ sắp rời bỏ trần gian, chúng ta thử nhìn vào đời sống của Mẹ sau ngày lễ Ngũ Tuần. Trong lãnh vực này, các nguồn tài liệu không nói gì về mặt lịch sử, chúng ta chỉ biết rằng Mẹ đã sống ở nhà Gioan. Tuy nhiên, chúng ta còn một tài liệu đặc biệt “nhờ phương pháp qui nạp”. Nguồn này phát xuất từ kinh nghiệm của các thánh và từ đó ngược lên đến kinh nghiệm của Người Mẹ Toàn Thánh. Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa của Công Ðồng Vaticanô II nói: “Sự nhận thức các sự việc cũng như lời nói trong Kinh Thánh sẽ tăng triển hoặc nhờ sự chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu hoặc nhờ sự thông hiểu những điều thiêng liêng họ cảm nghiệm được 1“. Ðiều đó có nghĩa là sự nhận thức tăng triển không chỉ khởi đi từ việc chú giải Lời Chúa, mà còn từ những hoa trái và những thành tựu mà chính Lời Chúa đã làm phát sinh trong Giáo Hội. Từ kinh nghiệm của các thánh, chúng ta không thể kết luận gì về cuộc đời bên ngoài của Ðức Maria, nhưng chúng ta có thể rút ra từ đó một số điều về đời sống nội tâm của Mẹ, vì trong lãnh vực của đời sống thánh thiện cũng có một số những định luật, những tính chất không đổi, giống như trong lãnh vực nghệ thuật hay khoa học. Những điều này không liên hệ gì đến sự hiểu biết phát xuất từ những mạc khải tư về cuộc đời Ðức Trinh Nữ Maria, những mạc khải thực sự hay phỏng đoán là như thế, có ý thuật lại những hoàn cảnh bên ngoài hoặc những biến cố nào đó xảy ra trong cuộc đời Ðức Maria trước hoặc sau lễ Vượt Qua.
Trước tiên, chúng ta có thể nêu lên một sự kiện mang tính chất phủ định nhưng lại là một chỉ dẫn mang tính chất khẳng định về Ðức Maria: qua thư của các tông đồ, đặc biệt qua những lời chào cuối thư mà chúng ta biết được một số lớn nhân vật, thuộc cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, trong dó có cả những phụ nữ với tên gọi cũng như nghề nghiệp của họ. Chúng ta biết bà Lydie buôn len cánh kiến ở thành Philip, Aquilla và Priscilla làm nghề dệt lụa như thánh Phaolô . chúng ta cũng thấy nói tới một Maria nào đó (x. Rm 16, 6) nhưng không phải là Mẹ của Ðức Giêsu. Về Maria Mẹ của Ðức Giêsu, ta không thấy nói đến. Mẹ ẩn khuất trong thinh lặng sâu thẳm nhất. Ðức Maria là vị ẩn tu đầu tiên của Giáo Hội, tôi thích nghĩ như thế. Sau Lễ Ngũ Tuần, Người như đã đi vào đời sống tu viện. Từ nay, cuộc sống của Người là “một cuộc sống ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa” (x. Co 3, 3). Ðây là trường hợp luận chứng được rút ra từ sự “thinh lặng”, tuy khác với những gì diễn ra thông thường, nhưng lại là một luận chứng chắc chắn nhất và hùng hồn nhất. Ðức Maria đã mở đầu ơn gọi hay cái hồn thứ hai trong Giáo Hội, đó là hồn ẩn giấu và cầu nguyện bên cạnh hồn tông đồ hoặc hoạt động. Sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ lập tức ra chốn công đường rao giảng và sau đó các ngài ra đi, thiết lập và cai quản các giáo đoàn, coi thường việc bị điệu ra tòa xét xử, và ngay cả triệu tập một công đồng. Ðức Maria thì không như thế. Nói một cách lý tưởng, Người đã ở lại cầu nguyện với các phụ nữ trong nhà Tiệc Ly, qua đó cho thấy rằng trong Giáo Hội, hoạt động không phải là tất cả, ngay cả là hoạt động vì Nước Trời, hoạt động không thể thiếu những tâm hồn cầu nguyện trợ lực. Ðức Maria là nguyên mẫu của Giáo Hội cầu nguyện.
Ðây chính là điều mà bức icône về Ðức Maria lúc Ðức Giêsu Lên Trời muốn trình bày: bức icône này đi kèm với những suy niệm vừa rồi. Bức tranh không chỉ diễn tả lúc Chúa Lên Trời mà còn cho ta thấy đặc sủng và chỗ đứng riêng của Ðức Maria trong thời gian Giáo Hội, là thời gian bắt đầu với sự ra đi của Ðức Giêsu. Ðiều này càng đúng hơn nữa khi thánh Phaolô, tuy đã không hiện diện lúc Ðức Giêsu Lên Trời, nhưng đã được vẽ trên icône (phía bên phải, nếu nhìn vào Ðức Maria). Ðức Maria đứng thẳng đôi tay giang ra trong tư thế cầu nguyện, tách biệt với phần cảnh còn lại bởi các thiên thần vận đồ trắng, vây quanh Người như một bức tường. Mẹ ở giữa như cột buồm to lớn bảo đảm sự thăng bằng và vững vàng cho con tàu. Chung quanh Mẹ là các tông đồ, mỗi vị nhấc một chân hoặc giơ một tay lên trong tư thế chuyển động, diễn tả Giáo Hội hoạt động, ra đi thi hành sứ mạng rao giảng và hoạt động. Bên dưới Ðức Giêsu, Ðức Maria đứng yên, ngay nơi điểm mà từ đó Ngài đã cất mình lên, như thể để gìn giữ ký ức và niềm trông đợi Ðức Giêsu.
Chúng ta có thể hiểu được đặc sủng này của Ðức Maria bằng cách khởi đi từ kinh nghiệm của các thánh để từ đó lên tới Ðức Maria như chúng ta đã nói. Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu đã mô tả việc khám phá ra ơn gọi của mình torng Giáo Hội như thế nào. Khi nghe thánh Phaolô kể ra các đặc sủng khác nhau, Têrêsa ước ao mãnh liệt được sống tất cả các đặc sủng đó. Ngài những mong được làm tông đồ, Linh Mục, trinh nữ, tử đạo . nhưng làm thế nào đây? Những niềm khát khao đó đã thực sự trở thành mối đau khổ dằn vặt thánh nữ, cho tới ngày Têrêsa khám phá ra rằng: Thân Thể Ðức Kitô có một trái tim, và trái tim này làm cho mọi chi thể hoạt động, không có trái tim, tất cả sẽ ngừng hoạt động. Với niềm vui sướng ngập tràn, thánh nữ kêu lên: “Trong trái tim Giáo Hội, Mẹ của tôi, tôi sẽ là tình yêu và như thế tôi sẽ là tất cả! 2“. Têrêsa khám phá ra điều gì trong ngày đó? Thánh nữ đã khám phá ra ơn gọi của Ðức Maria. Làm trái tim yêu thương trong Giáo Hội, trái tim mà không ai nhìn thấy.
Vậy, sau ngày Lễ Ngũ Tuần, cuộc đời Ðức Maria được dệt bằng gì? Bằng cầu nguyện. Tác giả hạnh thánh Phanxicô Assisi khẳng định rằng, về cuối đời “không còn là một người cầu nguyện nữa nhưng chính cầu nguyện đã làm người 3“. Ở đây, phải nói thế nào về Mẹ Thiên Chúa?
Chúng ta không biết đời sống cầu nguyện của Ðức Maria là như thế nào, nhưng xuất phát từ “nhận thức những điều thần thiêng” có thể rút ra từ kinh nghiệm các thánh, chúng ta có thể có được một vài trực giác về điều đó. Các nhà thần bí đã mô tả điều xảy ra trong tâm hồn mình sau khi trải qua đêm tối đức tin và được biến đổi trong Ðức Kitô. Tâm hồn họ trở nên như một ngọn lửa tình yêu. Ðời sống của họ, như định nghĩa của thánh Augustinô, biến đổi “trọn vẹn thành niềm khao khát thánh thiện 4“. Thánh Gioan Thánh Giá có viết một bài thơ ngắn mang tựa đề: “Bài ca của linh hồn mòn mõi khát khao được nhìn thấy Thiên Chúa”. Mỗi đoạn thơ kết thúc bằng điệp khúc: “Tôi chết vì tôi không chết 5“. Ở đây, sự chia lìa với Thiên Chúa là điều không thể chịu nổi và đau đớn đối với linh hồn hơn là với sự chia lìa với thân xác. Chính vì thế linh hồn đã nói: “Tôi chết vì tôi không chết”. Một nhà thần bí cổ thời người Syri, khi diễn tả những cảm nghiệm giống như những cảm nghiệm của thánh Gioan Thánh Giá, đã khẳng định rõ: “Tôi mong mõi héo hon không phải vì tiệc cưới nhưng bởi niềm khao khát vị Hôn Phu 6“. Ông muốn nói ; linh hồn khao khát trời cao không phải để được lãnh nhận phần thưởng, nhưng duy chỉ vì yêu Chúa mà thôi.
Một khi đạt tới mức độ đó, nhu cầu và ước muốn của linh hồn được kết hiệp với Thiên Chúa và chiếm hữu Ngài trọn vẹn trở nên mãnh liệt đến nỗi, theo như lời các thánh, việc tiếp tục sống nơi trần gian trở thành một cuộc tử đạo thực sự. Linh hồn không hiểu nổi tại sao Thiên Chúa để mình tiếp tục sống xa Ngài, như thể Thiên Chúa hoàn toàn lãng quên, không còn nhớ đến mình, đồng thời linh hồn biết mình không còn có thể nào sống xa cách với Ngài. Một phụ nữ Mêhicô, là mẹ một gia đình, sau đó góa chồng, và vụ án phong thánh cho bà được tiến hành, có một đời sống thần bí mà một số người đã so sánh với đời sống thần bí của thánh Têrêsa Avila. “Khoảng 20 năm cuối đời, người ta thấy nơi bà một hình thức sùng kính mới đối với Ðức Maria, đó là bắt chước “đời sống cô tịch” của Mẹ Thiên Chúa lúc cuối đời, khi mà đời sống yêu thương của Mẹ Ðức Giêsu đạt tới tột đỉnh 7“. Sự cô tịch của Ðức Maria hay soledad, như bà đã gọi, có nghĩa vừa là sự cô đơn vừa là sự cô quạnh, một cuộc tử đạo lặng lẽ trong đức tinh tuyền và trong sự vắng mặt bề ngoài của Con mình, đang ở trên trời.
Tất cả những điều này mang đến cho chúng ta một ánh sáng mới về đời sống của Ðức Maria sau lễ Vượt Qua. Cũng như mọi tín hữu khác. Ðức Maria cảm thấy gì khi đọc Thánh Vịnh 42: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42, 3). Bao giờ tôi được thấyNgài, bao giờ? Ðức Giêsu từng nói, kho tàng chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó (x. Mt 6, 21). Từ nay kho tàng của Ðức Maria ở đâu? Ðức Giêsu đang ở đâu? Nếu điều này đúng trên bình diện nhân loại đối với rất nhiều bà mẹ mất đi đứa con trẻ và đang phải sống cô quạnh, thì chúng ta nghĩ xem nó phải đúng với Ðức Maria đến thế nào nữa. Nếu thánh Phaolô, tất nhiên là người bạn nghĩa thiết, nhưng là bạn chứ không là mẹ của Ðức Giêsu, đã có thể nói: “Tôi ước mong được thoát khỏi thân xác để được ở cùng Ðức Kitô” (x. Ph 1, 23), thì phải nói thế nào về Ðức Maria? Và Người đã cảm thấy gì khi đọc lên những Thánh Vịnh hành hương: “Tấm thân con mòn mõi đợi trông Ngài . Mảnh hồn này khát khao mòn mõi, mong tới được khuôn viên đền vàng” (Tv 63, 2 ; 84, 3).
Sau lần xuất thần ở Ostie, nơi mà thánh Monica cùng với con là Augustinô phần nào cảm nếm được đời sống vĩnh cửu, thánh nữ đã lặp đi lặp lại: “Tôi làm gì ở đây nhỉ?” vài ngày sau, thánh nữ qua đời 8. “Tôi làm gì ở đây nhỉ?” Mẹ Ðức Giêsu đôi lúc lại không thốt ra những lời như thế hay sao? Kierkegaard, triết gia và là một Kitô hữu, đã viết: “Các nhà thông thái của Giáo Hội cứ việc tranh cãi về Ðức Trinh Nữ Maria được đưa lên trời, phần tôi, việc Người được đưa lên trời không phải là điều không thể hiểu được, vì lẽ Ðức Maria đã không còn thuộc về trần gian này 9“.
Chúng ta đã nói Ðức Maria, vào ngày Lễ Ngũ Tuần và thời gian sau đó, là nguyên mẫu của tâm hồn cầu nguyện. Chúng ta có thể biết gì về đời sống cầu nguyện của Ðức Maria? Thánh Augustinô giải thích, bản chất của cầu nguyện là niềm khao khát Thiên Chúa “trào dâng từ đức tin, đức cậy và đức mến. “Niềm khao khát đó là lời cầu nguyện của bạn, nếu niềm khao khát của bạn liên tục thì lời cầu nguyện của bạn cũng liên tục. Vì thế, không phải là vô ích khi thánh Tông Ðồ nói: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1Th 5, 17). Nhưng phải chăng lúc nào chúng ta cũng quì gối, cúi mình giơ cao tay, vì thánh Phaolô nói: “Hãy cầu nguyện không ngừng?” Nếu cầu nguyện là như thế thì tôi nghĩ chúng ta không thể làm điều đó mà không phải ngừng nghỉ. Có một cách cầu nguyện khác thuộc nội tâm và không gián đoạn: đó là niềm khao khát. Dù bạn có làm việc gì đi nữa, nếu bạn khát mong ngày “Sabbat” này, bạn sẽ không khi nào ngừng cầu nguyện. Chính vì thế, nếu bạn không muốn ngừng cầu nguyện thì bạn hãy khát khao không ngơi. Niềm khao khát liên tục của bạn sẽ như một tiếng kêu xin liên lỉ 10“. Ðức Maria đã biết cầu nguyện liên lỉ vì niềm khao khát Thiên Chúa, khao khát ngày “Sabbat” vĩnh cửu và sự yên nghỉ nơi Giêrusalem Thiên Quốc của Người là niềm khao khát không ngơi.
Ngay cả trong thời gian sau Lễ Ngũ Tuần, đời sống Ðức Maria hẳn phải giữ được đặc tính căn bản mà chúng ta gặp thấy trong mọi kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa: đó là vẻ hết sức đơn giản bên ngoài gắn liền với nét cao cả, huy hoàng của thực tại bên trong. Bên ngoài, Ðức Maria hẳn mang dáng vẻ của “một phụ nữ luống tuổi, nhỏ nhắn, hiền lành, mỗi lúc một nhăn nheo hơn và mỗi lúc một hiền hậu hơn”. Là Trinh Nữ và là Mẹ, Ðức Maria cũng đã là “quả phụ” và là Mẹ, vì thế Người đã thánh hóa cảnh ngộ này của rất nhiều phụ nữ bằng chính cuộc đời mình. Ðức Maria là như thế nào “trong thẳm sâu”, đó vẫn là một bí ẩn mà Thiên Chúa giữ vững cho một mình Ngài. Một tác giả tu đức thế kỷ IV đã mô tả đời sống nội tâm của những người đạt tới sự kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa. Xuyên qua đời sống thiêng liêng đã đạt đến mức hoàn hảo, chúng ta có thể biết được điều gì đó xảy ra nơi tâm hồn, trong trái tim của Mẹ Thiên Chúa: “Ðôi lúc, họ như bị chìm ngập trong buồn sầu và nước mắt, vì thế họ không ngừng cầu nguyện cho con người, nước mắt trào tuôn vì tình yêu mãnh liệt dành cho nhân loại. Ðôi khi thì ngược lại, nhờ Thánh Thần, họ cháy bừng niềm vui và lòng mến đến nỗi, nếu có thể được, họ muốn mang lấy tất cả mọi người trong trái tim mình, không phân biệt người lành cũng như kẻ dữ. Có những lúc, vì khiêm hạ, họ thấy mình ở dưới mọi người . Thường thì tâm hồn họ an nghỉ trong thinh lặng thần nhiệm, trong an tĩnh và yên bình, họ đắm mình trong hoan lạc thần thiêng, trong sự hài hòa tuyệt hảo. Họ nhận được những ơn ưu việt: ơn thông hiểu, ơn khôn ngoan khôn tả, ơn hiểu biết vô tận của Thánh Thần, theo cách này, ân sủng dạy cho họ những điều mà ngôn ngữ không thể trình bày, lời nói không thể diễn tả. Ngược lại những lúc khác họ xử sự như mọi người 11“.
Ðây là những tia sáng đầu tiên của đời sống vĩnh cửu, mở đầu cho sự gặp gỡ đối diện với Thiên Chúa. Nơi Ðức Maria, những tia sáng này chắc chắn đã không yếu hơn, nhưng mãnh liệt hơn nhiều so với tất cả các thánh.
Cầu nguyện để đón nhận Thánh Thần.
Giờ đây, theo thói quen, chúng ta tiến tới việc chiêm ngắm Ðức Maria như hình bóng và tấm gương của Giáo Hội. Ðức Maria nói gì với chúng ta qua sự hiện diện của Người ở nhà Tiệc Ly vào ngày Lễ Ngũ Tuần, và qua sự hiện diện cầu nguyện trong lòng cộng đoàn Kitô hữu sau Lễ Ngũ Tuần? Với ước mong theo sát với bản văn Công Vụ Tông Ðồ bao nhiêu có thể, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tóm tắt giáo huấn về Ðức Maria trong ba điểm:
Ðiểm thứ nhất: Trước khi thực hiện bất cứ điều gì và trước khi tiến bước trên các nẻo đường trần gian, Giáo Hội cần phải đón nhận Thánh Thần.
Ðiểm thứ hai: Ðể đón nhận Thánh Thần đến, Giáo Hội phải chuẩn bị nhất là bằng cầu nguyện.
Ðiểm thứ ba: Việc cầu nguyện đó phải đồng tâm nhất trí và kiên trì.
Trước hết, Chúa Thánh Thần rất cần thiết cho Giáo Hội. Khi các tông đồ hỏi xem bao giờ Vương Quyền Thiên Chúa sẽ đến, Ðức Giêsu trả lời: “Các ngươi sẽ nhận lấy quyền lực Thánh Thần sẽ đến trên các ngươi, các ngươi sẽ là chứng tá của Ta” (Cv 1, 6 – 8). Ðức Giêsu dặn họ đừng rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi lời hứa được thực hiện và họ “được thanh tẩy trong Thánh Thần” (Cv 1, 4 – 5). Lời dặn bảo này của Ðức Giêsu kết thúc Phúc Âm thánh Luca: “Các ngươi hãy ở lại trong thành cho đến bao giờ các ngươi được mặc lấy mãnh lực trên ban” (Lc 24, 49).
Các môn đệ còn mang ý tưởng sai lầm về Nước Thiên Chúa và về việc Nước Chúa đến. Qua những lời nói đó, Ðức Giêsu uốn nắn lại quan niệm sai lầm của họ về bản chất của Nước Thiên Chúa và về việc Nước Chúa đến. Họ sẽ lãnh nhận Thánh Thần và nhờ Thánh Thần, họ sẽ làm chứng cho Ðức Giêsu, sẽ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Người ta sẽ trở lại, và đó chính là Nước Chúa đến. Ðoạn tiếp theo của trình thuật cho thấy lời hứa được thực hiện đúng thời gian. Các môn đệ chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự đến. Họ được mặc lấy quyền lực trên ban. Họ bắt đầu rao giảng cho đám đông dân chúng cách mạnh dạn. Ba ngàn người bị đâm thấu lòng. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ra đời. Tất cả những điều này được trình bày cách rõ ràng như một định luật, một mẫu mực, được đặt ra ngay từ buổi đầu của lịch sử Giáo Hội, để nói cho Giáo Hội ở mọi thời biết Nước Chúa đến như thế nào, theo định luật nào, và đâu là những đòi hỏi hay động lực phát triển của Nước Chúa. Vì thế điều này cũng có giá trị cho chúng ta hôm nay. Chúng ta không thể đi rao giảng nơi các quảng trường cách kết quả nếu không đi qua nhà Tiệc Ly, nếu trước hết không mặc lấy quyền lực trên ban. Trong Giáo Hội, tất cả mang sức mạnh và ý nghĩa nhờ Thánh Thần hoặc sẽ không có sức mạnh và ý nghĩa gì. Thật chí lý khi có lời viết: “Không có Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ vẫn ở thật xa ; Ðức Kitô vẫn ở trong quá khứ; Tin Mừng là chữ chết, Giáo Hội đơn thuần là một tổ chức, quyền bính chỉ là sự thống trị ; các công cuộc truyền giáo chỉ là sự tuyên truyền ; phụng tự đơn thuần là kỷ niệm ; cuộc sống của các Kitô hữu chỉ là một thứ luân lý của những kẻ nô lệ. Nhưng trong Thánh Thần, thế giới chỗi dậy và rên siết trong cơn đau sinh hạ Nước Chúa ; con người chiến đấu chống lại xác thịt ; Ðức Kitô Phục Sinh hiện diện ; Tin Mừng làm sự sống nẩy mầm ; Giáo Hội là dấu chỉ của hiệp thông Ba Ngôi ; quyền bính phục vụ cho sự giải thoát ; các công cuộc truyền giáo là một lễ Hiện Xuống, Phụng Vụ là một tưởng niệm và là một sự thực hiện trước ; cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống được thần hóa 13“.
Ðiểm thứ hai là việc chuẩn bị cho Lễ Ngũ Tuần, cho ơn ban Thánh Thần bằng cầu nguyện. Thái độ của các tông đồ trước khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống thực tế là thái độ nào? Phải chăng các ngài tranh cãi về bản tính của Chúa Thánh Thần hay về điều gì đó tương tự? Không, các ngài đã cầu nguyện! Ðể cho sự kiện này được nổi rõ hơn, thiết tưởng cần phải xác định thêm một chút. Sau khi đề cập đến nhóm nhỏ chuyên cầu nguyện (Cv 1, 14), sách Công Vụ nói về việc tuyển chọn người thay thế Giuđa (Cv 1, 15 – 26), ngay sau đó là trình thuật về Lễ Ngũ Tuần. Như thế, có vẻ như Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các tông đồ không phải lúc họ đang cầu nguyện mà là trong lúc họ tranh luận, bàn thảo. Nhưng, qua khảo sát bản văn, người ta thấy sự việc được mô tả trong Công vụ 1, 15 – 26 là một sự việc có thể đã diễn ra vào lúc khác nhưng người ta đã đặt xen vào đó (bản văn nói đến một trăm hai mươi người tề tựu nên khó có thể nào vào phòng trên lầu mà trước đó có nói đến). Trình thuật Thánh Thần Hiện Xuống rõ ràng gắn với việc cầu nguyện sốt sắng nhiệt thành của nhóm nhỏ mà chúng ta vừa nói tới 14.
Như vậy, điều xảy ra lúc Ðức Giêsu chịu phép rửa đã được lặp lại ở đây: “Ðức Giêsu cũng chịu phép rửa và đang khi Ngài cầu nguyện thì trời mở ra, Thánh Thần xuống trên Ðức Giêsu” (Lc 3, 21 – 22). Theo thánh Luca, dường như chính lời cầu nguyện của Ðức Giêsu đã xé rách bầu trời và làm cho Thánh Thần Hiện Xuống. Cũng tương tự như thế ở nhà Tiệc Ly. Trong khi Giáo Hội đang cầu nguyện, “thì bỗng xảy đến từ trời một tiếng rào rào như thể do cuồng phong thổi đến . Hết thảy họ được đầy Thánh Thần” (Cv 2, 2 – 4).
Một ghi nhận rất đáng lưu ý đó là: trong sách Công Vụ, việc Thánh Thần ngự đến luôn được đặt trong mối liên hệ với việc cầu nguyện. Các bản văn tuy không quên vai trò quyết định của Phép Rửa (x. Cv 2, 38), nhưng vẫn nhấn mạnh hơn đến vai trò của việc cầu nguyện. Saulô “đang cầu nguyện” khi Chúa sai Hananya đến để làm cho ông thấy lại và thông ban Thánh Thần cho ông (Cv 1, 9 – 11). Sau khi Phêrô và Gioan bị bắt và được giải thoát, cộng đoàn đang cầu nguyện: “Lúc cầu nguyện xong thì chỗ họ nhóm họp rung chuyển và hết thảy, họ được đầy Thánh Thần” (Cv 4, 31). Khi các tông đồ nghe tin xứ Samaria đã đón nhận Lời Thiên Chúa thì sai Phêrô và Gioan đến với họ “các ngài xuống và đã khẩn cầu để họ được chịu lấy Thánh Thần” (Cv 8, 15). Cũng dịp này, khi Simon làm nghề phù thủy, dâng tiền để được chịu lấy Thánh Thần, thì các tông đồ đã phẫn nộ chống lại (x. Cv 8, 18tt). Thánh Thần không thể mua tậu được, người ta chỉ có thể khẩn xin nhờ cầu nguyện. Ðó là khí giới duy nhất của chúng ta, và là một khí giới luôn hiệu nghiệm vì chính Ðức Giêsu bảo đảm với chúng ta điều đó.
Quả thực, Ðức Giêsu đã nối kết ơn ban Thánh Thần với cầu nguyện: “Vậy nếu các ngươi tuy là ác, còn biết lấy của lành làm quà cho con, thì huống hồ chi là Cha các ngươi, từ trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người” (Lc 11, 13). Ngài chẳng những đã nối kết ân huệ này với lời cầu nguyện, của chúng ta mà còn nối kết với lời cầu nguyện của chính Ngài. Khi nói: “Ta sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các ngươi một Ðấng Bầu Chữa khác” (Yn 14, 16). Lời cầu nguyện của các tông đồ khi tụ họp ở nhà Tiệc Ly với Ðức Maria là lời khẩn xin Thánh Thần (épiclèse) đầu tiên, trọng đại, mở đầu cho chiều kích khấn xin Thánh Thần (dimension epiclétique) của Giáo Hội, lời nguyện “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến” sẽ vang lên trong Giáo Hội suốt mọi thời đại, và phụng vụ sẽ hát lên lời kinh đó lúc khởi đầu các hành động phụng vụ quan trọng nhất.
Tuy nhiên, trước tiên người ta có thể bác bẻ: nếu Thánh Thần là một “ân huệ”, ngay cả là ân huệ tuyệt hảo của Thiên Chúa, thì tại sao cầu nguyện lại cần thiết để nhận được ân huệ đó? Ân huệ lại không phải là nhưng không sao? Cả hai khía cạnh của vấn đề đều đúng: Thánh Thần là một ân huệ và Thiên Chúa thường chỉ ban ơn đó cho những ai xin Người. Thiên Chúa không áp đặt mà là đưa ra các ân huệ của Người. Cầu nguyện là biểu lộ sự đón nhận, biểu lộ niềm khát khao của con người thụ tạo chúng ta. Cầu nguyện là biểu lộ của tự do mở ra cho ân sủng.
Thứ đến, người ta có thể bác bẻ: trong Tân ước có những khẳng định dường như nói ngược lại, đó là phải lãnh nhận Thánh Thần đã rồi mới có thể cầu nguyện. Theo thánh Phaolô, Thánh Thần đến nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Ngài chuyển cầu cho ta và dạy ta biết cầu nguyện (x. Rm 8, 26). Nếu không bởi sức Thánh Thần thì ngay cả nói: Giêsu là Chúa, cũng không thể được (x. 1C 12, 3), mà đó mới chỉ là lời cầu nguyện đơn giản nhất. Vậy phải nói thế nào về việc Thiên Chúa ban Thánh Thần cho những ai xin Người? Ðiều gì chiếm vị trí đầu tiên: Thánh Thần hay cầu nguyện? Ở đây cũng thế, cả hai khía cạnh đều đúng. Giữa cầu nguyện và ơn Thánh Thần chúng ta thấy có cùng một mối liên hệ tương thông, tương nhập như giữa ân sủng và tự do. Chúng ta cần lãnh nhận Thánh Thần để có thể cầu nguyện, và chúng ta cần cầu nguyện để có thể lãnh nhận Thánh Thần. Khởi đầu là việc ban ân sủng, sau đó phải cầu nguyện để gìn giữ và phát triển ân huệ đó.
Không phải chỉ có một Lễ Ngũ Tuần, đó là chúng ta nhận thấy khi đọc Tông Ðồ Công Vụ. Lúc ban đầu, Thánh Thần đã Hiện Xuống (x. Cv 2, 1tt) ngay sau việc các tông đồ cùng với Ðức Maria chuyên cần cầu nguyện (x. Cv 1, 14). Người ta có thể nghĩ rằng, từ nay Giáo Hội đã có những gì cần thiết và có thể một mình theo đuổi cho tới ngày Quang Lâm. Thế nhưng, chỉ sau đó ít lâu, khi phải đối diện với những khó khăn trầm trọng, Giáo Hội lại phải cầu nguyện và lĩnh ơn Thánh Thần để có thể tiếp tục hiên ngang rao giảng Lời Thiên Chúa (x. Cv 4, 23 – 31). Ra khỏi nhà Tiệc Ly, Giáo Hội phải quay trở lại đi theo định kỳ để ở đó, không ngừng “được mặc lấy mãnh lực trên ban”.
Ước gì tất cả những điều này không còn là một giáo huấn trừu tượng và mơ hồ. Mỗi người phải tự cảm thấy mình bị chất vấn. Bạn có muốn lãnh nhận Thánh Thần không? Bạn có muốn thấy mình yếu đuối và ao ước được mặc lấy mãnh lực trên ban không? Bạn có cảm thấy nguội lạnh và muốn được sưởi ấm lại không? Bạn có cảm thấy mình quá khô khan và muốn được tưới gội không? Bạn có cảm thấy mình bị chai cứng và muốn được trở nên mềm mại không? Bạn có cảm thấy mình không hài lòng với cuộc sống đã qua và muốn được đổi mới không? Hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều đi! Ước gì trên môi miệng bạn không ngớt thốt ra lời kêu nài khiêm tốn này: Veni Sancte Spiritus, Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! “Ôi lạy Thần Khí của Thiên Chúa Hằng Sống, xin hãy đến chạm vào trái tim con, xin hãy là Thầy dạy trong con, thăm dò con, hướng dẫn con trong tình yêu của Người”.nếu với lòng tin, một người hay một nhóm bước vào cầu nguyện, trong sự cô tịch, cương quyết không chỗi dậy bao lâu chưa được mặc lấy mãnh lực trên ban, và chưa được thanh tẩy trong Thánh Thần, thì chắc chắn người đó sẽ không chỗi dậy mà lại không được thoả nguyện vượt mọi chờ mong.
Những người kiên trì cầu nguyện.
Chúng ta qua điểm thứ ba là điểm đáng chú ý hơn nữa. Phải cầu nguyện thế nào để có thể lãnh nhận Thánh Thần? Ðức Maria và các tông đồ đã cầu nguyện như thế nào? Các Ngài đã cầu nguyện “đồng tâm nhất trí và chuyên cần”. Ðồng tâm nhất trí, (homothymadon) hiểu sát nghĩa là một lòng mà thôi. Ðức Giêsu từng nói, khi dâng của lễ lên trước thiên nhan Thiên Chúa thì phải đi làm hòa với anh em trước đã (x. Mt 5, 23). Thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu hãy tâm đầu ý hợp với nhau “ngõ hầu tôn vinh Thiên Chúa cùng một lòng” (cùng từ ngữ diễn tả như trong Cv 1, 14) và “cùng một miệng lưỡi” (Kn 15, 5 – 6).
Thánh Thần là hiệp thông ; Ngài là mối dây hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi và trong Giáo Hội. Ai ở ngoài sự hiệp nhất thì không thể lãnh nhận Thánh Thần. Thánh Augustinô viết: “Linh hồn đối với thân xác ta thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với Thân Thể của Ðức Kitô là Giáo Hội 15“. Nếu một phần thân thể, như bàn tay chẳng hạn, muốn sống một mình, không liên hệ gì với các phần còn lại của thân thể, liệu linh hồn có bỏ phần còn lại của thân thể để đến với bàn tay không? Linh hồn có để cho phần còn lại chết để làm cho bàn tay sống không? Chắc chắn là không! Chính bàn tay sẽ không có linh hồn và sự sống. Nó trở nên bàn tay “khô bại” như tay của người mà Phúc Âm nói tới (x. Mt 12, 10). Trên bình diện thiêng liêng cũng như thế. Qua đó, ta thấy tầm quan trọng quyết định của sự hiệp nhất, cảm thông, hòa giải nơi những người ao ước và chuẩn bị đón nhận Thánh Thần. Thánh Phaolô còn nói: phải “duy trì sự hiệp nhất của Thánh Thần nhờ mối dây liên kết hòa thuận” (x. Ep 4, 3).
Một vài tuần lễ trước, khi hội họp với Ðức Giêsu trong nhà Tiệc Ly để cử hành lễ Vượt Qua, các tông đồ tranh cãi nhau xem “ai trong họ là người lớn nhất” (x. Lc 22, 24). Giờ đây, cũng chính thánh Luca đã kể lại cho chúng ta rằng họ đồng tâm nhất trí, cùng một tấm lòng. Sự hiện diện của Mẹ Ðức Giêsu ở giữa họ chắc hẳn đã góp phần tạo nên bầu khí mới mẻ này, bầu khí hiệp nhất và hòa thuận khi cầu nguyện một lòng một dạ, không ai lại cầu nguyện chỉ cho riêng mình, nhưng mỗi người cầu nguyện cho mọi người, và lời cầu nguyện bay lên tới Chúa là bởi toàn thân thể. Và vì mỗi người cầu nguyện cho mọi người nên mọi người cầu nguyện cho mỗi người ; sức mạnh của lời cầu nguyện được tăng bội, đó là phép lạ của đức ái. Thánh Augustinô đã có lý khi kết luận bài giảng ngày lễ Hiện Xuống bằng những lời sau đây: “Vậy, nếu các bạn muốn đón nhận Thánh Thần, các bạn hãy giữ đức ái, yêu mến sự thật, ao ước sự hiệp nhất 16“.
Lời cầu nguyện của Ðức Maria và của các tông đồ còn cho thấy một đặc tính khác. Chúng ta sẽ dừng lại ở điểm này lâu hơn: đó là sự kiên trì. Từ gốc Hylạp diễn tả khía cạnh này của kinh nghiệm Kitô giáo (proskarterountes) nhấn mạnh đến tính bền bỉ của hành động. Hành động cách chuyên cần và bền đỗ. Người ta dịch là “những người kiên trì”, hay “những người chuyên cần” cầu nguyện. Cũng có thể dịch là “bền bỉ bám chắc” vào cầu nguyện.
Ðây là một từ ngữ quan trọng vì nó được lặp đi lặp lại rất thường xuyên khi Tân Ước nói về cầu nguyện. Trong Tông Ðồ công Vụ ta thấy từ ngữ này được nói tới xa hơn một chút: các tín hữu đầu tiên nói tới đức tin “đã chuyên cần với lời giáo huấn, với việc bẻ bánh và kinh nguyện” (Cv 2, 42). Thánh Phaolô khuyên “hãy kiên trì cầu nguyện” (Rm 12, 12 ; Co 4, 2). Trong một đoạn thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta đọc thấy: “Hãy lấy kinh nguyện và cầu xin mà khẩn cầu mọi thời mọi buổi, nhờ sức Thần Khí và vì thế hãy tỉnh thức, một lòng bền đỗ không lơi mà cầu xin cho các thánh hết thảy” (Ep 6, 18).
Nền tảng của giáo huấn này bắt nguồn từ chính Ðức Giêsu. Dụ ngôn về bà góa quấy rầy đưa ra kết luận “phải cầu nguyện luôn, đừng chán nản” (x. Lc 18, 1). Người phụ nữ Canaan là một minh họa cho việc khẩn khoản nài xin, không chút nản lòng, và chính vì sự khẩn khoản đó mà cuối cùng bà được thỏa nguyện. Ðầu tiên, bà xin Ðức Giêsu chữa bịnh cho con gái bà: Ðức Giêsu “không đáp lại một lời”. Bà nài nỉ: Ðức Giêsu lại nói Ngài chỉ được sai đến với các chiên lạc nhà Israel thôi. Bà sụp lạy dưới chân Ngài. Ðức Giêsu đáp lại ; không nên lấy bánh của con cái mà ném cho đàn chó. Quả là chán nản quá sức! Nhưng người đàn bà Canaan vẫn thưa: “Vâng, nhưng đàn chó cũng .” Bấy giờ Ðức Giêsu vui mừng kêu lên: “Hỡi bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn sao thì được như thế” (Mt 15, 21tt).
Cầu nguyện lâu giờ và kiên trì không có nghĩa là nói nhiều lời hay lảm nhảm như dân ngoại (x. Mt 6, 70. Kiên trì trong cầu nguyện có nghĩa là cầu xin thường xuyên, luôn hy vọng, không bao giờ ngừng. Ðiều đó có nghĩa là không cho phép mình ngơi nghỉ và cũng không để cho Thiên Chúa nghỉ yên: “Các ngươi, những kẻ khao khát tưởng niệm đến Chúa, các ngươi chớ hề ở yên! Các ngươi đừng để Người ở yên cho đến khi Người mang lại sự vững chắc cho Giêrusalem” (Ys 65, 24).
Vậy tại sao phải kiên trì cầu nguyện? Tại sao Thiên Chúa không nhận lời ngay lúc ta xin? Phải chăng, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã không hứa nhận lời ngay lúc ta kêu xin Người, ngay cả trước khi ta dứt lời cầu xin sao? “Trước khi chúng kêu, Ta đã đáp lại, chúng còn đang nói, Ta đã nhậm lời” (Ys 65, 24). Ðức Giêsu đã nhắc lại: “Và Thiên Chúa lại không công bằng mà xét xử cho kẻ Người chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày sao? Lẽ nào Người cứ khất lần với họ mãi? Ta nói cho các ngươi biết: Người sẽ cứ công bằng mà xét xử cho họ ngay tức khắc” (Lc 18, 7).
Kinh nghiệm đã chẳng hiển nhiên phủ nhận những bảo đảm tương tự như thế sao? Chắc chắn là không! Thiên Chúa đã hứa luôn đoái nghe, đoái nghe ngay lúc chúng ta kêu cầu Người. Thực sự Người đã làm như thế. Nhưng phần chúng ta thì phải biết mở mắt nhìn. Quả thật, Thiên Chúa đã giữ lời: khi trì hoãn giúp đỡ là Người đã giúp chúng ta rồi. Chính sự trì hoãn đó là một sự giúp đỡ. Như thế là sao? nếu Người đoái nghe ước muốn của kẻ kêu xin quá nhanh chóng, thì Người sẽ không thể ban cho người đó một sức khoẻ hoàn hảo. Bởi lẽ cần phải phân biệt rõ: người cầu xin có thể được đoái nhận hoặc theo lời họ cầu xin hoặc theo nhu cầu đích thực của họ, và trong trường hợp này là ơn cứu độ. Thiên Chúa luôn luôn và lập tức nhận lời khi liên quan đến ơn cứu độ của người cầu xin (và ơn cứu độ này là hoặc phải là ước muốn sâu xa của người cầu xin). Còn đối với ước muốn nhất thời, mà ước muốn đó có thể là không tốt, thì Thiên Chúa không luôn luôn đoái nhận 17. Ðôi khi chúng ta hát các Thánh Vịnh: “Ôi lạy Chúa, xin hãy nghe. Hãy lắng tai, lạy Chúa”, và dường như Thiên Chúa không bao giờ nghe chúng ta. Bạn hãy coi chừng, Người đã nghe lời bạn rồi! Nếu bạn tiếp tục cầu nguyện, đó chính là vì Người đã đoái nghe bạn. Nếu không, bạn đã không còn cầu nguyện nữa.
Thiên Chúa đã hứa luôn ban “các sự lành”, ban “Thánh Thần” cho những ai kêu xin Người. Người hứa thực hiện tất cả những gì chúng ta xin “theo ý Người” (x. 1Yn 5, 14). Người không ban cho chúng ta điều không theo như ý Người cũng như những điều sẽ không phải là “sự lành” cho chúng ta, và do đó sẽ gây ra sự dữ cho chúng ta. Như thế, có phải là Người đã không lắng nghe, thấu tỏ đời sống và lời cầu nguyện của chúng ta? Nếu đứa con xin bánh, chẳng lẽ người cha lại cho nó con rắn? Không! (x. Mt 7, 7tt). Nếu con xin rắn, mà chính nó cũng không biết là rắn, liệu người cha có đưa rắn cho con dù con mình có khóc lóc dậm chân và kết tội cha không yêu nó không? Người cha sẽ thà chịu kết án cách bất công chứ không cho con mình thuốc độc hay nọc độc.
Thiên Chúa lắng nghe ngay cả khi Người không nghe lời. Sự trì hoãn của Người ngay cả việc ban những điều lành là một cách lắng nghe và đoái nhận. Thật vậy, khi trì hoãn nhận lời, Người làm cho đức tin của ta mạnh lên, Người dẫn chúng ta tới chỗ biết cầu xin những gì tốt hơn. Rất thường khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện là xin những điều nhỏ mọn chẳng là gì, những nhu cầu vụn vặt của cuộc sống hiện tại. Chúng ta không biết điều gì là thực sự quan trọng. Sự trì hoãn nhận lời khiến chúng ta dần dần nhận ra những nhu cầu đích thực, nhu cầu về Thiên Chúa, về đức tin, về lòng kiên nhẫn, về đức ái, về đức khiêm nhường hơn là những giá trị vật chất. Như thế Thiên Chúa đã làm cho tâm hồn chúng ta mở rộng để có thể đổ đầy tâm hồn chúng ta theo mức độ xứng với nó. Chúng ta hãy nhớ lại mẫu gương của người phụ nữ Canaan. Nếu Ðức Giêsu đã nghe lời bà ngay từ lời cầu xin đầu tiên thì điều gì sẽ xảy ra? Con gái bà sẽ được cứu thoát khỏi quỷ ám, nhưng mọi sự khác vẫn tiếp tục như trước, bà mẹ và người con sẽ kết thúc ngày sống của mình như bao người khác. Vì vậy, khi trì hoãn nghe lời bà xin, Ðức Giêsu làm cho đức tin và òng khiêm hạ của bà lớn lên, lớn lên hơn nữa cho tới khi Ðức Giêsu vui sướng kêu lên: “Hỡi bà, lòng tin của bà lớn thật!” (Mt 15, 28). Người đàn bà quay trở về nhà mình: bà không chỉ thấy con gái mình khỏi bệnh, mà chính bà còn được biến đổi, bà tin vào Ðức Kitô: một trong những tín hữu đầu tiên thuộc dân ngoại vì bà là người Syro-Phénici. Một giá trị như thế sẽ tồn tại muôn đời. Khi không được nhận lời ngay mà chúng ta cứ vẫn tiếp tục cầu xin thì chúng ta cũng sẽ nhận được như vậy.
Khi đối tượng của lời cầu nguyện của chúng ta là một hồng ân tuyệt hảo, hồng ân mà Chúa muốn ban cho chúng ta, là Chúa Thánh Thần, chúng ta phải tránh một ảo tưởng có thể có. Bởi lẽ chúng ta có thể làm cho Thánh Thần trở thành một hồng ân không phải là tốt mà là xấu. Ðiều này xảy ra khi chúng ta, với ít nhiều ý thức, tưởng tượng Thánh Thần như một sức trợ giúp mạnh mẽ trên ban, một luồng sinh khí đem lại sức sống cách dễ chịu cho lời cầu nguyện, cho lòng sốt sắng của chúng ta, làm cho tác vụ của chúng ta được hữu hiệu và vác thánh giá đỡ nặng nề. Bao năm tháng bạn đã cầu nguyện theo kiểu này để được Thánh Thần Hiện Xuống, và dường như không có lấy một hơi gió dù rất nhẹ đáp lại lời bạn cầu xin. Tất cả những gì bạn mong chờ đều không xảy đến. Nhưng, Thánh Thần không được ban để củng cố lòng ích kỷ của chúng ta. Hãy quan sát kỹ hơn chung quanh bạn. Có thể Thánh Thần mà bạn nài xin cho mình thì Chúa đã ban, nhưng là cho người khác. Có thể nhờ lời cầu xin của bạn mà đời sống cầu nguyện của những người chung quanh được bạn canh tân trong khi đời sống cầu nguyện của bạn vẫn tiếp tục khó nhọc như trước. Những người khác cảm thấy bị đâm thấu lòng, tâm hồn đầy ăn năn, hối hận trong nước mắt ; phần bạn, bạn còn phải xin cho được ơn đó. Hãy lấy làm vinh hạnh để cho Thiên Chúa tự do hành động. Ðó là cách Người đã chọn để ban Thánh Thần cho bạn và là cách tốt nhất. Biết đâu trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi nhìn thấy đám đông đấm ngực ăn năn, bị Lời Chúa làm đảo lộn và lên tiếng hỏi các tông đồ: “Chúng tôi phải làm gì, thưa các vị?” Biết đâu lại không có một tông đồ nào đó cảm thấy thèm muốn và ngượng ngùng khi nghĩ đến việc mình chưa bao giờ khóc vì đã đóng đinh Giêsu Nazareth. Thánh Phaolô, một người mà lời rao giảng được quyền năng và sự tỏ hiện của Thần Khí kèm theo, đã ba lần xin thoát khỏi cái dằm đâm vào thân xác. Nhưng ngài đã không được nhận lời, và phải nhẫn nại sống với cái dằm đó, ngõ hầu quyền năng của Thiên Chúa được tỏ lộ hơn nữa (x. 2C 12, 8tt).
Ðôi khi, sự kiên trì cầu nguyện gây ra một sự đảo ngược lạ lùng, nhất là đối với người có một đời sống thiêng liêng sâu xa và nghiêm túc, chúng ta nên biết điều này để không bỏ lỡ một cơ hội quí giá. Các vai bị đảo lộn thứ tự: Thiên Chúa trở thành kẻ cầu xin và bạn trở thành kẻ được cầu xin. Bạn bắt đầu cầu nguyện để xin một điều gì với Thiên Chúa và khi đang cầu nguyện, bạn nhận thấy rằng chính Thiên Chúa đưa tay ra và xin bạn điều gì đó. Bạn đến xin Người cất đi cái dằm đang nằm trong thân xác bạn, cất đi thánh giá này, thử thách kia, cho bạn thoát khỏi chức vụ này, hoàn cảnh nọ hoặc thoát khỏi sự gần gũi của ai đó . Nhưng rồi chính Thiên Chúa lại xin bạn chấp nhận thánh giá, hoàn cảnh, chức vụ đó, chấp nhận con người đó.
Một bài thơ của thi hào Tagore có thể giúp tả hiểu điều này. Trong bài thơ, một người ăn xin kể lại kinh nghiệm của mình, đại để như sau: tôi đang ăn xin từ nhà này sang nhà nọ dọc theo đường làng, bỗng từ xa xuất hiện một cỗ xe tứ mã sơn son thếp vàng. Ðó là xe của hoàng tử. Tôi thầm nghĩ: cơ hội cuộc đời mình là đây. Tôi ngồi xuống, túi ăn xin mở thật rộng, chờ được bố thí, mà có lẽ chẳng cần phải mở miệng xin, bạc vàng cũng sẽ như mưa rơi xuống quanh mình. Nhưng, thật ngạc nhiên hết sức, khi đến sát bên tôi, chiếc xe ngừng lại, hoàng tử bước xuống giơ tay phải ra nói với tôi: “Bạn có gì cho tôi không?” Cử chỉ giơ tay mới vương giả làm sao! Ngượng ngùng, do dự, tôi thò tay vào túi ăn xin lấy một hạt gạo, chỉ một hạt thôi và là hạt bé nhất trao vào tay hoàng tử. Chiều về, thật buồn quá đỗi và khi đổ túi ăn xin ra, tôi thấy một hạt vàng rất nhỏ, nhỏ như hạt gạo mà tôi đã cho vị hoàng tử. Tôi khóc chua xót vì đã không can đảm cho vị hoàng tử tất cả 18.
Chớ gì khi cuộc đời xế bóng, chúng ta không phải khóc vì đã không dâng cho Chúa tất cả những gì Ngài xin chúng ta dâng cho Ngài. “Cử chỉ giơ tay ra xin một người nghèo mới vương giả làm sao!” Ðúng vậy, đó là cử chỉ của Thiên Chúa, một cử chỉ thần linh: Ngài làm kẻ ăn xin để chúng ta được thuộc vào số những người có điều gì đó để cho Ngài.
Trường hợp đảo lộn các vai trò tuyệt vời nhất, đó là Ðức Giêsu. Tại Vườn Dầu, Ðức Giêsu xin Cha cất chén đắng khỏi mình. Chúa Cha đã xin Ðức Giêsu uống chén đó, vì đó là điều cần phải làm để Người có thể tìm lại được mọi người con khác. Ðức Giêsu thưa: “Nhưng đừng cho ý con mà là ý Cha được thực hiện” – và Ðức Giêsu đã dâng lên Chúa Cha lời xin vâng mà Chúa Cha mong đợi. Ngài không chỉ dâng một giọt máu mà là hết mọi giọt máu của mình. Buổi chiều thứ Sáu (Tuần Thánh), sau khi uống cạn chén đắng, Ðức Giêsu gặp Chúa Cha, Ðấng đặt Ngài làm Chúa, ngay cả trong tư cách là người, ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu và tôn vinh Ngài. Làm sao diễn tả nổi tất cả những gì Chúa Cha ban cho Ngài để đổi lấy “hạt lựu” là tiếng “xin vâng” của Ngài.
Cầu nguyện liên lỉ.
Sách Công Vụ cho chúng ta biết, các Tông đồ, Ðức Maria và một số phụ nữ khác, sau khi chịu lấy Thánh Thần, vẫn “chuyên cần cầu nguyện” (Cv 2, 42). Tuy nhiên, dường như đã có một sự thay đổi nào đó về nội dung và tính chất của kinh nguyện. Từ nay, họ chỉ còn “ca rao những việc lớn lao của Thiên Chúa” (Cv 2, 11). Vì thế, ngay cả trong các bữa ăn, “họ đầy lòng hân hoan và ngợi khen Thiên Chúa” (Cv 2, 46tt). Kinh nguyện của họ trở nên kinh nguyện ngợi khen chứ không chỉ là kinh nguyện cầu xin mà thôi. Ðiều trước tiên xảy ra với Ðức Maria thì nay được lặp lại với Giáo Hội. Thật vậy, sau khi chịu lấy Thánh Thần trong ngày Truyền Tin, Ðức Maria đã cất tiếng tôn dương Thiên Chúa, hớn hở trong Thiên Chúa và ca rao những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình (x. Lc 1, 46tt). Thánh Thần Hiện Xuống không chấm dứt việc chuyên cần cầu nguyện, nhưng làm phong phú và mở rộng chân trời của việc cầu nguyện. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và nâng lời cầu nguyện lên tới những hình thức cao cả nhất với Thiên Chúa: ca ngợi, thờ lạy, ca rao sự cao cả và thánh thiện của Thiên Chúa. Tân Ước không chỉ nói về sự kiên trì trong cầu xin, nhưng còn nói và nói nhiều hơn về sự kiên trì trong lời ca ngợi, tạ ơn và chúc tụng. Trong cùng một văn mạch của thư gửi tín hữu Êphêsô, được nhắc đến ở trên, ta đọc thấy: “Ðừng say sưa rượu chè, chỉ tổ hư thân, nhưng hãy làm sao cho được no đầy Thần Khí! Hãy đối đáp với nhau Thánh Vịnh, lời ca, lời vãn của Thần Khí, xướng ca tụng niệm kính Chúa hết lòng anh em. Mọi thời, vì mọi sự, hãy nhân Danh Chúa chúng ta, Ðức Giêsu kitô, mà tạ ơn Thiên Chúa và là Cha” (Ep 5, 18 – 20). Thiết tưởng đó là mục đích khuyến khích chúng ta khẩn cầu và chờ mong Thánh Thần: để nhờ sự thúc đẩy của Thánh Thần mà tôn thờ Thiên Chúa “trong Thần Khí và Sự Thật”, chúc tụng và tôn vinh Người trước toàn thể nhân loại. Trước khi các tông đồ đi rao giảng, Chúa Thánh Thần đã dẫn đưa họ vào cầu nguyện bằng các thứ tiếng (x. Cvtd 2, 4tt). Ðiều đó cũng đã xảy ra khi Chúa Thánh Thần xuống trên Cornêliô và người nhà của ông: “Họ nghe những người ấy nói bằng các thứ tiếng và ca rao Thiên Chúa” (Cv 10, 46).
Chính khi suy nghĩ về sự cầu nguyện trong Thần Khí, dệt bởi những lời khẩn cầu, và hơn nữa, bởi lời ca ngợi, mà thánh Phaolô đã đưa ra nguyên tắc về việc cầu nguyện liên lỉ, và nguyên tắc này đã có một tiếng vọng rất lớn trong lịch sử linh đạo Kitô giáo: “Anh em hãy vui mừng luôn và đừng ngớt cầu nguyện, hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1Th 5, 16 – 18). Ðiều này nhắc lại lời của Ðức Giêsu “phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí” (x. Lc 18, 1). Nguyên tắc này giúp chúng ta vượt qua một quan niệm vụ nghi thức hay vụ luật nào đó về cầu nguyện gắn liền với những giờ, những nơi xác định. Cầu nguyện liên lỉ là một thái độ căn bản, một định hướng thường hằng, một sinh hoạt tự nhiên, gần như việc hô hấp của thân thể. Chúng ta phải tha thứ bao nhiêu lần? Ðức Giêsu trả lời: phải tha thứ luôn luôn! (x. Mt 18, 22). Chúng ta phải cầu nguyện bao nhiêu lần? Ðức Giêsu trả lời: Luôn luôn! hỏi xem ta phải cầu nguyện với Thiên Chúa bao nhiêu lần trong một ngày thì chẳng khác gì hỏi phải yêu mến Ngài bao nhiêu lần một ngày. Cầu nguyện cũng như tình yêu, không chấp nhận tính toán như thế. Người ta có thể yêu với ý thức nhiều hay ít sâu xa về tình yêu của mình, chứ không thể yêu với những khoảng cách nhiều hay ít đều đặn.
Lý tưởng cao cả của việc cầu nguyện liên lỉ này được diễn tả cách khác nhau ở Ðông phương và Tây phương. Nền linh đạo Ðông phương thực hành việc cầu nguyện liên lỉ qua điều được gọi là lời kinh Ðức Giêsu, được mô tả như sau: lời kinh Ðức Giêsu, lời kinh nội tâm và bền bỉ, là một lời cầu khấn Danh Ðức Giêsu liên lỉ, không ngơi, với cả lòng trí, trong niềm tin chắc chắn về sự hiện diện của Ngài mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong giấc ngủ. Lời kinh gồm những lời này: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con!” Người quen đọc lời cầu khẩn này sẽ nhận được những niềm an ủi lớn lao và tự cảm thấy cần phải đọc lời kinh đó không ngừng. Sau một ít thời gian, người đó không thể nào sống mà không có lời kinh đó, và lời kinh cứ tự trào dâng 19“.
Hình thức cầu nguyện này, ở mức độ cao nhất của nó, đi đến chỗ dần dần dẹp bỏ mọi suy tưởng, và chỉ để lại cho tâm trí một hoạt động duy nhất đó là cầu nguyện. Phương thế của nó là tiết độ, nghĩa là tỉnh thức và tránh xa tất cả những gì không dẫn tới Thiên Chúa ; hoa quả của nó là tấm lòng trong sạch. Lời kinh này đã giúp biết bao tâm hồn kết hiệp với Thiên Chúa ngay từ đời này, trong sự an tĩnh sâu thẳm (hesychia). Philocalie, tác phẩm căn bản của nền linh đạo Chính Thống Nga đã được soạn nhằm giúp thực hiện việc cầu nguyện liên lỉ này.
Do tính chất của nó, hình thức cầu nguyện liên lỉ này như đã được thực hành ở Ðông phương, gắn liền với một lối sống nào đó theo kiểu đan tu, mặc dù đó không phải là mối liên hệ độc nhất. Phía Tây phương, với thánh Augustinô, đã đưa ra nguyên tắc về việc cầu nguyện liên lỉ, nhưng mềm dẽo hơn và do đó vừa tầm với mọi người hơn, chứ không chỉ dành riêng cho những người chọn đời sống đan tu. Theo thánh Augustinô, bản chất của cầu nguyện là niềm khao khát. Nếu niềm khao khát Thiên Chúa liên lỉ thì cầu nguyện cũng liên lỉ. Nếu không, ta có thể kêu lên bao nhiêu tùy ý, còn đối với Chúa, ta vẫn là câm lặng. Niềm khao khát Thiên Chúa thầm kín đó bao gồm ký ức, niềm hướng vọng bền bỉ về Nước Trời và nỗi hoài mong Thiên Chúa, có thể vẫn nồng cháy khi tâm trí buộc phải chuyên chú vào điều khác: “Cầu nguyện lâu giờ không phải là điều xấu hay vô ích khi ta có thời gian thảnh thơi để làm điều đó, nghĩa là khi nó không gây cản trở cho những việc tốt lành và cần thiết khác ; dù vậy, ngay cả khi thực hiện những việc đó, ta cần phải luôn cầu nguyện bằng ước muốn. Thật vậy, cầu nguyện lâu giờ không đồng nghĩa với cầu nguyện bằng nhiều lời như một số người vẫn tưởng. Nói nhiều là một chuyện, có một ước muốn thâm sâu và liên lỉ lại là một chuyện khác . Cầu nguyện nhiều là gõ vào cánh cửa của Ðấng mà chúng ta cầu khẩn bằng hoạt động sốt mến, không ngơi của tâm hồn 20“.
Một tác giả vô danh thời Trung Cổ cũng theo đường hướng đó: “Cũng vì thế, bạn hãy chú ý tới hoạt động đó, tới cách thức kỳ diệu và thâm sâu của nó trong tâm hồn bạn. Nếu hiểu cho thật đúng thì hoạt động đó chỉ là một chuyển động thình lình, như không ngờ nổi, lao nhanh về phía Thiên Chúa như một tia than hồng. Và thật tuyệt vời khi đếm những chuyển động có thể xảy ra trong một giờ nơi một tâm hồn đã sẵn sàng với hành động đó. Tuy nhiên, chỉ cần một trong các chuyển động đó cũng đã đủ để linh hồn bỗng chốc quên đi mọi tạo vật. Nhưng ngay sau mỗi chuyển động, do xác thịt hư hỏng, linh hồn lại rơi xuống trên một ý nghĩ hay một hành động đã thực hiện hay chưa thực hiện. Nhưng có hệ gì? Vì ngay sau đó nó lại lao lên cũng đột ngột như lần trước 21“. Ðà vươn này không gì khác hơn là “niềm khao khát Thiên Chúa đơn thuần”. Ðơn thuần hay trần trụi vì nó chẳng xin gì khác ngoài Thiên Chúa. Khao khát hoặc đà vươn (élan), bởi đây là hành vi qua đó ý chí luôn vươn về Thiên Chúa.
Như biển cả đẩy những con sóng nhấp nhô vào bờ. Không biết chán, cũng thế, trong sự cầu nguyện liên lỉ, linh hồn hướng ý tưởng và tấm lòng vươn lên với Chúa không biết chán. Thân xác cũng tham dự vào đó bằng cách lặp đi lặp lại thật lâu một lời, chẳng hạn như “Lạy Thiên Chúa” hay “Lạy Chúa Giêsu”, hoặc một lời kêu cầu vắn tắt nào đó ; điều này chỉ nhằm giữ sự cầm trí, làm cho tâm trí được an định nhờ vào hoạt động cần thiết tối thiểu đó. Ở đây, việc nhìn thấy hay cảm thấy không phải là điều cần thiết. Tình trạng có thể nói là thường xuyên nhất của việc cầu nguyện này diễn ra giữa hai làn mây dày đặc: một làn mây của sự quên lãng nằm bên dưới bạn, giữa bạn và mọi sự vật khác, và một làn mây của sự vô tri bên trên bạn, giữa bạn và Thiên Chúa.
Việc cầu nguyện này có thể hình dung như những dòng sông chảy ở những địa hình các-tơ (karstiques), nghĩa là những dòng sông khi thì chảy trên mặt, khi thì chảy ngầm dưới đất. Khi gặp lớp đất cứng thì chúng chảy trên mặt, sau đó nếu gặp lớp đất khác, thấm nước được, thì chúng thấm sâu xuống và chảy ngầm bên dưới cho đến khi lộ ra ngoài trở lại. Việc cầu nguyện liên lỉ cũng như thế. Có những lúc, khi hoạt động ngừng lại, chúng ta được tự do thảnh thơi cầu nguyện thì nó lộ ra ngoài trở thành lời kinh ca ngợi, tôn thờ với tất cả ý thức. Những lúc khác, khi chúng ta chìm ngập trong hoạt động, nó lại chìm sâu xuống tận đáy lòng, âm thầm chảy ở đó, như một trương lực vô hình của tình yêu hướng tới Chúa, sẵn sàng chỗi dậy ngay khi có thể. Vì thế, việc cầu nguyện có thể tiếp diễn ngay trong giấc ngủ như lời vị hôn thê trong sách Diệu Ca: “Tôi ngủ nhưng lòng vẫn thức” (Dc 5, 2 x. BJ). Tôi biết có những người thợ được ơn cầu nguyện như thế suốt một thời gian dài. Vì thế, nhờ ơn Chúa, bậc sống nào cũng có thể cầu nguyện liên lỉ được. Một trong những người thợ đó thức giấc giữa đêm khuya và có cảm giác linh hồn mình đang cầu nguyện mọi lúc. Ông muốn ngủ lại bằng cách nghĩ đến những công việc sáng mai đang đợi mình, nhưng ông đã quyết định không để kinh nghiệm dịu ngọt đó bị cắt đứt. Buổi sáng thức dậy, ông thấy mình tươi tỉnh, thư thái, như thể mình đã ngon giấc trọn đêm.
Tuy nhiên, phát triển việc cầu nguyện được gọi là liên lỉ mà không dành những thời gờ nhất định và riêng biệt để cầu nguyện sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Ðức Giêsu trải qua những đêm cầu nguyện, nhưng chúng ta cũng biết rằng sau đó Ngài đã lên Ðền Thờ hoặc vào hội đường cầu nguyện cùng với những người khác. Và ba lần mỗi ngày ; lúc mặt trời mọc, sau trưa vào giờ hiến lễ ban chiều, và khi mặt trời lặn, Ngài hợp lòng với mọi người Dothái đạo đức quay về Ðền Thờ và đọc các kinh nguyện thường ngày. Thánh Augustinô viết: “Vì vậy, chính trong lòng tin, cậy, mến, bằng ước muốn liên lỉ mà chúng ta cầu nguyện luôn luôn, nhưng chúng ta cũng dùng lời nói mà dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin vào những khoảng thời gian và hoàn cảnh ấn định. Ðiều này nhằm làm cho chúng ta, qua những dấu hiệu cụ thể, biết được, hiểu được mình đã tiến tới thế nào trong niềm khao khát Thiên Chúa và để khích lệ chúng ta làm cho ước muốn đó tăng triển hơn nữa 22“.
Khi cầu nguyện trở nên nặng nề và chán nản.
Chúng ta phải hết sức tránh giản lược hóa việc cầu nguyện, hoặc tránh nghĩ rằng một khi đã khám phá ra một cách cầu nguyện nào đó, chúng ta có thể duy trì nó cho tới chết. Cầu nguyện cũng như cuộc sống, không tránh khỏi những mùa lên cao và mùa xuống thấp. Và có một mùa sớm muộn gì cũng đến, không tránh được, đó là mùa đông. Ðừng nuôi ảo tưởng. Ðến một lúc mà việc cầu nguyện như thiên nhiên vào mùa đông, trơ trụi, như thể chết đi. Bấy giờ cầu nguyện trở nên như một cuộc chiến đấu, khổ nhọc, ngắc ngoải. Nó không còn là làn nước từ trời rơi xuống hay dòng nước chảy tự nhiên, trên mặt hay ngầm dưới đất, mà là một thứ nước, nói như thánh Têrêsa Avila, phải kín lấy từ đáy giếng với một cái xô, bằng sức mạnh của đôi tay, và một phần khá lớn lại bị rơi rớt trên đường 23.
Có nhiều hình thức chiến đấu khác nhau trong cầu nguyện. Hình thức đầu tiên là chống lại sự chia trí. Các thánh đã có kinh nghiệm này. Chính thánh Têrêsa Avila thừa nhận: “Có những lúc, tôi không có lấy một ý tưởng chính xác hay hợp lý nào về Thiên Chúa hoặc về bất cứ sự lành nào, tôi không thể cầu nguyện được dù đang ở nơi cô tịch. Tuy nhiên tôi lại ý thức rất rõ rằng mình đã có một kiến thức tổng quát về Thiên Chúa. Ở đây, trí hiểu và trí tưởng tượng thất tai hại cho tôi, tôi hiểu điều đó. Còn về ý chí, tôi thấy ý chí tốt và hợp với mọi điều lành. Ngược lại, trí tuệ thì quá nhớn nhác, vẫn vơ, đến nỗi nó giống như một người điên dữ tợn, không ai kìm được ; vì thế tôi bất lực, không thể cầm trí trong khoảng thời gian đọc một Kinh Tin Kính 24“.
Cầu nguyện trong tình trạng này cũng tương tự như ra khơi với chiếc thuyền nhỏ mà đáy lại bị nước vào, qua nhiều vết nứt. Trong thời gian chỉ lo tát nước khỏi thuyền, không thể làm việc gì khác, bởi lẽ, chỉ cần dừng tay một chút là con thuyền đầy nước, muốn chìm. Không thể khoanh tay nhìn ngắm bầu trời. Rồi đến lúc quay vào bờ bạn mới thấy mình đi mà không ngắm được gì, ngay cả một cái nhìn thanh thản lên khoảng trời xanh, hay nhìn ra biển rộng ; cũng không bắt được con cá nào, chỉ thấy mình làm một công việc duy nhất là tát nước khỏi thuyền. Chúng ta cầu nguyện là để hưởng nếm Chúa, chiêm ngắm những kỳ công của Người, lắng nghe Người, khám phá nơi Người, nơi chúng ta những điều mới lạ, ấy thế mà tâm trí chúng ta lại “phân tán” đầy những chia trí lo ra. Trong tình trạng như thế, cầu nguyện trở thành một cuộc chiến đấu mệt nhọc chống lại những ý tưởng phù phiếm, vô ích và cũng không có cách nào để thoát khỏi: phải chấp nhận lao đao khó nhọc.
Nếu là cuộc chiến đấu chống lại sự chia trí, thì cần phải trang bị cho mình đức kiên nhẫn, lòng can đảm, và đừng để mình rơi vào lầm tưởng, nghĩ rằng tiếp tục cầu nguyện là vô ích. Tốt hơn, hãy tìm cách thích nghi cách khiêm tốn. Hãy đọc những lời kinh ngắn hơn, ngay cả đọc thật nhanh như chạy, tất cả những điều chúng ta thấy cần để Chúa biết đến. Ðể nói những lời: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa, con tin, con cậy nơi Ngài. Con ăn năn mọi tội con phạm, xin tha hết cho con. Cám ơn Chúa về ơn ban Thánh Thần. Cám ơn Chúa vì Chúa đang ở đây và con biết Chúa đang lắng nghe con!” Phải dùng bao nhiêu thời gian? Chỉ một vài giây, thế nhưng tôi đã nói lên điều chính yếu và Chúa đã lắng nghe. Chúng ta cần phải khám phá lại vẻ đẹp của “những lời nguyện tắt, oraisons jaculatoires“, những lời kinh ngắn gọn, phóng thẳng lên như những mũi tên (iacula). Một số người khác, trong những trường hợp tương tự, lại thấy ích lợi khi lặp đi lặp lại những kinh mà mình đặc biệt yêu thích. Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu viết ; “Ðôi lúc, khi tâm trí tôi rơi vào tình trạng khô khan đến nổi không thể nào rút ra được một ý tưởng giúp kết hiệp với Chúa, thì tôi đọc thật chậm kinh “Lạy Cha”, sau đó là kinh Truyền Tin. Bấy giờ, những kinh đó làm tôi vui say, nuôi dưỡng tâm hồn tôi hơn là nếu tôi đọc những kinh đó hàng trăm lần với cách vội vàng 25“.
Mỗi người có một cách thế, và mỗi cách thế sẽ không bao giờ hoàn hảo hay chiến thắng trong mọi trường hợp, chính vì đó là thời của thất bại, thời mà chúng ta cần phải nhận rằng, nếu có những lúc mình cầu nguyện sốt sắng thì đó hoàn toàn là bởi Chúa. Một đoạn Thánh Vịnh 31 mô tả lời cầu nguyện đó rất tuyệt vời:
“Còn tôi, trong cơn hốt hoảng tôi đã kêu lên: “Tôi bị truất khỏi mắt Người”
Song Người đã nghe tiếng tôi nài van lúc tôi kêu cứu với Người” (Tv 31, 23).
Vì chúng ta không cảm thấy gì cả, dường như Thiên Chúa không nghe gì cả, Người không lắng nghe lời chúng ta xin, dường như chúng ta bị đuổi khỏi Thánh Nhan Người. Nhưng ngược lại, chính lúc đó, Người rất chăm chú lắng nghe và hài lòng hơn bao giơ hết.
Mặc dù chúng ta rút được rất ít lợi ích từ việc cầu nguyện đó, nhưng quan trọng là không tự nhận mình thất bại và không rời bỏ cầu nguyện dần dần để đắm mình vào công việc. Khi Thiên Chúa vắng mặt thì điều quan trọng là chỗ của Người vẫn phải để trống, chứ không để một ngẫu tượng nào đó chiếm lấy, ngẫu tượng công việc chẳng hạn. Ðể tránh rơi vào điều tệ hại đó, chúng ta nên thỉnh thoảng ngừng công việc để ít là nghĩ tới Chúa, hoặc ít ra hy sinh chút thời gian cho Ngài. Ðối với Thiên Chúa, đó là một bông hoa cầu nguyện, mặc dầu đối với chúng ta là “ăn miếng bánh lầm than đau khổ” (x. Tv 127, 2).
Trong hạnh các thánh Giáo Phụ sa mạc, chúng ta đọc thấy một giai thoại như sau về thánh Antôn Cả, tổ phụ các vị ẩn tu: “Một hôm, khi còn sống trong sa mạc, cha thánh Antôn cảm thấy chán nản, bóng tối dày đặc phủ vây tâm trí. Và ngài thưa với Chúa: “Ôi lạy Chúa! Con muốn trốn thoát, nhưng rồi những suy nghĩ ngăn cản con. Con có thể làm gì trong cơn sầu não này?” Thế rồi, khi đi ra một quãng, ngài thấy một người cũng là ẩn sĩ như ngài, đang ngồi làm việc, rồi vị ẩn sĩ dừng công việc đứng lên cầu nguyện, rồi lại ngồi xuống dệt chiếu, sau đó lại đứng lên và cầu nguyện. Ðó là một sứ thần của Thiên Chúa được sai đến để nâng đỡ thánhAntôn và ban sức mạnh cho ngài. Và thánh nhân nghe sứ thần Chúa nói với mình: “Hãy làm như thế và con sẽ được giải thoát”. Nghe những lời đó, thánh nhân tràn đầy niềm vui và can đảm, ngài đã làm như thế và đã được giải thoát 26“. Thánh Antôn đã hiểu rằng không thể cầu nguyện lâu giờ mà không chia trí, thỉnh thoảng nên dừng công việc lại để đọc những câu kinh vắn tắt. Có lẽ vị sứ thần Chúa đó cũng đang nói với tôi, người viết và với bạn là người đang đọc, những lời đã nói với thánh Antôn xưa kia: “Hãy làm như thế và con sẽ được giải thoát”.
Tất cả những điều đó không vô ích. Thiên Chúa phải chăng cần đến hay cảm thấy được an ủi vì lòng sốt sắng của chúng ta, hay vì những lần chúng ta xuất thần? Những cuộc xuất thần của chúng ta thêm gì cho Chúa? Ðiều Ngài cần đó là sự tùng phục của chúng ta, lòng khiêm hạ của chúng ta, sự trung tín của chúng ta, những điều chúng ta có thể đạt được nhờ cầu nguyện, khi nó trở thành một cuộc chiến đấu đầy lao nhọc.
Chúng ta gặp thấy một hình thức cầu nguyện chiến đấu khác (prière de lutte) tế nhị và khó khăn hơn nhiều, đó là cuộc chiến đấu với Thiên Chúa. Ðiều xảy ra khi Thiên Chúa đòi hỏi bạn một điều gì đó mà bản tính tự nhiên của bạn không sẵn sàng dâng cho Người và khi hành động của Thiên Chúa trở thành không thể hiểu nổi và làm cho bạn sững sờ, chưng hửng. Ông Yob đã nếm cuộc chiến đấu này. Có lẽ Ðức Maria cũng đã trải qua một lúc nào đó trong cuộc đời, như dưới chân Thập Giá chẳng hạn. Ðặc biệt là Ðức Giêsu đã trải qua cuộc chiến đấu đó trong vườn Ghetsêmani: “Sa cơn hấp hối (agonia), Ngài cầu nguyện càng khẩn thiết hơn” (bản dịch của cha Thuấn: lâm chiến, Ngài cầu nguyện …). sa vào tâm trạng hấp hối, ngắc ngoải, Ðức Giêsu chẳng những không ngừng cầu nguyện mà còn cầu nguyện “càng khẩn thiết hơn”. Ngài trở nên mẫu gương tuyệt hảo cho việc kiên trì cầu nguyện.
Nhưng vì sao Ðức Giêsu lại chiến đấu? Ðây chính là một bài học lớn lao mà chúng ta cần phải học. Ngài không chiến đấu để khiến Thiên Chúa phải thuận theo ý Ngài, nhưng để ý nhân loại của Ngài tuân phục Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh chúng ta gặp thấy một trạng huống tương tự: trạng huống này cho phép đo lường sự khác biệt giữa Ðức Giêsu và những người cầu nguyện khác. Ðó là cuộc chiến đấu của Giacob với Thiên Chúa (x. Kn 32, 23 – 33). Cuộc chiến đấu này cũng diễn ra vào ban đêm, bên kia khe Yabbog, như cuộc chiến đấu của Ðức Giêsu diễn ra trong đêm tối, bên kia suối Cédron. Tại sao Giacob lại chiến đấu với thiên thần khi cầu nguyện? Ông nói: “Tôi không buông Người ra, từ khi là Người chúc lành cho tôi”, nghĩa là bao lâu Người chưa làm cho tôi điều tôi xin Người. Ông còn nói: “Xin tỏ cho tôi biết Danh Người”. Giacob tin chắc rằng nếu ông biết được danh đó thì nhờ vào uy lực của nó, ông có thể chiến thắng người anh đang săn đuổi ông. Nhưng, Thiên Chúa chỉ chúc lành chứ không tỏ cho ông biết Danh Người.
Giacob cầu nguyện để Thiên Chúa phải thuận theo ý mình, Ðức Giêsu cầu nguyện để chính mình thuận theo ý Thiên Chúa. Chúng ta giống ai khi cầu nguyện trong giờ phút xao xuyến khắc khoải? Nếu ngẫm nghĩ lại, thì phần nhiều chúng ta giống Giacob, giống con người của Cựu Ước chứ không giống Ðức Giêsu. Chúng ta chiến đấu để khiến Thiên Chúa thay đổi quyết định của Người. Chúng ta chiến đấu để Ngài cất Thập Giá khỏi chúng ta hơn là để có khả năng vác Thập Giá với Ngài. Với Giacob, Thiên Chúa không tỏ cho biết Danh Người, Danh tượng trưng cho quyền năng Thiên Chúa. Với Ðức Giêsu, Thiên Chúa ban cho một Danh vượt trên mọi danh, và là Danh mang lại mọi quyền năng (x. Ph 2, 11).
Cầu nguyện bức bách
Trong tình trạng khô khan, phải chiến đấu này, chúng ta còn phải khám phá một hình thức cầu nguyện đặc biệt khác: cầu nguyện bức bách. Thánh Angèle de Foligno viết: “Nếu với ơn Chúa, bạn cầu nguyện cách sốt sắng, bạn tỉnh thức và chịu khó làm việc lành thì đó là điều tốt, đẹp lòng Chúa ; nhưng nếu ơn Chúa giảm đi mà bạn vẫn không giảm bớt cầu nguyện, tỉnh thức và làm việc lành, thì điều đó còn làm đẹp lòng Chúa hơn nữa. Khi không còn ân sủng, bạn cũng hãy hành động như khi bạn có ân sủng … Hỡi con, hãy làm phần của mình và Thiên Chúa sẽ làm phần của Người. Cầu nguyện trong sự ép mình, bức bách chính mình là điều rất đẹp lòng Chúa 27“. Giờ phút cầu nguyện của Ðức Giêsu trong vườn Ghetsêmani là giờ phút cầu nguyện bức bách. Ngài sấp mặt xuống đất, đứng dậy, trở về với các môn đồ, quay trở lại, quì xuống một lần nữa, mồ hôi như máu vã ra (x. Mt 26, 36tt ; Lc 22, 44). Bản văn nói về việc Ðức Giêsu những ngày còn tại thế “đã dâng lời cầu xin khẩn nguyện với lớn tiếng kêu van cùng nước mắt” (x. Hr 5, 7) chính là dựa vào giờ phút đó.
Việc cầu nguyện này có thể thực hiện với thân xác hơn là với tinh thần. Thường ý chí truyền khiến tâm trí thì tâm trí không tuân phục, còn truyền khiến thân xác thì thân xác lại tuân phục. Một kết ước thầm kín gắn liền ý chí với thân xác, và vì thế cần phải xử dụng thân xác để làm cho tâm trí tỉnh lại. Thường thường, khi ý chí của chúng ta không thể truyền cho tâm trí phải có hoặc không được có những ý tưởng nào đó, thì nó vẫn có thể truyền khiến thân xác: truyền cho gối phải bái quì, tay khoanh lại, mở miệng ra đọc lên lời nào đó, chẳng hạn: “Vinh Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Chúng ta đừng coi thường cách cầu nguyện bằng thân xác này, vì có những lúc, đó là điều duy nhất chúng ta có thể làm được. Nó hàm chứa một bí ẩn. Khi tâm hồn chúng ta bị thúc bách bởi tiếng kêu nổi loạn hoặc bởi những tâm tình, ý tưởng sôi sục thù hận đối với anh em, bạn hãy đến trước Nhà Tạm hay trước một ảnh Chịu Nạn, rồi cứ quì gối xuống. Bạn đã làm gì ư? Bạn đã đặt mọi kẻ thù của Ðức Kitô cuống dưới bệ chân Ngài! Hãy đứng lên đi, bạn đã chiến thắng. Isaac người Syrie có một câu nói tôi thấy thật tuyệt vời: “Khi lòng đã chết và không còn có lấy một lời kinh hay lời khẩn nguyện nào, thì chớ gì người có thể gặp thấy chúng ta đang phủ phục, sấp mặt xuống đất mãi mãi”.
Cách thế duy nhất để chúng ta tiếp tục là những người chuyên cần cầu nguyện lúc bấy giờ là: lưu lại bằng thân xác của bạn, trong nhà thờ hay trong nơi bạn đã chọn để cầu nguyện, “lưu lại” trong cầu nguyện, thế thôi. Chúa biết chúng ta có thể đi làm hàng ngàn công việc khác ích lợi hơn, mà chúng ta cũng thích làm hơn, nhưng dù không làm được gì chúng ta cũng cứ ở đó cho hết thời gian như thời biểu đã ấn định hoặc do chúng ta quyết định dâng cho Ngài. Ðối với Ngài đó là “hương thơm của con mình”. Với người môn sinh than vãn không thể cầu nguyện vì những sự lo ra chia trí, một tu sĩ ngày xưa đáp: “Tư tưởng của con đi đâu mặc nó, nhưng thân xác chúng ta thì hãy cứ lưu lại trong cầu nguyện! Và nếu bạn không thể làm gì khác, bạn hãy để người anh em hèn mọn là thân xác quì xuống, rồi ngước mắt lên trời thưa với Chúa: “Lạy Chúa, thân xác con cầu nguyện với Chúa đây!” Với tất cả cố gắng xem ra vô ích đó, trên thực tế, chúng ta đón nhận được Chúa Thánh Thần.
Những trạng huống như vậy là thời gian nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta có một người mẹ, một bậc thầy về cầu nguyện. Cách đây ít năm, tôi có sống một thời gian trong sự cô tịch của một tu viện nhỏ dòng Phanxicô. Một bé gái trong vùng thường đến quì bên thầy này hoặc thầy nọ mà em thấy đang cầu nguyện, em khoanh tay lại rồi nhìn vào mắt thầy đó mà nói cách hết sức vững vàng: “Nào, thầy dạy cho con cầu nguyện đi!”. chúng ta có thể bắt chước em bé đó. Hình dung mình đang ở bên cạnh Ðức Maria và nói với Người: “Mẹ dạy con cầu nguyện đi!”
Theo một nghĩa nào đó, suy niệm dài của chúng ta về cầu nguyện đã là một cách thế chuyên cần cầu nguyện trong sự chờ đợi Thánh Thần. Một cách thế thực tiễn, giản dị để luôn là những người chuyên cần cầu nguyện cùng với Ðức Maria, Mẹ Ðức Giêsu, đó là chuỗi Mân Côi. Chuỗi Mân Côi giúp chúng ta sống lại tất cả các mầu nhiệm, và biến tất cả Kinh Thánh cũng như lịch sử cứu độ thành kinh nguyện. Xin Ðức Maria cũng hãy làm Người Mẹ đỡ đầu đầy nghị lực và yêu thương đối với chúng ta, chuẩn bị chúng ta lãnh nhận Phép Rửa bằng Thánh Thần và tham dự vào Lễ Ngũ Tuần. Chớ gì, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, lời hứa của Ðức Giêsu cũng được thực hiện cho cả chúng ta: “Còn các ngươi, không mấy ngày nữa sẽ được Thanh Tẩy trong Thánh Thần” (Cv 1, 5).
CHÚ THÍCH
- Dei verbum 8.
- Manuscrits autobiographiques B, f. 3 (éd. Carmel de Lisieux 1957, p. 229).
- Thomas de Celano. Deuxième vie de Saint Francois d’Assise 95 (Documents, cité, p. 405).
- Saint Augustine, Sur la première lettre de Jean 4, 6 (PL 35, 2008).
- Saint Jean de la Croix, Poèmes, dans Oeuvres complètes, Bruges-Paris, Desclée de Brouwer, 1967.
- Saint Grégoire de Narek, Prières 12 (SCh 78, p. 103).
- M. M. Philipon, Conchita, Journal spirituel d’une mère de famille, Paris, Desclée de Brouwer 1974,p. 183s.
- Saint Augustine, Confessions IX, 10s.
- S. Kiergaard, Le journal du séducteur, Paris, Gallimard, 1943, p. 60.
- Saint Augustine, Sur les Psaumes 37, 14 (CC 38, p. 392).
- Homélie spirituelle attribuée à saint Macaire l’Égyptien 18, 7ss (PG 34, 649).
- Le livre de la Bienheureuse Angèle de Fologno, cité p. 388 – 390.
- Ignace de Latakia, Dossier d’Uppsala 1968, Genève, WCC 1969, p. 298.
- Cf. C. Schneider, Die Apostelgeschichte, I, Fribourg-en-Br., 1980, ad loc.
- Saint Augustine, Sermon 267, 4 (PL 38, 1232).
- Ibid.
- Saint Augustine, Sur la première lettre de Jean 6, 6 – 8 (PL 35, 2023).
- Tagore, Gitanjali 50.
- Anonyme, Récits d’un pélerin Russe I.
- Saint Augustine, Lettres 130, 10, 19 – 20 (CSEL 44, p. 62s).
- Anonyme, La nuée de l’inconnaissance 4, Paris, Seuil, 1977 p. 29s.
- Saint Augustine, Lettres 130, 9, 18 (CSEL 44, p. 60s).
- Sainte Thérèse d’Avila, Vie XI, 9.
- Ibid. XXX, 16.
- Sainte Thérèse de l’Enfant Jésus, Manuscrits autobiographiques C, f. 25 (éd. Citée, p. 291).
- Apophtegmes des Pères, Antoine I (PG 65, 76).
- Le livre de la Bienheureuse Angèle de Foligno, cité, p. 576 ss.
- Apophtegmes des Pères du manuscrit Coislin, n. 205 (éd. Nau. Revue de l’Orient chrétien 13, 1908, p. 279).