ÐỨC MARIA, CON NGƯỜI CỦA THÁNH LINH, CỦA ÐẶC SỦNG THÁNH THẦN ÐẦU TIÊN TRONG GIÁO HỘI.
Thánh Thần tái hoạt động.
Nếu có thể nói đến một ơn đặc biệt của Giáo Hội hôm nay thì phải nói đó là ơn liên hệ đến chính Chúa Thánh Thần. Thế kỷ của chúng ta, đặt trong lịch sử Giáo Hội, sẽ mãi là thế kỷ Thánh Thần hoạt động. Không những do việc tái khám phá chỗ đứng của Chúa Thánh Thần trong thần học và phụng vụ Công Giáo sau Công Ðồng, mà hơn thế nữa, vì Giáo Hội cảm nghiệm thấy Thánh Thần đang liên tục được đổ xuống “trên mọi xác phàm”, và từ đó làm nẩy nở các phong trào Thánh Linh, đặc sủng Thánh Thần khác nhau (mouvements pentecôtistes et charismatiques) trong hầu hết các Giáo Hội Kitô. Ðối với rất nhiều Kitô hữu, sấm ngôn của tiên tri Yôel, không chỉ là một trưng dẫn thú vị được thánh Phêrô đưa ra trong bài giảng ngày Lễ Ngũ Tuần, nhưng đã thành hiện thực sống động trước mắt họ. Họ có thể làm chứng rằng “Trong những ngày sau hết, Thiên Chúa đã đổ Thần Khí của Ngài trên mọi xác phàm! trên các con trai, con gái, người thanh niên, kẻ già lão, trên các tôi nam tớ nữ của Ngài” (x. Yô 3, 1tt; Cv 2, 17 – 18).
Bất chấp mọi khó khăn, làn gió Hiện Xuống mạnh mẽ lại thổi trong Giáo Hội, và đó là hy vọng lớn lao nhất cho công cuộc hiệp nhất các Kitô hữu. Chính luồng gió này đã tạo nên sự hiệp nhất đại kết buổi ban đầu. Vào thời đó, có sự phân chia, phân rẽ sâu xa về mặt tôn giáo, chia cắt người Dothái với dân ngoại! và chúng ta cũng đã biết sự chia cắt đó gây rất nhiều đau khổ cho Giáo Hội tiên khởi. Vậy Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Giáo Hội như thế nào để Giáo Hội đi đến với dân ngoại và đón nhận cả họ nữa trong cùng một niềm tin vào Ðức Kitô? Ngài đã phán bảo chính thủ lĩnh của Giáo Hội là thánh Phêrô đến nhà Cornêliô, viên bách quản ngoại đạo, và trong lúc vị tông đồ còn đang phải giải thích các lý do khiến một người Dothái không thể bước vào nhà một người dân ngoại, thì Thánh Thần cho ngài tham dự vào một cuộc Hiện Xuống mới trên mọi người hiện diện, với những dấu hiệu, đặc tính y như lần Thánh Thần ngự xuống lần đầu tiên trên các tông đồ. Phêrô chỉ còn biết rút ra kết luận! “Nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cũng đồng một ơn huệ như Người đã ban cho chúng ta … thì tôi là ai mà có thể ngăn cấm được Thiên Chúa?” (Cv 11, 17).
Ðó là điều đang tái diễn trong Giáo Hội hôm nay, một Giáo Hội cũng bị xâu xé bởi những phân ly, phân rẽ khác, ngay giữa những Kitô hữu với nhau. Thiên Chúa sai Thánh Thần của Ngài đến, thường là dưới những hình thức như nhau, trên các tín hữu thuộc các Giáo Hội Kitô khác nhau, để khiến chúng ta rút ra cùng một kết luận như thánh Phêrô! chúng tôi là ai mà có thể từ chối các anh em này, hay coi họ như người ở ngoài Thân Mình đích thực của Ðức Kitô, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một Thánh Thần như chúng ta? Làm sao cả họ nữa lại không thể thuộc về Thân Mình Chúa Kitô trong khi họ được Thần Khí của Ðức Kitô nuôi dưỡng thúc đẩy?
Một trong những điểm đang được Thánh Thần chữa lành các thương tích và chuẩn bị cho sự hiệp nhất, đó là điểm liên hệ đến Mẹ Thiên Chúa. Tôi mong muốn qua cuốn sách này, đóng góp phần nhỏ bé của mình theo chiều hướng đó. Trong suy tư thần học sau Công Ðồng, mối quan tâm mới về Chúa Thánh Thần cũng tác động đến khoa Thánh Mẫu học. Và điều này biểu hiện theo chiều ngược lại, không đi từ Ðức Maria tới Giáo Hội nhưng từ Giáo Hội tới Ðức Maria. Giáo Hội một khi tự khám phá thấy mình là Giáo Hội Thần Khí (Église pneumatique), được Thánh Thần thúc đẩy, làm cho sinh động, thì tự nhiên nhận thấy khuôn mẫu của mình là Ðức Maria, người mà nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đã cưu mang Ðầu và Cứu Chúa của Giáo Hội.
Mối quan hệ giữa “Ðức Maria và Thánh Thần” là một khía cạnh khá mới mẻ trong suy tư của Giáo Hội Latinh cũng như Giáo Hội Ðông phương. Tất cả những gì người ta có thể góp nhặt được trong tư tưởng của các Giáo Phụ và các tác giả Trung Cổ, kể cả thánh Bênađô, đều không vượt ra khỏi việc lặp lại một vài dữ kiện Kinh Thánh hiếm hoi, tức là Ðức Maria đã chịu thai “bởi tác động của Chúa Thánh Thần” với những chú giải rời rạc, thường nhằm làm sáng tỏ ngôi vị Thánh Thần hơn là chính Ðức Maria. Trái lại, ngày nay chúng ta chứng kiến nhiều cố gắng khác nhau có tính hệ thống nhằm quan hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần. Ở đây cũng như những nơi khác, tôi mong muốn dừng lại ở Lời Chúa, ở các dữ kiện Kinh Thánh. Ðiều đó cho phép ta nói ít hơn về mối tương quan trên, buộc phải chừng mực, nhưng bù lại, nó giúp cho ta đứng trên một cơ sở vững chắc hơn và dễ được tất cả các Kitô hữu chấp nhận. Những hệ thống thần học lớn, nhất thiết phải dành nhiều chỗ cho những giả thiết và những nguyên tắc gắn liền với hệ thống này hay hệ thống nọ, và do đó có tính đặc thù hơn.
Ngày nay, yếu tố mới soi sáng cho mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần chủ yếu là do sự kiện! chúng ta có được hiểu biết sâu rộng hơn so với quá khứ về sự tiến triển trong mạc khải về Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh, tôi muốn nói đến một hiểu biết đầy đủ hơn về khoa Thánh linh học Thần Khí (Pneumatologie biblique). Hiểu biết này chúng ta có được là nhờ những công trình nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại, nhất là nhờ một khoa học mới mẻ mà các Giáo Phụ chưa biết tới, đó là khoa thần học Kinh Thánh.
Khi đọc Kinh Thánh, các Giáo Phụ theo phương pháp phân tích thuộc thời đại các ngài, phương pháp này giải thích từng cuốn sách, hết bản văn này sang bản văn khác, và mỗi bản văn thì giải thích hết chữ này sang chữ khác. Các ngài thiếu phương pháp lịch sử, là phương pháp giúp nắm bắt sự phát triển của một chủ đề xuyên qua toàn bộ Kinh Thánh, và ghi nhận không những những điểm giống nhau mà cả những điềm khác nhau giữa thời đại này với thời đại khác, giữa môi trường này với môi trường kia. Các ngài có cảm thức về tính duy nhất hơn là cảm thức về tính khác biệt trong Kinh Thánh. Có thể nói rằng, mỗi lần đọc Kinh Thánh là các ngài đọc “toàn thể trong từng phần”, nghĩa là nơi mỗi bản văn các ngài muốn giải thích, các ngài đều thấy đó là một phản ánh của toàn thể Kinh Thánh, không hề có sự đối nghịch. Chúng ta thì ngược lại, thích đọc “từng phần trong toàn thể”, định vị một bản văn trong văn mạch của nó, soi sáng một đoạn Kinh Thánh bằng văn thể, bằng môi trường nguyên thủy của nó.
Áp dụng vào chủ đề “Ðức Maria và Chúa Thánh Thần”, tôi muốn theo phương pháp thật đơn giản. Tôi sẽ thử giải thích phương pháp này. Ðể biết về mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Ðức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể, và trong lễ Hiện Xuống (Ngũ Tuần), chúng ta có Tin Mừng Luca; và riêng về mầu nhiệm Nhập Thể, có Tin Mừng Matthêu. Vậy chúng ta xem thử đâu là quan niệm đặc biệt của thánh Luca về Chúa Thánh Thần. Tác động của Chúa Thánh Thần khi Ngài đến tìm một người hay trên Giáo Hội, đối với Luca là tác động gì? Từ đó chúng ta khám phá ra điều mà, theo thánh Luca, Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Ðức Maria. Nhờ thế, chúng ta có thể tìm cách khai thác những dữ kiện hiếm hoi liên quan đến Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, nhưng không khởi sự bằng cách khai triển mang tính chất hệ thống và suy lý, vì điều này tất sẽ dễ đưa vào những yếu tố chủ quan, mà sẽ khởi sự bằng cách khai triển rộng bên trong Kinh Thánh, và như thế sẽ có được tính thuần nhất và khách quan, vì được đặt trong cùng một não trạng và được diễn tả bằng ngôn ngữ của cùng một tác giả. Ðiều này có nghĩa là giải thích một bản văn dựa vào văn mạch của nó, như người ta phân tích một miếng vải nhỏ khi biết được tấm vải lớn từ đó nó được cắt ra. Chúng ta sẽ thấy công trình Chúa Thánh Thần thực hiện cho toàn thể Giáo Hội được phản ánh, thu nhỏ nơi Ðức Maria như thế nào.
Ðức Maria và Chúa Thánh Thần trong Tin Mừng Luca.
Trong sách Công Vụ, thánh Luca trình bày Ðức Maria chuyên cần cầu nguyện trong sự chờ đợi Chúa Thánh Thần. Ở đầu sách Tin Mừng, ngài trình bày cũng chính Ðức Maria là người đợi Thánh Thần ngự xuống trên mình. Một số yếu tố gợi cho thấy có sự song song (parallélisme) chặt chẽ giữa việc Chúa Thánh Thần xuống trên Ðức Maria vào ngày Truyền Tin và việc Ngài xuống trên Giáo Hội vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Sự song song này hoặc do chủ ý của thánh sử, hoặc do sự tương hợp khách quan giữa hai hoàn cảnh.
Thánh Thần được hứa ban cho Ðức Maria như là “quyền năng Ðấng Tối Cao” “sẽ đến” trên Người (x. Lc 1, 35). Thánh Thần cũng được hứa ban cho các tông đồ như là “quyền năng Trên ban” “sẽ đến” trên họ (x. Lc 24, 29; Cv 2, 8). Sau khi nhận lãnh Thánh Thần, Ðức Maria đã cất lời ngợi khen chúc tụng (megalynei) những việc lớn lao (megala) Chúa đã thực hiện nơi Người, bằng một ngôn ngữ thần hứng (Lc 1, 46 – 49). Cũng vậy, sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ bắt đầu dùng những ngôn ngữ khác nhau mà công bố những việc lớn lao (megaleia) của Thiên Chúa (x. Cv 2, 11). Công Ðồng Vaticanô II đã cho thấy có một mối liên hệ giữa hai biến cố! nơi nhà Tiệc Ly, ta thấy “Ðức Maria tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã rợp bóng trên Người trong ngày Truyền Tin 1“.
Tất cả những điều này chỉ có tầm quan trọng tương đối so với khẳng định hết sức rõ ràng về Ðức Maria được thuật lại trong Tin Mừng! “Thánh Thần sẽ đến trên Người và quyền năng Ðấng Tối Cao trên Người rợp bóng” (Lc 1, 35). Song song với khẳng định rõ ràng này, chúng ta có thể thấy trong Tin Mừng Luca có một sự kiện khác cũng bộc lộ cho thấy điều đó. Sau khi được Thánh Thần ngự xuống, Ðức Maria được sai đến với ai thì người đó, đến lượt mình, cũng được Thánh Thần đụng chạm tới hoặc thúc đẩy bên trong (Lc 1, 41; 2, 27). Chắc chắn rằng chính sự hiện diện của Ðức Giêsu mới phát tỏa Thần Khí, nhưng Ðức Giêsu lại ở trong Ðức Maria và hành động nhờ Người! Người là như Hòm Bia hay Ðền Thờ Chúa Thánh Thần! đó chính là điều được gợi lên qua hình ảnh đám mây đã rợp bóng trên Người và cũng gợi nhớ đám mây tỏa sáng trong Cựu Ước, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa hay việc Người đến nơi Trướng Tao Phùng (x. Xh 13, 22; 19, 16).
Thánh Matthêu xác nhận dữ kiện căn bản đó về Ðức Maria và Chúa Thánh Thần khi ngài viết rằng, Ðức Maria “đã có thai do tự Thánh Thần” (Mt 1, 18), và thai sinh nơi Người là “do tự Thánh Thần” (Mt 1, 20).
Giáo Hội đã đón nhận dữ kiện được Mạc Khải này và đã nhanh chóng đặt nó vào giữa kinh Tin Kính của mình. Từ cuối thế kỷ II, người ta đã gặp thấy trong kinh Tin Kính các Tông Ðồ lời khẳng định! “Ðức Giêsu sinh bởi Thánh Thần và bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria”. Trong Công Ðồng chung Constantinople năm 381, là Công Ðồng định tín về thần tính của Chúa Thánh Thần, điều khoản đức tin này đã có chỗ đứng trong kinh Tin Kính Nicée-Constantinople! Ðức Kitô được trình bày là “Bởi phép Chúa Thánh Thần, người đã Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ Maria”.
Như thế, đây là một dữ kiện đức tin được tất cả các Kitô hữu đón nhận, Ðông phương cũng như Tây phương, người Công Giáo cũng như người Tin Lành, và là một nền tảng chắc chắn, có bề dày của nó. Ðức Maria xuất hiện như là người được liên kết với Chúa Thánh Thần bằng một mối dây khách thể, cá vị và bất khả hủy! mối dây đó là chính con người Ðức Giêsu mà hai Ðấng cùng sinh ra, dù rằng phần đóng góp của mỗi bên hoàn toàn khác nhau. Nếu người ta muốn tách rời Ðức Maria khỏi Chúa Thánh Thần thì cũng phải tách rời chính Ðức Kitô nữa, vì các hoạt động khác nhau của Ðức Maria và Chúa Thánh Thần đã được cụ thể hóa và thể hiện (khách thể hóa, objectivées) nơi Ngài cách vĩnh viễn. Dù người ta có muốn hay không muốn gọi Ðức Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, như thánh Phanxicô Assisi và các vị thánh khác sau ngài đã gọi, thì vẫn phải nhận rằng! Ðức Giêsu đã nối kết Ðức Maria và Chúa Thánh Thần còn sâu xa hơn một người con nối kết cha và mẹ mình, vì nếu đứa con, chỉ nguyên sự hiện diên của nó, đã nói lên việc cha và mẹ kết hợp với nhau theo xác thịt trong giây lát, thì người con là Ðức Giêsu nói lên rằng Chúa Thánh Thần và Ðức Maria đã kết hợp “theo Thần Khí” và do đó, là sự kết hợp cách bền vững, vĩnh viễn. Ngay cả nơi Giêrusalem Thiên Quốc, Ðức Giêsu Phục Sinh vẫn là Ðấng đã được “sinh ra bởi Chúa Thánh Thần và bởi Ðức Trinh Nữ Maria”. Trong Bí Tích Thánh Thể cũng vậy, chúng ta nhận lãnh Ðấng đã được “sinh ra bởi Chúa Thánh Thần và bởi Trinh Nữ Maria”.
Giờ đây dựa vào thánh Luca và Tin Mừng Nhất Lãm nói chung, chúng ta hãy tìm hiểu Chúa Thánh Thần là Ðấng nào và Ngài đã thực hiện điều gì. Ở đây chúng ta có thể dựa vào sự tiến triển trong hiểu biết về Chúa Thánh Thần mà tôi đã nói ở trên. Luca và nhất là Matthêu, đã đi theo tới cùng một hướng phát triển của Maạc Khải về Chúa Thánh Thần, hướng phát triển này gắn liền với Cựu Ước. Theo hướng tư tưởng đó, Chúa Thánh Thần được trình bày như là “sức mạnh của Thiên Chúa khiến con người có thể tuyên ngôn và thực hiện các hành động mà tự sức con người không thể nào làm được 2“.
Ðể nắm vững khía cạnh đặc biệt của quan điểm trên, chúng ta cần nhớ lại một hướng phát triển mạc khải về Chúa Thánh Thần quan trọng khác, hướng này đạt tới đỉnh cao của nó nơi thánh Gioan và thánh Phaolô! theo hướng tư tưởng này, Chúa Thánh Thần được xem như sức mạnh thánh hóa, chiếm hữu con người, biến đổi cõi lòng và làm nên một tạo vật mới. Trong trường hợp thứ nhất, Chúa Thánh Thần đến trên một người để làm cho người đó có khả năng thực hiện một hành vi vượt quá sức mình. Hành động của ngài không dừng lại nơi người nhận lãnh, tiên tri, thủ lãnh, người được linh hứng hay một ai khác, nhưng qua người đó, tác động đến cộng đoàn hay lịch sử. Nơi bản thân và trước mặt Thiên Chúa, người lãnh nhận Thánh Thần có thể vẫn như trước kia, rất ít hoặc không hề được biến đổi do việc Thánh Thần đi qua con người mình. Trong trường hợp thứ hai thì không như thế! tác động của Chúa Thánh Thần trực tiếp nhằm vào người lãnh nhận Ngài, dừng lại, lưu lại nơi người đó và làm nẩy sinh một tình trạng mới, một đời sống mới. Hiển nhiên đây không phải là sự mâu thuẩn nội tại trong Kinh Thánh nhưng là hai cách thể hiện, cũng chân thật và có giá trị cứu độ như nhau của cùng một Thánh Thần, và độc giả Kinh Thánh không được tách biệt hay đối lập (như một đôi khi người ta đã làm một cách đáng tiếc), nhưng phải liên kết chúng với nhau. Cả ở đây nữa, cũng cần phải tìm lại “cái toàn thể” (le tout) và trong trường hợp này, cái toàn thể là chính Chúa Thánh Thần trong thực tại trọn vẹn của Ngài gồm cả Ðoàn Sủng và Ðức Ái.
Quan niệm về Chúa Thánh Thần như là sức mạnh của Thiên Chúa, làm cho con người có khả năng thực hiện những hành động vượt trên sức nhân loại, lộ rõ hầu như trong mọi lần Tin Mừng Nhất Lãm đề cập đến Thánh Thần. Thánh Thần đến trên Ðức Giêsu khi Ngài chịu Phép Rửa và chúng ta thấy Ðức Giêsu chiến thắng Satan trong những cơn cám dỗ, xua trừ ma quỉ, loan báo Nước Trời, giảng dạy với uy quyền và thực hiện những việc lạ lùng (Mt 12, 28). Hoạt động của Chúa Thánh Thần, mỗi lần thể hiện, đều đưa tới kết quả rõ ràng, có thể sờ chạm được. Vai trò độc nhất vô nhị của Ðức Giêsu bộc lộ qua việc Ngài là Ðấng mang Thánh Thần cách trọn vẹn, tối hậu, Ngài hành động luôn luôn là trong Thần Khí và là Ðấng “đầy” Thánh Thần (x. Lc 4, 1. 14, 18), không như các tiên tri hay những người được linh hứng trong quá khứ, vì họ hành động trong Thần Khí chỉ trong một số thời điểm.
Hướng tư tưởng trên phát xuất từ Cựu Ước, trong đó Thần Khí (Ruăh) thường được xem như là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa, sức mạnh này xâm chiếm con người và làm cho người đó được đầy khôn ngoan hoặc có được các năng khiếu nghệ thuật (x. Xh 31, 3; 35, 31); ban cho người khác đặc sủng tiên tri (Mt 3, 8); đổ tràn trên người khác nữa và ban cho người đó có khả năng cai trị phi thường (Ys 11, 2) hay khả năng biện biệt (x. Dn 13, 45 – 46).
Hai trích dẫn của thánh Luca, một trong sách Tin Mừng và một trong sách Công Vụ, làm sáng tỏ quan niệm nói trên về Thần Khí trong dòng tư tưởng của Cựu Ước. Trích dẫn thứ nhất lấy trong Isaia 61, 1! “Thần Khí Chúa ngự trên tôi …” Trích dẫn này muốn nói lên rằng! sức mạnh đặc sủng của Thần Khí đã đổ xuống đầy tràn viên mãn nơi Ðức Giêsu, trong tư cách là người và là Ðấng Mêsia, khiến Ngài có thể đem Tin Mừng cho người nghèo khó, cho kẻ mù được thấy và giải thoát kẻ bị áp bức. Trong trích dẫn thứ hai, lấy từ sách Yôel 3, thánh Luca cũng khẳng định hoạt động của Thần Khí, nhưng là đối với Giáo Hội. Chính Thánh Thần làm cho Giáo Hội sẵn sàng trước sứ vụ tiên tri bằng cách ban cho Giáo Hội đủ các hình thức đặc sủng! chiêm điềm mộng, thị kiến và nhất là Thần Khí tiên tri (x. Cv 2, 17 – 18).
Tuy nhiên, có một khía cạnh khiến cho hoạt động đặc sủng và tiên tri của Thánh Thần trong Giáo Hội khác biệt hơn so với Cựu Ước. Ngày xưa Thánh Thần được dành riêng cho một vài người và chỉ ban cho họ trong một số trường hợp nào đó, tùy theo sứ mạng riêng biệt của họ. Từ nay, Ngài được ban cho tất cả mọi thành phần của cộng đoàn mới và ban một cách thường xuyên. Như thế, lời ước nguyện của Môisê đã được thực hiện! “Phải chi toàn dân Giavê đều được làm tiên tri bởi được Giavê ban Thần Khí xuống trên họ” (Ds 11, 2a). vâng, mong ước đó đã trở thành hiện thực; tất cả mọi người trong toàn dân Thiên Chúa đều là tiên tri.
Ðức Maria, người được đặc sủng đầu tiên của Giáo Hội.
Tất cả những điều trên cho chúng ta biết gì về mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần? Cho biết rằng! sau Ðức Giêsu, Ðức Maria là người được đặc sủng lớn lao nhất trong lịch sử cứu độ. Nhưng không theo nghĩa là người được hưởng số lượng đặc sủng nhiều nhất. Ngược lại là khác, vì xét bên ngoài, Người dường như không thực thi được mấy đặc sủng. Ðâu là những phép lạ Người thực hiện được? Về các tông đồ, người ta bảo ngay cả bóng của các ngài cũng chữa lành được những bệnh nhân (Cv 5, 15). Còn về Ðức Maria, chúng ta không hề thấy Người làm được phép lạ, hành vi ngoạn mục hay kỳ diệu nào lúc sinh thời. Người là kẻ được đặc sủng lớn lao nhất chính là vì nơi Người, Thánh Thần đã thực hiện hành vi tuyệt vời nhất trong số các hành vi kỳ diệu của Ngài, đó là hành vi khơi dậy nơi Ðức Maria, không phải một lời khôn ngoan, không phải ơn cai trị, không phải một thị kiến, một giấc chiêm bao hay một lời tiên báo, mà là chính sự sống của Ðấng Mêsia!
Khi chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Luca! “Thánh Thần sẽ đến trên Người và quyền năng Ðấng Tối Cao trên Người rợp bóng”, thì từ nay chúng ta hiều “Thánh Thần” đó là gì! là “quyền năng của Ðấng Tối Cao”, là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa hình thành nên sự sống của Hài Nhi vô song đó. Trong đoạn văn này cũng như trong Matthêu 1, 20 “niềm tin vào sự can thiệp sáng tạo của Thần Khí Thiên Chúa đã có trong Cựu Ước 3“. Thánh Ambrosiô chú giải Lc 1, 35 rất hợp lý khi ngài viết! “Việc sinh con của Ðức Trinh Nữ Maria là công trình của Thánh Thần … vì thế Thần Khí mà chúng ta biết là tác giả việc Nhập Thể của Chúa, là Thần Khí “sáng tạo”, đó là điều chúng ta không thể nghi ngờ … Ðiều đó bởi một người thì hoặc do bởi bản thể hoặc do bởi quyền năng người đó … Vậy Ðức Maria lãnh nhận trong lòng điều do bởi Thánh Thần là theo nghĩa nào? Chắc chắn không phải bởi bản thể của Ngài, vì như vậy Thánh Thần sẽ trở thành xương, thịt. Vậy nếu Ðức Trinh Nữ đã thụ thai nhờ hoạt động và quyền năng của Thánh Thần thì ai có thể phủ nhận Thánh Thần đó là Thánh Thần Sáng Tạo 4“. Thánh Ambrosiô đã đồng hóa Thánh Thần được nói đến trong Lc 1, 35 với chính Ngôi Thánh Thần, Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Và điều này sẽ trở thành cách hiểu chung của toàn Giáo Hội, dưới ánh sáng mà giáo lý về Chúa Thánh Thần, trong quá trình phát triển, đón nhận từ nơi thánh Phaolô và Gioan, dù rằng thánh Augustinô sau này cẩn thận xác định rõ! Việc gán cho Thánh Thần công trình Nhập Thể cũng như việc linh hứng Thánh Kinh chỉ là sự qui gán thích hợp mà thôi (par appropriation), chứ tự thân thì đó là công trình của cả Ba Ngôi 5.
Ðể hiểu rõ đặc tính độc nhất vô nhị của mối quan hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể khởi đi từ mối quan hệ mà hành vi sáng tạo của Thiên Chúa thiết lập giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, một mối quan hệ khác biệt và cao hơn, sánh với tất cả các tiên tri. Cho đến Gioan Tẩy Giả, lời Thiên Chúa “đến” trên các tiên tri (factum set verbum Domini super ,,,) (x. Lc 3, 2), theo nghĩa, Lời trở thành một “thực tại hoạt động” (réalité active) nơi họ. Còn nơi Ðức Maria, Lời không chỉ đến trong một khoảnh khắc, nhưng bởi phép Chúa Thánh Thần, Lời đã lưu ngụ nơi Người, Lời không chỉ trở thành thực tại hoạt động, mà đả trở thành xác phàm (Yn 1, 14). Hơn nữa, dù tiên tri đã “ăn” đã nhét đầy lòng cuộn sách ghi Lời Chúa (x. Yr 15, 16; Ez 3, 1tt; Kh 10, 8tt). Nhưng điều đó có nghĩa gì sánh với điều đã xảy đến nơi Ðức Maria? Lòng Người tràn đầy Lời, không phải chỉ theo nghĩa ẩn dụ mà là trên bình diện thực tại.
Các Giáo Phụ đôi lúc đã gán cho Ðức Maria tước hiệu nữ tiên tri 6, nhất là khi nghĩ tới kinh Magnificat, hoặc vì áp dụng sai câu Kinh Thánh Ys 8, 3 7. Nói đúng ra, không thể xếp Ðức Maria vào hàng các tiên tri được. Tiên tri là người nói nhân danh Thiên Chúa. Ðức Maria đã không nói nhân danh Thiên Chúa, Người hầu như luôn luôn giữ thinh lặng. Nếu là tiên tri thì Người là tiên tri theo một nghĩa mới mẻ, tuyệt vời! Người đã “thốt ra” trong thinh lặng Lời độc nhất của Thiên Chúa, đã cho Lời đó chào đời.
Tác động của Thánh Thần nơi Ðức Maria không phải chỉ là một trường hợp linh hứng tiên tri thông thường; tác động đó có thể và phải được nhìn nhận như một đoàn sủng, và như là đoàn sủng lớn lao nhất chưa hề được ban cho một người nào, một đoàn sủng vượt trên cả đoàn sủng của các tác giả thánh được Thánh Thần linh hứng hay thúc đẩy để nói nhân danh Thiên Chúa (2P 1, 21). Thật vậy, đoàn sủng là gì, đâu là định nghĩa? Thánh Phaolô cho ta biết! đó là “sự tỏ hiện đặc biệt của Thánh Thần để mưu ích chung cho mọi người” (1C 12, 7). Vậy có sự tỏ hiện nào của Thánh Thần “mưu ích chung cho mọi người” hơn là vai trò làm Mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria? Quả là đau lòng khi thấy giữa các Kitô hữu, có những nơi hoặc những nhóm Thánh Linh (groupes pentecôtistes) có thái độ hết sức thù địch đối với Ðức Maria. Một thái độ như thế không phải tự nhiên mà có! nó hẳn là di sản của những ngộ nhận trong quá khứ.
Thần học cũng định nghĩa đoàn sủng (đặc sủng, charisme) như một ân sủng hoàn toàn nhưng không (gratis data), khác với hình thức tác động của Thánh Thần mà tôi có nói ở trên, tức là tác động mang lại một trái tim mới, phú ban lòng mến, ân sủng này làm cho tạo vật được nghĩa trước mặt Chúa (gratum faciens). Mẫu tính thần linh (vai trò làm Mẹ Thiên Chúa) thực sự là một ân sủng tuyệt đối nhưng không, hoàn toàn phát xuất từ lựa chọn tự do và tối thượng của Thiên Chúa.
Khi đặt Ðức Maria trong mối liên hệ thâm sâu với Thánh Thần như thế, trước hết trong mầu nhiệm Nhập Thể, sau đó, theo một cách khác, trong ngày lễ Hiện Xuống, thánh Luca, theo cách quan niệm của mình về tác động của Thánh Thần, đã trình bày Ðức Maria như một con người của Thần Khí (créature pneumatique) đến mức tuyệt hảo, một người hành động dưới ảnh hưởng của Thánh Thần và như là nơi quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa tỏ lộ. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không vì thế mà khiến chúng ta đi đến chỗ nghĩ rằng, mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần chỉ mang tính chất khách thể (objective), hoạt động bên ngoài (opérative) chứ không động tới lãnh vực thâm sâu nhất của chủ vị (personne), với những tình cảm, xúc cảm của nó. Ðức Maria không chỉ là “nơi” Thiên Chúa hành động. Thiên Chúa đối xử với con người như là con người chứ không phải như nơi chốn, Ngài coi họ như những cộng sự viên, như người đối thoại. Tiên tri Amos nói với chúng ta! “Ðức Chúa là Thiên Chúa không làm gì mà không mạc khải bí mật của Ngài cho các tôi tớ của Ngài là các tiên tri” (Am 3, 7). Vậy phải nói gì về Ðức Maria?
Luca biết rõ sự ngây ngất nhẹ nhàng mà Thánh Thần tạo nên qua tác động của Ngài. Ngài đã chứng tỏ điều đó trong cuộc đời Ðức Giêsu, Ðấng một ngày kia đã “hân hoan” dưới tác động của Chúa Thánh Thần (Lc 10, 21). Ngài ghi nhận điều đó nơi các tông đồ! sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các vị bắt đầu nói nhiều thứ tiếng và đã ở trong tình trạng hân hoan lạ thường đến nỗi người ta đã nghĩ là các ngài say rượu (Cv 2, 13), sau cùng, ngài ghi nhận điều đó nơi Ðức Maria! sau khi Thánh Thần xuống trên Người, Người đã “đon đả” đi thăm Elizabeth và hát lên bài Magnificat, là bài ca diễn tả tất cả sự hân hoan của Người. Một nhà thần bí hiểu được những hiệu quả của tác động Thánh Thần, đã mô tả Ðức Maria trong lúc đó như sau! “Thánh Thần ngự xuống trên Người, nung đốt tâm hồn Người như một ngọn lửa thần linh và thánh hóa thân xác Người bằng sự tinh trong hoàn hảo, và “quyền năng Ðấng Tối Cao đã rợp bóng trên Người” để Người có thể chịu nổi sức rực nóng như thế. Như vậy, do tác động và sự hiện diện của Ngài, ngay lập tức một thân xác đã được hình thành, một linh hồn được tạo dựng và đồng thời cả hai được kết hợp với thần tính trong Ngôi Con, để cũng chính Ngài là Thiên Chúa và là người, cũng là một, các đặc tính riêng của mỗi một trong hai bản tính vẫn nguyên vẹn. Ôi nếu như bạn có thể hiểu được, dù chỉ là một chút, đám lửa rực cháy từ trời, sự dịu mát tỏa lan, niềm an ủi được ban tặng lúc bấy giờ như thế nào, mênh mông đến là bao! Nếu bạn hiểu Ðức Trinh Mẫu được nâng lên đến phẩm giá nào, nhân loại được tôn cao và Ðấng Chí Tôn hạ cố lạ lùng đến mấy! Nếu như bạn có thể nghe thấy những bài ca hoan lạc của Ðức Nữ Trinh, được cùng với Ðức Bà ra đi lên miền núi, được chiêm ngắm sự ôm hôn ngọt ngào của người son sẻ và kẻ đồng trinh, chiêm ngắm cách đôi bên chào nhau, trong đó người tôi tớ hèn mọn nhận ra Chúa của mình, vị tiền hô nhận ra Ðấng Thẩm Phán, tiếng nhận ra Lời! Tôi đoán chắc rằng, khi đó bạn sẽ cùng Ðức Trinh Nữ diễm phúc cất bài thánh ca! “Hồn tôi tôn dương Chúa …” bằng giọng hát ngọt ngào, và tôi tin chắc bạn sẽ hợp cùng hài nhi tiên tri để tôn thờ sự thụ thai khiết trinh kỳ diệu trong niềm rung cảm, hân hoan 9“.
Chính Luther cũng cho rằng bài thánh ca của Ðức Trinh Nữ là do tác động phi thường của Chúa Thánh Thần. Người đã cảm thấy, cảm nghiệm Chúa Thánh Thần. Thánh Thần đã thực hiện một trong những quyền năng chính yếu của Ngài là khai mở tâm trí trước ý nghĩa của Lời, ban cho thông hiểu sâu xa các đường lối của Thiên Chúa. Ông viết: “Ðể hiểu rõ bài thánh ca ngợi khen này, cần lưu ý rằng Ðức Trinh Nữ Maria diễm phúc nói về chính kinh nghiệm của mình sau khi đã được Thánh Thần soi sáng và dạy dỗ. Bởi chưng, không ai có thể hiểu được Thiên Chúa cũng như Lời của Ngài nếu không được Thánh Thần trực tiếp ban cho. Nhưng, lãnh nhận hồng ân của Thánh Thần có nghĩa là có kinh nghiệm, cảm nghiệm như là ngôi trường riêng của Ngài, ngoài ngôi trường đó, người ta không thể học được gì ngoại trừ những ngôn từ, những chuyện ba hoa trống rỗng. Vì thế, Ðức Thánh Trinh Nữ, khi cảm nghiệm nơi bản thân, Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình những điều cao cả, dẫu mình hèn mọn, nghèo khó, bị khinh khi, Thánh Thần đã dạy cho Người sự hiểu biết, khôn ngoan phong phú, theo đó Thiên Chúa chính là Ðấng thích nâng cao người khiêm hạ và hạ thấp kẻ muốn tự nâng cao 10“.
Ðức Maria, hình bóng của một Giáo Hội Thần Khí và đặc sủng.
Ít có lãnh vực nào mà việc chuyển từ Ðức Maria sang Giáo Hội lại trong sáng và tự nhiên như ở đây. Từ những gì chúng ta đã thấy về mối quan hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ làm sáng tỏ hai áp dụng có thể có được; một áp dụng thuộc bình diện Bí Tích, liên quan đến Giáo Hội xét trong toàn thể, như là “Bí Tích phổ quát của ơn cứu độ”, một áp dụng khác có tính cách cá nhân hơn, liên hệ đến chiều kích đoàn sủng của Giáo Hội và của những ai đã chịu Phép Rửa.
Bản văn của Công Ðồng Vaticanô II cho chúng ta biết! “Bởi lòng tin và vâng phục, Ðức Maria đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần rợp bóng … và Giáo Hội, khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện huyền diệu của Ðức Maria, noi gương đức ái của Người và trung thành chu toàn Thánh Ý Chúa Cha, Giáo Hội cũng được làm Mẹ, nhờ đón nhận Lời Thiên Chúa trong lòng tin! Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh bởi Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt 11“.
Bản văn này phản ánh một cách hiểu tín khoản! “Nhập thể bởi phép Chúa Thánh Thần và bởi Ðức Trinh Nữ Maria” theo nghiã Giáo Hội, cách hiểu này đã có từ rất xa xưa. Khi xác định việc sinh ra của Ðức Kitô là sự sinh ra “thuộc Thần Khí” (spirituelle) nghĩa là do tác động của Chúa Thánh Thần; và là sự sinh ra “trinh khiết” (virginale) nghĩa là bởi Ðức Trinh Nữ Maria , điều khoản này của kinh Tin Kính đã được các Giáo Phụ xem như là nền tảng và khuôn mẫu của sự sinh ra Ðức Kitô cách Bí Tích bởi Trinh Nữ-Giáo Hội, do tác động của Thánh Thần. Một tác giả viết! giếng Rửa tội chỉ chính Giáo Hội “do tác động của Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của tất cả các tín hữu mà vẫn khiết trinh 12“. Thánh Ambrosiô viết! “Giáo Hội thánh thiện nguyên tuyền khi mang thai, phong nhiêu trong sinh hạ, là trinh nữ do sự trinh khiết của mình, là mẹ do con cái sinh ra. Giáo Hội sinh hạ chúng ta như một trinh nữ, mang thai không bởi nam nhân nhưng do Thánh Thần 13“.
Thánh Augustinô luôn luôn đặt điều khoản kinh Tin Kính về việc Ðức Giêsu sinh ra bởi phép Chúa Thánh Thần và bởi Ðức Trinh Nữ Maria trong mối liên hệ với điều khoản về “Hội Thánh”. Về điều khoản thứ nhất, ngài viết! “Sinh bởi phép Chúa Thánh Thần và bởi đức Trinh Nữ Maria! đây là con đường mà Ðấng đã đến đã dùng để đi qua và là người mà Ngài đã đến cùng! Bởi Ðức Trinh Nữ Maria, nơi Người, Chúa Thánh Thần đã hành động chứ không phải một người chồng nhân loại; Thánh Thần đã làm cho kẻ khiết trinh thụ thai mà vẫn giữ cho trinh khiết vẹn tuyền”. Tiếp đến, trong cùng một bài giảng, chuyển sang điều khoản về Hội Thánh, ngài nói! “Hội Thánh vừa trinh khiết vừa sinh hạ. Hội Thánh noi theo Ðức Maria, Người đã sinh ra Chúa. Thánh Nữ Maria lại không phải là trinh nữ sao và dầu vậy, Người đã chẳng sinh hạ mà vẫn trinh khiết hay sao? Về Giáo Hội cũng thế! Giáo Hội sinh hạ và đồng thời vẫn trinh khiết. Nếu suy nghĩ bạn sẽ thấy Giáo Hội thực sự sinh hạ Chúa Kitô, bởi lẽ những người được Rửa Tội là chi thể của Ngài. Vậy nếu Giáo Hội sinh ra các chi thể của Ðức Kitô thì điều đó muốn nói rằng Giáo Hội giống Ðức Maria trong mọi sự 14“.
Mãi cho tới thời gian gần đây, trong thần học Công Giáo, giáo lý Kinh Thánh về Chúa Thánh Thần, theo đó Thánh Thần được trao ban để thực hiện một số hành vi siêu nhiên, hầu như chỉ còn áp dụng trong bình diện Bí Tích và trong sự thực thi Huấn Quyền, nghĩa là trong những hình thức thuộc về cơ chế. Trong Bí Tích Thánh Thể, Thánh Thần đến, biến đổi bánh và rượu bằng một tác động giống như tác động Ngài đã thực hiện trên Ðức Maria, khi Ngài làm nẩy sinh sự sống của Ðức Giêsu nơi Ðức Maria. Với Bí Tích Truyền Chức Thánh, Thánh Thần được trao ban cho một số người để họ có quyền thực hiện những hành vi siêu nhiên như tha tội hoặc trợ giúp Huấn Quyền trong việc giải thích Mạc Khải cách chính thức.
Hình thức hoạt động của Thánh Thần, như chúng ta thấy thực hiện nơi Ðức Maria, vẫn là điều nằm bên ngoài khuôn khổ đó. Chính vì thế, qua tấm gương của mình, Ðức Maria có thể giúp chúng ta khôi phục lại tầm quan trọng của hoạt động tự do, bất ngờ của Thánh Thần Thiên Chúa, được thể hiện dưới hình thức những ân điển được trao ban cả bên ngoài những máng thông ơn đã được thiết định, nhưng luôn luôn nhằm thiện ích chung và nhằm mục tiêu phục vụ. Ðó là điều Công Ðồng Vaticanô II đã làm sáng tỏ với bản văn nổi tiếng về các đoàn sủng! “Thánh Thần không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí Tích, các thừa tác vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu, phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài ” (1C 12, 11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau, mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội như lời chép rằng! “Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích” (1C 12, 7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi, vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với các nhu cầu của Giáo Hội 15“.
Trong sự khôn ngoan vô cùng của Ngài, Thiên Chúa đã lập ra hai con đường khác biệt để thánh hóa Giáo Hội, hai con đường đó giống như hai hướng thổi khác nhau của cùng một Thần Khí. Có thể nói, có Thần Khí thổi từ trên, được thông ban qua Ðức Thánh Cha, qua các Giám Mục, các Linh Mục, hoạt động trong Huấn Quyền của Giáo Hội, trong phẩm trật, trong quyền bính và nhất là trong các Bí Tích. Thần Khí còn thổi theo một hướng khác, đối lập với hướng trên theo một nghĩa nào đó, đó là hướng thổi từ dưới, từ nền, từ mỗi tế bào làm nên Giáo Hội. Chính đó là nơi mà gió muốn thổi đâu thì thổi (Yn 3, 8). Ở đây Thần Khí phân chia các đặc sủng cho mỗi người “như Ngài muốn” (x. 1C 12, 11). Giáo Hội, xét như một toàn thể, là một cơ thể được Thánh Thần tưới thấm, linh hoạt, vì thế Giáo Hội bao gồm và là kết quả của hai hướng, hai con kênh thông chuyển ân sủng.
Các Bí Tích là ơn ban cho mọi người nhằm mưu ích cho mỗi người; đặc sủng là ơn ban cho mỗi người nhằm mưu ích cho mọi người. Các Bí Tích là những ơn ban cho toàn thể Giáo Hội nhằm thánh hóa từng người riêng biệt. Các đặc sủng là những ơn được thông tuyền cho những người riêng biệt nhằm thánh hóa toàn thể Giáo Hội.
Như thế, ta dẽ dàng hiểu được Giáo Hội sẽ phải chịu mất mát đến như thế nào, nếu một trong hai con kênh đó! hoặc kênh Bí Tích, hoặc kênh đặc sủng. Khốn thay, phải thừa nhận rằng, tình trạng đó đã diễn ra trong Giáo Hội, nếu không phải trong các nguyên tắc thì ít là trên bình diện đời sống thực tiễn. Sau Công Ðồng Vaticanô II, mọi người đều nhìn nhận rằng, trong quá khứ, cơ cấu thánh hóa của Giáo Hội một cách nào đó đã bị thu hẹp, gây phương hại đến các đặc sủng. Khi đó, tất cả chỉ còn được thông chuyển theo chiều đứng, qua những máng thông ơn được uỷ thác cho phẩm trật hoặc do phẩm trật thiết lập. Qua những máng thông ơn đó, dân Kitô giáo lãnh nhận Lời Chúa, các Bí Tích và ơn tiên tri, ơn được xem như đặc sủng gắn liền với Huấn Quyền của Giáo Hội trong việc giảng dạy chânlý cách bất khả ngộ.
Sự quân bình cũng như dự hiện diện đồng thời của các Bí Tích và các đặc sủng bảo đảm cho Giáo Hội, ngoài những thiện ích khác, còn có được một sự hài hòa lành mạnh giữa nhắc lại và sáng kiến, giữa tiếp nối và sự mới mẻ. Giả thiết rằng đời sống Kitô hữu chỉ dựa trên các Bí Tích và những dịch vụ thuộc phẩm trật, thì đời sống đó hẳn sẽ dễ dàng xuôi theo một lối sống lặp đi lặp lại và từ đó rơi vào thói quen máy móc. Ngược lại, đời sống Kitô giáo nếu thiếu mất những giá trị trên và chỉ còn bao gồm những canh tân, những ngẫu phát của đặc sủng thì tất sẽ đi đến chỗ hỗn loạn và tùy tiện. Sự hài hòa tốt đẹp giữa hai kênh chuyển thông ân sủng mới cho phép ta hưởng được cái “toàn thể”. Sáng kiến giữ cho việc thực hành lặp đi lặp lại gìn giữ cho sáng kiến. Nói khác đi, các đặc sủng làm sống động cơ chế, còn cơ chế lại che chở cho các đặc sủng, vì cả hai đều bởi một Thần Khí độc nhất. Theo nghĩa này, thánh lễ có thể coi như một kiểu mẫu và là một biểu tượng cho đời sống Kitô giáo! Quả vậy, trong thánh lễ ta thấy có!những phần bất động” như lễ qui, và “những phần linh động” như các bài đọc, các lời cầu nguyện, các bài giảng; có những phần lặp đi lặp lại và có những phần đổi mới.
Các đặc sủng, theo nghĩa là những an thiệp trực tiếp của Thiên Chúa nhằm phá vỡ tình trạng ngừng trệ, làm cho dân của Người lại biết lắng nghe và tiến bước, dường như được phản ánh trong lời của Isaia! “Dân này lại gần Ta chỉ bằng môi miệng … việc chúng kính thờ Ta chỉ là giới điều do phàm nhân dạy. Cho nên Ta sẽ cứ gieo thêm vô vàn đềiu lạ …” (Ys 29, 13 – 14). Qua các tiên tri, Thiên Chúa đã can thệip mạnh mẽ để canh tân một truyền thống và một nền phụng tự đã ra máy móc và vụ hình thức, để làm sống lại sự khôn ngoan mà lúc đó đã bị biến thành một thứ hiểu biết phàm nhân, sách vở, được hệ thống hóa, qui tắc hóa. Ðây cũng chính là điều mà Ðấng Mêssia đã đến thực hiện trong lịch sử, việc Ngài đến là một mới mẻ lớn lao mà chính Ðức Giêsu đã sánh với sự xuất hiện của rượu mới. Ðức Maria, khi trở thành Mẹ Thiên Chúa bởi tác động của Thánh Thần, đã ở vào trung tâm cuộc canh tân lớn lao nhất cvủa Thiên Chúa và đã là khí cụ cho công cuộc canh tân đó. Mẹ đã là “bầu da mới” đầu tiên, chứa đựng nơi mình rượu mới hảo hạng là Ðức Giêsu cho tất cả chúng ta (x. Yn 2, 10).
Người cho hãy có lòng đơn thành.
Việc thực thi các đặc sủng không phải là không có những khó khăn, nhưng nguy cơ của nó không phải tự nhiên là tốt đẹp. Con người có thể biến những tài năng tự nhiên của trí tuệ, ý chí, của khả năng yêu thương thành xấu, sử dụng cách sai trái và thậm chí dùng để chống lại Thiên Chúa. Cũng vậy, con người có thể biến những tài năng siêu nhiên là các đặc sủng thành xấu và sử dụng chúng cách sai trái. Trong lnh4 vực này, Ðức Maria, người đầu tiên là con người đặc sủng vĩ đại nhất sẽ trợ giúp chúng ta qua tấm gương của Người.
Hơn ai hết, thánh Phaolô, ý thức về những nguy cơ mà con người yếu đuối có thể gặp phải khi sử dụng các đặc sủng, vì thế, sau khi kể ra các đặc sủng, ngài đã xác định rõ những thái độ nội tâm thiết yếu để thực thi các ẩn điều đó! “Kẻ phân phát thì đừng tính toán so đo; kẻ chủ sự hãy gắng nhiệt thành; kẻ thương giúp hãy giúp cách vui tươi” (Rm 12, 8).
Chúng ta hãy dừng lại ở thái độ đầu tiên, thái độ căn bản mà người phải có! “không tính toán” hoặc, sát nghĩa hơn, “hết sức đơn thành”. “Người cho”, nói cách tổng quát là người chia sẻ nơi người khác điều mình sở hữu hoặc đạt được, vì thế người bố thí và chịu trách nhiệm lo cho người nghèo cũng thuộc loại này. Thánh Tông Ðồ nói, người đó phải hành động với sự đơn thành, không nhằm mục đích nào khác ngoài việc cho đi, không vì lý do nào khác ngoài việc mình đã lãnh nhận. Ðức Giêsu diễn tả đòi hỏi này khi Ngài nói! “Các ngươi đã nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không” (Mt 10, 8). “Nhưng không” không chỉ là không đòi bù đắp về tiền bạc mà còn là không đòi hỏi đáp lại bất cứ điều gì, không đòi lòng biết ơn, không đòi vinh quang, không tìm cách ra vẻ là kẻ làm ơn, không làm cho người ta thấy giá trị của điều mình cho. Phải hành động sao cho tay trái không biết việc tay phải làm như Ðức Giêsu cũng đã dạy (Mt 6, 3).
Những điều ấy chúng ta thấy đã được thực hiện cách tuyệt hảo nơi Ðức Maria. Ðặc sủng của Người là đặc sủng trao ban. Người đã trao ban Ðấng Mêssia là Ðức Giêsu kitô cho thế gian và Người làm điều đó với lòng đơn thành, nhưng không, không có mục đích nào khác ngoài việc trao ban mà không tìm phần thưởng. Khi chiêm ngắm Ðức Maria trong cuộc đời công khai của Ðức Giêsu và trong mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta thấy Người để mình bị tước mất các quyền của một người mẹ trên Ðức Giêsu như thế nào, có thể nói Người chịu mất đi những quyền đó để trao ban Ðức Giêsu cho những người khác. Ðã có lúc tất cả mọi người đều có thể đến bên Ðức Giêsu, Con của Mẹ, cách tự do dễ dàng, ngoại trừ chính Mẹ, thậm chí Mẹ phải xin những người khác can thiệp để có thể nói với Con mình.
Về thái độ nội tâm mà thánh Phaolô gọi là lòng đơn thành, chúng ta cũng hãy xem thái độ đó như thế nào nơi Ðức Maria. Qua một vài dữ kiện trong các sách Tin Mừng và kinh Magnificat, chúng ta thấy Ðức Maria như là chính hiện thân của sự đơn thành. Người không hề vinh vang về ơn huệ đã lãnh nhận hay về việc mình được làm “Mẹ của Ðấng Giêsu”, điều mà mọi phụ nữ Israel đều mong ước. Chẳng những Người không đòi vinh dự hay đòi được nhìn nhận, mà ngay cả đặc ân mình được lãnh nhận Người cũng không nhắc đến. Lần duy nhất dường như Ðức Maria nhắc đến thì Người lại nói theo cách làm nổi bật hành động của Thiên Chúa hơn là của chính mình! “Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả”. Các sách Tin Mừng thuật lại những cuộc gặp gỡ đối thoại có mặt Ðức Maria như cuộc Thăm Viếng, Giáng sinh, Dâng Con vào Ðền Thờ, nhưng không bao giờ Ðức Maria tỏ ra một chút gì là tự thỏa mãn. Ở Cana cũng vậy, kín đáo và khiêm hạ biết bao!
Làm thế nào mà Ðức Maria đã có thể chống lại áp lực gây ra bởi ý nghĩ! “Người là Mẹ của Giêsu, Mẹ của Ðấng Mêsia?” Lucifer đã không cưỡng nổi ý nghĩ mình là tạo vật sáng láng nhất, hắn cảm thấy thỏa mãn và đã gục ngã. Ðức Maria vẫn đứng vững, hẳn là bởi ơn Chúa, nhưng nơi Người, ơn Chúa quả đã không ra “vô ích”. Sự đơn thành của Ðức Maria đã khiến Luther lên lời khen ngợi! “Một tinh thần như thế biểu lộ rất rõ con người Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Giữa biết bao ân phúc, Ðức Maria không dính bén hay tìm sự thích thú nơi những điều đó, Người vẫn giữ cho tâm trí mình tinh tuyền trong lòng mến, trong lời ca ngợi lòng nhân lành của Thiên Chúa mà thôi, nếu Thiên Chúa có muốn cất đi mọi sự và chỉ để lại cho Người một tinh thần nghèo khó, trơ trọi, thiếu thốn, thì Người sẵn lòng tuân phục. Thế nhưng, giữ được thái độ mực thước trong sự giàu có, trong danh giá cao sang hay trong quyền lực thì khó hơn là trong nghèo khó, yêu đuối và ô nhục bội phần.
Vì thế tâm hồn tinh tuyền đến độ tuyệt vời của Ðức Maria càng đáng ca ngợi hơn biết bao nhiêu, vì trong khi nhận được một vinh dự lớn lao như thế, Người vẫn không để mình sa vào cám dỗ. Người như thể không nhìn thấy, vẫn đứng vững trên đường ngay chính, và chỉ một lòng tựa nương vào lòng nhân lành của Thiên Chúa dù không nhìn thấy hay nghe thấy. Những ân phúc Ðức Maria cảm nhận, Người để lại tất cả, không xây vinh quang cũng không tìm sự thích thú nơi những điều đó. Vì thế, Người đã có thể hát lên cách đúng đắn và chân thực! “Thần trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi 16“.
Mỗi khi được sai đi loan báo Lời Chúa ở một nơi nào đó, tôi lại thường nhớ đến sự đơn sơ, giản dị của Ðức Maria với nỗi bối rối, sững sờ. Những lúc thấy mình như có một lời “mạnh mẽ” của Chúa để loan báo, một lời mà tôi cảm thấy có sức soi sáng và an ủi các tâm hồn, thì tôi lại phải chiến đấu thật gay go để giữ được sự giản dị, siêu thoát ngõ hầu Lời Chúa được tự do tác động, nhưng rồi cũng thất bại biết bao lần!
Ðức Maria mang đến cho cả thế giới Lời trọn vẹn, Lời thành xác phàm, thế mà Người vẫn khiêm hạ, ẩn mình biết bao! Chính nơi điều này mà Ðức Maria quả thực là khuôn mẫu tuyệt hảo cho những người được đặc sủng trong Giáo Hội. Những gì Ðức Maria dạy chúng ta qua sự thinh lặng của Người đã quá hùng hồn, không cần phải thêm gì vào đó nữa.
Sự đơn sơ khiêm hạ giúp cho người mang đặc sủng biết đặt mình trong một thái độ đúng đắn, vừa tự do nhưng cũng vừa tuân phục đối với cơ chế và phẩm trật. Ðược Ðức Kitô ở cùng, Ðức Maria vẫn không tự thấy mình được miễn chu toàn các qui định của luật Môisê. Sau Lễ Ngũ Tuần, Ðức Maria cùng sống với tông đồ Gioan trong một giáo đoàn, có lẽ ở Êphêsô hay một nơi khác, nhưng Người không đóng vai trò cai quản hay đứng đầu, mà đã dành các trách nhiệm và vinh dự đó cho Tông đồ Gioan. Không hề có tài liệu nào tham chiếu các chỉ thị do Ðức Maria đưa ra, hay các gợi ý của Người, trong khi đó, có rất nhiều tài liệu nói đến quyền bính của Gioan. Khi thực thi các đặc sủng của mình là trao sự sống cho Ðức Kitô và trung thành đi theo Ngài đến tận Thập Giá, Ðức Maria tan biến trong Giáo Hội như muối hòa tan trong nước.
Mẫu gương của Ðức Maria còn dạy chúng ta về một khía cạnh quan trọng khác! vị trí đặc sủng trong đời sống thiêng liêng của người thực thi đặc sủng đó. Thánh Augustinô khẳng định! “Ðối với Ðức Maria, được làm môn đệ Ðức Kitô thì còn hơn là làm Mẹ Ðức Kitô”, và ngài đi đến chỗ nói rằng “mối liên hệ mẫu tử hẳn chẳng ích gì cho Ðức Maria nếu Người đã không cưu mang Ðức Kitô trong tâm hồn hơn là trong thân xác cách hạnh phúc hơn nữa 17“; điều này cũng gần với điều mà thánh Phaolô nói về mối tương quan giữa đặc sủng và lòng mến (đức ái)! “Giả như tôi được ơn tiên tri … mà tôi lại không có lòng mến thì tôi vẫn là không” (1C 13, 2).
Nếu một nguyên tắc như thế có giá trị đối với đặc sủng làm Mẹ của Ðức Maria thì đối với những đặc sủng nhỏ bé của chúng ta như ơn tiên tri, ơn giảng dạy, cai quản, làm sinh động kinh nguyện, thì còn phải nói thế nào nữa? Ðức Giêsu đã loan báo cho biết! Ngườit có thể chết trong án phạt địa ngục ngay cả sau khi đã thi hành các đặc sủng như nói tiên tri, trừ quỉ, làm các phép lạ (x. Mt 7, 21 – 23).
Về Ðức Maria, tôi nhấn mạnh đến đặc sủng làm Mẹ. Nhờ Tin Mừng, chúng ta được biết nơi Ðức Maria, đặc sủng này được kết hợp cách độc nhất vô nhị với đặc sủng trinh khiết. Chúa Thánh Thần cho Ðức Maria thụ thai đồng thời vẫn bảo toàn nguyên vẹn sự trinh khiết của Người. Bởi cùng một Thánh Thần, Người đã lãnh nhận hai đặc sủng đó cùng một lúc như thể là một đặc sủng duy nhất, đến nỗi người có thể gần với các bà mẹ cũng như với các trinh nữ. Cả hai bậc sống này trong Giáo Hội đều được vinh dự có Ðức Maria là nguồn gốc và là khuôn mẫu cho bậc sống của mình.
Chúng ta hãy kết thúc bằng cách chiêm ngắm Ðức Maria vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, hay nói như người bạn thi sĩ của chúng ta, một thụ tạo vừa có xác thân vừa thuần khiết, hoàn toàn phục vụ cho sự sống và hoàn toàn là tinh tuyền, Người đã hiến dâng cho Thiên Chúa không những lòng dạ mà cả trái tim và lòng tin của mình.
“Nơi mọi tạo vật đều thiếu mất điều gì đó.
Nơi tạo vật mang xác thân
Thiếu mất sự tinh tuyền
Chúng ta đã biết
Nhưng nơi tạo vật thuần khiết
Lại thiếu mất xác thân.
Còn nơi Người, không thiếu điều gì cả
Vì tuy là xác thể, vẫn thật tinh trong
Và cho dù tinh trong, Người vẫn là xác thể
Và vì thế, Người không chỉ là
Một người nữ vô song giữa muôn vàn phụ nữ
Mà còn là tạo vật có một không hai giữa muôn tạo vật
Ðúng thật, Người là tạo vật hàng đầu sau Thiên Chúa
Sau Ðấng Sáng Tạo
Sát ngay sau mà thôi 18“.
CHÚ THÍCH
- Lumen Gentium 59.
- E. Schweizer, Pneuma, dans Th. W. N. T. VI, p. 401.
- Ibid. p. 400.
- Saint Ambroise, Sur L’Esprit Saint II, 38 – 42 (CSEL 79, p. 101).
- Saint Augustin, Sermons 213, 7 (PL 38, 1063).
- Saint Irénée, Contre les hérésies III, 10, 2 (Sch 211, p. 118).
- Cf. Eusèbe de Césarée, Extraits prophétiques 4, 5 (PG 22, 1205).
- Cf. Saint Thomas d’Aquin, Somme théo logique I – Iiae,q. III, a. 1ss.
- Saint Bonaventure, l’arbre de vie, I, 3 (éd Quarachi 1949, p. 164).
- Luther, commentaire sur le Magnificat, introduction (éd. Weimar 7, p. 546).
- Lumen Gentium 63 – 64.
- Dydime de Alexandrie, sur la Trinité II, 13 (PG 39, 692).
- Saint Ambroise, sur l’Évangile selon luc II, 7 (CSEL 32, 4, p. 45).
- Saint Augustin, Sermon 213, 3. 7 (PL 38, 1061 – 1064).
- Lumen Gentium12.
- Luther, commentaire sur le Magnificat (éd. Weimar 7, p. 558).
- Saint Augustin, Sermon 72A (= Denis 25), 7 (Mise, Agost I, p. 162); la sainte virgirité 3 (PL 40, 398).
- Ch. Péguy, Le porche … dans Oeuvres poctiques, op. Cit, p. 175ss.