“Ngươi không được ham muốn … bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20,17).
“Ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò, con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta (Đnl 5,21).
“Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng của anh ở đó” (Mt 6,21).
Điều răn thứ mười giải thích và bổ túc điều răn thứ chín, là điều răn về dục vọng xác thịt. Điều răn thứ mười cấm sự ham muốn của cải của người khác, là cội rễ của sự trộm cắp, cướp đoạt và gian lận, mà điều răn thứ bảy đã cấm. “Dục vọng của đôi mắt” (1Ga 2,16) đưa đến bạo lực và sự bất công, mà điều răn thứ năm đã cấm. Sự ham muốn, cũng như sự gian dâm, bắt nguồn từ việc thờ ngẫu tượng, mà ba điều răn đầu của Mười Điều Răn đã cấm. Điều răn thứ mười nhắm đến ý hướng của trái tim; và cùng với điều răn thứ chín, điều răn thứ mười tóm kết tất cả Mười Điều Răn.
I. SỰ VÔ TRẬT TỰ CỦA CÁC HAM MUỐN
Sự ham muốn giác quan khiến chúng ta ước muốn những điều thích thú mà chúng ta không có. Chẳng hạn muốn ăn khi đói, mong sưởi ấm khi lạnh. Những ước muốn này tự chúng là tốt, nhưng chúng thường không giữ sự điều độ của lý trí, thúc đẩy chúng ta ham muốn cách bất chính điều không phải của chúng ta và điều thuộc về người khác.
Vì thế, điều răn thứ mười :
Ø Buộc phải có thái độ tôn trọng tài sản của người khác.
Ø Cấm sự tham lam và ước muốn sở hữu của cải trần thế cách vô chừng mực.
Ø Cấm sự ham muốn phát sinh do đam mê vô độ của cải và quyền lực do của cải đem lại.
Ø Cấm ước muốn làm điều bất công gây thiệt hại cho người lân cận về của cải trần thế của họ.
Ø Cấm ganh tị, nghĩa là cảm thấy buồn phiền khi thấy người khác có tài sản, và ước ao vô độ muốn chiếm tài sản đó. Ganh tị là một trong bảy mối tội đầu. Nó có thể đưa tới việc làm tồi tệ nhất. Khi ganh tị lại kèm theo ước muốn cho người khác gặp hoạn nạn nặng nề, thì đó là một trọng tội.
Người đã chịu Phép Rửa phải chiến đấu chống lại tính ghen tị bằng sự nhân hậu, khiêm nhường và phó mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
II. PHƯƠNG THẾ CHỐNG LẠI HAM MUỐN VÔ ĐỘ
1. Điều chỉnh ước muốn hợp ý Chúa Thánh Thần
Tự nó, ước muốn không phải là điều xấu. Vấn đề là phải điều chỉnh những ước muốn cho đúng đắn. Phải cảnh giác trước sự quyến rũ của những thực tại “ăn thì ngon, trông đẹp mắt và đáng quý” (St 3,16), nhưng lại ẩn chứa bên trong nọc độc của tội lỗi và sự chết. Điều mà người tín hữu phải ước muốn là sự toàn thiện, và đặt mình trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Thánh Phaolô đã nói: người tín hữu là người “đã đóng đinh xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24), và ước muốn những điều hợp ý Chúa Thánh Thần (x. Rm 8,27), để vượt qua nhũng ý muốn bất chính.
2. Sống tinh thần nghèo khó
Mối phúc đầu tiên được Chúa Giêsu công bố là “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”(Mt 5,3), và Người thường xuyên cảnh giác con người trước mối nguy hiểm của tiền bạc (x.Lc 6,24).
Sống tinh thần nghèo khó là chọn Chúa làm gia nghiệp của mình,đặt Chúa trên hết mọi sự và sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì Chúa và vì Tin Mừng (x. Mc 8,35). Nhờ thế, trong cuộc sống thường ngày, người tín hữu: “điều khiển tâm tình cho đúng đắn để việc sử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giầu sang nghịch với tinh thần nghèo khó của Tin Mừng không cản trở họ theo đuổi Đức ái trọn hảo” (GH 42).
3. Khao khát nhìn thấy Thiên Chúa
Sự ước muốn vinh phúc đích thật giúp con người thoát khỏi tình cảm vô độ đối với của cải trần gian. Người có lòng ước muốn vinh phúc đích thật nói: “Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa”. Thật vậy,con người chỉ có thể tìm được hạnh phúc đích thực và trọn vẹn trong sự hưởng kiến và hạnh phúc nơi Đấng đã dựng nên họ vì tình yêu và cũng là Đấng lôi kéo họ về với Ngài trong tình yêu vô tận. Thánh Grêgôriô thành Nyssênô viết: “Ai thấy Thiên Chúa thì đã đạt được mọi phúc lộc mà người ta có thể nghĩ tưởng ra được”.