“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12).
“Người hằng vâng phục các ngài”(Lc 2,51).
“Ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8). Tình yêu ấy trước hết phải dành cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người có công sinh thành dưỡng dục ta. Vì thế, điều răn thứ tư mở đầu cho bảy điều răn về yêu người đã dạy: phải thảo kính cha mẹ, nghĩa là phải tôn kính và chăm sóc cha mẹ và những ai được Thiên Chúa trao ban quyền hành để mưu ích cho chúng ta. Đây cũng là đòi hỏi rất phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Khi gia đình thực sự là cộng đồng tình yêu và sự sống, gia đình sẽ đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng xã hội an bình, hạnh phúc.
I. GIA ĐÌNH TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA
1. Bản chất của gia đình
Người nam và người nữ kết hợp với nhau qua hôn nhân, cùng với con cái tạo thành một gia đình. Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của đôi vợ chồng, về việc sinh sản và giáo dục con cái. Giữa các thành viên trong gia đình có những mối liên hệ cá nhân và những trách nhiệm hàng đầu.
2. Gia đình Kitô giáo
Gia đình Kitô giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh, vì lẽ đó, gia đình trở thành một Hội Thánh tại gia, là một cộng đoàn đức tin, đức cậy, đức mến.
Gia đình Kitô giáo còn là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Thực vậy, việc sinh sản và giáo dục con cái trong gia đình Kitô giáo phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha, và gia đình Kitô giáo được mời gọi để tham dự việc cầu nguyện và hiến tế của Chúa Kitô.
Gia đình Kitô giáo cũng là một cộng đồng ưu việt được kêu gọi để thực hiện một kế hoạch chung của đôi phối ngẫu và sự cộng tác chu đáo của cha mẹ trong việc giáo dục con cái (x. MV 52).
II. GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
1. Vai trò của gia đình trong xã hội
Gia đình là tế bào nguyên thủy của xã hội loài người. Các nguyên tắc và giá trị của gia đình tạo nền tảng cho đời sống xã hội. Đời sống gia đình là khởi điểm của đời sống xã hội.
Vì thế, gia đình phải sống sao để mọi thành phần biết quan tâm lo lắng cho người trẻ cũng như người già, người đau yếu hay khuyết tật, và cả những người nghèo trong gia đình mình. Như thế, đời sống gia đình thực sự là cuộc khai tâm vào đời sống xã hội.
2. Trách nhiệm của xã hội đối với gia đình
Vì gia đình có tầm quan trọng đối với sự sống và sự lành mạnh của xã hội (x.MV 47), nên xã hội có trách nhiệm đặc biệt nâng đỡ, củng cố hôn nhân và gia đình. Xã hội phải có những biện pháp thích đáng để giúp đỡ và bảo vệ gia đình. Các cộng đồng lớn không được xâm phạm quyền lợi hoặc can thiệp vào nội bộ các gia đình. Trái lại, xã hội phải “bổ trợ” cho gia đình. Chính quyền có trách nhiệm phải tôn trọng, bảo vệ và cổ võ bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, đạo đức chung, các quyền của cha mẹ và sự thịnh vượng của các gia đình (x. MV 52).
III. BỔN PHẬN CỦA CÁC PHẦN TỬ TRONG GIA ĐÌNH
1. Bổn phận của con cái
a. Với cha mẹ
Vì ơn nghĩa sinh thành mà con cái dù lờn hay nhỏ đều phải hiếu thảo với cha mẹ. Đó là lệnh truyền của Thiên Chúa (Xh 20,12).
Ø Hiếu thảo trước hết là biết ơn những người đã sinh thành dưỡng dục. Sách Huấn Ca viết: “Hãy hết lòng tôn kính cha con,và đừng quên những đau khổ của mẹ con. Hãy nhớ rằng các ngài đã sinh ra con, con sẽ làm gì để đền đáp ơn nghĩa?” (Hc 7,27-28).
Ø Hiếu thảo là vâng lời: “Con ơi, hãy giữ lấy lời cha truyền, đừng quên lời mẹ dạy. Những lời đó sẽ hướng dẫn khi con đi, bảo vệ khi con nghỉ, dạy dỗ khi con thức” (Cn 6,20-22).
Ø Hiếu thảo là giúp đỡ cha mẹ: khi đã khôn lớn, con cái có trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ cả vật chất lẫn tinh thần, lúc bệnh tật già yếu hay lúc cô đơn buồn phiền.
b. Với anh chị em và bà con họ hàng
Điều răn thứ bốn còn dạy ta phải có tương quan tốt đẹp với anh chị em ruột trong gia đình, với bà con,anh em họ hàng. Nhờ những tương quan tốt đẹp này, con cái góp phần làm tăng thêm sự hòa thuận và thánh thiện của toàn bộ đời sống gia đình.
Ngoài ra, vì là người Kitô hữu, chúng ta còn phải biết ơn đặc biệt những người đã giúp mình lãnh nhận đức tin, được sống trong Hội Thánh như giáo sĩ, tu sĩ, giáo lý viên, thầy cô, bạn hữu …
2. Bổn phận của cha mẹ
Cha mẹ đã sinh thành thì phải dưỡng dục con cái về mọi mặt: nhân bản cũng như đức tin. “Vai trò cha mẹ trong việc giáo dục con cái thật là quan trọng đến nỗi hầu như không ai thay thế được” (GĐ 3). Không những cha mẹ có quyền mà còn có bổn phận giáo dục con cái và cha mẹ là người có trách nhiệm đầu tiên trong việc giáo dục (x. GĐ 36). Thật vậy, vì được tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, và cũng là những người đầu tiên giáo dục đức tin cho con cái.
Họ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái, là những nhân vị và con cái của Thiên Chúa; họ có nhiệm vụ cung cấp cho con cái, theo hết khả năng của mình, những nhu cầu vật chất và tinh thần, chọn cho chúng những trường học thích hợp, và với những lời khuyên nhủ khôn ngoan, giúp chúng chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống.
Đặc biệt, cha mẹ có sứ vụ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái. Phương thế mà các bậc cha mẹ sử dụng để giáo dục đức tin cho con cái chủ yếu là gương sáng, kinh nguyện, dạy giáo lý trong gia đình và tham dự vào đời sống Hội Thánh.
Tuy nhiên, các mối liên hệ trong gia đình, dù rất quan trọng, nhưng không phải là tuyệt đối, bởi vì ơn gọi tiên quyết của người Kitô hữu là bước theo Đức Kitô bằng cách yêu mến Người: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy. Ai yêu con trai,con gái mình hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy” (Mt 10,37). Cha mẹ phải vui mừng giúp đỡ con cái bước theo Chúa Giêsu trong tất cả các bậc sống, kể cả trong đời sống thánh hiến hay thừa tác vụ linh mục.
IV. QUYỀN BÍNH TRONG XÃ HỘI
Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết: “Quyền bính phải được thực thi như một sự phục vụ, nhờ tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người bậc thang giá trị đúng đắn, các luật lệ, sự công bằng phân phối và nguyên lý hỗ trợ. Khi thực thi quyền hành, mỗi người phải tìm lợi ích cho tập thể chứ không phải cho bản thân. Các quyết định của họ phải dựa trên chân lý về Thiên Chúa, về con người và về thế giới.
Công dân phải coi cấp trên như những người đại diện Thiên Chúa, góp phần cộng tác cách chính trực với họ để đời sống công cộng và xã hội được hoạt động tốt đẹp. Điều này bao gồm cả tình yêu và việc phục vụ tổ quốc, quyền lợi và bổn phận bầu cử, đóng thuế, bảo vệ tổ quốc và quyền phê phán mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, “theo lương tâm,người công dân không phải vâng phục những mệnh lệnh khi chúng đi ngược lại các đòi hỏi của trật tự luân lý” (câu 463-465).
V. ĐIỀU RĂN IV VÀ ĐẠO HIẾU CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM
1. Điều răn thứ tư mở đầu cho bảy điều răn về yêu người và là một trong các nền tảng của học thuyết xã hội của Hội Thánh. Điều răn này đòi hỏi phải thảo kính cha mẹ. Hơn thế nữa, điều răn này còn soi sáng cho các mối liên hệ khác trong gia đình và xã hội, giúp mọi người nhận ra anh chị em ruột thịt hay họ hàng là con cái của cha mẹ, chú bác, cô dì …, nhận ra mọi đồng bào đều là con của tổ quốc, nhận ra những người đã được Rửa tội đều là con cái của mẹ Hội Thánh, và mỗi người đều là con của Đấng muốn mọi người gọi Ngài là Cha. Vì thế, người thân cận ta không phải chỉ là một cá thể xa lạ trong tập thể loài người, nhưng là một người đáng để ta đặc biệt quan tâm và kính trọng (x. SGLHTCG 2212).
2. Người Kitô hữu Việt Nam sống trong lòng dân tộc đã có sẵn truyền thống rất tốt đẹp để sống với nhau trong gia đình, ngoài xã hội và đối với cả trời đất. Đạo Hiếu Việt Nam dạy:
“Uống nước nhớ nguồn.
Làm con phải hiếu
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ yếu mới là đạo con”.
Nghĩa là phải phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống cũng như khi đã qua đời (sự sinh như sự tử), là chăm lo săn sóc lúc cha mẹ già yếu;và sau khi chết phải lo an táng, lễ giỗ, lập bàn thờ, xây đắp mộ, nhang đèn để tỏ lóng báo hiếu. Đối với thầy cô thì dù được một chữ hay nửa chữ cũng không quên ơn thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư)… Đó là những vốn quý của dân tộc mà người Kitô hữu Việt Nam phải trân trọng và Phúc Âm hóa, theo gương Đức Kitô. Đức Kitô là mô hình tuyệt hảo về lòng hiếu thảo với Cha trên trời: “Xin theo ý Cha , đừng theo ý Con” (Mt 26,39), với cha mẹ dưới đất: “Người hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,52). Người cũng là mô hình tuyệt hảo cho những ai có trách nhiệm trên người khác, vì Người là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các môn đệ (x.Ga 13,14). Người Kitô hữu Việt Nam phải phát huy truyền thống Đạo Hiếu của dân tộc, như chỉ thị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để xóa đi những thành kiến của nhiều người cho rằng theo Đạo Thiên Chúa là bỏ ông bà (x. Thông cáo của HĐGMVN năm 1965).