LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ
XÂY DỰNG NHÀ MỤC VỤ
HỌC VIỆN DÒNG DON BOSCO ĐÀ LẠT
20/01/2019
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Chỉ còn hơn một tuần nữa là lễ thánh Gioan Bosco, Đấng sáng lập Hội Dòng Salêdiêng Don Bosco, cũng là bổn mạng giáo sở Don Bosco Đà Lạt. Nhân dịp này, chúng ta cùng với Học viện Salêdiêng Đà Lạt và Giáo sở Don Bosco tham dự Thánh Lễ, có nghi thức đặt viên đá xây dựng Nhà Mục vụ, thiết tưởng chúng ta nên dành ít phút ôn lại mẫu gương của vị thánh đặc biệt này.
Thánh Gioan Bosco sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815 tại Turinô, nước Ý. Song thân của ngài là những nông dân nghèo khó. Khi Gioan lên hai thì thân phụ qua đời. Thân mẫu Gioan phải cố gắng hết sức để nuôi cả gia đình. Vừa đến tuổi khôn lớn, Gioan Bosco đã phải làm việc vất vả để giúp đỡ mẹ. Rồi Gioan nghĩ đến việc đi tu làm linh mục. Ngài không dám nói điều đó với mẹ vì biết gia đình không có khả năng chu cấp cho ngài theo học ở chủng viện. Hơn nữa, thân mẫu ngài lại đang cần có người phụ giúp việc nhà. Vì thế, Gioan đã nhẫn nại chờ đợi, cầu nguyện và hy vọng. Cuối cùng, một linh mục nhận thấy Gioan có ước mơ muốn làm linh mục; Ngài đã giúp Gioan Bôscô gia nhập chủng viện. Suốt quá trình học tập, Gioan đã phải vất vả làm việc. Ngài học đủ thứ nghề: thợ mộc, đánh giầy, nấu ăn, làm bánh, trồng trọt, chăn nuôi….
Năm 26 tuổi, Gioan Bosco được truyền chức linh mục. Cha bắt đầu sứ vụ lớn lao của mình bằng việc tập họp các em trai sống vô gia cư lại với nhau và dạy nghề cho chúng. Khoảng 9 năm sau, đã có 180 em trai sống tại căn nhà dành cho các em. Mẹ của ngài là người giữ nhà. Ngài muốn các cậu trai của ngài mỗi tối phải đọc ba kinh Kính Mừng để Đức Mẹ giúp các cậu giữ mình khỏi tội. Ngài cũng dặn dò khuyên nhủ bọn trẻ phải thường xuyên lãnh nhận các bí tích Hòa giải và Thánh Thể với lòng yêu mến. Thánh Don Bosco đã thiết lập một dòng tu chuyên đào tạo các linh mục và tu huynh theo tinh thần của thánh Phanxicô Salêsiô. Một dòng nữ dành cho các chị em Salêdiêng cũng được thiết lập với sự giúp đỡ của thánh nữ Maria Mazarêlô.
Cha Gioan Bosco qua đời ngày 31 tháng Giêng năm 1888, thọ 73 tuổi. Dân thành Turinô đã xếp thành hàng dài trên các đường phố để tỏ lòng tôn kính, cảm phục, yêu mến và biết ơn ngài. Một linh mục quản xứ đã nhiều lần gặp gỡ Cha Gioan Bosco sau này làm Giáo Hoàng đó là ĐTC Piô XI; chính ngài đã tuyên thánh cho Cha Gioan Bosco năm 1934.
Năm 2015 nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 200 năm sinh nhật của Cha Thánh Gioan, tôi đã chủ tế Thánh Lễ tại nhà nguyện nhỏ bé của cơ sở này và còn nhớ bài giảng của Cha Tôma, lúc đó là Giám đốc Học viện Don Bosco Đà Lạt; ngài triển khai Thư của Cha Bề trên Cả gửi cho các thành viên thuộc đại gia đình Salêdiêng Don Bosco, với chủ đề: như Don Bosco với giới trẻ và cho giới trẻ. Thư đại ý viết rằng:
– Khi nói “NHƯ DON BOSCO”, cha Bề trên Cả mời gọi chúng ta không chỉ nhìn vào Don Bosco, mà đúng hơn, cùng với Don Bosco nhìn vào Chúa Kitô là mục tử nhân lành, là trung tâm và điểm tổng hợp của tinh thần Salêdiêng Don Bosco. Cha Bề trên Cả nêu lên 3 điểm: một là, yêu thương tất cả con chiên và từng con một; hai là, hy sinh mạng sống vì đàn chiên; ba là, không chỉ chăm lo phần xác và nhất là phần hồn.
– Khi nói “VỚI GIỚI TRẺ”, Cha Bề trên Cả nhấn mạnh 3 điểm: một là, sự hộ trực; hai là, bạn của trẻ; ba là, mời gọi các em cộng tác. Với hệ thống giáo dục dự phòng của Cha Don Bosco, mà cốt lõi là việc hộ trực, cần hiện diện thường xuyên và thân ái giữa người trẻ, để bảo đảm cho các bạn trẻ có một môi trường sống tốt, để nhắc nhở từng bạn trẻ mỗi khi quên sót và nâng đỡ kịp thời mỗi khi yếu đuối hoặc sa ngã.
– Khi nói “CHO GIỚI TRẺ”, Cha Bề trên Cả chú ý đến 3 điểm: một, giới trẻ sống bên lề xã hội là đối tượng ưu tiên hàng đầu; hai, dành cho giới trẻ những điều tốt nhất; ba, giới trẻ là quà tặng và là gia sản của người Salêdiêng Don Bosco. Nếu vị mục tử nhân lành sẵn sàng bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, thì cũng phải dành tình yêu của mình cho những thanh thiếu niên có nhu cầu cấp bách nhất, sử dụng tối đa công suất các cơ sở vật chất, tiền bạc của mình, kể cả sức lực, tài năng, sáng kiến vì lợi ích giới trẻ.
Nhà Mục vụ được xây dựng nơi đây chẳng phải vì những mục tiêu mà Hội Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam, cụ thể tại Đà Lạt, nhắm tới hay sao? Chúng ta hợp ý tạ ơn Thiên Chúa, biết ơn Hội Dòng Salêgiêng Don Bosco do Cha Giám tỉnh đứng đầu, biết ơn Cha Giám đốc đương nhiệm của Học viện Don Rua, Cha Phó Giám đốc cũng là Cha Sở của giáo sở Don Bosco Đà Lạt và các cha các thầy nơi đây. Không lẽ mỗi người chúng ta không cộng tác vào công việc tốt đẹp này?
Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, cầu cho chúng con! Thánh Gioan Bosco, cầu cho chúng con!