10h30’ Thứ Năm ngày 01/09/2022 – TTMV
I. DẪN
- “Thương người có mười bốn mối”. Phải chăng đó không là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả ba bài đọc chúng ta vừa nghe Is 58; 1 Cr 13; và Mt 25,31-46? Cả ba đều nhấn mạnh lòng thương xót và thực thi việc thương người.
- Thế nhưng, hôm nay 01/09 cũng là ngày khai mạc Mùa Thụ Tạo, ngày mọi Kitô hữu cùng cầu nguyện và dấn thân chăm sóc Ngôi Nhà Chung Trái Đất, chắc hẳn ĐTC Phanxicô còn muốn chúng ta vượt ra ngoài cái khung “thương người” để quan tâm thương xót đến cả “hệ sinh thái, ngôi nhà chung của chúng ta” đang bị thảm họa, mà trách nhiệm phần lớn là do chính con người qua lối sống “tiêu thụ cực độ” (LS, số 203) và “ích kỷ tập thể” (LS, số 204).
- Hôm nay đáp lời mời gọi của ĐTC Phanxicô[1], chúng ta dâng lễ giữa lòng thánh đường vĩ đại của thụ tạo là “bầu trời” này và thưởng thức “dàn hợp xướng vũ trụ” hùng tráng của vô số thụ tạo đang cùng thánh Phanxicô Assisi cất tiếng ngợi khen: “Ngợi khen Chúa với muôn loài thụ tạo, lạy Thiên Chúa của con”[2]. – Thế nhưng, chính giữa bầu trời nguy nga với dàn hợp xướng ngợi khen này chúng ta lại cũng lắng nghe thấy tiếng kêu gào cay đắng của thiên nhiên trước sự khai thác, bóc lột tàn bạo của con người, cách riêng những “hạng đại gia” có phương tiện, có kỹ nghệ, và chỉ biết làm giàu cho mình bất chấp tất cả, bất chấp thiên nhiên, người nghèo, cũng như chính thế hệ con cháu của họ mai sau.
II. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
- Chúng ta hãy để lời Chúa qua các bài đọc chỉ dạy chúng ta. Trước hết, bài đọc 1 trích sách Is 58 hai lần lập lại mệnh lệnh: “Đây là cách ăn chay Ta mong muốn: hủy bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức” (câu 6). Nói cách tích cực, “hãy chia cơm bánh cho kẻ đói, tiếp rước những kẻ phiêu bạt không nhà, nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ áo mặc, ngươi đừng khinh bỉ người cùng xác thịt với ngươi” (câu 7). Chúng ta như bắt gặp nguồn gốc của kinh “thương người có mười bốn mối”.
- Bài Phúc Âm Mt 25 cũng mô tả những việc làm của đức thương người, nhưng khẳng định một điều rất quan trọng, đầy chất Kitô học, không ai có thể tưởng tượng ra được nếu không phát xuất từ chính miệng Chúa Giêsu: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm, Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta…Ta bảo thật các ngươi, những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (câu 35-36.40). Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với những người bé mọn nhất.
- Tóm kết, “mến Chúa yêu người”, hay “yêu người, đặc biệt những người nghèo khổ”, điểm nhấn của ngày lễ kính Mẹ Têrêsa Calcutta hôm nay, phải là định hướng và là quyết chọn nền tảng nhất của mỗi thành viên Caritas Giáo phận.
III. MẸ TÊRÊSA CALCUTTA, MẪU GƯƠNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
- Mẹ Têrêsa Calcutta đã nổi bật trong nhân đức thương xót này và đã được các ống kính thu hình hiện đại thu lại một cách sinh động và cả ngoạn mục nữa: hình ảnh của một nữ tu bé nhỏ với nụ cười tỏa sáng, trong bộ áo sari trắng viền xanh, thường đến các khu ổ chuột thành phố Calcutta. Mẹ luôn đến với tràng hạt mân côi trong tay, để tìm kiếm và phục vụ Chúa nơi những người không được xã hội coi trọng và chăm sóc.
- Ngày Mẹ được phong Chân phước năm 2003, ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắc lại lời mẹ: “Nếu chị em nghe có phụ nữ nào không muốn giữ lại đứa con của mình mà muốn phá thai, hãy thuyết phục họ trao đứa trẻ sơ sinh ấy cho mẹ. Mẹ sẽ yêu thương nó, vì nơi nó có dấu ấn của tình yêu Chúa”.
- ĐTC Phanxicô đã nhớ về Mẹ trong ngày lễ tuyên thánh cho Mẹ năm 2016: “Mẹ Têrêsa đã cúi xuống trên những người hấp hối bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường vì Mẹ nhận ra phẩm giá Thiên Chúa đã ban cho họ. Sứ vụ của Mẹ ở những khu ổ chuột và trong những cảnh đời bị gạt ra bên lề xã hội là chứng tá hùng hồn về sự gần gũi của Thiên Chúa với những người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo”.
- Dáng người nhỏ bé, nhưng Mẹ dám đứng trước những nhà cầm quyền nói với họ về trách nhiệm của họ đã gây ra cảnh nghèo đói. Đối với mẹ, lòng thương xót là “muối” đem lại vị đậm đà cho việc mẹ làm, là “ánh sáng” dọi vào bóng tối bao cuộc đời quá khổ đau, và là đam mê muốn “xoa dịu cơn khát của Chúa Giêsu trên thập giá: khát tình yêu và khát các linh hồn”.
- Mẹ tự nói về mình: “Theo huyết thống, tôi là người Albani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu công giáo. Theo ơn gọi, tôi làm việc cho thế gian. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái tim Chúa Giêsu”.
- Mẹ Têrêsa là mẫu gương đặc biệt của thời hiện đại, thời mà hành động thuyết phục hơn lời nói. Mẹ thường nói: “Có thể tôi không biết nói ngôn ngữ của họ, nhưng tôi có nụ cười”.
- “Mùa Thụ Tạo” mà ĐTC khai mạc hôm nay nhắc nhở chúng ta cũng phải đem nụ cười vào cả hệ sinh thái đang bị hủy diệt và kêu than. Thay vì đào sâu tiếng kêu than đã được rất nhiều phương tiện truyền thông gióng lên, chúng ta vắn gọn nói đến “hoán cải sinh thái”, “đạo đức sinh thái”.
IV. HOÁN CẢI SINH THÁI
- Cần “hoán cải sinh thái”, vượt thắng chủ nghĩa cá nhân để phát huy một lối sống “đạo đức sinh thái” (Laudato si, số 210), đem lại những thay đổi ý nghĩa cho xã hội và sinh thái (LS, số 208).
- “Hoán cải sinh thái” có thể biểu lộ qua những việc nhỏ hằng ngày, như tránh sử dụng nhựa và đồ giấy xài một lần vứt bỏ, tiết kiệm nước, trồng cây xanh, tắt điện khi không cần thiết, tái sử dụng một vật nào đó thay vì vứt bỏ ngay (x. LS, số 211).
- Về “đạo đức sinh thái”, chúng ta lưu ý “Gia đình, một trong các môi trường giáo dục sinh thái” có tầm quan trọng lớn lao. – Trong gia đình, chúng ta học cách thể hiện tình yêu và tôn trọng sự sống; tập sống ngăn nắp, sạch sẽ, tôn trọng hệ sinh thái địa phương và chăm sóc mọi loài mọi vật. – Trong gia đình, chúng ta lãnh nhận nền giáo dục toàn diện, học cách “xin vui lòng” mà không đòi hỏi, biết nói “cảm ơn” để bày tỏ lòng biết ơn chân thật, biết tự chủ tính nóng giận và lòng tham, biết “xin lỗi” khi làm điều sai trái. Những nghĩa cử đơn giản của phép lịch sự chân thành tạo nên văn hóa của đời sống chung và tôn trọng môi trường chung quanh.
- Linh đạo Kitô giáo khởi đi từ Kinh Thánh xác tín nguyên tắc này: “ít là nhiều” (less is more). Dòng thác liên tục cứ đẩy đến những hàng hóa tiêu dùng mới có thể làm hư hỏng tâm hồn, khiến chúng ta không còn biết trân trọng mỗi sự vật và mỗi khoảnh khắc. Linh đạo Kitô giáo đề nghị một sự trưởng thành mang dấu ấn tiết độ, giản dị và hạnh phúc với những gì bé nhỏ.
- Chúng ta đang nói đến một thái độ tâm hồn, thái độ hiện diện trọn vẹn với mọi người và mọi sự. Thái độ đón nhận mỗi khoảnh khắc như một quà tặng từ Thiên Chúa được sống cách tròn đầy. Chúa Giêsu dạy chúng ta thái độ này khi mời gọi chúng ta chiêm ngắm hoa huệ ngoài đồng và muông chim trên trời, hoặc khi thấy người thanh niên giàu có với nỗi trăn trở của anh, “Ngài đưa mắt nhìn anh và đem lòng yêu mến” (Mc 10,21). Ngài hiện diện hoàn toàn với mọi người và mọi sự. Và qua đó Ngài chỉ cho chúng ta con đường vượt thắng nỗi lo lắng khôn nguôi của người chỉ biết có một việc, kiếm tiền và hưởng thụ một cách hời hợt, nóng nảy, thiếu kiềm chế.
- Một cách sống thái độ này là dừng lại và dâng lời tạ ơn trước và sau bữa ăn. Thời khắc phúc lành này, dù vắn vỏi, cũng nhắc nhớ chúng ta mình lệ thuộc Thiên Chúa nguồn sự sống; củng cố lòng biết ơn về những món quà của công trình tạo dựng; nhắc nhớ công lao của những người làm ra của ăn; và tái khẳng định tình liên đới của chúng ta với những người đang cần trợ giúp.
V. KẾT
- Mẹ Têrêsa, bổn mạng Ủy Ban Caritas Giáo phận mà chúng ta kính nhớ và mừng lễ hôm nay, nhắc nhở và thúc đẩy chúng ta mạnh mẽ về việc thực thi lòng thương xót, không chỉ với những con người đồng xác thịt với chúng ta, mà cả với thiên nhiên, trái đất này, nơi đang chịu những khai thác bất công, khiến khí hậu bị biến đổi trầm trọng (COP 27) và sự đa dạng sinh học bị đe dọa nặng nề (COP 15).
- Cùng ĐTC Phanxicô, chúng ta cất tiếng:
“Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi,
xin dạy chúng con biết chiêm ngắm Ngài,
trong vẻ đẹp của vũ hoàn,
và trong mọi sự đang loan báo về Ngài.
Xin soi sáng cho những ai
đang nắm giữ quyền lực và của cải
để họ xa tránh thái độ vô tâm,
để họ quan tâm thiện ích chung,
thăng tiến người yếu đuối,
và chăm sóc cho thế giới mà chúng con đang sống,
trong đó, người nghèo và trái đất đang phải khóc than.
Ôi lạy Thiên Chúa,
xin bao phủ chúng con bằng quyền năng
và ánh sáng của Ngài,
xin giúp chúng con biết bảo vệ mọi sự sống,
biết chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn,
cho nước Chúa trị đến,
Nước của công lý, hoà bình, tình yêu và thiện hảo.
Chúng con chúc tụng Chúa! Amen.”