LỄ DẦU 2019 TẠI GX THÁNH MẪU BL
Mẹ Maria trong cuộc đời linh mục
17-4-2019
Chúng ta thường nghe nói tới “huynh đoàn”, “tu đoàn”, nhưng ít khi nghe nói đến “linh mục đoàn”. Lễ Dầu là dịp đặc biệt quy tụ linh mục đoàn giáo phận, gồm các linh mục chung quanh giám mục, nhắc nhớ về ngày kỷ niệm Chúa Giêsu lập chức linh mục trong Bữa Tiệc ly. Lễ Dầu năm nay được tổ chức tại giáo xứ Thánh Mẫu gợi ý cho tôi chia sẻ về đề tài Mẹ Maria trong cuộc đời chúng ta, cách riêng trong cuộc đời linh mục.
Đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca (x. Lc, 4, 16-21) thuật lại việc Chúa Giêsu vào hội đường và được trao đọc sách tiên tri Isaia, gặp ngay đoạn viết rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…”. Đọc xong, Ngài nói: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai anh em vừa nghe”. Nói như thế, Đức Giêsu ngụ ý khẳng định Ngài là Kitô và xác minh sứ vụ chính yếu của Ngài là “rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Theo Kinh Thánh, “người nghèo của Thiên Chúa” là người có tâm hồn khiêm tốn tín thác vào Thiên Chúa, mà Mẹ Maria là một gương mẫu. Mẹ đã cảm nhận mình chỉ là “tôi tá của Thiên Chúa” và đã được bà Isave khen là “có phúc vì đã tin”. Cũng thế, linh mục là người được sai đi để thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng với niềm tín thác vào TC.
Ngay trong ngày Truyền Tin, chúng ta thấy rõ Mẹ Maria đã tín thác vào Thiên Chúa khi thưa “Xin Vâng”, nhờ đó mà “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người và ở cùng chúng ta”. Lời “Xin Vâng” của Đức Mẹ nên một với lời “Này con xin đến” của Ngôi Hai Nhập thể. Mẹ Maria đã nên một với Ngôi Lời Nhập thể như thế nào thì cũng nên một với người được Truyền Chức Linh Mục như vậy. Đây là công trình của Chúa Thánh Thần mà con người cộng tác khi tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa, và linh mục không ngừng dâng lời cảm tạ như Mẹ Maria“vì Chúa đã làm nơi tôi những điều cao trọng”.
Sau khi thụ thai Đức Kitô, Mẹ Maria đã “vội vã lên đường” (Lc 1,39) đi thăm chị họ Isave có thai được 6 tháng trong lúc tuổi già, đem niềm vui đến cho cả nhà. Nghe lời Đức Mẹ chào, bà Isave đã phải thốt lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ… vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa đến với tôi thế này?” (Lc 1, 42-43). Mẹ Maria có phúc vì đã tin vào lời Chúa và đã mang Tin Mừng là chính Đức Kitô đến cho người khác. Ước gì các gia đình khi có linh mục đến thăm có thể cảm nhận được như bà Isave là linh mục mang Chúa đến cho gia đình mình.
Khi Chúa Giêsu và các tông đồ được mời dự tiệc cưới ở Cana (x. Ga 2,1-12), Mẹ Maria cũng có mặt ở đó. Mẹ quan sát thấy đám cưới hết rượu, nên đã tế nhị ngỏ ý với Chúa Giêsu: “Người ta hết rượu rồi”. Sau đó dù nghe Chúa Giêsu nói “Giờ tôi chưa đến” nhưng Mẹ vẫn nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”. Thánh Gioan ghi nhận: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người”. Rượu mới ngon hơn rượu cũ ám chỉ Tân Ước hơn hẳn Cựu Ước. Phép lạ ở Cana ngụ ý nói về “giờ” sẽ đến khi Chúa Giêsu thiết lập Giao ước mới trên thánh giá. Ước gì các linh mục khi đến chia vui trong tiệc cưới cũng ý thức rằng nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ mà niềm vui ấy được thăng hoa.
Niềm vui tiệc cưới Cana báo trước niềm vui vào “giờ” mà Chúa Giêsu đem ơn cứu độ đến cho trần gian nhờ tự nguyện “vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” thay cho nhân loại tội lỗi. Thánh Gioan thuật rằng: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người… Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25-27). Ước gì các linh mục khi gặp đau khổ trong cuộc sống biết noi gương Mẹ Maria và thánh Gioan hiệp thông với đau khổ của Chúa Kitô trên thánh giá để tái sinh loài người, rồi biết rước Mẹ về nhà mình. Đức Mẹ luôn đồng hành với các linh mục như đã đồng hành với Đức Kitô, nhất là trong những lúc gặp đau khổ, thủ thách.
Trong kinh Lạy Nữ Vương, chúng ta xưng tụng Đức Maria là Mater misericordiae: Mẹ nhân lành, Mẹ thương xót, Mẹ từ bi. Xưng tụng như thế vì chúng ta ý thức rằng Đức Mẹ chẳng những đã sinh ra Chúa Giêsu là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha, mà còn là người đầu tiên trong Tân Ước cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa đối với bản thân và đối với nhân loại, khi đoái nhìn một nữ tì thấp hèn để uỷ thác một sứ mạng cao cả có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Mẹ cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập thể và nhất là trong mầu nhiệm Thập giá. Vì đã cảm nhận lòng thương xót ấy cách đặc biệt nên Mẹ đã cất lời chúc khen tạ ơn trong bài ca Magnificat và đã thi hành sứ mạng mà Chúa uỷ thác với tâm tình của chính Đức Kitô.
Giờ đây chúng ta hợp ý cầu nguyện theo gợi ý của ĐTC Phanxicô:
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho các linh mục có trái tim thuộc trọn về Chúa, và cũng thuộc trọn về con người, một trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng và giàu lòng thương xót, một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những người nghèo khổ.
Xin cho cho các linh mục luôn sống thánh thiện, có thể nuôi dân Chúa bằng hương thơm của dầu thánh, bằng tấm bánh ngon là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa.
Xin cho các linh mục biết cầu nguyện, có tình bạn thân thiết với Chúa để các ngài giới thiệu Chúa cho người khác; biết hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa đoàn chiên đến với Chúa là Nguồn Sống thật.
Lạy Mẹ Maria, xin cho tất cả chúng con, cách riêng cho hàng giáo sĩ, biết noi gương Mẹ, suốt đời sống lời “Xin Vâng” khi thi hành chức năng Chúa trao ban theo ơn gọi của mỗi người, nhất là biết vững vàng đứng dưới chân thánh giá để mưu cầu sự sống của Đấng Phục Sinh cho nhiều người.
Amen.