LỄ GIÁNG SINH 2018
tại Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Hôm nay chúng ta mừng Sinh Nhật lần thứ 2018 của Chúa Giêsu (năm 1 được ước tính là năm Chúa Giêsu chào đời, năm khởi đầu cho Công lịch kỷ nguyên, gọi tắt là Công nguyên).
Trong những năm qua Giáo hội đã quan tâm đặc biệt đến các gia đình. Trong Năm Mới 2019 sắp tới, Hội đồng Giám mục Việt Nam quan tâm cách riêng đến các gia đình gặp khó khăn. Vì thế, chúng ta nên dành ít phút suy niệm về những khó khăn mà Thánh Gia đã gặp ngay từ những ngày Chúa Giêsu mới chào đời.
Thật vậy, theo thánh Luca tường thuật trong bài Phúc Âm (x. Lc 2.1-14), vào thời điểm Đức Maria sắp “tới ngày mãn nguyệt khai hoa” thì “có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra… Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình”. Thánh Giuse thuộc “tôn thất dòng Đa Vít” nên đã về quê quán của Đa Vít là Bêlem “để khai kiểm tra cùng với Maria”. Đến Bêlem sau một chặng đường dài khoảng 150 km từ Nadarét, hai người muốn tìm một quán trọ mà không có, đành phải vào một hang đá nơi trú đêm của bò lừa. Chính tại nơi này, Đức Maria đã sinh hạ “Con Đấng Tối Cao”. Thánh Luca đã cùng với các tín hữu thuở ban đầu tuyên xưng đức tin vào Hài nhi Giêsu là Con Thiên Chúa khi mô tả tiếng hát của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Đứng trước những khó khăn không hiểu nổi, Đức Maria đã “im lặng suy nghĩ những điều đó trong lòng”. Im lặng suy nghĩ để nhận ra thánh ý Chúa là một cách giúp vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Thế rồi, trong khi những người thiện tâm như các mục đồng nghèo khó hoặc như ba vua phương đông giầu có đến gặp “Hài nhi mới sinh đặt nằm trong máng cỏ” thì những người sống hai mặt như vua Hêrôđê, miệng nói sẽ đến thờ lạy Vua Do Thái mới sinh nhưng lòng đầy ghen ghét đã ra lệnh lùng giết Hài nhi Giêsu. Vì thế, Thánh Giuse phải đưa “Hài nhi và Mẹ Người” trốn sang Ai Cập. Trong thời gian gặp khó khăn thử thách này, chắc hẳn Đức Mẹ và Thánh Giuse luôn tín thác vào Thiên Chúa. Thật vậy, chẳng bao lâu, Thiên Chúa đã truyền cho Giuse “đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen” (x. Mt 2, 19-23), cư ngụ tại Nadarét.
Hài nhi Giêsu đó là ai? Ngôn sứ Isaia đã tiên báo và thánh Matthêu đã ghi lại trong trình thuật về sinh nhật Chúa Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Is 7,14; Mt 1,23).
Sinh nhật Chúa Giêsu, như được ghi lại trong Bài Tin Mừng theo thánh Luca theo kiểu nói “vào thời hoàng đế Cêsarê Augustô…, thời thủ hiến Quirinô”, có ý khẳng định việc Chúa Giêsu sinh ra là một sự thật trong lịch sử.
Tuy nhiên, điều quan trọng là hiểu được ý nghĩa then chốt của sự thật này, đó là việc Thiên Chúa và con người trở nên một nơi Đức Giêsu. Emmanuel, danh hiệu của Đức Giêsu, là Con Đường Làm Người của Thiên Chúa nhằm mục đích đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Đức Giêsu là Đường, là Đạo, là Thiên Chúa làm Người để mở đường chỉ lối cho con người đạt tới hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu. Vì thế, con đường người Kitô hữu phải đi là con đường vừa lấy Thiên Chúa làm gốc, vừa lấy con người làm gốc, như chính Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, kết hiệp với nhau trong một ngôi vị duy nhất là Ngôi Lời. Chúa Giêsu chính là ngôi sao dẫn đường đến với Thiên Chúa là Cha qua nẻo đường đến với mọi người là anh em, như lời Thánh Gioan đã viết: “Tình yêu của TC đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: TC đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống… Nếu TC đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4, 7.9.11).
Do đó, qua Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Thiên Chúa không phải là một hình ảnh do lý trí con người tạo ra, mà là một Thiên Chúa cụ thể, sinh động, một Thiên Chúa Làm Người và ở giữa mọi người, là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng Emmanuel, mà chúng ta mừng lễ Sinh Nhật hôm nay. Hơn nữa, tình yêu của Thiên Chúa đạt đến mức tuyệt đỉnh khi Đức Giêsu gặp khó khăn thử thách vào cuối đời: Ngài đã tự hiến mình trên thập giá để kéo con người lên, để cứu độ họ bằng cách chết thay cho họ và sống lại để cứu sống họ. Cũng từ đó, cách thức Thiên Chúa yêu thương con người trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu giữa con người với nhau.
Những điều đó không phải chỉ có giá trị cho các tín hữu, nhưng cho tất cả những người thiện tâm, được ơn thánh hoạt động một cách vô hình trong tâm hồn, vì Chúa Kitô đã muốn chết cho hết mọi người theo ý định của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Thật vậy, trong đêm Giáng Sinh, các thiên thần đã ca hát: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Chỉ những ai có thiện tâm thì mới được bình an đích thực. Người thiện tâm là người biết sống kết hiệp với Thiên Chúa, nhất là bằng cách noi gương Đức Giêsu Kitô sống yêu thương tha nhân.
Ba ca sĩ trong nhóm GENTRI (the Gentlemen Trio) đã trình diễn bản “O Holy Night” trong một video clip; nội dung bản thánh ca mô tả Chúa Giêsu như một ngôi sao sáng soi đường mở lối cho nhân loại biết sống yêu thương nhau. Video clip lồng hình ảnh một gia đình (hai vợ chồng và ba đứa con) đi mua sắm Noel. Vừa ở tiệm đi ra, anh chồng thấy một người đàn ông vô gia cư khoảng 30 tuổi ngồi bên lề đường. Khi người chồng và đứa con vác cây thông nặng đặt lên mui xe, ông ta chạy đến giúp một tay đưa cây thông lên mui. Hai người nhìn nhau mỉm cười. Người chồng muốn gửi cho ông ta một ít tiền, nhưng ông ta lắc đầu. Anh lên xe mà vẫn ngoái nhìn theo người đàn ông. Một lần khác, anh chồng lái xe đi họp tại công ty, anh dừng xe nghe điện thoại, nên không để ý tới một người ăn xin đứng ngoài cửa xe; nghe điện thoại xong thì người ăn xin đã quay lưng đi; anh liền nhớ đến ánh mắt của người đàn ông vô gia cư mà anh đã gặp bên đường; lúc đó bản thánh ca hát đến câu: “Truly he taught us to love one another: Đúng là Chúa đã dạy chúng ta yêu thương nhau”. Anh vào phòng họp mà lòng trí cứ nghĩ đến ánh mắt mời gọi của người đàn ông đó. Một lần khác, cả gia đình anh đang đi trên xe thì anh chồng thấy người đàn ông đó đang đi trên vỉa hè nhìn anh. Anh dừng xe, rồi một mình bước theo người đàn ông mà anh nghĩ là hiện thân của Chúa Giêsu đang đi vào một căn nhà. Trên đường gần căn nhà ấy và trong nhà, anh nhìn thấy rất đông những người vô gia cư, trong đó có một người mẹ trẻ với hai đứa con thơ. Anh chạy ra ngoài gọi vợ con của mình vào. Một lát sau, hai đứa con của anh chạy đến tặng búp bê cho hai đứa nhỏ… Rồi cả nhà đến chúc mừng Giáng Sinh người mẹ trẻ với hai đứa con thơ. Bản thánh ca Holy Night vang vọng: “Luật của Chúa là luật yêu thương và Tin Mừng của Chúa là Tin Mừng Bình An”. Anh ngẫm nghĩ về lời Chúa Giêsu: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Trong đêm Giáng Sinh, Đấng đã không có nơi để hạ sinh đã được loan báo cho những người vô gia cư. Các mục đồng là những người đầu tiên được nghe tin vui này; vì kế sinh nhai mà họ bị đầy ra bên lề xã hội; họ bị coi là kẻ lạc giáo giữa các tín hữu, là tội nhân giữa những người công chính, là kẻ ngoại bang giữa các đồng hương. Nhưng với họ, thiên thần đã loan báo: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin vui trọng đại, cũng là tin vui cho toàn dân. Hôm nay một Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavít, là Đức Kitô của Thiên Chúa”. Đây là tin vui mà chúng ta được mời gọi để chia sẻ, cử hành và công bố, đồng thời mời gọi chúng ta cũng hãy làm giống như Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa giầu tình yêu thương.
Ước gì Lửa Tình Yêu của Thiên Chúa thắp sáng tâm hồn chúng ta, để chúng ta được bình an, và trong Năm Mới sắp đến chúng ta làm được nhiều việc yêu thương tha nhân hơn, trở thành những ngôi sao sáng, chiếu soi cho nhiều người khác nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa Giêsu đã đi bước trước để bày tỏ tình yêu đối với con người, còn mỗi người có noi gương Chúa Giêsu hay không thì tự xét mình và chịu trách nhiệm về lối sống của mình.