LỄ THÁNH SIMON HÒA
Bổn mạng Chủng viện Minh Hòa Đà Lạt
12.12.2011
Trong lịch sử giáo phận Đà Lạt chúng ta, tiểu chủng viện mang tên thánh Simon Hòa, đại chủng viện mang tên thánh Philipphê Minh. Cả hai đều là thánh tử đạo được ĐTC Gioan-Phaolô II tôn phong ngày 18/6/1988. Thánh Simon Hòa sinh năm 1787 tại Thừa Thiên, đã từng tu học tại tiểu chủng viện, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt nên 30 tuổi về lập gia đình và là cha của 12 người con, trong đó có 3 người con là nữ tu, tử đạo ngày 12/12/1840 lúc 53 tuổi. Thánh Philipphê Minh sinh năm 1815 tại Vĩnh Long, là con thứ 12 trong một gia đình 14 anh chị em, sau thời gian tại tiểu chủng viện Lái Thiêu, đã theo học tại đại chủng viện Penang, Malaysia, thụ phong linh mục tại Huế năm 31 tuổi, tử đạo ngày 3/7/1853 lúc 38 tuổi.
Thánh Simon Hòa và Philipphê Minh là hai trong số hàng trăm ngàn người công giáo Việt Nam đã sống và chết theo gương Đức Giêsu Kitô, như những hạt lúa mì rơi xuống đất để trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương Việt Nam, trong đó có các linh mục, chủng sinh, giáo dân xuất thân từ tiểu và đại chủng viện Đà Lạt mang tên các ngài.
Các ngài là những người đã để lại cho chúng ta tấm gương thực hiện lời Chúa Giêsu dạy: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 25).
Các ngài là những người đã ý thức như các tông đồ xưa: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4, 8-10). Đức Giêsu Chết và Sống lại, trong mầu nhiệm Vượt Qua, như một kho tàng, “nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4, 7).
Thật vậy, là giáo sĩ cũng như giáo dân, đặc biệt là linh mục, giám mục, hay chủng sinh, tất cả đều được mời gọi sống mầu nhiệm Vượt Qua. Trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, ĐTC Gioan-Phaolô đã khẳng định: (Họ) “phải sống mầu nhiệm vượt qua của Ngài làm sao để có thể đưa dẫn đoàn dân được giao phó cho mình vào trong mầu nhiệm ấy”, phải “biết tìm kiếm Đức Kitô bằng cách trung thành suy niệm Lời Chúa, bằng cách tích cực hiệp thông với các mầu nhiệm rất thánh của Giáo Hội, trước hết qua bí tích Thánh Thể và thần vụ, phải tìm kiếm Đức Kitô nơi giám mục là người sai phái mình và nơi những con người mà mình được sai phái đến, nhất là nơi những người nghèo, những người bé nhỏ, những người yếu đau, những người tội lỗi và những người không tin. Với niềm cậy tin hiếu thảo, phải yêu mến và tôn kính Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc mà khi hấp hối trên thập giá Đức Kitô Giêsu đã ban cho người cho môn đệ yêu dấu để làm mẹ của mình” (số 45).
ĐTC cũng đã lưu ý sống mầu nhiệm Vượt Qua khi triển khai về việc sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục (tức là phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa).
Khi làm nghề thuốc và dạy thuốc, ông Simon Hòa được các học trò rất thương mến, và ông cũng coi họ như con vậy.
Trong khi ông Simon Hòa bị giam tù, con cái thường lui tới viếng thăm và được ông khuyên: “Chúng con hãy về giúp đỡ mẹ, chị em giúp đỡ lẫn nhau. Còn số phận cha chắc không tránh khỏi cái chết. Các con hãy vâng lời mẹ, săn sóc cửa nhà tử tế, vì cha không thể lo lắng gì hơn được nữa”.
Các quan đưa đòn tâm lý nói về chuyện thương vợ con cho Ngài mủi lòng mà bỏ đạo. Nhưng Ngài quả quyết: “Dầu tôi phải mất vợ mất con, mất hết của cải và mạng sống nữa, tôi cũng không bao giờ bỏ Chúa tôi thờ”.
Một hôm bà Hòa bế con đến thăm, Ông nói: “Hãy can đảm, đừng buồn vì số phận tôi phải chịu. Cái chết của tôi làm vinh danh Chúa. Hãy khuyên bảo con cái biết sống theo ý Chúa”.
Trong bài giảng Lễ Tôn Phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ĐTC nói: “Thật vậy, cần phải có mãnh lực, khôn ngoan từ Thiên Chúa mới có thể tuyên xưng Mầu Nhiệm Tình Yêu của Ngài, chính là tình yêu được diễn tả trong cuộc tử nạn trên Thập Giá để cứu chuộc trần gian: quả là mầu nhiệm bao la vượt hẳn sự suy luận của loài người. “Là vì cái điên rồ nơi Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn cả sự khôn ngoan của người đời, và cái yếu hèn nơi Thiên Chúa còn mạnh hơn cả sức lực phàm nhân” (I Cor. 1, 25).
Trước mặt chúng ta hôm nay các vị Tử Đạo Việt Nam đóng vai trò những người đi gặt lúa cho Chúa, như đã ghi trong Thánh Vịnh: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt. Nhưng khi trở về, lòng hân hoan phấn khởi, vì sẽ ôm nặng nhiều bông lúa.” (TV 125-126, 5, 6).
Lời huyền diệu trên đây nói lên ý nghĩa cuộc chứng nhân lịch sử nơi các vị Tử Đạo trong Giáo hội Việt Nam. Trong vũng nước mắt của họ đã gieo xuống hạt giống ân sủng, để rồi trổ thành vô số bông hoa Đức Tin: “Hạt giống gieo xuống mà không mục đi thì chỉ trơ trọi một mình, nếu mục đi sẽ sinh nhiều bông lúa” (Ga 12, 24).
Các vị Tử Đạo Việt Nam “gieo trong lệ sầu” có nghĩa là các ngài đã khởi sự giữa lớp người đồng hương và giữa nền văn hóa dân tộc một cuộc đối thoại sâu rộng và cởi mở, bằng cách nêu cao chân lý và tin vào Chúa là sự kiện phổ cập tất cả hoàn cầu. Đồng thời các ngài góp phần vào việc nhận định các giá trị và nghĩ vụ thích hợp với nền văn hóa tôn giáo trong thế giới Đông Phương. Trong cuốn Giáo Lý đầu tiên bằng tiếng Việt, các Ngài đã tuyên xưng nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi một bản thể đã tạo dựng trời đất. Ra trước quan quyền tra khảo về Đức Tin, các vị Tử Đạo đã quyết mình đưa tự do tín ngưỡng, và Đạo Chúa là Đạo duy nhất, nếu mình từ bỏ là bất tuân lệnh Thượng Đế, là Thiên Chúa. Đồng thời các Ngài đã can đảm nói lên ý chí tôn trọng quyền bính trong nước, nhưng không vì thế mà làm điều gì bất chính. Các Ngài đã dạy phải tôn kính Tổ Tiên theo truyền thốntg dân tộc, và dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh. Do đó với sự dấn thân và hành động chứng nhân của các vị Tử Đạo, Giáo Hội Việt Nam hiên ngang nói lên sự quyết tâm và tha thiết của mình không chối bỏ truyền thống văn hóa và các thể chế quốc gia. Trái lại, Giáo Hội tuyên xưng và chứng mình rằng: nếu mình nhập cuộc trong truyền thống và văn hóa dân tộc là vì có ý góp phần vào việc xây dựng quốc gia một cách trung thực hơn.”
Chúng ta hợp ý cầu nguyện cho nhau và nâng đỡ nhau bước theo Chúa Kitô như hai thánh bổn mạng Simon Hòa và Philipphê Minh đã bước theo Chúa đến cùng. Amen.