MTG ĐÀ LẠT KHẤN TRỌN ĐỜI
Bảo Lộc, 07/06/2019
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Nghi thức chính yếu trong Lễ nghi Khấn Dòng là việc tuyên khấn của từng khấn sinh. Lát nữa đây chúng ta sẽ chứng kiến từng chị em công khai đọc lời tuyên khấn: “Con là…, trước mặt Đấng Bản quyền Giáo phận…, và trong tay Chị Tổng Phụ trách…, con tuyên khấn với Thiên Chúa toàn năng sống khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục trọn đời theo Hiến Chương Hội Dòng MTG Đà Lạt”.
Tiếp theo là các nghi thức diễn nghĩa, trong đó có việc trao nhẫn cho từng chị em. Trước khi trao nhẫn cho từng khấn sinh, chủ tế nói: “Các con hãy lãnh nhận chiếc nhẫn này và giữ trọn lòng trung tín với Đức Kitô, để các con đáng được nhận vào dự tiệc cưới hân hoan muôn đời”. Việc trao nhẫn trong nghi thức Khấn Trọn Đời tương tự như việc trao nhẫn trong Lễ Cưới. Chiếc nhẫn là dấu chỉ của tình yêu. Các chị em này được Thiên Chúa yêu và ngỏ lời mời gọi kết hôn với Chúa Giêsu như với Bạn Trăm Năm.
Thật vậy, ngôn sứ Hôsê đã mô tả tương quan giữa Thiên Chúa và dân Israel như một giao ước hôn nhân. Vị ngôn sứ diễn tả tình yêu cứu độ này bằng hình ảnh một chàng trai trẻ cưới một cô gái bất xứng với anh ta; đó là một cô gái điếm. Trong bài đọc I (x. Hs 2, 14.19-23), chúng ta nghe đọc: “Công tôi đi khách đó: các tình nhân đã trả cho tôi!”. Vậy mà “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu”, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa”.
Kinh Thánh thường dùng hình ảnh hôn nhân để ám chỉ tương quan của Ngài với Israel: “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5). Hôm nay Thiên Chúa nói với từng chị em tuyên khấn: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu” (Is 2, 21). Chị em là những người cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mình và đã đáp lại tình yêu đó, mặc dù biết “yêu là khổ”, sẵn sàng đón nhận thánh giá trong cuộc hôn phối huyền diệu này, đặc biệt thánh giá lại là “đối tượng duy nhất của lòng trí” chị em.
Tuy nhiên việc sống đời tu sĩ không phải dễ dàng, cũng thường gặp những khó khăn thử thách như trong cuộc sống hôn nhân gia đình. Nếu có khó khăn thì cũng dễ hiểu, vì trong đời sống hôn nhân gia đình, vợ chồng yêu nhau đến mấy cũng không tránh khỏi lúc “cơm không lành, canh không ngọt”.
Chính vì thế mà trong bài đọc II trích thư gửi tín hữu Philiphê (x. Pl 2, 1-5), thánh Phaolô nhắn nhủ: “Nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh chị em … hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”. Thánh Phaolô kết luận rằng: “Anh chị em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu”.
“Có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” phải chăng là điều mà 5 cô trinh nữ khôn ngoan đã có, đó là “vừa mang đèn vừa mang dầu theo”? (x. Mt 25,1-13), nên đã “được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”. Kết luận về dụ ngôn “5 cô không ngoan, 5 cô khờ dại”, Chúa Giêsu nói: “Vậy anh em hãy tỉnh thức”.
Người tu sĩ trẻ sống trong thời đại ngày nay lại càng phải tỉnh thức, vì bị ảnh hưởng từ một xã hội “trần tục hóa”. Xin phép ghi lại vài điểm cần đề cao cảnh giác mà một linh mục dòng đã chia sẻ:
Một là, não trạng thực dụng:
Do ảnh hưởng nền kinh tế thị trường mà tính hiệu quả được xem là thước đo mọi giá trị, nên người trẻ hôm nay sống rất thực tế, nhưng lại dễ rơi vào não trạng thực dụng. Thực dụng là lựa chọn cái gì có lợi trước mắt. Hiện nay, cái lợi trước mắt là tiền bạc, danh vọng, quyền lực, chứ không phải là đạo đức. Tu sĩ có khuynh hướng thực dụng thì điều mà họ tìm kiếm là bằng cấp, tiền bạc, tư lợi, tiện nghi… thay vì quan tâm tập luyện đức khó nghèo, khiêm tốn, công bằng, bác ái.
Hai là, khuynh hướng tự do:
Ngày nay, tinh thần dân chủ thấm nhập mọi lãnh vực, người ta thường “tự khẳng định mình”, coi trọng khả năng và ý kiến cá nhân. Tự do là một giá trị cao quý, nhưng nếu hiểu không đúng, tự do sẽ thành phóng túng hỗn loạn. Người trẻ khó chấp nhận một thứ đạo đức gò bó nặng phần cấm đoán, khó chấp nhận nề nếp tu trì truyền thống. Họ muốn sống đạo đức và sống đời thánh hiến theo cách mà họ thích và lựa chọn. Những gì phù hợp với mình thì chấp nhận, không phù hợp thì từ chối. Nếu bị buộc phải theo thì miễn cưỡng “chịu vậy” chứ không vâng phục; họ không phân biệt giữa điều khuyên và điều đòi hỏi, giữa cái mình thích và cái mình cần yêu mến.
Ba là, thích phê phán:
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, óc phê bình cũng mạnh hơn. Có những phê phán đúng và cũng có những phê phán không đúng. Có những phê phán để làm rõ chân lý và cũng có những phê phán chỉ nhằm bôi nhọ người khác. Có những phê phán công khai, nhưng đa phần là những phê phán sau lưng và khi đến tai người bị phê phán thì đã tam sao thất bổn.
Chính trong bối cảnh “trần tục hóa”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong Tông huấn về Đời sống Thánh hiến, đã trích dẫn đoạn Tin Mừng về người phụ nữ xức dầu thơm cho Chúa Giêsu. Ngài viết: “Ngày nay có nhiều người thắc mắc tự hỏi : đời thánh hiến chẳng phải là phí của sao ? Khi Giuđa cằn nhằn vì sự phung phí đó, lấy cớ là phải lo cho người nghèo, thì Đức Giêsu nói : “Hãy để cô ấy yên”. Đó là câu trả lời luôn luôn có giá trị cho những ai đặt câu hỏi, cho dù là ngay tình, về ích lợi của đời thánh hiến”.
ĐTC quảng diễn thêm: “Xức dầu thơm là một hành động yêu thương …, là dấu chỉ của sự quảng đại cho đi không tính toán ; điều này được diễn tả qua một cuộc sống dành riêng để yêu mến và phụng sự Chúa, dâng hiến cho chính Chúa và cho Nhiệm Thể của Người. Một cuộc sống cho đi mà không tính toán khiến cho cả nhà sực mùi thơm”.
Nếu niềm vui ngày Lễ Cưới sẽ không kéo dài mọi ngày trong đời sống hôn nhân gia đình, thì niềm vui của ngày Lễ Khấn cũng sẽ tiếp theo những thánh giá trong thực tế cuộc sống tu trì. Vì thế, nếu chúng ta cầu nguyện cho các đôi tân hôn trong ngày Lễ Cưới và trong cuộc sống hôn nhân thế nào, thì cũng không quên cầu nguyện cho các tân khấn sinh trong ngày Lễ Khấn Trọn Đời hôm nay và trong cuộc sống đời thánh hiến như vậy. Amen.