TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỔNG
ECCLESIA IN ASIAGIÁO HỘI TẠI Á CHÂU
CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ IIGỞI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ,CÁC NGƯỜI NAM NỮ SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN,VÀ TẤT CẢ GIÁO DÂN
VỀ ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐẤNG CỨU ĐỘ VỀ SỨ VỤ TÌNH YÊU VÀ PHỤC VỤ CỦA NGƯỜI TẠI Á CHÂU:“. ĐỂ CHO CHÚNG ĐƯỢC SỐNG VÀ SỐNG DỔI DÀO”(Ga 10,10)
DẪN NHẬP
Vẻ kỳ diệu trong kế hoạch của Thiên Chúa tại Á Châu
1. Giáo Hội tại Á Châu hát lời ngợi khen “Thiên Chúa cứu độ” (Tv 68,20) vì Người đã chọn khởi sự kế hoạch cứu độ của Người tại phần đất Á Châu, qua những người nam nữ của lục địa này. Quả thế, chính tại Á Châu mà Thiên Chúa đã mạc khải và hoàn thành ý định cứu độ của Người ngay từ đầu. Người hướng dẫn các tổ phụ (x. St 12) và kêu gọi ông Môisen giải thoát dân Người (x. Xh 3,10). Người nói với Dân được tuyển chọn qua nhiều ngôn sứ, quan án, vua chúa và những phụ nữ dũng cảm đầy lòng tin. Vào “thời viên mãn” (Gl 4,4), Người sai Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ, mặc lấy xác phàm làm người Á Châu! Hoan hỉ vì những điều thiện hảo nơi các dân tộc, các nền văn hoá và sức sống tôn giáo của lục địa, và đồng thời ý thức đến quà tặng duy nhất là đức tin mà mình đã lãnh nhận vì thiện ích mọi người, Giáo Hội tại Á Châu không ngừng loan báo: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).
Vì Đức Giêsu sinh ra, sống, chết và chỗi dậy từ cõi chết nơi Đất Thánh, vùng đất bé nhỏ ấy ở Tây Á đã trở nên mảnh đất đầy hứa hẹn và hy vọng cho cả loài người. Đức Giêsu đã biết đến và yêu mến mảnh đất này. Người gắn bó với lịch sử, những đau khổ và hy vọng của dân miền này. Người thương yêu dân miền này và đi theo truyền thống và di sản Do Thái. Quả thực từ lâu trước, Thiên Chúa đã chọn dân này và mạc khải chính mình cho họ để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Và từ mảnh đất này, nhờ lời rao giảng Tin Mừng trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã ra đi để làm cho “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Cùng với Giáo Hội hoàn cầu, Giáo Hội tại Á Châu sẽ bước qua ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, vừa kinh ngạc trước những gì Thiên Chúa đã thực hiện từ những bước đầu ấy cho tới ngày nay, vừa hiểu rõ rằng “cũng như trong ngàn năm thứ nhất, Thánh Giá đã được cắm trên miền đất Âu Châu, rồi trong ngàn năm thứ hai được cắm trên miền đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì chúng ta có thể cầu ước nguyện rằng, trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo, một mùa gặt lớn về đức tin sẽ được thu hoạch tại lục địa rộng lớn và đầy sức sống này” (1).
Bối Cảnh Của Hội Nghị Đặc Biệt
2. Trong Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, tôi có đưa ra một chương trình để Giáo Hội đón mừng ngàn năm thứ ba Kitô giáo, một chương trình tập trung vào những thách đố của công cuộc Phúc Âm hoá mới. Một nét quan trọng của chương trình này là họp Thượng Hội Đồng các lục địa, để các Giám Mục có thể đề cập vấn đề Phúc Âm hoá tuỳ theo hoàn cảnh riêng và nhu cầu của mỗi lục địa. Những kỳ họp Thượng Hội Đồng này, liên kết bằng một chủ đề chung là công cuộc Phúc Âm hoá mới, đã tỏ ra là một phần quan yếu trong việc Giáo Hội chuẩn bị mừng Đại Năm Thánh 2000.
Trong chính Tông Thư này, khi nhắc tới Hội Nghị đặc biệt Thượng Hội Đồng các Giám Mục Á Châu, tôi đã lưu ý rằng trên phần đất này của thế giới “việc gặp gỡ của Kitô giáo với những nền văn hoá và tôn giáo địa phương có từ lâu đời, phải là một vấn đề cấp bách. Đây là một thách đố lớn đối với việc Phúc Âm hoá, bởi vì những hệ thống tôn giáo như Phật giáo hay Ấn giáo đều có một đặc tính rõ rệt là cứu nhân độ thế” (2). Quả thực đây là một huyền nhiệm: tại sao Đấng Cứu Thế sinh ra tại Châu Á mà cho đến nay vẫn có nhiều người của lục địa này chưa biết đến Người. Thượng Hội Đồng sẽ là một cơ hội quan phòng đối với Giáo Hội tại Á Châu để suy nghĩ sâu sắc hơn nữa về huyền nhiệm này và tái dấn thân vào sứ mạng làm cho mọi người biết rõ Đức Giêsu Kitô hơn. Hai tháng sau khi công bố Tertio Millennio Adveniente, trong buổi nói chuyện với Hội Nghị khoáng đại lần thứ sáu của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại Manila, Philíppin, nhân dịp cử hành ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ mười đáng ghi nhớ, tôi đã lưu ý các Giám mục: “Nếu Giáo Hội tại Á Châu phải hoàn thành vận mệnh quan phòng của mình, thì việc Phúc Âm hoá, nghĩa là một sự rao giảng vui tươi, nhẫn nại và tiệm tiến, về cái Chết và Phục sinh cứu độ của Đức Giêsu Kitô, phải là một ưu tiên tuyệt đối của các Hiền Huynh” (3).
Sự hưởng ứng tích cực của các Giám Mục và của các Giáo Hội địa phương về viễn tượng một Hội nghị đặc biệt về Á Châu của Thượng Hội Đồng Giám Mục thật hiển nhiên qua giai đoạn chuẩn bị. Các Giám Mục đã chia sẻ những mong ước và ý kiến của mình vào mỗi giai đoạn, cách chân tình và hiểu biết sâu sắc về lục địa. Các ngài đã làm điều đó trong thái độ hoàn toàn ý thức đến mối giây hiệp thông mà các ngài chia sẻ với Giáo Hội toàn cầu. Phù hợp với ý tưởng ban đầu của Tông Thư Tertio Millennio Adveniente và theo những đề nghị của Ban Chuẩn bị Thượng Hội Đồng sau khi xem xét các ý kiến của các Giám Mục và các Giáo Hội địa phương tại lục địa Á Châu, tôi đã chọn chủ đề cho Thượng Hội Đồng: Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ với sứ mạng tình yêu và phục vụ của Người tại Á Châu: “để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Qua công thức đặc biệt đó của chủ đề, tôi hy vọng rằng Thượng Hội Đồng có thể “minh hoạ và giải thích đầy đủ hơn chân lý này: Đức Kitô là Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người và là Đấng Cứu chuộc duy nhất của trần gian, bằng cách phân biệt Người cách rõ ràng với những vị sáng lập các tôn giáo lớn khác” (4). Bởi vì chúng ta tiến gần đến Đại Năm Thánh, Giáo Hội tại Á Châu cần đến khả năng loan báo với một nhiệt tình đổi mới: Ecce natus est nobis Salvator mundi, “Đây Đấng Cứu Độ trần gian sinh ra cho chúng ta”, sinh ra tại Á Châu!
Cử Hành Hội Nghị Đặc Biệt
3. Nhờ ơn Chúa, Hội Nghị đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã diễn ra từ ngày 18/4 đến 14/5 năm 1998 tại Vatican. Hội nghị này tổ chức sau các Hội nghị đặc biệt dành cho Phi Châu (1994) và Mỹ Châu (1997), và được tiếp nối bởi Hội nghị dành cho Đại Dương Châu vào cuối năm (1998). Trong gần một tháng, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng và các tham dự viên, tụ họp quanh Đấng kế vị Thánh Phêrô và chia sẻ ơn thông hiệp phẩm trật, đã đem lại một tiếng nói và một khuôn mặt cụ thể cho Giáo Hội tại Á Châu. Quả thực đó là một thời gian ân sủng đặc biệt! (5). Những cuộc họp trước đó của các Giám Mục Á Châu, đã góp phần chuẩn bị Thượng Hội Đồng và tạo nên một bầu khí hiệp thông Giáo Hội và huynh đệ sâu sắc. Về phương diện này, có một tầm quan trọng đặc biệt là những Hội Nghị Khoáng Đại và những cuộc Hội Thảo đã được Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu và các Uûy ban tổ chức, đã qui tụ thường xuyên một số lớn Giám Mục Á Châu và đã cổ võ những mối giây liên lạc cá nhân cũng như thừa tác vụ giữa các ngài. Tôi đã có dịp thăm viếng vào một vài kỳ họp đó, đôi khi chủ sự việc cử hành Thánh lễ long trọng dịp khai mạc hay bế mạc. Trong những dịp này, tôi có thể trực tiếp quan sát cuộc gặp gỡ đối thoại giữa các Giáo Hội địa phương, có cả các Giáo Hội Đông Phương, qua các vị chủ chăn của họ. Những cuộc họp này và các cuộc họp khác theo miền của các Giám Mục Á Châu, do Chúa quan phòng, đã giúp chuẩn bị xa cho Thượng Hội Đồng.
Chính việc cử hành Thượng Hội Đồng này xác nhận tầm quan trọng của sự đối thoại như là một phương thức đặc thù của đời sống Giáo Hội tại Á Châu. Một sự chia sẻ chân tình và trung thực các kinh nghiệm, quan điểm và đề nghị, chứng tỏ đó là con đường đưa tới cuộc gặp gỡ đích thật của các tâm hồn, sự hiệp thông trí tuệ và con tim. Đó là một sự hiệp thông tôn trọng và vượt lên trên những khác biệt trong tình yêu. Đặc biệt gây xúc động là cuộc gặp gỡ giữa các Giáo Hội mới và các Giáo Hội cũ có nguồn gốc từ thời các Tông Đồ. Chúng tôi đã cảm nghiệm một niềm vui không gì bằng, khi thấy các Giám Mục các Giáo Hội địa phương tại Myanmar, Việt Nam, Lào, Campuchia, Mông Cổ, Siberia và những nước cộng hoà mới tại Trung Á, ngồi bên các anh em mình, là những người từ lâu ước ao gặp mặt họ và đối thoại với họ. Nhưng cũng có một nỗi buồn vì các Giám Mục lục địa Trung Hoa không thể có mặt được. Sự vắng mặt của các ngài là một sự nhắc nhớ đến những hy sinh và đau khổ anh hùng mà Giáo Hội tiếp tục gánh chịu trong nhiều phần đất Á Châu.
Cuộc gặp gỡ trong đối thoại giữa các Giám Mục và Đấng kế vị Thánh Phêrô với nhiệm vụ làm cho anh em mình nên vững mạnh (x. Lc 22,32), thật là một sự củng cố trong đức tin và sứ mạng. Ngày qua ngày, phòng Thượng Hội Đồng và các phòng họp khác tràn ngập những báo cáo về đức tin sâu sắc, về tình yêu quên mình, về niềm hy vọng không hề lay chuyển, về những dấn thân bền bĩ trong đau khổ, về lòng can đảm chịu đựng và về sự tha thứ đầy lòng thương xót, tất cả những điều đó hùng hồn vạch ra sự thật của những lời Đức Giêsu đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày” (Mt 28, 20). Thượng Hội Đồng là thời gian ân sủng, bởi vì đó là một sự gặp gỡ với Đấng Cứu độ, Đấng vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội của Người qua quyền lực Chúa Thánh Thần, được cảm nhận qua sự đối thoại huynh đệ về sự sống, sự hiệp thông và sứ mạng.
Chia Sẻ Hoa Quả của Hội Nghị Đặc Biệt
4. Qua Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng này, tôi muốn chia sẻ với Giáo Hội tại Á Châu và khắp thế giới, những hoa quả của Hội Nghị Đặc Biệt này. Văn kiện này muốn chuyển đạt sự phong phú của biến cố thiêng liêng trọng đại đó của sự hiệp thông và tính tập đoàn Giám Mục. Thượng Hội Đồng đã là một cử hành tưởng niệm những nguồn gốc Kitô giáo tại Á Châu. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nhắc nhớ lại cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, Giáo Hội tiên khởi, đoàn chiên bé nhỏ của Đức Giêsu trên lục địa mênh mông này (x. Lc 12,32). Các ngài nhớ lại những gì Giáo Hội đã lãnh nhận và lắng nghe từ lúc khởi đầu (x. Kh 33), và, sau khi nhớ lại, các ngài ngợi ca lòng “nhân ái vô cùng của Chúa” (Tv 154,7), lòng nhân ái không bao giờ vơi. Thượng Hội Đồng cũng là một cơ hội để nhận ra những truyền thống tôn giáo và các nền văn minh cổ xưa, những triết lý thâm sâu và sự khôn ngoan đã làm cho Á Châu trở thành như ngày hôm nay. Trên hết tất cả, đã gợi nhớ rằng chính các dân tộc Á Châu là sự phong phú thật sự của lục địa và là hy vọng cho tương lai. Suốt thời gian Thượng Hội Đồng, những người trong chúng tôi đang hiện diện đều chứng kiến một cuộc gặp gỡ sinh nhiều hoa trái cách lạ thường giữa các nền văn hoá, văn minh cũ và mới của Á Châu. Thật tuyệt diệu khi thấy chúng trong sự khác biệt và đồng nhất, nhất là khi các biểu tượng, các bài ca, các điệu vũ và các màu sắc cùng chung nhau tạo nên sự hoà hợp hài hoà xung quanh một Bàn Thờ Chúa trong các buổi phụng vụ Thánh Thể khai mạc và bế mạc.
Đây không phải là một cuộc cử hành có động cơ là lòng kiêu hãnh nhắm đến các thành công nhân loại, nhưng đây là một cử hành ý thức đến những gì Đấng Toàn năng đã thực hiện cho Giáo Hội tại Á Châu (x. Lc 1,49). Khi nhắc tới tình trạng khiêm tốn của Cộng Đồng Công Giáo, cũng như những yếu đuối của các phần tử mình, Thượng Hội Đồng cũng là một lời kêu gọi hoán cải, ngõ hầu Giáo Hội tại Á Châu có thể trở nên xứng đáng hơn với các ân sủng mà Thiên Chúa tiếp tục ban tặng.
Thượng Hội Đồng không những là một việc tưởng niệm và một cử hành, mà còn là một sự khẳng định mãnh liệt về lòng tin vào Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu độ. Tri ân vì hồng ân đức tin, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng không thấy có cách nào khác tốt hơn để tán dương đức tin cho bằng xác nhận đức tin trong sự toàn vẹn của nó, và suy nghĩ về đức tin trong mối tương quan với bối cảnh nó được loan báo và tuyên xưng tại Á Châu ngày nay. Các Nghị Phụ thường xuyên nhấn mạnh rằng đức tin đã được rao giảng với lòng tín thác và can đảm trên lục địa, cho dầu giữa những khó khăn to lớn. Nhân danh vô vàn người nam nữ tại Á Châu đặt niềm tin không nơi ai khác ngoài Chúa, các Nghị Phụ tuyên xưng: “Chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69). Đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối do đau khổ, bạo lực, kỳ thị và nghèo đói mà phần đông các dân tộc Á Châu phải gánh chịu, các Nghị Phụ cầu nguyện: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi” (Mc 9,24).
Năm 1995, tôi đã mời gọi các Giám Mục Á Châu đang tụ họp tại Manila “hãy mở rộng cửa của Á Châu cho Đức Kitô” (6). Múc lấy sức mạnh từ sự hiệp thông với vô số các vị tử đạo, nhiều khi không tên tuổi, vì đức tin tại Á Châu, và được vững tâm trong niềm hy vọng nhờ sự hiện diện tồn tại mãi mãi của Chúa Thánh Thần, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng can đảm kêu gọi tất cả môn đệ Đức Kitô tại Á Châu tái dấn thân cho việc truyền giáo. Trong kỳ họp Thượng Hội Đồng, các Giám Mục và những tham dự viên đã làm chứng về căn tính, về ngọn lửa thiêng liêng và về lòng hăng say, nhờ đó Á Châu chắc chắc sẽ thành mảnh đất cho mùa gặt dồi dào trong ngàn năm thứ ba sắp tới.