TÔNG HUẤN KITÔ HỮU GIÁO DÂN
VỀ ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI
I. Diễn Tiến Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới (THÐGM) Khóa VII.
Thượng Hội Ðồng GM đã diễn ra trong trọn tháng mười năm 1987, với chủ đề : Ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong GH.
Việc chuẩn bị được tiến hành như các THÐGM trước đây :
– Bản đề cương (Lineamenta)
– Công cụ làm việc (Instrumentum laboris)
Giai đoạn I : từ ngày 01 tháng 10 : các nghị phụ nghe báo cáo về những góp ý từ khắp nơi gửi về. Sau đó các giám mục tham luận. Trong giai đoạn này, ngày 4/10 có lễ phong Á thánh cho 3 giáo dân : Marcel Callo, Pierina Morosini và Antonia Mesina.
Giai đoạn II : Trong suốt một tuần lễ, 214 nghị phụ và 60 giáo dân dự thính viên chia thành 12 nhóm theo ngôn ngữ để thảo luận. Chính trong giai đoạn này, hai giám mục đại biểu của Việt Nam mới tới : Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn và Ðức Cha Nguyễn Văn Sang.
Ngày 18/10 có lễ phong thánh cho 16 vị tử đạo tại Nhật Bản vào thế kỷ 17.
Ngày 19/10 nghe thuyết trình của các nhóm và phát biểu về các phúc trình của nhóm.
Giai đoạn III : từ 20/10 chuẩn bị các đề nghị, thảo luận về các đề nghị.
Giai đoạn IV : từ 26/10 giai đoạn cuối cùng, các nghị phụ biểu quyết từng điểm những đề nghị để trở thành bản chung kết sẽ được công bố trong ngày bế mạc và soạn thảo sứ điệp gửi cho toàn dân Thiên Chúa.
Ngày 30/10 Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chủ tọa thánh lễ trọng thể kết thúc THÐGM. Chúng tôi trích dịch một đoạn của bài giảng Ðức Giáo Hoàng nói về phẩm giá tư tế của giáo dân :
1. Trong chiều kích “Giáo Hội mầu nhiệm”
Người tín hữu giáo dân, cùng với tất cả những ai đã được thanh tẩy, đều là “Con Thiên Chúa” là “chân tay của nhiệm thể Ðức Kitô” là “Ðền thờ của Chúa Thánh Thần” là “Chứng tá và sứ giả của Tin Mừng cứu độ”.
Chính trong mầu nhiệm phong phú đó, mà ta khám phá được tất cả phẩm giá tư tế, tiên tri và vương đế của người giáo dân. Chính từ đó mà người giáo dân mang ơn gọi nên thánh, ao ước mãnh liệt có một linh đạo đặc thù, xứng hợp và khẩn thiết cần được đào tạo sâu sắc, trường kỳ, cần được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, bí tích Hòa Giải và khao khát chiêm niệm hàng ngày.
Người tín hữu giáo dân trước hết là một “Kitô hữu” chân chính. Muốn được như vậy, giáo dân nên nhớ là đã được chết trong Ðức Kitô qua phép rửa, và như thánh Phaolô nói : “Sống đối với tôi là Ðức Kitô” vì trong Ngài, người tín hữu hồi phục cách viên mãn mọi giá trị của con người.
2. Trong chiều kích Giáo Hội hiệp thông.
Người tín hữu giáo dân là thành viên của Dân giao ước, được gọi kết hiệp với Thiên Chúa qua Ðức Kitô, trong Thánh Thần, hiệp thông với tất cả những người đã được thanh tẩy. Do đó, tín hữu không sống khép kín cho mình, tách riêng khỏi cộng đoàn, mà luôn luôn phải trao đổi với kẻ khác, nhạy cảm về tình huynh đệ, vui mừng được chia sẻ một phẩm giá, một vinh dự, trong nỗ lực phát huy kho báu đã được trao làm di sản.
Thần Khí của Chúa ban cho giáo dân cũng như mọi Kitô hữu nhiều đoàn sủng, mời họ tham gia nhiều thừa tác vụ và chức vụ khác nhau. Thánh Thần nhắc nhở cùng mọi Kitô hữu rằng : nét đặc thù của giáo dân không phải là để làm tăng phẩm giá, mà là khả năng đặc biệt và bổ sung cho linh mục để phục vụ Giáo Hội.
Chính bí tích Thánh Thể là nguồn mạch, là đỉnh cao, là dấu hiệu và cũng là hiện thực, là sự nhận định và tiên báo niềm hiệp thông kỳ diệu của tính “đồng huyết nhục” (Consanguinité) trong đời sống của Ðức Kitô phục sinh.
Quả thế, sự kết hiệp với Thánh Thể Ðức Kitô vừa biểu hiện vừa tác thành, nghĩa là xây dựng sự hiệp thông mật thiết giữa mọi tín hữu trong thân thể Ðức Kitô là chính Giáo Hội. Vậy thì những đoàn sủng, thừa tác vụ, nhiệm vụ và dịch vụ của tín hữu giáo dân được thể hiện trong hiệp thông và để xây dựng hiệp thông. Ðó là những ơn phong phú hỗ trợ cho linh mục, đem ích lợi đến cho tất cả, dưới sự chỉ đạo khôn ngoan của các chủ chăn.
3. Trong chiều kích “Giáo Hội thừa sai”.
Người tín hữu giáo dân không những tham gia trách nhiệm thừa sai, mà còn mang nét đặc thù trong cách dấn thân loan báo nước Thiên Chúa.
Sau Công Ðồng, Ðức Phaolô VI đã nhắc lại rằng : Giáo Hội có một chiều kích trần thế, gắn liền với bản chất và sứ mạng của mình, bắt nguồn từ mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, mà các thành phần thể hiện với những cung cách khác nhau. Nhưng công cuộc đó, mặc dầu là bao quát mọi tín hữu, được người giáo dân thể hiện theo cung cách đặc thù của mình mà Công Ðồng gọi là “tính trần thế”.
Người tín hữu giáo dân giữa dòng nhân thế, lao mình vào những bổn phận và công việc trần thế, trong khuôn khổ thường nhật được đan dệt bằng đời sống gia đình và xã hội. Do đó mà người giáo dân cộng tác vào sứ mạng toàn diện của Giáo Hội, không phải chỉ để mang sứ điệp và ân huệ của Ðức Kitô đến cho loài người, mà còn để trật tự của các thực tại trần gian được thấm nhuần tinh thần của Tin Mừng và đưa trật tự đó đến mức hoàn hảo.
Người tín hữu giáo dân được đặt vào tận biên thùy của lịch sử : gia đình, văn hóa, thế giới lao động, kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, truyền thông đại chúng ; những vấn đề lớn của sự sống, liên đới, hòa bình, đạo đức nghiệp vụ, nhân quyền, giáo dục, tự do tôn giáo.
Thượng Hội Ðồng chưa thảo luận đủ về các chủ đề phức tạp trên, nhưng cũng đã mô tả người giáo dân trong vai trò chiến sĩ Kitô giáo giữa trần thế, chen vai sát cánh với các tín hữu khác là chủ chăn, là nam nữ tu sĩ, với những nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng một sứ mạng.
II. Nhập đề
Trong kiến nghị số 2, THÐGM viết : “Trong quá trình xem xét nghiên cứu tất cả những vấn đề này, chúng tôi muốn đứng về quan điểm mục vụ, mà đồng thời cũng là quan điểm linh đạo, thần học và truyền giáo, khi nhìn vào những hoàn cảnh tình hình chính trị xã hội cụ thể. Vậy chúng tôi muốn khiêm cung trình lên Ðức Thánh Cha một thỉnh nguyện là : trong tập tài liệu người soạn thảo lúc thuận tiện, kính xin người mở đầu bằng một phần nhập đề trình bày những vấn đề của thời đại chúng ta, sao cho các giáo dân tín hữu của Chúa Kitô nhận diện ra thế giới ngày nay, trong đó họ phải hoàn thành sứ mạng của mình. Sau hết, chúng tôi xin đề nghị là tập tài liệu đó có thể được soạn ra dưới ánh sáng của quam điểm Giáo Hội là hiệp thông”.
Ðề nghị trên đây của THÐGM đã được Ðức Thánh Cha chấp thuận và đó là phần nhập đề của Tông huấn.
1. Nhập đề Tông Huấn.
Ðể dẫn vào Tông huấn, Ðức Thánh Cha khởi đầu suy tư của ngài về dụ ngôn thợ làm vườn nho : “Dụ ngôn mở ra trước mắt chúng ta vườn nho mênh mông của Chúa, và một đám đông con người, cả nam lẫn nữ, được Chúa mời gọi và sai đi làm tại vườn nho. Vườn nho đó chính là Thế giới, phải được biến đổi theo chương trình của Thiên Chúa, hướng tới ngày hoàn thành chung cuộc của Nước Thiên Chúa”.
Từ lời mời gọi của Chúa, Công Ðồng Vatican II đã cảm nghiệm hơn về ơn gọi truyền giáo của mình, đã viết những trang thật tuyệt vời về bản tính, phẩm giá, linh đạo, sứ mạng và trách nhiệm của giáo dân. Công Ðồng mời gọi tất cả các giáo dân hãy kết hiệp với Chúa ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những gì của Chúa cũng là của chính mình họ. Họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi và một lần nữa Chúa sai họ đi tới các thành và những nơi Ngài sẽ đến.
Thượng Hội Ðồng này theo hướng đi của Công Ðồng, dựa vào các Thượng Hội Ðồng trước, dựa vào kinh nghiệm của toàn thể Giáo Hội cũng như sự đóng góp kinh nghiệm của chính các giáo dân (60 đại biểu) đã nghiên cứu sâu xa về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội và trong Thế giới 20 năm sau Công Ðồng Vatican II.
Các nghị phụ nhận thấy rằng : ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục đổi mới Giáo Hội với những năng lực thánh thiện mới mà đông đảo giáo dân tham gia như :
– Cộng tác giữa linh mục tu sĩ và giáo dân.
– Tham dự tích cực vào phụng vụ, loan báo lời Chúa, huấn giáo.
– Giáo dân đảm nhận nhiều dịch vụ và trách vụ rất tốt.
– Nở rộ nhiều nhóm, hiệp hội, phong trào tu đức và dấn thân.
– Phụ nữ tham gia rộng rãi và rõ nét hơn vào đời sống của Giáo Hội và phát triển của xã hội.
Ðồng thời các ngài cũng nêu lên 2 nguy cơ :
· Quá thiên về việc đạo mà sao lãng việc đời, việc bổn phận chuyên môn của mình.
· Quá thiên về việc đời mà tách biệt giữa đức tin và đời sống, giữa Tin Mừng và các hoạt động trần thế.
Mục đích của Tông Huấn này là :
– Tham chiếu Công Ðồng Vatican II để đề ra những thực hành cho xã hội ngày nay.
– Ðúc kết công việc của Thượng Hội Ðồng một cách mạch lạc và trung thành.
– Khơi dậy và nuôi dưỡng một ý thức rõ nét hơn về ân huệ và trách nhiệm của tất cả và của từng giáo dân trong sự hiệp thông và trong sứ vụ của Giáo Hội.
2. Vườn nho ngày nay như thế nào ?
Tông Huấn nêu lên 3 cặp mâu thuẫn :
– Duy thế tục và nhu cầu tôn giáo (số 4)
– Nhân bản và phi nhân (5)
– Xung đột và hòa bình (6)
a. Nhân loại ngày nay say sưa vì những kết quả kỳ diệu của khoa học kỹ thuật, muốn được tự do hoàn toàn nên dửng dưng với tôn giáo, chỉ trú trọng đến đời mà không để ý gì đến đạo. Hiện tượng này tác động nơi cá nhân mà còn tới nhiều cộng đồng.
· Tuy vậy, khát vọng về tôn giáo không hoàn toàn bị mai một khi phải đương đầu với những vấn đề quan trọng nhất của cuộc sống : ý nghĩa cuộc sống, đau khổ và chết .
· Con người vẫn có khát vọng thức tỉnh tìm kiếm tôn giáo, trở về sự cầu nguyện, sự thiêng thánh, một cái nhìn thiêng liêng và siêu việt về cuộc sống.
b. Xã hội hiện nay đang xảy ra biết bao xúc phạm đến phẩm giá của con người :
· Con người trở thành dụng cụ, thành nô lệ do các thế lực sai khiến như : ý thức hệ, quyền lực kinh tế, hệ thống chính trị, quyền lực khoa học, quyền lực thông tin tuyên truyền.
· Những nhân quyền căn bản bị xúc phạm : Quyền được sống và toàn vẹn thân thể, quyền có nhà ở và việc làm, quyền có gia đình và sinh sản trách nhiệm, quyền tự do lương tâm và tự do tín ngưỡng .
· Nhưng cũng từ những xúc phạm trên, xã hội lại ý thức mãnh liệt về nhân phẩm, về tính cách thiêng thánh của con người. Thời đại này là thời đại của những chủ thuyết nhân bản và nhu cầu đang lớn mạnh đó là nhu cầu tham gia (Participation).
c. Xung đột và hòa bình (Conflictualité et paix)
Xã hội ngày nay bị tác động và rung chuyển bởi những tình huống xung đột : đối kháng tệ hại giữa các cá nhân, tầng lớp, các quốc gia, các khối quốc gia, dân tộc với những hình thức bạo hành, khủng bố, chiến tranh .
Con người muốn phô trương sự toàn năng của mình nên sinh ra hỗn loạn, đấu tranh, bạo loạn, vì vậy, gia đình nhân loại bị đảo lộn và xâu xé.
Sống trong cảnh lo âu này, người ta lại rất khát khao hòa bình và tham gia xây dựng hòa bình. Trên con đường này, một số đông giáo dân đã dấn thân trong nhiều lãnh vực khác nhau và dưới nhiều hình thức rất khác nhau trong các tổ chức, các hoạt động thiện chí, phục vụ các người nghèo, các nước nghèo.
3. Kết luận.
Ðức Giêsu Kitô là niềm hy vọng của nhân loại.
Giáo Hội được sai đến vườn nho như thế đó !
Các tình huống này có liên hệ đến Giáo Hội, chi phối Giáo Hội. Những mâu thuẫn này, do những giới hạn của con người, do tội lỗi và thần dữ, nhưng vẫn được giải đáp nhờ sự can thiệp của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng cứu chuộc con người và thế giới.
Bất chấp chuyện gì đi nữa : Ðức Giêsu Kitô là niềm hy vọng, là tin vui hoàn toàn mới mẻ, đem lại niềm vui mà Giáo Hội loan báo cho chúng ta và làm chứng cho tất cả mọi người.
Trong việc loan báo và làm chứng này, các giáo dân có một vị trí độc đáo và không thể thay thế được. Nhờ họ mà Giáo Hội Chúa Kitô hiện diện trong mọi lãnh vực rất khác nhau của thế giới, như là dấu chỉ và nguồn mạch của hy vọng và tình yêu.
III. Vườn nho tại Giáo phận Ðàlạt như thế nào ?
Ba cặp mâu thuẫn mà tông Huấn nói trên đây :
* Duy thế tục và nhu cầu tôn giáo.
* Nhân bản và phi nhân.
* Xung đột và hòa bình.
đều là những hiện tượng xảy ra lúc thì rõ nét, lúc thì âm ỷ nơi xã hội tỉnh Lâm Ðồng này.
Tuy nhiên, trước khi phân tích các mâu thuẫn này, chúng tôi muốn nói đến một tính chất đặc biệt của cư dân Lâm Ðồng cũng như dân Công giáo tại đây : đó là tính chất di dân. Ngoài những người dân tộc cư trú tại đây từ lâu đời, tất cả những người Kinh chỉ bắt đầu tới sau khi Yersin tìm ra Ðàlạt. Những người ở miền Lục tỉnh lên chỉ là một số ít và không thành từng đợt, nên họ ở lẻ tẻ và không quy tụ thành một xã thôn.
Di dân từ miền Trung thì tới thành từng đợt, quây quần thành làng xóm và vẫn giữ được những nét văn hóa riêng của mình như ấp Nghệ Tĩnh.
Di dân từ miền Bắc, sau năm 1954 và 1975, là những đợt di dân có tổ chức, có định cư và họ cứ bê nguyên xi nếp sống vào đây.
Người công giáo đến Lâm Ðồng bằng những con đường này. Chúng ta có thể nêu ra những đặc tính sau đây :
· Tới một miền xa lạ, cọp beo rắn rết, người ta phải sống quy tụ để tự bảo vệ, tự phát triển. Người ta đặt tên cho nơi mới định cư theo tên làng cũ của mình : ấp Hà Ðông, ấp Nghệ Tĩnh, Tân Bùi, Tân Phát, Tân Hà . và bê nguyên xi sinh hoạt đạo đức tới đây : từ cha xứ đến giáo dân, từ sinh hoạt Giáo xứ đến nếp sống văn hóa, cưới xin cũng như ma chay, cứ thế mỗi cộng đoàn sống cạnh nhau, không cộng đoàn nào quá mạnh đến nỗi lấn át cộng đoàn kia.
· Tuy là đạo gốc, nhưng giáo dân vẫn còn bị ảnh hưởng sâu đậm của tôn giáo cổ truyền : đạo Ông bà, Nho, Phật, Lão. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên, tôn trọng gia phong lễ giáo, quý trọng việc thờ cúng lễ bái hội hè . là những đặc tính mà Nước rửa tội cũng không thể rửa sạch được. Họ vẫn là một giáo hữu đạo đức, tin tất cả mọi điều Hội Thánh dạy, nhưng họ vẫn đinh ninh rằng có thờ có thiêng, có kiêng có lành và “ma soeur” vẫn đem áo cha sở đến hỏi “Thầy” để biết cha sống hay chết.
· Xã hội đó là một xã hội cổ truyền, xã hội khép kín (đóng) nên người ta đoàn kết, tương trợ, xây dựng và phát triển cộng đồng. Xét về giáo xứ, người ta sống trong một Giáo Hội cơ cấu, có ổn định và trật tự trên dưới, từ giáo xứ đến giáo họ, giáo khu, từ ông trương đến ông trùm, nhất nhất đều do cha quản xứ điều hành : “chính vì cái trật tự này mà giáo dân tuy tin theo Công Ðồng Vatican II, họ không phản đối những cải tổ của Công Ðồng, nhưng họ vẫn hờ hững với đổi mới vì sợ rằng sẽ phá vỡ cái trật tự ngàn đời kia.
· Ðối với những cộng đoàn giáo dân đến sau năm 1975 như ở huyện Lâm Hà, Ðạ Tẻh, Cát Tiên, Di Linh . họ cũng họp thành cộng đoàn, cũng đoàn kết, cũng thương nhớ quê hương, nhưng họ vẫn cảm thấy lẻ loi, thấy mình khác với người ta về nhiều sinh hoạt đạo đức, cảm thấy mình thua kém về nhiều mặt, khó hội nhập với những cộng đoàn kia. Họ trở thành một cộng đoàn bên lề, phụ thuộc, bị mặc cảm và vẫn cố gắng duy trì nếp sống đạo đức cũ của mình với kinh kệ, ngắm nguyện càng nhiều càng tốt. Họ là giáo dân Giáo phận Ðàlạt, nhưng vẫn đồng thời là giáo dân gốc Hà Nội hay Bùi Chu.
Nói tóm lại, tính chất di dân là một tính chất xuyên suốt quá trình hình thành tỉnh Lâm Ðồng cũng như Giáo phận Ðàlạt. Ðã có một thời người ta đặt vấn đề : địa phương hóa di cư hay di cư hóa địa phương ? chúng ta không thể chỉ chọn một, mà phải chọn cả hai : địa phương này gồm toàn những di dân, cũ cũng như mới. Muốn giải quyết các vấn đề của Giáo phận cũng như của xã hội, chúng ta đều phải chú trọng đến tính chất di cư này. họ sống trong nền văn hóa, văn hóa Công giáo và văn hóa cổ truyền Việt Nam, văn hóa Ðàlạt và văn hóa gốc Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh, Sàigòn . họ không thể chọn cái này mà bỏ cái kia, vì vậy họ giữ cả hai.
Từ bối cảnh di dân trên đây, chúng ta thử phân tích 3 cặp mâu thuẫn mà Tông Huấn nói tới.
* Duy thế tục và nhu cầu tôn giáo.
Ðối với Âu Châu, một xã hội có nền văn hóa Kitô giáo từ lâu đời, văn hóa Kitô giáo là văn hóa của xã hội, thì duy thế tục là bỏ nền văn hóa Kitô giáo, bỏ cái cội rễ của Kitô giáo để có một hướng đi thế tục. Thế hệ người già thấm nhiễm đức tin thì hoảng hốt vì cho rằng con cháu họ không còn một đức tin như họ đã từng có, và thế là họ càng bảo thủ hơn. Trái lại, ở Việt Nam, xã hội chúng ta chưa thấm nhiễm văn hóa Kitô giáo được là bao, mà còn mang nặng tôn giáo truyền thống. Vì vậy, tính chất duy thế tục không phải là bỏ đạo, nhưng là hờ hững với đạo. Khi sống tại quê hương, họ có một nếp sống đều đặn theo chương trình tôn giáo cố định, có trật tự điều hòa, có cả một cộng đồng tham gia, ai không tham gia thì bị coi là ở ngoài, là “dân ngoại”. Nhưng khi tới miền đất mới, cái chương trình điều hòa kia đã bị lệch lạc do việc làm lụng, do chưa hòa nhập với hoàn cảnh mới, chưa có cái trật tự cộng đoàn, nên người ta có đi lễ mà vẫn không tham gia vì chưa quen, đạo ai nấy giữ, rồi dần dần họ trở thành dửng dưng với giáo xứ rồi dửng dưng luôn với đạo.
Ðối với những người trẻ mới lớn, được giáo dục trong môi trường không tôn giáo, được tiếp cận với xã hội kinh tế thị trường, thì điều quan trọng của họ là nghề nghiệp, là vị trí xã hội, còn tôn giáo thì sẽ nghĩ đến sau.
Hiện nay, nhà thờ vẫn đông giáo dân, các tòa giải tội vẫn đông người, các vệc đạo đức bình dân cũng rất phong phú, nhưng đó là do nhu cầu tôn giáo của truyền thống Việt Nam.
Ðối với Tây phương thì tôn giáo hệ tại chữ Tín (tin) còn đối với Ðông phương thì tôn giáo hệ tại chữ Lễ tức là cách cư xử “Tôi phải cư xử thế nào với các bậc thần thánh cho phải đạo”. Tôi là Phật tử, nhưng đối với Ðức Mẹ là một bậc thánh thiêng hay ra tay cứu độ, thì tôi cũng thờ cúng Ðức Mẹ để được phúc lành. Ðó là lẽ tự nhiên, không đối lập gì với niềm tin của một Phật tử. Giáo dân chúng ta cũng có thái độ tương tự : tôi tin Chúa, nhưng tôi vẫn sợ xui, vì vậy tôi kiêng là tốt hơn, khi chung quanh tôi đang tràn lan nếp sống văn hóa này.
Nhu cầu tôn giáo vẫn luôn luôn là nhu cầu của “thế sinh” (từ của ông Trần Văn Ðoàn) : phúc và họa, may và rủi, sống và chết, đời này và đời sau, kiếp này và kiếp sau, cõi dương và cõi âm . tuy xã hội là kinh tế thị trường, là cõi trần ai, nhưng con người vẫn muốn cái cõi thiên thai, vì cuộc đời này cũng chỉ là vô thường.
* Nhân bản và phi nhân.
Nhân bản là giá trị của con người xét theo bản tính cũng như theo tương quan với nhau trong xã hội và với thiên nhiên trong vũ trụ. Dùng trật tự xã hội của Tây phương mà đánh giá nhân bản của Ðông phương thì thực là sai lầm. Chính vì thế, có những nhà xã hội học thấy phụ nữ Việt Nam bị chồng đánh, phải rửa bát quét nhà thì vội kết luận là phụ nữ Việt Nam bị đàn áp ! thực ra họ đâu biết đến quyền hành của phụ nữ Việt Nam trong gia đình cũng như trong ảnh hưởng lớn lao đối với con cái ! Xã hội Việt Nam có những hành vi phi nhân như : trọng nam khinh nữ, người đàn bà không tham gia hàng xứ, không phát biểu nơi hội họp, không đứng lên đòi quyền phụ nữ . nhưng trên thực tế, trong các gia đình cổ truyền, thì chính người đàn bà mới là người gánh vác giang sơn nhà chồng. Những quan niệm mà xã hội ngày nay gọi là nhân bản hay phi nhân thì đều do văn hóa Tây phương đem lại. Chính khi tiếp xúc với nền văn minh Tây phương, khi xã hội cổ truyền đang thay đổi để tiến sang xã hội công nghiệp, xã hội kinh tế thị trường thì nền luân lý gia đình bị chao đảo. Các tệ nạn phi nhân như : nô lệ vì lao động, ly dị, phá thai, xì ke ma tuý . đang bắt đầu xuất hiện và có khuynh hướng mỗi ngày một lan rộng hơn. Chính đây là một thực tế mà các giáo xứ chúng ta đang phải đối diện.
Tuy nhiên, gia đình chúng ta vẫn còn giữ được phần nào nếp sống gia phong, vẫn còn rất quý trọng cái nhân bản của nền luân lý cổ truyền, vẫn coi các tệ nạn kia là cái xấu, cái đáng chê ghét. Nói cách tổng quát, chúng ta vẫn còn “ý thức về tội lỗi” (nói đúng hơn, các người trẻ đang mất dần ý thức này) đó là cái thực trạng xã hội mà chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ.
* Xung đột hòa bình.
Cái thời Nghiêu Thuấn, cái thời Lão Tử cưỡi trâu du ngoạn nay chỉ còn là mơ tưởng, vì chúng ta đang sống trong thế giới cạnh tranh sinh tồn, trong nền kinh tế thị trường. Khi mà ngày nay các phương tiện truyền thông đều thúc bách tăng năng xuất, khi mà xã hội nông nghiệp đang chuyển sang xã hội công nghiệp, thì tất nhiên không thể né tránh vấn đề xung đột. Xung đột trong cạnh tranh, tranh thủ trong công việc, phấn đấu trong đời sống khiến con người không còn sống “vô vi” được nữa. Ðang sống trong tâm trạng này thì xã hội ngày nay lại đầy tràn bạo lực (xin xem tổng kết tội phạm mỗi tuần trên báo thanh niên), phim ảnh thì đề cao “hành động”, ca nhạc thì “giật gân”, cư xử theo đạo lý thì bị coi là “quân tử Tầu”. Chính khung cảnh này thúc bách người ta phải sống vội vã, sống hối hả. Và đây là một căn nguyên phá tan sự đầm ấm của gia đình. Vì công việc, gia đình không ăn cơm chung nữa, không cùng giải trí trò chuyện với nhau, mỗi người có một việc làm riêng biệt và một cuộc sống riêng biệt. Giới trẻ thì sớm tự lực mưu sinh và thoát ly gia đình.
Chính trong nếp sống cạnh tranh này mà con người cảm thấy cô đơn, nên người ta lại khát khao cuộc sống xum họp trong gia đình, trong câu lạc bộ, trong đoàn thể . Hành động điên rồ của một người khiến người ta phải đoàn kết để bảo vệ, để đấu tranh cho hòa bình, để cuộc sống được bình an. Người nhàm chán với công vệc đều đặn mỗi ngày thì muốn bước vào thế giới ảo tưởng của truyện kiếm hiệp, người miệt mài bận rộn hoạt động thì khát khao weekend để trở về đồng quê, về với thiên nhiên. Từ xưa, cha ông ta đã có cái mộng thiên thai rồi.
Nói tóm lại, 3 cặp mâu thuẫn mà Tông Huấn nói đây, đều đang xẩy ra chung quanh ta khi xã hội đổi mới để bước vào nền kinh tế thị trường. Thành phố là nơi bén nhạy sẽ bị ảnh hưởng trước, rồi sau đó là nông thôn. Những cố gắng của chính phủ về bảo tồn văn hóa cổ truyền, phát huy truyền thống dân tộc, đều nhằm mục đích lành mạnh hóa xã hội, còn người Công giáo thì sao ? Ðó là vần đề Tông Huấn trình bày cho chúng ta.
Luis Phạm Văn Nhượng