BỮA TIỆC THÁNH THỂ
Lm. Luy Phạm Văn Nhượng
A. BỮA ĂN VIỆT NAMNgười Việt Nam dùng chữ “ăn” với một nội dung rất phong phú :
– Khi thì cụ thể : ăn bẩn, ăn bám, ăn non, ăn chận, ăn bớt, ăn chực …
– Khi thì trừu tượng : ăn diện, ăn nói, ăn mặc, ăn chơi.
– Khi thì chỉ một sự hưởng thụ : ăn tết, ăn giỗ, ăn khao, ăn mừng, ăn chay.
– Khi thì chỉ một hành vi : ăn cắp, ăn cướp, ăn gian, ăn mày.
– Khi thì chỉ một thái độ trong tâm hồn : ăn năn, ăn ở.
Chính vì thế mà khi nói đến ăn uống, có khi có nghĩa rất phàm tục nhưng cũng có khi lại rất thanh cao.
Xét về tên gọi món ăn thì người Tầu rất cầu kỳ :
Có món gọi là “Ngũ long đại hội” thịt 5 loại rắn, có món gọi là “Vân thôn” nghĩa là mây được nuốt, thực ra chỉ là món “mằn thắn” mà ta thường ăn. Còn tên gọi món ăn Việt Nam thì rất đơn giản : thịt chó, mực nướng …
Người Việt Nam ăn cơm là chủ yếu :
Khát vọng vốn có tự ngàn xưa vẫn là no cơm ấm áo. Bởi giá trị đặc biệt của nó nên hạt gạo được ví là hạt ngọc Trời ban cho : nhờ trời mới có cơm ăn áo mặc. Vì thế khi ăn cơm mà để hạt cơm văng vãi ra đất thì “tội chết” nhất là không được giẫm lên hạt cơm mà đi.
“Trời đánh còn tránh bữa ăn” (khi ăn cơm không bị sét đánh). Vì thế trong bữa ăn, dù có bực mình, cha mẹ vẫn nhịn nhục không đánh mắng con cái. Cả nhà ăn uống xum họp vui vẻ xong đã, sau đó muốn mắng thế nào thì mắng.
Của ăn trời ban là ban chung cho mọi người nên không dành riêng cho ai mọi người đều được hưởng lộc Trời ban. Vì thế mà có tục lệ mời ăn cơm : trước khi ăn con cháu phải mời cha mẹ, gặp người khách đi qua cũng phải mời : “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Khách có thể không báo trước, gia chủ có thể không chuẩn bị, nhưng vẫn có thể vào ngồi ăn uống vui vẻ. Giữa hàng xóm láng giềng, thiếu chút mắm muối, chút gia vị, người ta sang xin bên hàng xóm. Có bát canh ngon, có hoa quả đầu mùa, có cơm mới vẫn đem biếu ông bà cha mẹ để tỏ lòng thảo hiếu :
Có con mà gả chồng gần
có bát canh cần nó cũng đem cho.
Ăn cơm là cả nhà xum họp, nên phải kính trên nhường dưới :
Người dưới phải mời người trên, người mẹ hoặc chị cả phải ngồi đầu nồi và xới cơm cho cả nhà. Ăn uống phải lịch sự, không được vừa nhai vừa nói, không được khua nồi khua bát và nhất là “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Bữa cơm thường ngày đã vậy phương chi là cơm cúng.
Cơm cúng ông bà phải là cơm tinh khiết : không ai cúng thịt chó, mặc dù “sống trên đời ăn miếng dồi chó”, đó là vì con chó ăn dơ. Khi nấu cỗ không được nếm là vì con cháu ăn trước ông bà thì vô phép.
Khi bày cỗ thì phải đặt ở nơi cao sạch sẽ và bưng cỗ lên nhà không được phép đi dưới những giây phơi quần áo, nhất là quần áo đàn bà.
Họ hàng tham dự là với tư cách dòng tộc, nên dù ông làm quan to trong xã hội, ông vẫn phải ngồi đúng vai vế của mình.
Sau một tuần nhang, ông bà đã về “hưởng cỗ cúng”, con cháu mới được phép hưởng lộc ông bà và sau đó đem phần về chia cho những người ở nhà để ai ai cũng được thừa hưởng.
Trong gia đình có cỗ cúng thì ngoài làng có cỗ làng, cỗ khao vọng :
Đây là bữa ăn biểu lộ địa vị của một người trong xã hội.
“Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, cỗ làng là lộc của Thành hoàng ban cho dân làng nên mọi người trong làng dù là một em bé cũng được hưởng phần của mình. Khao vọng có mục đích khẳng định địa vị của con người ăn khao trước làng xã và từ nay mọi người phải đối xử với anh ta theo địa vị mới của anh ta.
Cỗ cúng thần thánh lại càng cần phải cẩn thận và tinh khiết hơn.
Nhưng lớn hay nhỏ, chay hay mặn là tùy hảo tâm của thí chủ, tùy ơn xin lớn hay nhỏ hoặc tùy theo sở thích của thần thánh. Đồ cúng có khi là lòng thành, có khi là thí mạng (chết thay cho gia chủ) có khi là dâng cúng cho ông bà, cho cô hồn. Các ngài hưởng xong thì đó là lộc thánh để mọi người được thừa hưởng, được hóa thân vào sức mạnh linh thiêng của thần thánh.
Nói tóm lại, bữa ăn Việt Nam tại gia đình, ở làng cũng như ở đình chùa đều có giá trị biểu lộ tình nghĩa, hiếu thảo, tôn kính cũng như chia sẻ phúc lộc trời ban.
B. bỮa tiỆc vưỢt quaBữa ăn Do Thái :
Bữa ăn chính nhằm vào lúc sau mặt trời lặn. Tinh thần và thân thể nghỉ ngơi là điều kiện để ăn ngon. Đây là lúc gia đình xum họp. Bữa ăn được chuẩn bị do các phụ nữ. Khách có thể xin nghỉ nhờ bất luận lúc nào, nhưng đến sau bữa tối mà không báo trước, thì không thể vì đã cho trọ thì phải cho ăn. Món ăn cốt yếu là bánh lúa mạch, người ta không dùng dao mà cắt, nhưng dùng tay mà bẻ. Họ vừa ăn vừa uống nước, chuyền cho nhau bình nước, ban đêm cũng để bình nước bên giường nằm. Món ăn thông thường là thịt thái nhỏ hầm với đậu, rau, cà chua. Họ ăn bằng thìa và nếu cầm miếng bánh nhúng vào nước thịt trao cho ai, thì đó là người mà chủ nhà quý mến.
Cách chào hỏi của họ thực là dài dòng :
Chẳng hạn ông A và ông B gặp nhau :
A : Phúc cho ông đã tới.
B : Nguyện ông được phúc gấp đôi.
A : Ông mạnh giỏi ra sao ?
B : Nhờ ơn ông, tôi mạnh.
A : Nhờ ơn của Chúa.
B : Chúa có lòng thương xót.
A : Công việc của ông ra sao ?
B : Ngợi khen Chúa !
A : Thân phụ ông thế nào ?
B : Cha tôi gửi lời thăm ông.
A : Tôi rất mong được gặp thân phụ ông.
B : Cha tôi lại càng mong được găp ông.
A : Tôi có thể giúp được gì cho ông không ?
B : Nguyện Chúa cho ông sống lâu !
A : Ông có con ngựa tốt quá !
B : Nó thích chở ông lắm !
A : Khi nào ông sẽ trở về ?
B : Tùy theo ý Chúa !
A : Nguyện Chúa ở cùng ông !
B : Nguyện ông được bình an !
Chính vì lẽ đó mà nhà truyền giáo không được chào hỏi ai dọc đường. [1]
Cựu ước còn nói tới những bữa ăn linh thiêng theo sau việc tế lễ
(St 31,54 ; Xh 12,8 ; 1Sm 9,12 …)
Bữa ăn làm cho thực khách được tham dự vào sức mạnh và hiệu năng của hy tế, hấp thụ được quả phúc do của lễ đã dâng, và có một giá trị thiêng liêng lưu thông sang họ. Luật quy định phải tổ chức những bữa ăn đó 1 cách long trọng (Đnl 12,7 ; 12,23 ; 15,20 ; 27,7) ở những nơi xứng đáng, trong cung thánh vì đó là “ăn trước nhan Giavê Thiên Chúa các ngươi”. Được ăn uống nơi nhà của Chúa là được trở thành thân thiết với Chúa, nghĩa là được hiến thánh.
Bữa ăn linh thiêng là một nghi lễ hoàn tất giao ước, gồm nghi thức rảy máu vật hy tế trên bàn thờ, phần còn lại rảy trên dân. Sau đó “Môsê và những người theo ông, sau khi đã được đặc ân chiêm ngưỡng Thiên Chúa thì họ đã ăn đã uống”. Bữa ăn đã niêm ấn việc ký giao ước (như kiểu Việt Nam : uống máu ăn thề). Bữa ăn này biểu lộ sự cam kết cũng như sự liên đới cộng đồng, sự quyết tâm trung thành với giao ước.
Theo J.Gélineau trong cuốn “Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ”, thì :
Ngồi trên các ghế một hay ghế dài, người ta mang nước tới, mỗi người rửa bàn tay mặt. Người ta mang cho mỗi người một ly rượu nho có pha nước lã, mỗi người sẽ đọc lời chúc tụng như sau : “Chúc tụng Giavê Thiên Chúa chúng ta, vua vũ trụ, Ngài đã sáng tạo nên trái của cây nho”.
Người ta mang tới các món ăn chơi : mỗi người sẽ đọc một lời chúc tụng trước khi dùng.
Nằm trên những đivăng, người ta mang tới ly rượu thứ nhất. Người ta rửa cả hai bàn tay. Gia trưởng cầm bánh và đọc lời chúc tụng nhân danh các người đồng bàn : “Chúc tụng Giavê Thiên Chúa chúng ta, Vua thế giới, Ngài đã làm cho bánh này ra từ đất”. – thưa : Amen. Gia trưởng bẻ bánh và trao cho mỗi người một miếng. Nếu người ta lại mang rượu tới, gia trưởng sẽ đọc lời chúc tụng Chúa nhân danh mọi người : ly rượu thứ hai.
Gia trưởng mời một người khách tham dự hãy đọc một lời chúc tụng sau bữa ăn. Người này đọc lời kính mời chúc tụng mà bản mẫu sẽ thay đổi tùy theo số người tham dự :
“Chúc tụng Giavê Thiên Chúa chúng ta
Vì lương thực mà chúng ta đã được ăn”.
Các người đồng bàn sẽ thưa lại bằng một lời chúc tụng y như thế.
Lúc đó người khách danh dự sẽ ngồi dậy, cầm ly rượu nơi bàn tay mặt (đó là ly rượu thứ 3 : mệnh danh là ly rượu chúc tụng) nâng cao lên độ một gang tay khỏi mặt bàn, đôi mắt nhìn vào ly rượu và đọc những lời chúc tụng theo nghi thức nhân danh mọi người.
Các người đồng bàn thưa : Amen.
Người ta đốt trầm hương và mang rượu tới (ly rượu thứ 4) cùng với các món ăn tráng miệng khác nhau.
“Trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Tế Thập Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người : đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối giây bác ái, bữa tiệc vượt qua” (PV 47).
Tiệc thánh thể được cử hành trong tiệc vượt qua, đó là bữa tiệc ly của Chúa.
Cả 4 Phúc âm đều đồng ý Chúa Giêsu chết vào ngày thứ Sáu là ngày lễ Vượt Qua của Người Do Thái.
– Nhưng theo Phúc âm Nhất Lãm “ngày thứ nhất trong tuần ăn bánh không men là ngày sát tế chiên vượt qua” thì bữa tiệc ly là tiệc vượt qua, và Chúa Giêsu mừng lễ Vượt Qua vào thứ Năm, chiều ngày 14 tháng Nisan.
– Theo Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu chết sau 12 giờ trưa ngày thứ Sáu, vào lúc chiên vượt qua bị sát tế tại đền thờ và sau đó các gia đình mới ăn lễ Vượt Qua. Như thế thì bữa tiệc ly không phải là bữa tiệc Vượt Qua, mà chỉ có khung cảnh hoặc hướng tới lễ Vượt Qua mà thôi.
Chúa truyền phép Bánh và Rượu lúc nào ?
Như đã nói phần trên về tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã truyền phép Bánh lúc bẻ bánh ( xem 2, nơi phòng ăn) và truyền phép Rượu khi nâng chén chúc tụng (xem 3, sau món ăn chính). Như thế Bánh và Rượu được truyền phép trước và sau món ăn chính : đó là Chiên Vượt Qua.
Khi thiết lập Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu đã thăng hoa các yếu tố cổ truyền của bữa ăn linh thiêng cũng như bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái lên một gía trị siêu nhiên của tiệc Thánh Thể.
Tiệc Thánh Thể : tiệc Hy tế Giao ước mới.
Giao ước được ký kết bằng việc rảy máu và bằng một bữa ăn linh thiêng. Tiệc Thánh Thể cũng có “máu giao ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội”. Nhưng chỉ đổ ra như Môsê đã làm xưa thì chưa đủ, máu ấy còn phải được các môn đệ uống nữa : “các con hết thảy hãy uống chén này”.
Như thế, Giao ước mới, giao ước vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và loài người được ký kết bằng một Hy tế và đồng thời bằng một Bữa ăn : máu giao ước là máu đổ ra nhưng cũng còn là máu được ban cho người ta uống. Chúa Giêsu là Con chiên hy tế, không bị đánh dập một cái xương nào, Con chiên của lễ Vượt qua mới mà chính Ngài đang ăn bữa tiệc vượt qua đó với các môn đệ. Hy tế giao ước và bữa tiệc vượt qua được kết hợp thành một trong bữa tiệc Thánh Thể. Hy tế Thánh Thể đòi phải được hoàn tất trong bữa ăn hiệp thông để chúng ta được kết hiệp với Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh.
Tiệc Thánh Thể : tiệc ở nơi Thánh.
Tiệc Vượt Qua là tiệc ăn ở nhà, trong mỗi gia đình của người Do Thái. Các tông đồ cũng cử hành lễ bẻ bánh ở nhà chứ không phải ở đền thờ Giêrusalem. Nhưng cung cách của Chúa trong bữa tiệc ly lại là cung cách ở một nơi thánh : Chúa muốn ăn bữa tiệc ly trong thành Giêrusalem ở núi thánh Sion, trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, tức là trước nhan thánh Thiên Chúa. “ở đây còn có người cao trọng hơn Đền Thờ nhiều”.
So sánh như thế, chúng ta thấy các tông đồ là những khách mời của Chúa, họ đã ăn đã uống trước mặt Ngài, và hơn nữa của ăn của uống đó lại là chính Mình và Máu Ngài, để rồi “Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.
Từ lễ Vượt Qua Do Thái đến tiệc Vượt Qua vĩnh cữu :
Chúa đã chọn bữa tiệc Vượt Qua để lập bí tích Thánh Thể. Chúa đã khao khát ăn lễ Vượt Qua đó và đã sai các môn đệ chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong bữa ăn này, người Do Thái tưởng niệm việc Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, hơn nữa họ còn được củng cố niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai sẽ đến : Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.
Như thế khi đã chọn bữa tiệc Vượt Qua để lập bí tích Thánh Thể, Đức Kitô muốn cho ta hiểu Ngài là Con Chiên Vượt Qua thật, Con Chiên đã gánh tội trần gian và đổ máu để cứu độ trần gian. Việc truyền phép bánh trước khi ăn thịt chiên đã chứng tỏ : “Đức Kitô, chiên Vượt Qua của chúng ta đã bị sát tế”.
Bữa ăn Vượt Qua kỷ niệm việc giải thoát ách nô lệ và tiên báo ơn cứu độ Đấng Thiên Sai sẽ mang đến; thì bí tích Thánh Thể cũng được cử hành để tưởng niệm cuộc khổ nạn cứu chuộc và đồng thời đón nhận Đấng Cứu Thế đến trong thế giới. Mỗi cuộc cử hành Thánh Thể là mỗi lần Đấng Thiên Sai lại đến : Ngài đến để trị vì vĩnh viễn trong các linh hồn.
Vì hướng về Đấng Thiên Sai nên bí tích Thánh Thể hướng về bữa tiệc cánh chung. Isaia diễn tả niềm vui ơn cứu độ như là một bữa tiệc lớn, đầy những cao lương rượu nồng, không cần mất tiền để mua, nhưng do Chúa khoản đãi. Các Rabbi Do Thái giáo cũng diễn tả đời sống vĩnh cữu như là một bữa tiệc lớn. Chúa Giêsu cũng ví Nước Trời như là một bữa tiệc lớn, tiệc cưới Chiên Con. Đó là bữa tiệc cánh chung khi ơn Cứu độ hoàn thành. Bữa tiệc này do Chúa Giêsu thiết lập và mời gọi mọi người tham dự, để đón nhận ơn cứu độ vĩnh viễn và thành lập một cộng đoàn thiên quốc.
Bữa tiệc Thánh Thể được thành lập đúng vào lúc “chàng rễ sắp bị đưa đi khỏi các môn đệ” : bữa tiệc ăn khớp với việc ăn chay !
Tiệc Thánh Thể là một kiểu ăn chay vì đó là một tiệc hy tế nên có ngụ ý rằng thực khách phải tham dự vào việc hy sinh. Chàng rễ ban mình trong bữa tiệc này, nhưng ban mình bằng cách biến đi và ai muốn có được đầy đủ sự hiện diện của Ngài thì phải ăn chay. Khi rước Mình Thánh, chúng ta sung sướng vì đã có Ngài ở trong ta một cách nào đó và được nếm trước hạnh phúc trên trời, nhưng đồng thời chúng ta vẫn cảm thấy mình hạn hẹp, đau khổ vì chúng ta vẫn chưa đón nhận Ngài một cách trọn vẹn. Tiệc Thánh Thể cho ta được nếm hạnh phúc ở với Đức Lang Quân mà vẫn còn pha lẫn đau xót vì còn ở xa cách Ngài.
KẾT LUẬN
Muốn sống, muốn khỏe mạnh thì phải ăn uống cho đầy đủ, thiếu ăn là suy dinh dưỡng. Mà đặc tính của ăn là phải thường xuyên, đều đặn. Vì thế của ăn Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng người Kitô hữu, là của ăn đi đường trên con đường dương thế.
Bữa ăn nào cũng có nét văn hóa của nó – văn hóa ẩm thực Việt Nam coi hạt cơm là phúc lộc trời ban, ăn cơm là xum họp gia đình, là kính trên nhường dưới, là biểu lộ tấm lòng thành dâng kính của lễ tinh hoa.
Đó là những nét đẹp đẽ của văn hóa trong bữa ăn sẽ giúp chung ta chuẩn bị bữa tiệc Thánh Thể một cách ý thức, trân trọng và đậm đà bản sắc dân tộc.
[1] Trích trong Thánh Kinh Phong Tục – Mục sư G.M. Mackie.