“CẢM MẾN NGỒN ƠN”
mỘt cỐ gẮng suy nghĩ vỀ
linh đẠo thánh thỂ
Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm
Tựa đề “Cảm nếm Nguồn Ơn” trước hết là một cố gắng định vị lại ý nghĩa của từ “linh đạo” (spiritualité). Linh đạo tất nhiên là từ ngữ chủ chốt trong đời sống thiêng liêng và là từ ngữ ít nhiều quen thuộc khi ta nói đến, ví dụ, linh đạo của Thánh Y Nhã, của Têrêxa Hài Đồng Giêsu hay của thánh Phanxicô vv… Trong các văn kiện huấn quyền mới đây, từ ngữ này cũng được sử dụng khá thường xuyên, ví dụ, linh đạo hiệp thông, linh đạo truyền giáo… Đó là chưa kể từ linh đạo còn có mối liên hệ khá phức tạp với các từ ngữ có ý nghĩa tương tự khác, chẳng hạn : tu đức, khổ chế (ascétisme), thần bí (mystique)… Vậy đâu là nghĩa thực sự của linh đạo ?
Ở đây, tất nhiên chúng ta không đi vào tranh luận về từ ngữ hay truyền thống giải thích khác nhau về các thực hành trong đời sống thiêng liêng, nhưng là cố gắng minh định phần nào điều muốn nói khi suy nghĩ về “linh đạo Thánh Thể”
Nói đến linh đạo hay tu đức thường chúng ta nghĩ ngay đến một lý thuyết (théorie) phương pháp (méthode) hoặc thực tập (exercice), thậm chí là những kỹ thuật (technique) giúp thăng tiến trên con đường thiêng liêng. Chúng ta tạm gọi khía cạnh này là khía cạnh phương pháp hay lý thuyết của linh đạo.
Tuy nhiên nếu chỉ hiểu theo nghĩa đó thì quả thật chúng ta sẽ hết sức lúng túng khi nói tới Linh Đạo Thánh Thể, bởi lẽ câu hỏi đặt ra là : có gì chung giữa “linh đạo thánh thể” và các linh đạo khác mà chúng ta vẫn thường nghe nói đến ? Đó là chưa kể, đặt một câu hỏi như vậy khác nào đặt ngang hàng những điều thực sự không bao giờ có thể là ngang hàng hay thuộc cùng một bình diện : Thánh Thể là Nguồn, là Cội Nguồn, còn tất cả các linh đạo khác chỉ có thể là sự kín múc từ Nguồn Suối đó.
Vì thế, điều mà chúng ta cố gắng suy nghĩ lúc này, có thể diễn tả cách đơn giản qua lời Thánh Vịnh đã quen thuộc :
Như con nai khát nước,
chạy tìm đến suối trong… (Tv 41,2)
Niềm khao khát mà ta có thể tìm thấy ngay trong Tông Thư mới nhất của đức Gioan Phaolô II về Bí Tích Thánh Thể “Mane Nobiscum Domine” : Khao khát cháy bỏng của hai môn đệ trên đường Emmau. Quả vậy, Đức Thánh Cha viết : “Lòng đầy những suy tư buồn bã, họ không tưởng tượng ra được rằng người xa lạ này chính là Thầy mình, từ nay đã sống lại. Dù vậy, họ đã nghiệm thấy “một ước ao cháy bỏng” và sâu thẳm (Lc 24,31), khi Người nói với họ, giải thích Kinh Thánh cho họ nghe.” (Mane 1).
Như thế, vấn có lẽ không phải là “phương pháp”, mà đúng hơn là làm sao có thể nghiệm ra các chiều khác nhau của Nguồn Suối, hầu có thể kín múc phần nào Sự Sống trong mát của Suối Nguồn đó.
Ở đây, có thể nói đến một khía cạnh khác của linh đạo, khía cạnh mà một số nhà thần học ngày nay gọi là “thần thi” (poétique, théo-poétique) (Dorothy Solle) để đối lại và bổ túc cho khía cạnh thần lý hay thần học (théorique, théo-logique). Ý tưởng thực ra khá đơn giản, về sự Sống người ta không thể chỉ học hay tìm kiếm phương pháp mà thôi, cần phải sống và thực sự sống, thậm chí ngụp lặn trong đó. Nói khác đi “chuẩn bị sống” và “sống” phải kết hợp trong một kinh nghiệm duy nhất.
“Thần thi” ở đây không chỉ có nghĩa là thi vị, mà còn là và nhất là, phía đối ứng (contrepartie) hay sự đáp trả lại điều mà H. U. von Balthasar gọi là “La Dramatique divine”. Nếu điều Thiên Chúa làm cho chúng ta là cả một lịch sử, một câu chuyện kể thì phía đối ứng của nó chỉ có thể là sự lắng nghe, ngay cả dìm mình vào trong câu chuyện đó. Nói cách khác, nếu Sự Sống, Tình Yêu, Ý Định của Thiên Chúa, không phải chỉ là những ý niệm, luận lý, cũng không phải là chữ, là câu, hay là sách, mà là một câu chuyện dệt bởi những gì sống động nhất, cụ thể nhất của lịch sử, thì sự đáp trả về phía chúng ta không thể dừng lại ở tri thức hay ý thức, mà còn là làm sao nghiệm lấy, sống lấy những chiều rộng, dài, cao, sâu, của những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và để cứu độ chúng ta.
Bí Tích Thánh Thể, như chúng ta tìm hiểu qua các khai triển khác trong khuôn khổ của cuộc thường huấn, xét dưới khía cạnh nào đó, là Chén Tổng Hợp (Coupe de Synthèse), nghĩa là nơi (topos) chúng ta tìm thấy tất cả : Ân Sủng của Đức Kitô, Tình Yêu của Chúa Cha và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ; tìm thấy căn nguyên, mẫu mực và sự sống không những của Giáo Hội mà còn của mỗi đời sống kitô hữu.
Có thể dùng một hình ảnh khác, nếu “Dramatique divine” là một bản hoà tấu khôn tả, thì bí tích Thánh Thể chính là nốt nhạc làm đọng lại và cho phép ta chìm đắm vào trong cái hồn của tất cả bản hoà tấu. Bức hoạ Ba Ngôi của Roublev tưởng cũng không nằm ngoài viễn tượng đó
Cảm Nếm Nguồn Ơn vì thế cho phép chúng ta hội nhập một khía cạnh mà trong đời sống thiêng liêng thường được tách biệt ra, như thể nó chỉ thuộc về một số người được ưu đãi : kinh nghiệm thần bí (expérience mystique). Thực ra, về bí tích Thánh Thể, chúng ta không thể không nói đến sự cảm nếm tận nguồn, trong một kinh nghiệm thâm thiết nhất, đích thân nhất với Đấng là Hôn Phu của Giáo Hội và là Tình Quân của mỗi tâm hồn. Hiệp lễ là gì (communion, koinonia) nếu không phải là như sờ chạm tới, “như thấy Đấng Vô Hình”, nếu có thể dùng lại tựa đề tác phẩm nổi tiếng của Jaques Loew, hay thậm chí, có thể dùng chính lời của thư I Gioan 1,1 để nói rằng :
Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,
Điều chúng tôi đã nghe,
Điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
Điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
Và tay chúng tôi đã chạm đến,
Đó Lời sự sống.
Kinh nghiệm về Thánh Thể đích thực là kinh nghiệm thần bí, không phải ở giai đoạn chót mà là ngay lúc khởi đầu, một kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp nhất, thâm sâu nhất, nhưng đồng thời luôn bao hàm “đêm tối giác quan”, như trong bài hát “Đây Nhiệm Tích” mỗi khi chầu Thánh Thể :
“… ta hãy lấy đức tin bù lại,
nếu giác quan không cảm thấy gì…”
Con đường và cánh rừng
Chạm tới bí tích Thánh Thể là chạm tới sự giầu có vô lường của Thiên Chúa, theo kiểu nói của thánh Phaolô, vì thế chúng ta có thể và phải dùng rất nhiều hình ảnh để diễn tả. Ở đây, xin dùng hình ảnh “con đường và cánh rừng”. Con đường đây không phải chỉ là con đường dẫn tới cánh rừng (méth-ode), cho bằng là đường đi trong rừng (như Holzweg của Heidegger) nhờ đó mà ta từ từ khám phá ra sự phong nhiêu, những khoảng trời mới lạ, hít thở lấy hương hoa, và động chạm tới cả những gai góc của cánh rừng.
Sở dĩ có thể dùng hình ảnh này là vì : vấn đề linh đạo theo cả hai nghĩa théo-logique và théo-poétique nói cho cùng xoay quanh vấn đề Ý Nghĩa theo nghĩa đầy đủ nhất của nó (sens plénier), nghĩa là bao hàm 3 khía cạnh khác nhau của ý nghĩa (3 acceptions du sens) :
– Ý thứ nhất : lẽ sống. Điều thực sự “có ý nghĩa” khi nó ít nhiều liên quan tới lẽ sống, như người Anh vẫn nói : that makes sense. Hoặc có khi là lẽ sống của chúng ta (sens – raison d’être).
– Ý thứ hai : cảm nghiệm, hay rộng hơn, kinh nghiệm. Điều gì đó mà chúng ta trải qua, thể nghiệm, sống tự bên trong (sens – expérience ; Er-fahrung).
– Ý thứ ba là : định hướng (sens – orientation), nghĩa là điều vạch ra con đường đi, con đường sống. Và có khi nó phác nên cả chân trời sống cho chúng ta.
Theo nghĩa này, Bí tích Thánh Thể có thể nói làm nên “cảnh vực thần linh” của chúng ta (Milieu Divin), nếu được phép dùng lại ngôn ngữ của Teilhard de Chardin, nghĩa là nơi mà chúng ta có thể tìm gặp một lúc cả ba chiều kích đó : lẽ sống, cảm nghiệm và hướng đi.
Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là sự hiện diện đích thân, trọn vẹn hic et nunc của Đấng đã mạc khải về mình như là Đường, Sự thật và là Sự Sống ? (Ga 14, 6).
Bí tích Thánh Thể là lẽ sống, điều này thiết tưởng chúng ta có thể xác tín qua các chia sẻ khác nhau trong khuôn khổ của cuộc thường huấn năm nay, và đặc biệt qua hầu hết các văn kiện mới nhất của Huấn quyền, xung quanh trục xoay của thời gian và lịch sử, nghĩa là trước và sau thiên niên kỷ thứ ba : Tông thư Tertio millennio adveniente ; Novo millennio ineunte ; Dies Domini ; thông điệp Ecclesia de Eucharistia và mới nhất đây là tông thư Mane nobiscum Domine. Rõ ràng bí tích Thánh Thể luôn chiếm vị trí trung tâm trong các Tông thư, Thông điệp đó.
Điều này ít nhất cho thấy, không có gì cổ xưa hơn và cũng không có gì mới mẻ hơn Bí tích Thánh Thể : Từ những trang đầu tiên của sách Công Vụ cho đến những văn kiện cuối cùng của Giáo Hội. Có lẽ vì thế mà chúng ta nên một lần chiêm nghiệm lại vẻ đẹp vừa rất cổ xưa vừa vô cùng mới mẻ đó. Xin được đọc lại những trang tuyệt vời của của thánh Augustin, dù không trực tiếp liên quan đến bí tích Thánh Thể :
“Con đã yêu Người thật muộn màng, ôi Vẻ đẹp rất cổ xưa và rất mới mẻ, con đã yêu Người thật muộn. Mà kìa Người vẫn ở trong con, còn con lại ở bên ngoài. Với tâm hồn lầm lạc con tưởng tìm kiếm Người nhưng lại lăn xả vào những cái đẹp do tay Người tác tạo. Người ở bên con, còn con lại không ở với Người. Chính những tạo vật, mà nếu không hiện hữu trong Người thì đã không bao giờ hiện hữu, đã cầm giữ con xa khỏi Chúa. Người đã kêu gọi, gào thét và đã xuyên thủng sự điếc lác của con. Người đã chói rạng, đã sáng loà rực rỡ, xua tan sự mù loà của con. Người đã toả ngát hương thơm, và con đã hít thở và khát vọng về Người. Con đã thưởng nếm, và cảm thấy đói, khát. Người đã chạm tới con và con đã khát khao niềm bình an của Người, như thiêu như đốt”. [1]
Chúng ta không biết Augustinô đã viết những dòng này trong hoàn cảnh nào và điều gì đã làm ngài ngây ngất đến như thế, nhưng cái kinh nghiệm về thưởng nếm, về ánh sáng chói loà, về sự khao khát niềm bình an của Thiên Chúa như thiêu như đốt… khiến ta không khỏi liên tưởng đến kinh nghiệm về ánh sáng và hơi ấm của hai môn đệ Emmaus, mà Đức Gioan Phaolô II gợi ra ở trên. Hơn nữa, áng văn tuyệt tác này của thánh Augustin có thể coi là minh chứng hùng hồn cho khía cạnh “poétique” của lẽ sống của chúng ta. Lẽ Sống cũng đồng thời là Nguồn Sống. “Ngài là Sự Thật và là Sự Sống”.
Những chiều khác nhau của Bí tích Thánh Thể
Chúng ta vừa nói đến ý nghĩa Bí tích Thánh Thể như là lẽ sống, vậy đâu là những lối đi trong rừng mà nhờ đó chúng ta có thể kín múc lấy sự phong phú, mới mẻ của bí tích Thánh Thể, đâu là những chiều kích khiến cho bí tích Thánh Thể làm nên chân trời sống của chúng ta ? Hoặc nói theo kiểu thư Êphêsô, làm sao hội ra các chiều rộng, dài, cao, sâu của bí tích Thánh Thể (Eph 3, 18) ?
Trước tiên, xin được trích lời của thánh Ephrem, như một thứ “garde-fou”, trước khi liều cất bước trên những lối đường của Thiên Chúa : “Tình yêu thúc đẩy tôi đến gần Thiên Chúa, nhưng lý trí trách cứ tôi về sự táo bạo đó, và này tôi đứng giữa niềm kính sợ và lòng mến yêu, vô phương tiến thoái” [2]
Dù khá nghịch lý, nhưng những khai triển sau đây hoàn toàn nằm trong kinh nghiệm “vô phương tiến thoái giữa niềm kính sợ và lòng mến yêu” đó của Ephrem.
Bí tích Thánh Thể, bí tích của Ơn Cứu Độ [3]
Bí tích Thánh Thể đích thực là bí tích của Ơn Cứu Độ, thế nhưng Ơn Cứu Độ đó lại được thực hiện qua ba công trình khác nhau nhưng không tách biệt, ngược lại qui hướng và gắn liền với nhau : Sáng tạo, Mạc khải và Cứu độ.
Nếu có thể dùng hình ảnh của một không gian ba chiều thì chúng ta có thể coi đây là 3 đỉnh (points) và đồng thời là 3 đường (lignes) tạo nên chân trời cứu độ cũng như chân trời sống của tất cả chúng ta : Sáng Tạo mở ra với Mạc Khải, Mạc Khải dẫn tới Cứu Độ, nhưng mục đích của Cứu độ lại chính là Sáng Tạo , nghĩa là tất cả tạo thành được biến đổi, thăng hoa, như thần học của thánh Phaolô mà chúng ta đều biết. Về phần mình, Mạc Khải không phủ nhận, trái lại đem ra ánh sáng mục đích của Sáng Tạo đồng thời đưa sáng tạo đến chỗ hoàn tất. Chính vì thế mà ơn cứu độ còn được gọi là Sáng tạo mới.
Tuy có hơi khô khan, nhưng chúng ta không thể không lập lại những căn bản thần học này, bởi lẽ, đây chính là mấu cứ cho phép chúng ta nói đến những chiều khác nhau của bí tích Thánh Thể : chiều rộng của Bí tích Thánh Thể là chiều rộng của mầu nhiệm Sáng Tạo, chiều cao và sâu của Bí tích Thánh Thể chính là chiều cao, sâu của Mạc Khải, của Giao Ước, và chiều dài của Bí tích Thánh Thể cũng chính là chiều dài của Lịch sử Cứu Độ, chiều dài mà chúng ta biết được dệt nên bởi ánh sáng và bóng tối, thành tựu và thảm kịch, cũng như chất chứa những “vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo lắng” của tất cả nhân loại này (Gaudium et Spes 1).
Có lẽ đây là lúc thuận tiện để nghe lại thánh thi về ơn cứu độ của Thiên Chúa trong thư Êphêsô (1,7-10) (x. Col 1,15-20).
“Trong thánh tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra
chúng ta được cứu chuộc,
được thứ tha tội lỗi,
theo lượng ân sủng rất phong phú của Người […]
Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu :
thiên ý này là kế hoạch yêu thương
Người đã định trước trong đức Kitô.
Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn
là quy tụ muôn loài trong trời đất
dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô…”
Chiều rộng của mầu nhiệm Sáng tạo.
Dù hiện diện cách hết sức kín đáo, ngay cả trong Cử Hành Thánh Thể, mầu nhiệm Sáng tạo quả thực là chiều rộng của Bí tích Thánh Thể, nói rõ hơn, chén chúc tụng được dâng lên là trên tất cả tạo thành này. Xin được nêu vài mấu cứ :
– Lex orandi, Lex vivendi (Lời Nguyện chuẩn bị lễ vật)
Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn,
chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con
(Tu es béni, Dieu de l’Univers ; Blessed are you, Lord, God of all creation ; Gepriesen bist du, Herr, unser Gott, Schopfer der Welt)
– Mạc Khải : Rm 8,19-23 ; Eph 1,7-10 ; Col 1,15-20.
“Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy ; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở…” (Rm 8,20-22).
Đoạn văn nằm trong chương nói về đời sống trong Thần Khí, mà chúng ta cũng đồng thời biết vai trò của Epiclèsis trong Hy tế Thánh Thể.
– Giáo Phụ :
Thánh Irênê :
“Đối với các môn đệ cũng vậy, ngài đã khuyên họ dâng lên Thiên Chúa của đầu mùa của mọi tạo vật tay Người dựng nên, không phải vì Người cần, nhưng để họ không trở nên cằn cỗi hay vô ơn. Bánh phát xuất từ công trình sáng tạo, Ngài đã cầm lấy, đọc lời chúc tụng và nói : “Này là mình Thầy”. Về chén cũng thế, phát xuất từ công trình sáng tạo vốn là nguồn gốc của chúng ta nữa, ngài tuyên bố đó là máu ngài và ngài dạy cho biết rằng, đó là lễ dâng mới của Tân Ước. Giáo hội đã nhận lãnh chính lễ dâng mới đó từ các Tông Đồ, và Giáo Hội dâng lên cho Thiên Chúa trên toàn thế giới, dâng lên Đấng ban cho chúng ta của ăn, như của đầu mùa của chính ơn sủng Thiên Chúa, trong Tân Ước”. [4]
Trong đoạn văn này thánh Irênê nêu ra mối liên hệ mật thiết giữa niềm tin vào bí tích Thánh Thể và niềm tin vào Ngôi Lời Sáng Tạo (Verbe créateur). Thánh Thể ở đây chỉ có thể hiểu khi đặt vào trong viễn tượng của sự khai sinh vũ trụ (cosmogenèse) : “Làm sao họ [các môn đệ] xác tín được rằng tấm bánh tạ ơn (pain eucharistié) là thân mình của Chúa, và chén là máu Ngài, nếu họ không cho rằng, Ngài là Con của Đấng là Tác giả của vũ hoàn , nghĩa là Lời của Người, Lời mà bởi đó cây cối đơm hoa kết trái, các dòng suối chuyển lưu, đất đai sinh cây rồi dé, rồi nhành trĩu hạt lúa mì”.
– Đức Gioan Phaolô II
“Trong hy tế này, một đàng, chính mầu nhiệm Ba Ngôi hiện diện cách sâu thẳm nhất, và đàng khác tất cả vũ trụ tạo thành đều như được “thâu hồi” (x. Ep 1,10). Chúng ta cử hành Thánh Thể cũng là để dâng lên “trên bàn thờ là tất cả trái đất này, lao công và đau khổ của thế giới”, theo kiểu nói thật đẹp của Teilhard de Chardin”. [5]
Các trích dẫn trên và đặc biệt của Đức Gioan Phaolô II, có lẽ đã đủ cho chúng ta đi đến kết luận này : Nếu “biến hình” [6] của mọi thực tại nhân linh và vũ trụ trong đức Kitô là mục đích tối hậu của Thánh Thể, và điều đó đã nên hiện thực trong cử hành Thánh Thể, thì nơi diễn ra cuộc biến đổi kỷ diệu đó (admirabile commercium) chính là tất cả tạo thành. Tạo thành là bàn thờ trên đó mọi Lời Chúc Tụng được dâng lên (Ana-phore).
Thật lý thú ở đây khi ta trở lại với hình ảnh “bàn tay của Thiên Chúa” trong tư tưởng Irênê : theo ngài, Lời và Thánh Thần chính là “đôi tay” của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, [7] vậy phải chăng chính “đôi tay thần linh” ấy cũng hiện diện và tác động ngay trong hành vi “dâng lên” (anaphore) của chúng ta, qua việc Thánh Thần ngự xuống (epiclèsis)và qua hành vi “cầm lấy bánh và đọc lời chúc tụng” của Đức Kitô ? Phải chăng nơi bí tích Thánh Thể, chính “đôi tay thần linh ấy” đã “nắm lại” (ressaisir) tất cả tạo thành để biến đổi và dâng lên, theo như trật tự luận lý của điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “mầu nhiệm công lý của thụ tạo đối với Đấng Sáng tạo” ? [8]
Hệ luận của điều này trong đời sống cũng như kinh nghiệm thiêng liêng có lẽ rất đơn sơ nhưng phong phú vô vàn, ngay cả là hết sức “thi vị”. Mỗi buổi sáng, khi Bí tích Thánh Thể được cử hành, là lúc cả muôn loài muôn vật cùng thông dự vào lời Chúc Tụng, Tạ Ơn Đấng Sáng Tạo của chúng ta. Vậy khi lời ca dâng lễ cất lên, ta đừng quên tiếng hót của chim muông, tiếng rì rào của cây cỏ, và tiếng rầm rì của cánh rừng, dòng sông…
Quá thi vị ư ? Không ! chính Đức Gioan Phaolô II cũng viết (tiếp theo đoạn văn về thánh lễ dâng trên tất cả vũ trụ) : “Đó là lý do tại sao trong phần tạ ơn sau Thánh lễ, người ta thường đọc bài Thánh Ca của ba trẻ trong Cựu Ước : Chúc tụng Chúa đi mọi công trình của Chúa…”. [9]
Có lẽ vì ít nhiều lãng quên chiều kích sáng tạo của bí tích Thánh Thể mà kinh nghiệm thiêng liêng của ta hầu như vắng bóng điều có thể gọi được là “kinh nghiệm thần bí buổi ban mai” (expérience mystique matutinale), kinh nghiệm tươi mới của sáng tạo, của “hiệp thông” (koinonia) mang chiều kích vũ trụ, và là kinh nghiệm cảm thông với sự rên siết của tất cả tạo thành.
Để kết luận phần này, có lẽ chỉ cần nhắc lại một khuôn mặt, cuốn hút một thời, nhưng ít nhiều đã bị quên lãng : Teilhard de Chardin. Đành rằng tư tưởng của ngài còn nhiều điều để bàn cãi trên bính diện tín lý cũng như triết học, chẳng hạn mối liên hệ giữa năng lực biến hình của bí tích Thánh Thể và sự tiến hoá của vũ trụ, hoặc sự chuyển hoá từ “biosphère” sang “noossphère” v.v…, thế nhưng những trang của Teilhard viết về “Cảnh vực thần linh” (Le Milieu Divin) và nhất là, “Thánh lễ trên thế giới” (Messe sur le Monde) trong tập “Thánh Thi của Vũ Trụ” [10] vẫn là tuyệt tác, nó vừa minh chứng về khía cạnh “thần thi” của bí tích Thánh Thể theo chiều kích sáng tạo, vừa cho thấy sức sống thiêng liêng và sức sáng tạo kỳ lạ của một tâm hồn biết kín múc tất cả, từ lẽ sống đến lẽ suy tư, nơi bí tích Thánh Thể :
“Bởi một lần nữa, lạy Chúa, không phải trong rừng núi vùng Aisne, mà là trên những đồng nội Châu Á, con không có bánh, cũng chẳng có rượu hay bàn thờ, vì thế con sẽ vươn lên trên các biểu tượng, cho đến Thực Tại trong tất cả nét tinh khôi huy hoàng của nó, và con, một linh mục, con sẽ dâng lên Người lao công và khổ nhọc của thế giới, trên bàn thờ là tất cả Trái Đất này.
Đàng kia, ánh dương vừa chiếu sáng mép riềm của Đông Phương nguyên sơ. Một lần nữa, dưới tấm thảm di động của ánh lửa mặt trời, bề mặt sinh động của trái đất thức giấc, run rẩy, để rồi khởi đầu vòng lao lung đáng sợ. Con sẽ đặt trên dĩa thánh của con, ôi Lạy Chúa, mùa gặt chờ đợi từ nỗ lực mới này. Và con sẽ rót vào chén thánh của con, tinh chất của mọi trái cây mà hôm nay sẽ được nghiền ép.
Dĩa thánh và chén thánh của con, là những miền thẳm sâu của một tâm hồn mở toang cho mọi sức mạnh, mà trong giây lát sẽ vươn lên từ mọi điểm trên địa cầu và cùng qui hướng về Thần Khí. Hãy đến cùng tôi, ký ức và hiện diện huyền diệu của những ai được ánh sáng đánh thức cho một ngày mới…” [11]
Kinh nghiệm của Teilhard de Chardin thực ra không đơn lẻ, nó vọng lại phần nào kinh nghiệm của Thánh Ephrem về mối tương liên giữa bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm Sáng Tạo, qua ẩn dụ về “Nhà Tiệc Ly” và “Vũ Trụ” :
“Phúc cho ngươi, hỡi nhà Tiệc Ly của Đấng Công Chính,
Nơi ngươi, Chúa chúng ta bẻ ra Thân Mình Người.
Một nơi chốn nhỏ hẹp mà trở nên như tấm gương
để hiện diện của Người lấp đầy muôn thụ tạo!
Một giao ước nhỏ được thực hiện,
Bởi Môsê, trên núi cao lừng tiếng ;
Còn Giao Ước lớn lao,
lại phát xuất từ căn phòng nhỏ bé :
để rồi cả trái đất được no đầy.
Phúc cho ngươi hỡi nhà Tiệc Ly, thật bé nhỏ,
ngươi đứng đó, đối diện với cả tạo thành,
Những gì diễn ra nơi ngươi, cả trời đất,
được no phỉ thoả thuê và nên nhỏ bé trước ơn bội hậu…” [12]
Chính nơi bí tích Thánh Thể mà tất cả công trình sáng tạo như được biến hình, để trở thành “Cảnh Vực Thần Linh”.
Chiều cao sâu của Bí tích Thánh Thể
Chúng ta vừa đề cập đến chiều rộng hay có thể nói là chiều ngang của bí tích Thánh Thể (dimension horizontale) dưới ánh sáng của mầu nhiệm Sáng Tạo, giờ đây ta thử đi vào chiều sâu, cũng đồng thời là chiều cao của nó (dimension verticale), nghĩa là, trong ánh sáng của mầu nhiệm Mạc Khải.
Đề cập đến Mạc Khải, trước tiên ta hãy trở lại với thần học và ngôn ngữ của Kinh thánh : Giao Ước. Thiên Chúa đến với con người trong lịch sử để kết ước, mời gọi họ lắng nghe, đáp trả và đi vào trong mối hiệp thông thâm thiết với Người. Tất cả suy tư, định nghĩa, định tín của Giáo Hội về bí tích Thánh Thể đều ở trong viễn tượng đó của Giao Ước, nghĩa là trong viễn tượng hết sức sinh động, và cảm động của cuộc trao đổi, đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Người.
Như chúng ta đã biết, tư tưởng thần học về bí tích Thánh Thể đặc biệt kể từ phong trào Cải Cách, rồi Chống Cải Cách cho đến tận hôm nay đã hết sức tập trung vào khía cạnh “Hy Tế” cũng như “hiện diện thực” của Bí tích Thánh Thể. Điều này có thể hiểu được, nếu ta nhớ rằng, ngay trong thời hiện đại, một vài kiểu nói tuy khá hấp dẫn, nhưng không phải không đe doạ đến niềm tin công giáo vào bí tích Thánh Thể : “biến đích” (trans-finalisation), biến nghĩa (trans-signification) thay vì nói “biến bản thể” (trans-substantiation). [13]
Tuy nhiên, tranh luận thường bao giờ cũng có mặt yếu của nó : lôi cuốn suy tư về một phía và dễ lãng quên những khía cạnh khác. Vì thế, nếu trên bình diện thần học tín lý chúng ta luôn cần đến phân tích, xác định, minh định, thì ngược lại, trên bình diện đời sống thiêng liêng, có lẽ cần trở về với “Chén Tổng Hợp”, về với sự phong phú khôn lường của Nguồn Ơn.
Nói cách cụ thể, việc nhấn mạnh đến hiện diện thực và đích thân của Đức Kitô, của Mình và Máu Ngài trong tương quan với Bánh và Rượu (trước và sau khi Truyền Phép) không khỏi che khuất tương quan căn bản là giao ước, nghĩa là một tương quan liên chủ vị.
Như ta biết, cấu trúc của Giao Ước là cấu trúc trao đổi, đối thoại, nghĩa là giữa “ai đó với ai đó”, chứ không phải “ai với điều gì đó” hoặc “ai so với điều gì đó”. Nếu chỉ nói, đức Kitô hiện diện thực, đích thân trọn vẹn, vì “bánh không còn là bánh”, “rượu không còn là rượu” thì thiết tưởng mới chỉ dừng lại ở “điều gì đó”, ở “sự thể” (chose) mà không cho thấy hiện diện sống động của “ai cho ai đó”. Mà đây mới là điều căn bản, không thể không nói tới, ít nhất là trên bình diện đời sống thiêng liêng.
Vậy khi đặt bí tích Thánh Thể trở lại trong viễn tượng Giao Ước thì chúng ta buộc phải xét “hiện diện thực” (présence réelle) từ cả hai phía, và hơn nữa, phải là hiện diện mang tính chủ vị.
Mặc dầu ý thức tất cả khoảng cách giữa kinh nghiệm nhân linh và kinh nghiệm thần linh, chúng ta thử khởi đi từ kinh nghiệm rất bình thường trong cuộc sống con người để minh giải phần nào điều gọi là “hiện diện thực” trong tương quan liên chủ vị.
Hiện diện trong kinh nghiệm thực sự là nhân linh, luôn luôn là hiện diện với ai đó, tất nhiên là cụ thể, đích thân (vì không thể có hiện diện theo nghĩa “chung chung” được). Đàng khác, mức độ của “hiện diện thực” không chỉ tuỳ thuộc vào chuyện “là đó” hay “ở đó”, mà tuỳ thuộc vào tình yêu của người hiện diện. Ai đó hiện diện thực với tôi khi người đó yêu thương tôi, sống cho tôi. Chúng ta có thể có cả ngàn cuộc gặp gỡ nhưng không phải ai cũng “hiện diện với” chúng ta. Có rất nhiều người đến, nhưng không phải ai cũng “thăm” chúng ta ! Người hiện diện thực sự chỉ có thể là người thương chúng ta thật tình.
Điều này có thể xem như một lý luận cũng cố cho hiện diện thực của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, nhưng phát biểu một cách khác : ngài hiện diện thực vì tình yêu ngài dành cho tôi là tình yêu đến cùng, tình yêu tuyệt đối. Và chính tình yêu đó mời gọi tôi đón lấy, lãnh lấy để rồi đáp trả cũng bằng một hiện diện thực, nghĩa là một tình yêu trọn vẹn như thế. Trong viễn tượng Giao Ước, hiện diện thực phải là hiện diện cho nhau từ hai phía. Vì thế nó thường được diễn tả qua tiếng kêu và lời đáp. Trong Cựu Ước, có lời nào vang lên thường xuyên hơn, tha thiết hơn lời : “Shema Israel ! Israel, hãy nghe !” ?
Vì Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể chính là Đấng Emmanuel trong ngày hôm nay của ơn cứu độ, cũng là ngày hôm nay của chúng ta, hic et nunc, nên chúng ta hoàn toàn có thể chiêm ngắm và sống bí tích này qua cấu trúc của Giao Ước, cấu trúc của lời ngỏ “Này Ta (Thầy) đây !” và lời đáp “Con đây, lạy Chúa !”.
Hai kiểu nói đối nhau của người Đức rất đơn giản nhưng hết sức thâm thuý, có thể mô tả cốt lõi của “ hiện diện thực” theo nghĩa này :
Ich bin da (je suis là !): Thầy đó mà !
Hier bin ich (Me voici) : Này con đây !
Vậy ta có thể nghe thấy gì trong lời mời của Đức Kitô : “Này là Mình Ta, này là Máu Ta…” ?
Tân Ước
Gần nhất, nghĩa là trong chính cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, ta có thể nghe thấy bao nhiêu lời của Đức Kitô diễn tả về hiện diện của Ngài với các môn đệ :
– “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15,4)
– “Thầy đây, đừng sợ” (Mt 28,10)
– “Bình an cho anh em” (Lc 24,36)
– “Chính Thầy đây mà, cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (hiện diện thực !) (Lc 24,39).
Nhưng gút lại cũng chỉ muốn nói một điều :
– “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)
Nhưng lời của Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể không phải chỉ là lời ngỏ với chúng ta, mà còn là lời thưa lên với Cha, Đấng đã sai ngài, nếu đúng như thần học Gioan : biến cố vượt qua của Đức Kitô vừa là “đến với” chúng ta, vừa là “về cùng Cha”. Vậy phải chăng trong lời nói “Nầy là Mình, Nầy là Máu Ta…” chúng ta cũng đồng thời nghe thấy tiếng của Ngài thưa lên với Cha :
“Này Con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,9), hơn nữa đây lại là lời thốt ra trong bối cảnh “bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập các lễ tế mới” (Dt 10,9).
Cựu Ước
Kinh nghiệm về bí tích Thánh Thể còn có thể vươn xa hơn nữa về quá khứ lẫn tương lai của Giao Ước, nghĩa là trong viễn cảnh của Lịch Sử Cứu Độ.
Có thể nói bao nhiêu về bí tích Thánh Thể từ kinh nghiệm của Dân Chúa trong thời lưu đầy, thời rong ruổi sa mạc với Mana và con rắn đồng, hay kinh nghiệm của các ngôn sứ về việc Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài, như người cha, như vị hôn phu, thậm chí kinh nghiệm của tình quân và tình nương trong sách Diệu Ca ? Bởi lẽ bí tích Thánh Thể là gì, nếu không phải là Của Ăn Đàng, Thần Dược, và là sự kết hiệp của Đức Kitô với Hội Thánh, Hiền Thê của Người, và với mỗi tâm hồn ?
Ở đây chỉ xin dừng lại ở một kinh nghiệm duy nhất để gẫm suy : kinh nghiệm về “Bụi Gai bốc cháy” (Xh 3,15) và việc mạc khải Danh Thiên Chúa (Xh 3,14).
Tại sao có thể nói về Bụi Gai Bốc Cháy trong tương quan với bí tích Thánh Thể, nhất là khi, đoạn văn đó hầu như không được mấy ai nhắc đến khi bàn về bí tích Thánh Thể ?
– Một liên tưởng tự nhiên : khi Đức Gioan nói đến niềm “ước ao cháy bỏng” (désir ardent) trong tông thư “Mane nobiscum Domine”, ta không thể không liên tưởng tới “Bụi Gai bốc lửa cháy” (Buisson ardent) trong Cựu Ước. [14]
– Một lý do thần học kinh thánh : Đức Giêsu khẳng định : “Bánh sự sống, chính là Ta” (Ga 6,35). Ghi Chú 35 trong bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn : “Chính là Ta” : Một lời tuyên ngôn mạc khải rất đặc sắc trong Yoan. Nguồn gốc lấy tự những lời Yavê tuyên bố trong Ysaya II (Ys 40-55) 43,1tt ; 41,4 ; 42,6.8tt ; 44,6.24 ; 45,2t ; 46,4.9 ; 48,12t.15 ; 51,12… và lên đến lời xưng mình của Yavê trong Xh 3,14. Ở đây lời ấy dẫn vào một lời cắt nghĩa về cử chỉ một công việc của Chúa Yêsu : Bánh đích thật là Mana (Xh 16,1 ; Tv 78,21) và bánh phép lạ kia mới chỉ là hình bóng”. [15]
– Một chi tiết chú giải : trong lời truyền phép cũng như trong đoạn Xh 3,13-15 đều liên hệ đến cuộc Vượt Qua và đều kết thúc bằng lời nhắn nhủ về việc “tưởng niệm” : “Đó là tên Ta mang mãi mãi, và đó là cách tưởng niệm về Ta đời này qua đời khác”.
Như thế, lời tuyên bố “Bánh sự Sống, chính là Ta” đưa chúng ta trở về mạc khải Danh của Thiên Chúa trong Xh 3,14. Tuy nhiên, chúng ta đều biết tất cả sự lúng túng của ngôn ngữ nhân loại khi dịch đoạn văn này :
– “Ta có sao Ta có vậy” [16]
– “Ta là Đấng Hiện Hữu” [17]
– “Je suis celui qui est” [18]
– “Je suis qui je serai” [19]
– “I am who may be” [20]
– “Ich-bin-da” [21]
Nói cho cùng, ngôn ngữ nhân loại lúng túng là phải, vì làm sao diễn tả cùng một lúc ba chiều kích khôn sánh, bất khả giản lược nhưng lại hoà quyện với nhau về hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử, hay nói mạnh hơn như Bruno Forte, về hiện diện của Thiên Chúa là Lịch sử, theo ba khía cạnh của thời gian : Quá khứ tuyệt đối (passé absolu) : hiện diện vững chãi như Đá Tảng (Tv 17,3) ; Hiện tại tuyệt đối (présent absolu) : hiện diện nâng niu chăm sóc như Đấng sinh thành (Is 66,11-13), thâm thiết như Phu-Phụ (Eros) (Is 54,5 ; Gr 31,32 ; Os 1-3), và một tình yêu trọn vẹn nhưng không (Agape) (Lc 12,32 ; Rm 5,6-8) ; cuối cùng là tương lai tuyệt đối (Futur absolu) : hiện diện đến từ Tương Lai (ad-venir, venir à la rencontre) để thăng hoa và biến hình tất cả : “Này đây Ta đổi mới mọi sự !” (Kh 21,1-5 ; Tv 104,30 ; Cv 2,2t) ?
Hiện diện của Thiên Chúa luôn là khôn tả, khôn sánh và “tuyệt đối” bởi nó không qua đi hay tạm thời như bộ mặt trái đất này.
Hiện diện thực trong bí tích Thánh Thể cũng là như thế, tuy được diễn tả bằng một ngôn ngữ hết sức đơn sơ, gần như là thinh lặng :
“Chúa đó, con đây”…
Giáo Phụ
Cũng nên gợi lại ở đây một kinh nghiệm hết sức độc sáng cũng của Thánh Ephrem : từ tấm áo choàng mà người phụ nữ bị bệnh băng huyết chạm tới cho đến cảm nghiệm của người được diễm phúc chạm đến Mình và Máu Thánh Chúa qua tấm áo là “bánh rượu” :
“Như người phụ nữ trong cơn sợ hãi, đã tìm được lòng can đảm và được chữa lành, xin thuyên chữa con khỏi sự trốn chạy đầy kinh sợ và cho con tìm lại được can đảm ở nơi Ngài.
Xin cho con biết để tấm áo Ngài dẫn dắt con đi đến tận Thân Mình Ngài. Ngõ hầu con có thể nói về Ngài hết sức của con.
Lạy Chúa tấm áo Ngài là Suối Nguồn phương dược, và trong chiếc áo hữu hình có sức mạnh ẩn giấu của Ngài […]
Giây giầy Ngài khiến người khôn ngoan sợ hãi,
Gấu áo Ngài gây khiếp hãi kẻ am tường.
Chăm chú nhìn Ngài, thế hệ điên rồ của chúng con,
chất ngất trí khôn,
say sưa rượu mới…”
Và lời chú thích của chính thánh Ephrem : trong muôn vàn người xô lấn đụng chạm đến Đức Giêsu, chỉ một mình người phụ nữ khốn khổ đó “đã chạm tới Ngài như một vì Thiên Chúa”. [22]
Xin được mở ngoặc, ý tưởng về bí tích Thánh Thể như “Suối Nguồn phương dược” hiện diện rất đậm nét trong tư tưởng kitô giáo thời các Giáo Phụ, chẳng hạn trong Kinh Tiền Tụng của Sérapion (Anaphore de Serapion) có nói đến Thánh Thể như là “Pharmakon zôès” (Sinh Dược). [23]
Tất cả những kinh nghiệm trên đây, có thể nói, đưa chúng ta về với bí ẩn của chữ “là” (Esse, Être, Sein, to Be) của hiện diện Thiên Chúa trong suốt lịch sử cũng như trong hành trình tâm linh của nhân loại.
Một chữ “là” hay cụ thể hơn “là đó” cho và vì chúng ta qua lời ngỏ vừa bi tráng vừa thống thiết của Đức Giêsu :
“Này là Mình Ta…Này là Máu Ta…”
Quả không có chữ gì đơn giản hơn, thậm chí khô khan và trống rỗng hơn chữ “là”, nhưng đồng thời không có chữ nào mênh mông bí ẩn đến thế.
Như thể là Suối Nguồn huyền nhiệm !
Để tạm kết luận về chiều cao sâu của bí tích Thánh Thể, xin được lấy lại cái tài tình của ngôn ngữ Đức, bởi nó nghe rất “buông”, nhưng cũng vì thế mà ta được tự do ngụp lặn trong Nguồn Ơn sâu thẳm :
Ich-bin-da / Hier bin ich.
Thầy đó mà ! / con đây, lạy Chúa !
Một trời ngôn ngữ cũng không diễn tả hết chút thâm tình đó…
Chiều dài của bí tích Thánh Thể
Chúng ta đã chiêm ngắm bí tích Thánh Thể dưới ánh sáng của mầu nhiệm Sáng Tạo và Mạc Khải. Giờ đây là lúc chiêm ngắm bí tích đó dưới ánh sáng của mầu nhiệm Cứu Độ.
Xin xét đến mầu nhiệm cuối cùng này nơi điểm thách thức nhất : huyền nhiệm của đau khổ, sự dữ và sự chết, đồng thời nơi đỉnh cao hoàn tất của nó : “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi […] Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô. Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh…”
Sở dĩ là điểm thách thức nhất vì nói cho cùng, không gì thách đố hiện hữu và đặc biệt là hiện diện của Thiên Chúa bằng huyền nhiệm của đau khổ và sự dữ. Chúng ta hẳn còn nhớ câu hỏi ám ảnh Albert Camus đặc biệt trong tác phẩm “La Peste” (Dịch Hạch) của ông : Tại sao trẻ thơ vô tội lại phải chết ?
Rồi xa xưa hơn nữa, câu chuyện của Job.
Thực ra, đọc lại Kinh Thánh ta sẽ thấy chiều dài của Lịch Sử Cứu Độ, từ Khởi Nguyên cho tới Khải Huyền, thực tế tương ứng với chiều dài của sự dữ và đau khổ.
Nhưng phúc thay, khi thời gian đã mãn (x. Dt 1,1-4), ơn Cứu Độ được hoàn tất qua việc Đức Kitô hiến mạng sống mình, đóng đinh tất cả tội lỗi của thế gian vào thập giá. Ngài mang lấy mọi đau khổ, chết chóc của từng con người và của tất cả nhân loại, để rồi “dương lên cao” đến tận cung lòng đầy xót thương của Thiên Chúa.
Vì thế, cử hành Thánh Thể là cử hành ôm lấy tất cả chiều dài của Lịch Sử Cứu Độ, chiều dài của Tội Lỗi và Ân Sủng, của Mãnh Lực Sự Dữ và Tình Yêu Quyền Năng của Thiên Chúa. Chính trên cái nền tối hãi hùng của sự dữ và sự chết mà cuộc Vượt Qua của Đức Kitô toả chiếu mãnh liệt Ánh Sáng và Sự Sống thần linh của nó. Trong viễn cảnh này, Thân Mình và Máu trao hiến chính là niềm Hy Vọng cho toàn nhân loại cũng như cho tất cả tạo thành. Ave Crux, Spes unica !
Bí tích Thánh Thể là Bí tích của niềm Hy Vọng. “Ánh Sáng của Lời đã làm tan chảy sự chai đá trong tâm hồn họ và “mở mắt họ ra” (Lc 24,31). Giữa những bóng tối nhạt nhoà của ngày tàn và bóng tối đang xâm chiếm tâm hồn họ, Người Lữ Khách này là một tia sáng làm sống lại trong họ niềm hy vọng và mở trái tim họ để ước ao có được ánh sáng tràn đầy.” Đức Gioan Phaolô II đã viết như thế trong Tông Thư “Mane nobiscum Domine”, ngay sau đoạn nói về việc hai môn đệ Emmau cảm thấy “một ước ao cháy bỏng”.
Sau kinh nghiệm về Lửa nơi bí tích Thánh Thể, bây giờ là kinh nghiệm về Ánh Sáng. Tuy nhiên, như đã nói, đây không phải là thứ ánh sáng trong vắt, bay bổng, nhưng là ánh sáng xuyên thủng màn đêm dày đặc của lịch sử với những vui buồn và nhất là những thảm kịch hãi hùng của nó. Đức Gioan Phaolô II hết sức nhạy cảm về điều này, ngay trong phần đầu của Tông thư nói trên ngài viết : “Sau khởi đầu Thiên Niên Kỷ, các sự kiện tai hại thay lại cho thấy rành rành một loạt tiếp nối hết sức nặng nề khắc nghiệt với biến cố đi trước và thường là với những biến cố xấu nhất. Bên cạnh những viễn cảnh đem lại an ủi, một kịch bản cũng được phác hoạ, cho thấy những bóng tối ảm đạm của bạo lực và máu không ngừng làm chúng ta đau buồn”. [24]
Chiêm ngắm bí tích Thánh Thể dưới một ánh sáng như thế hẳn ta sẽ không thể quên rằng, hiện diện của bí tích Thánh Thể là hiện diện ngay trong “bóng tối ảm đạm của bạo lực và máu” !
Điều này khiến ta nhớ lại một kiểu nói thật gợi hình gợi ý của Isaia về Ơn Cứu Độ, nơi đoạn nói về bữa Tiệc Cánh Chung (Is 25,6-12) :
“Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt” (Is 25, 8).
Sách Khải huyền lập lại lời hứa đó như là tương lai tuyệt đối cho cả tạo thành trong Đấng Emmanuel :
“Và Người sẽ lau sạch nước mắt họ ; chết không có nữa, phiền muộn, kêu gào và khó nhọc sẽ không còn nữa, vì các điều cũ đã qua” (Kh 21, 4).
Nếu Thiên Chúa, ngay từ những trang đầu của Cựu Ước, đã tỏ ra là Đấng không thể ngồi yên trước đau khổ bất công mà người vô tội phải chịu (Abel)[25] thì phải nói thế nào về hiện diện Thánh Thể trước những thảm kịch hiện đại của nhân loại ?
Tuy nhiên, để có thể lột tả “tính vấn đề” (problématique) của bí tích Thánh Thể dưới ánh sáng của Lịch Sử Cứu Độ, có lẽ chúng ta không cần phải trở lại với những câu chuyện ngày xưa, mà chỉ cần trở lại với cái tên nay đã trở thành biểu trưng của những bi kịch thảm khốc và phi lý nhất của thời đại chúng ta : Auschwitz. Tất nhiên đàng sau nó là một chuỗi dài những tên như : Dachau, Kosovo, Sarajevo, Rwanda, Cánh Đồng Chết (Cam-bốt), Somali, Burundi, Nigeria, 11 tháng 9, Somali…
Trở lại với Auschwitz không phải vì Lịch Sử Cứu Độ được dệt toàn bởi những thảm kịch, mà là vì, không có điều gì làm chấn động tấm lòng của Thiên Chúa hơn là những khuôn mặt đầy nước mắt, đặc biệt nơi những nạn nhân của “sự dữ tuyệt đối”, đặc trưng của những thế kỷ cuối cùng này. Sự dữ tuyệt đối (Le Mal absolu) theo kiểu nói của Kant, bởi lẽ nó không được định nghĩa trong tương quan với sự Thiện (khuy khuyết, xa hay gần điều hoàn hảo) cũng không ở trên cùng một bình diện với những tai hoạ thiên nhiên (câu chuyện của Gióp thực ra vẫn dừng lại trên bình diện này). Sự dữ tuyệt đối có nghĩa đơn giản nhưng rất lạnh lùng : huỷ diệt để huỷ diệt, giết để giết, càng nhiều càng tốt, càng đau càng hay, càng tàn bạo càng gây ấn tượng ! Hoặc có thể nói gọn như ngôn ngữ việt : Ác hết sức !
Quả thực chính bóng tối ghê gớm của sự dữ tuyệt đối đó mới làm chao đảo tất cả, nhất là niềm hy vọng của con người vào tương lai, và dĩ nhiên là lòng tin vào hiện diện quyền năng của Thiên Chúa. Câu duy nhất trên môi miệng của những ai chứng kiến biến cố 11/9 : Oh My God ! Ôi, Lạy Chúa !
Ai đã một lần thinh lặng trước Thánh Thể trong nhà nguyện ở Auschwitz hay Dachau hẳn không thể không tự hỏi : Lạy Chúa, sao lại có thể như thế ? Lạy Chúa, thực sự Chúa ở đâu, khi chính dân riêng của Người bị tận diệt (extermination) ? Nếu chúng ta vốn là xấu, theo kiểu nói của chính Đức Giêsu, mà còn biết đặt câu hỏi như vậy, huống chi là trái tim của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng chạnh thương, huệ ái, bao dung ? Mà bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là “Trái Tim của Thiên Chúa” giữa lòng thế giới này ? [26]
Đây có lẽ là một trong những lý do tại sao cuốn sách của Hans Jonas, một triết gia Do Thái đã gây tiếng vang đến như thế ! [27]
Làm sao lý giải được sự yên lặng “ghê gớm” đó của Thiên Chúa ? H. Jonas, trong niềm tin Do Thái Giáo, đi đến kết luận : câu trả lời duy nhất có thể có về sự thinh lặng đó của Thiên Chúa là : Người đã tự-giới-hạn mình lại (auto-limitation). Nói nôm na theo ngôn ngữ Việt : Ngài đã “cầm mình lại”. [28] Giải đáp đó theo thiển ý, có lẽ phần nào vọng lại chú giải thần học do thái về Sáng Tạo : “tsim tsum”. Thiên Chúa sáng tạo như đại dương cuộn sóng lại, cho bãi cát được lộ ra dưới ánh mặt trời. Thiên Chúa cứu độ cũng hành động như Thiên Chúa sáng tạo. Không gì có thể diễn ra ngoài Ngài, nếu có thì chỉ có thể là vì Ngài đã “cầm mình lại”.
Là triết gia Do Thái, Hans Jonas đã không thể giải thích rõ việc Thiên Chúa “cầm mình lại” (auto-limitation) cuối cùng có nghĩa như thế nào. Ông chỉ gợi ra việc, cần suy nghĩ lại ý niệm “Thiên Chúa toàn năng” trong tư tưởng cổ điển.
Xin được trở lại với vấn đề : Có lẽ bí tích Thánh Thể là nội dung “bằng xương bằng thịt” của điều mà Hans Jonas chỉ có thể nói trống là “Thiên Chúa cầm mình lại”. Nói cách cụ thể hơn, hiện diện Thánh Thể nơi tấm bánh nhỏ hèn chính là hiện diện cô đọng nhất, “cầm mình lại” nhất của Thiên Chúa ! Chỉ có điều đây không còn có thể hiểu là “cầm lòng” hay “dằn lòng”, mà là “hết lòng” cho chúng ta và vì chúng ta. Nói theo kiểu của thánh Gioan : Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế đó ! (Ga 3,16).
Ở Auschwitz hay bất cứ nơi nào khủng khiếp nhất, Thánh Thể vẫn hiện diện, trần trụi, thinh lặng, không phải để giải thích, cũng không để cung cấp một ý nghĩa cho điều tuyệt đối vô nghĩa (mal absolu – non-sens absolu), mà có lẽ đơn thuần là hiện diện với, chia sẻ đến tột cùng, ngay trong bóng tối hãi hùng nhất của tuyệt vọng, của sự chết : Thầy đây mà ! (Ich-bin-da !)
Đây có lẽ là lúc cần phải trả lại sức nặng cho điều mà chúng ta vẫn thốt lên trong mỗi thánh lễ :
“Lạy Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian, xin thương xót chúng con”
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian…”
Một chút lưu ý về các bản dịch :
“Agneau de Dieu, qui enlèves le péché du monde, prends pitié de nous”
“Lamb of God, you take away the sins of the world, have merci on us”
“Lamm Gottes, du nimmst hinweg die Sunde der Welt, erbarme dich unser”
Tuy đây không phải là nơi để tranh luận về các bản dịch, nhưng có thể thấy, dù sao, bản dịch anh và đức nói lên được điều này : Ngài không chỉ xoá, cất đi hay đem đi ngay (enlever), mà trước hết Ngài đã mang lấy (take, nehmen) và đem đi (away, hinweg).
Mà đem đi đâu nếu không phải là vào cung lòng đầy thương xót của Thiên Chúa ?
Tất cả những suy tư trên, như đã nói, không nhằm mục đích nào khác hơn là cố gắng nghiệm ra các chiều “rộng, dài, cao, sâu” của Nguồn Ơn là Bí tích Thánh Thể.
Có một chi tiết khá lạ lùng và có lẽ hết sức ý nghĩa ở đây, đó là đoạn thư Ephêsô nói về các chiều khác nhau của Lòng Mến Thiên Chúa như thể vọng lại suy tư trong Gióp 11,5-9 : Xo-pha, sau khi nghe Gióp nguyền rủa ngay cả ngày sinh của mình , đã nhắc ông về các chiều khác nhau của Khôn Ngoan Thiên Chúa :
“Nhưng phải chi Thiên Chúa lên tiếng để trực tiếp ngỏ lời với anh […]
Liệu anh có đo nổi mầu nhiệm cao sâu của Thiên Chúa, liệu anh có nhận thức Đấng Toàn Năng tuyệt hảo dường nào ?
Sự tuyệt hảo cao hơn các tầng trời, liệu anh làm gì được, sâu thẳm hơn âm phủ hỏi anh biết được gì, trải dài hơn cõi đất, rộng hơn cả biển sâu…”
Tất nhiên là khác một điều : Sách Gióp xoay quanh sự Khôn Ngoan, còn trong thư Êphêsô là Lòng Mến. Vậy chúng ta là ai mà dám đo Lòng Mến của Thiên Chúa ?
Một lần nữa, xin được lập lại lời của thánh Ephrem :
“Tình yêu thúc đẩy tôi đến gần Thiên Chúa, nhưng lý trí trách cứ tôi về sự táo bạo đó, và này tôi đứng giữa niềm kính sợ và lòng mến yêu, vô phương tiến thoái”…
Thực ra, khi suy nghĩ về linh đạo Thánh Thể, chúng ta không hề dám liều lĩnh đo lường hay chất vấn Thiên Chúa, mà đúng hơn, chất vấn chính mình :
Chúng ta đã làm gì trước Nguồn Ơn bội hậu đó ?
Giữa niềm kính sợ và lòng mến yêu quả là vô phương tiến thoái, thế nhưng để cho ký ức thiêng liêng ghi lại một chút gì sau tất cả những suy tư trên, thiết nghĩ chúng ta có thể giữ lại một điều thôi về bí tích Thánh Thể :
Hiện diện của Đức Kitô Emmanuel.
Trước khi hay nói đúng hơn, ngay trong chính cử hành Thánh Thể, Thiên Chúa tiếp tục ở cùng chúng ta từng ngày và mọi ngày cho đến tận thế. Tuy nhiên, hiện diện của Đức Kitô và của chính Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể có một nét rất khác với hiện diện lịch sử và hiện diện cánh chung. Bởi chưng, Bí tích Thánh Thể là hiện diện thực sự và đích thân của Đức Kitô giữa hai lần đến.
Một hiện diện trọn vẹn nhưng vẫn qua bức màn.
Một hiện diện chói ngời của Đấng Phục Sinh,
nhưng vẫn dưới tấm áo khiêm cung của Tấm Bánh nhỏ.
Một hiện diện bốc cháy như Bụi Gai,
nhưng lấp đầy mọi khoảng cách,
không đe doạ bất cứ ai,
trái lại vẫn là lời mời nhỏ nhẹ, thống thiết :
Này là Mình Thầy hãy cầm lấy …
Một hiện diện thật giàu sang, mà hết sức nghèo hèn.
Một hiện diện muốn nói lên tất cả mà như không nói gì cả…
Như thể là Lời kêu gào
của Thinh Lặng hố thẳm (Tv 41,8)
nơi Mặt Nhật tròn vo…
Phải chăng chính kinh nghiệm về “Tất Cả mà như Không Là Gì Cả” (théophanie kénotique) của bí tích Thánh Thể đã khuôn đúc nên cách hiện diện, cách sống, hay có thể nói, linh đạo vô tiền khoáng hậu của người kitô hữu, như được mô tả trong thư gửi Diognète, khoảng năm 200, của một tác giả vô danh :
“Các kitô hữu không khác gì ai về quê hương, ngôn ngữ hay trang phục. Họ không ở thành phố riêng, cũng không xử dụng tiếng nói khác thường, lối sống của họ chẳng có gì lập dị […]
Họ ở trong quê hương mình nhưng đồng thời như khách kiều cư […] Đối với họ đất lạ là quê hương, quê hương là đất lạ […]
Họ ở trong thể xác nhưng không sống theo xác thịt. Sống cuộc đời nơi dương thế, nhưng lại là công dân của trời cao […] Họ yêu thương mọi người, kể cả kẻ bách hại mình […] Người ta ngộ nhận, lên án họ, nhưng cũng vì thế mà họ lợi được sự sống […] Là những kẻ nghèo nhưng lại làm giàu cho bao nhiêu người khác. Thiếu thốn tư bề mà vẫn đầy dư tất cả […] Tóm lại, hồn là gì trong thân xác thì các kitô hữu là như thế trong thế giới…” [29]
Xin được kết thúc suy nghĩ về Linh Đạo Thánh Thể với lời nói rất cổ xưa mà vẫn rất mới mẻ đó, nhưng mạo muội một chút sửa đổi :
Đức Kitô là thế nào trong Tấm Bánh,
thì các kitô hữu là như thế trong thế giới.
[1] Confessions, X,27,38 tt, CUF. 268-269, bản dịch riêng.
[2] in M. Spanneut, Les Pères de l’Eglises, vol. III, Desclée, Paris, 1990, p. 128, bản dịch riêng.
[3] (Redemptionis sacramentum, huấn thị của bộ Phượng Tự và Kỷ luật các bí tích, ban hành ngày 23.4.2004).
[4] Irenee de Lyon, Contre les Hérésies, IV, 17, 5, SC 100, p. 591-593, bản dịch riêng.
[5] Jean-Paul II, Ma Vocation, Don et Mystère, du Cerf, 1996, p, 87.
[6] Transfiguration, x. Cyrille de Jérusalem, Catéchèses mystagogiques, IV, 3 et 6, SC 126, p. 137 et 139.
[7] Contre les Hérésies, L. IV, 7-4, SC 100 ; p. 465.
[8] Mystère de justice de la créature envers le Créateur. Ma Vocation p. 88).
[9] Ma Vocation, p. 87
[10] Hymne de l’Univers, du Seuil, 1961
[11] Teilhard de Chardin, Hymne de l’Univers, du Seuil, 1961, p. 21-22, bản dịch riêng.
[12] Ephrem, Hymnes sur la Crucifixion, III, 5 et 9, CSCO 248, p. 50-52, bản dịch riêng.
[13] x. E. Schillebeeckx, La Présence du Christ dans l’Eucharistie, Cerf, 1970.
[14] Bí tích Thánh Thể như là Lửa và Ánh Sáng, chủ đề chính trong tông thư trên của Đức Gioan Phaolô
[15] Kinh Thánh, Bd Nguyễn Thế Thuấn, trg. 207.
[16] Nguyễn Thế Thuấn
[17] Nhóm PVCCGK, với chú thích : “Đấng hiện hữu, ds : “Ta là Đấng mà Ta là !” Đức Chúa là Đấng hiện hữu, còn ngẫu tượng chỉ là hư vô (x. Is 41,42 ; 42,8+)…”
[18] Bible Jerusalem
[19] TOB, với lời chú thích : c’est-à-dire, “Je suis là, avec vous, de la manière que vous verrez”.
[20] Richard Kearney, The God who may be, A Hermeneutics of Religion, Indiana University Press, 2001, p. 20-38.
[21] Bản dịch đại kết Đức.
[22] Ephrem, Hymne de la Foi, 10, 6-20, trad. francaise Fr. Graffin, Parole de l’Orient IV, 1973, p. 117-118, bd. riêng.
[23] Anaphore de Sérapion, 4, Prex Eucharistica, p. 130.
[24] Mane nobiscum Domine, 6
[25] “Abel, em ngươi đâu ?” (Kn 4,9)
[26] x. H.U. von Balthasar, Le coeur du monde, Desclé, 1956, p. 220.
[27] Le Concept de Dieu après Auschwitz, Une voix juive, 1974, trad., Payot et Rivages, 1994. (Ý niệm Thiên Chúa sau Auschwitz. Một tiếng nói Do thái).
[28] x. H. Jonas, Le Concept de Dieu après Auschwitz, p. 34-37.
[29] A Diognète, cité in J.Comby, Pour lire l’Histoire de l’Eglise, du Cerf, 1984, p.40, bd. riêng