THÁNH GIUSE LAO ĐỘNG
1. Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Giuse Lao động. Sở dĩ có thánh lễ hôm nay là vì Giáo Hội muốn cho chúng ta ý thức được giá trị cao quí của lao động trong đời sống của mỗi người chúng ta.
Quả vậy, lao động có những giá trị to lớn nhưng nhiều khi chúng ta không nhìn ra.
Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã có những lời lẽ rất hay về vấn đề này: “Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu. Những điều nhận định trên đây cũng ứng dụng được nơi những công việc hoàn toàn thường nhật. Thực vậy trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử.” (Chương III số 34)
- Lao động làm cho con người tìm được niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống mình..
Vào thời Trung cổ, có một tín hữu Kitô nọ muốn thực hiện một cuộc hành hương.
Sau vài ngày đi bộ, người đó bị lạc vào trong một khu rừng vắng. Tuy là khu rừng vắng nhưng hai bên đường, người ta cũng thấy có những người thợ đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn đem về. Người khách hành hương mon men đến gần một người thợ, mồ hôi đang chảy ra nhễ nhãi và muốn gợi chuyện, nhưng người thợ đập đá ấy chỉ trả lời một cách nhát gừng.
– Ông không thấy tôi đang lao động một cách vất vả sao mà cứ hỏi hoài vậy?
Người khách hành hương tìm đến người thứ hai, người này còn có dáng vẻ nặng nhọc hơn. Được hỏi đang tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ này chỉ trả lời.
– Người ta thuê tôi làm việc, tôi chỉ biết rằng từ sáng sớm đến chiều tà, tôi đổ mồ hôi sôi con mắt ra là để kiếm cơm bánh cho vợ con tôi thôi, còn xây dựng gì thì tôi không cần biết.
Trong thinh lặng, người khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi ông lại gặp một người thợ đập đá khác. Người này cũng có dáng vẻ mệt nhọc tiều tụy không kém 2 người trước, nhưng nhìn kỹ trong ánh mắt của người thợ đập đá này, người khách hành hương thấy toát lên một sự thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Đến gần người khách hành hương lên tiếng hỏi.
– Ông đang làm gì đó?
Người đàn ông mỉm cười và vui vẻ đáp:
– Ông không biết à, tôi đang góp công xây dựng một ngôi thánh đường
Và người thợ đập đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng, nơi đó, người khách hành hương nhận ra một ngọn tháp cao và từng viên đá được xếp lại ngay ngắn để làm nên bốn bức tường của một ngôi thánh đường.
Vâng! Cùng một công việc nhưng người ta đã không có được một cái nhìn giống nhau về mục đích của nó. Và chính vì thế mà cuộc sống của con người khác nhau: người thì được hạnh phúc, kẻ thì phải đau khổ. Hãy cố mà tìm ra cho cuộc đời của mình một ý nghĩa qua những công việc hằng ngày để từ đó chúng ta có thể có được thật nhiều niềm vui!
- Lao động còn giúp con người sống tình liên đới một cách tốt đẹp hơn.
Trong suốt mùa hè năm ấy, tôi có dịp quan sát một bé trai khoảng 12 tuổi, mỗi buổi sáng vào lúc 7 giờ, đến làng bên cạnh là địa phương chúng tôi để giao bánh mì. Đây là một em bé linh động, luôn vui vẻ và đúng giờ như một chiếc đồng hồ. Em dừng lại trước cửa những nhà giàu có muốn có bánh mì ăn sáng và sau đó lại vội vã đạp xe trở về nhà.
Ngày nọ, tôi có một cuộc đối thoại lý thú với em bé này như sau:
– Mỗi buổi sáng em phải dậy sớm, vậy em tự mình dậy hay phải có ai thức em dậy?
– Má em! Má em đánh thức tất cả mọi người trong nhà, trước hết là em. Kế đó, má cho em ăn sáng và em ra đi. Sau đó, má đánh thức ba dậy, dọn xúp cho ba ăn trước khi ba đi làm. Rồi lại đến giờ đánh thức mấy đứa em của em dậy đi học. Xong xuôi tất cả thì má lo cho đứa út, cho nó uống sữa và cuối cùng mẹ tự dùng sáng.
Mỗi chuyến giao hàng buổi sáng em được người ta trả cho bao nhiêu?
– Mỗi tuần 20 quan. Em có 10 khách hàng.
– Thế ba em lãnh một ngày được bao nhiêu?
– 30 quan, em nghĩ vậy.
– Còn má em, má em nhận được bao nhiêu?
– Má em ư?- em bé nhìn tôi lộ vẻ kinh ngạc-. Nhưng má làm việc không vì gì cả cơ mà!
Vâng! Công việc làm là phương cách hữu hiệu nối kết con người lại với nhau trong tình tương thân tương ái và nhờ đó họ có thể cảm nghiệm được tình đoàn kết với nhau một cách cụ thể hơn.
Chúa đã tạo dựng nên mỗi người một cách độc đáo không ai giống ai. Chẳng có ai là hoàn toàn trên trần gian này. Chúa tạo dựng nên mỗi người trong hạn hẹp bất toàn như vậy là để cho con người biết quý trọng nhau, biết hợp tác với nhau để nhờ đó mà cuộc sống của con người được tốt đẹp hơn.
- Lao động là con đường làm cho con người trở nên xứng đáng làm người hơn.
Sau khi tạo dựng nên con người trong vườn địa đàng, Thiên Chúa trao cho con người trách nhiệm trông coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã từng nói: “Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng”(Ga 5,17).
Thiên Chúa vẫn hằng làm việc. Như vậy khi ta làm việc là ta cộng tác với Thiên Chúa để làm cho trái đất này mỗi ngày mỗi đẹp hơn và cũng làm cho cuộc đời của ta giống Chúa hơn. “Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng”
Thiền sư Trung Hoa Hyakyjo thường làm việc với các đệ tử, mặc dù ông đã 80 tuổi. Ông thường nhổ cỏ trong vườn, quét sân, hái củi. Các đệ tử của ông cảm thấy buồn vì ông thầy già của họ làm việc cực nhọc, không chịu nghỉ ngơi theo lời họ khuyên. Vì thế, một lần kia họ đem giấu hết dụng cụ làm việc của thầy Hyakyjo. Ngày hôm đó, thầy Hyakyjo không chịu dùng bữa. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông thầy già cũng không ăn. Các đệ tử đoán: “Chắc bởi vì tụi mình dấu đồ làm việc của thầy chứ gì? Thôi, tốt hơn là đem trả lại chỗ cũ cho thầy”.
Thế rồi, ngày họ làm việc, ông thầy già cũng làm và dùng bữa như trước. Chiều đến, Hyakyjo dạy họ: “Không làm, không ăn!”.
2. Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
THÁNH GIUSE THỢ
“Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu và có tính cách tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Chúa Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm.
Chúa Giêsu trở về quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Đền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận hoặc từ chối.
Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?” Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu Tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng: cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài (Mỗi ngày một tin vui).
Thành kiến được định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình “như đúng rồi” lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Đức Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối với họ thì gà thì đẻ ra gà, chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Đức Giêsu mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được (5 phút Lời Chúa).
3. Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
TINH THẦN PHỤC VỤ
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính thánh Giuse với tước hiệu thánh Giuse lao động. Trong ngôn ngữ đời thường người ta vẫn nói với nhau: Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói. Có lẽ đúng như vậy, và hơn thế nữa lao động theo nhãn quan Kitô giáo còn là vinh quang tột bậc vì được cộng tác vào công trình sáng tạo cùng Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhờ lao động mà ta thực thi đức bác ái với tha nhân. Thánh giuse đã chu toàn tuyệt hảo sứ mệnh này đối với Thiên Chúa và đối với gia đình Nadarét. Cho nên ngài trở nên gương mẫu cho chúng ta noi theo; thánh hóa công việc lao động hằng ngày để nên thánh. Mỗi công việc, mỗi hy sinh trở nên những lời kinh tự làn hương bay lên nhan Chúa.
Trong xã hội của chúng ta, lao động được đề cao và tôn vinh tột đỉnh, xem như con người chỉ có giá trị khi còn sức lao động, dường như con người tự làm chủ vận mạng đời mình khi lao động khi chủ trương: bàn tay ta làm nên tất cả có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Nhưng có thực là như vậy? Có biết bao công việc con người đã dồn hết tâm trí lực để làm nhưng không đi đến đâu. Đối với Kitô hữu chúng ta, là việc theo gương Thiên Chúa Ba Ngôi – Đấng hằng làm việc và theo Chúa Giêsu: cha ta hằng làm việc nên ta cũng làm việc luôn. Chúng ta làm mọi việc là nhờ ơn Chúa giúp và cộng tác với ơn Chúa để làm cho thế giới này ngày càng tươi đẹp hơn và hướng tới cuộc sống vĩnh cửu.
Hơn ai hết thánh giuse đã sống được như thế, khi nhận trách nhiệm làm cha nuôi Con Chúa, và gìn giữ Đức Mẹ đồng trinh. Thánh nhân đã trung tín không ngoan can đảm phục vụ gia đình thánh gia với tình yêu nồng nàn trọn vẹn ngay cả trong những hoàn cảnh đầy gian nan. Ngài cần mẫn với công việc thường ngày với tình yêu chúa và yêu tha nhân. Với vai trò dưỡng phụ, ngài dạy cho Chúa Giêsu về nhân bản, về công ăn việc làm hằng ngày. Chính khi phục vụ trong vâng phục khiêm tốn và với tình yêu thánh nhân trở nên thánh trong gia đình thánh, ngay trong những công việc thường ngày.
Có bà mẹ kia tâm sự với cha xứ. Thưa cha, chưa bao giờ gia đình chúng con được hạnh phúc như bây giờ. Cha xứ hỏi tại sao? Bà nhanh nhảu kể một tràng. Sáng hôm ấy, như mọi hôm, con dậy sớm nấu cơm canh, nhưng món canh hơi mặn. Con bé nhà con vũng vằng giận dỗi không thèm ăn, không chịu đi học. Con rất bực mình. Thế là chồng của con can thiệp, anh bình tĩnh ngồi vào bàn, chan canh vào bát, anh cũng công nhận canh hơi mặn, nhưng không sao có thể chêm thêm nước. Anh dỗ con bé lại ăn và nói với con: Con thấy từ sáng đến giờ mẹ phải thức dậy sớm, tất bật lo bữa cho bố con mình, dù hôm nay canh có mặn một chút thì con cũng đừng làm mẹ buồn! Con có thương mẹ không? Dạ có! Rồi bé tự động xin mẹ tha lỗi.
Vâng, Gia đình mọi nơi, và mọi thời, đều có những “sự cố”, những tình cảnh “cơm không lành canh không ngọt”, đây chỉ là câu chuyện nhỏ xảy ra trong gia đình, khởi đầu bằng một sự kiện không hay và có đoạn kết rất hay: gia đình thêm thông cảm và yêu nhau hơn, nhừ sự bình tĩnh khôn ngoan của người bố. Gia đình Thánh Gia xưa cũng không tránh được những sự cố, điều quan trọng là ở cách giải quyết thế nào cho tốt. Trong đó cách giải quyết tốt nhất mà thánh Giuse gợi lên cho chúng ta đó là Bình tĩnh, khôn ngoan, và tuyệt đối tín thác vào Chúa bằng đời sống cầu nguyện không ngừng.
Xin thánh Giuse cầu bầu giúp chúng ta luôn sống yêu thương mọi người, phục vụ trong khiêm tốn và nhẫn nại. Amen
NOI GƯƠNG THÁNH GIUSE THỢ LÀM VIỆC
Ai cũng phải làm việc. Các việc làm chiếm nhiều thời giờ và năng lực của một đời người. Đứng trước công việc, thông thường, ta có hai thái cực trái ngược nhau: (1) cảm thấy mệt mỏi, uể oải: công việc sao mà nặng nề, cực nhọc quá; (2) coi công việc là tất cả, rồi đặt mọi kỳ vọng to lớn của mình vào trong công việc: làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ, để rồi, đánh mất những giá trị cao đẹp của cuộc sống mình. Mừng Lễ Thánh Giuse Thợ là dịp thuận lợi: để chúng ta đặt mình trước Chúa, nhìn lại thái độ của chúng ta đối với các công việc hằng ngày, để rồi, điều chỉnh lại mọi việc theo như Chúa muốn.
Người lười biếng là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, và xem những người siêng năng là những kẻ dại: không biết tinh ranh, và không biết trốn tránh gánh nặng như mình. Kẻ lười biếng, viện mọi lý do để trốn việc, chẳng học hỏi, chẳng cầu tiến, chẳng phát huy khả năng Chúa ban. Xin thánh Giuse Thợ cầu bầu cùng Chúa cho ta: biết siêng năng làm việc như ngài, để qua những thành quả, từ các công việc mà ta đã làm, mọi người sẽ nhận ra vinh quang của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho ta: việc làm, với óc sáng tạo, để chinh phục thiên nhiên, và tận hưởng thế giới do chính Người đã tạo dựng cho ta.
Ta được Chúa dựng nên để làm việc, nhưng, ta cũng là một thành viên trong gia đình, một công dân ngoài xã hội, một phần tử của cộng đồng. Thời gian của ta không chỉ để làm việc, mà còn để quan tâm đến những người quanh ta, cũng như, để tưởng nhớ đến Đấng đã dựng nên mình. Chúa với quyền năng tuyệt đối có thể làm việc liên tục, ấy thế mà, sau sáu ngày sáng tạo, ngày thứ bảy: Chúa nghỉ ngơi. Điều này cho thấy: một đàng, ta phải nỗ lực làm việc, đàng khác, ta phải dành giờ cho Chúa và tha nhân, không để mình bị mất hút trong các công việc, để rồi, vuột mất những tương quan tốt đẹp mang lại hạnh phúc cho cuộc đời ta.
Sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa liền đưa họ vào vườn địa đàng để trồng trọt và chăm sóc vườn. Việc làm vừa là lời mời gọi vừa là ân ban của Thiên Chúa dành cho con người. Tiếc thay, vì con người bất tuân, đất đã bị nguyền rủa, con người phải làm lụng vất vả, phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn. Việc làm, tự nó không phải là gánh nặng, không phải là sự nguyền rủa, nhưng, chính do tội lỗi, chính tội lỗi đã làm cho công việc trở nên nhọc nhằn, gai góc. Noi gương thánh Giuse Thợ, ta hãy mau mắn tuân hành thánh ý Chúa, để các công việc của ta: sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu và sinh được nhiều hoa trái tốt đẹp.
Qua công việc, chúng ta sẽ khám phá ra được: ơn gọi của chính mình, chúng ta sẽ nhận ra được: mục đích của đời mình, và chúng ta sẽ tìm thấy được: niềm vui thỏa trong khi thực hiện các công việc mà Chúa giao phó, để hoàn thành mục đích, ơn gọi làm người của mình. Noi gương thánh Giuse Thợ làm việc: một người chồng sẽ hạnh phúc khi bương chãi để lo cho vợ con; một bà nội trợ sẽ vui sướng khi hoàn tất một món ăn ngon cho gia đình; một người con sẽ hân hoan khi chu toàn bổn phận học tập của mình. Tất cả là hồng ân, là niềm hoan lạc, khi ta hăng hái làm việc để hoàn thành thánh ý Chúa trong cuộc đời ta.
Noi gương thánh Giuse Thợ làm việc, chúng ta sẽ có được lương thực hằng ngày và đóng góp vào sự tiến bộ cho cộng đồng xã hội. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi: “Hãy sinh sôi nảy nở thêm đầy mặt trái đất, và hãy làm chủ vũ trụ này”, mặc dù, những lời này không trực tiếp nói đến vấn đề “làm việc”, nhưng, chúng vẫn ám chỉ cách gián tiếp đến “việc làm”, vì đó là hoạt động của con người trên trần gian này. Ta là hình ảnh của Chúa, được Chúa ủy nhiệm cho việc chăm sóc cả vũ trụ này. Khi thi hành lời ủy nhiệm đó, là ta đang cộng tác vào trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
“Làm việc” là nền tảng xây dựng gia đình, bởi vì, muốn tồn tại, gia đình phải có những điều kiện để sinh sống, mà những phương tiện giúp sinh sống này, phải nhờ làm việc mới có được. Tất cả tiến trình giáo dục một con người, cũng chịu ảnh hưởng bởi tinh thần và lòng nhiệt thành trong khi làm việc. Gia đình là một trong những căn cứ điểm quan trọng nhất, mà trật tự xã hội và đạo đức của con người phải dựa vào để hình thành. Do đó, các thành viên trong gia đình phải noi gương Gia Đình Nadarét xưa: ra sức làm việc để xây dựng gia đình mình: thành một tổ ấm hiệp thông, một trường học dạy và thực hành các nhân đức.
Ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế, Đấng Tạo Hóa đã gắn liền “việc làm” cùng với con người, và coi đó: như là sứ mạng của con người trên trần gian này. Những thính giả đầu tiên của Đức Giêsu ở Nadarét đã phải ngạc nhiên, bảo nhau: “Ông ta chẳng phải là người thợ mộc hay sao?”. Đức Giêsu ưa chuộng, và quý mến công việc của con người. Người âu yếm, thiết tha làm việc, và tôn trọng các hình thức của công việc. Mỗi hình thức của công việc là một phương cách cho thấy: con người là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng mà Đức Giêsu quả quyết: “Cha Ta không ngừng làm việc”, hay “Cha Thầy là người trồng nho”.
Lời giáo huấn của Đức Giêsu về “làm việc” còn để lại một âm vang rất mạnh mẽ trong lời giáo huấn của thánh Phaolô. Thánh Phaolô làm nghề dệt lều. Ngài đã tự hào, khi dùng nghề này, để vừa có thể làm việc tông đồ, vừa có thể mưu sinh: Ngày đêm chúng tôi làm việc vất vả lam lũ, để không phải phiền hà đến ai trong anh em. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse Thợ, xin Chúa ban cho chúng ta cũng biết chuyên cần làm việc như thánh Phaolô dạy: Dù anh em làm việc gì, thì như thể làm cho Chúa, chứ không phải làm cho loài người, vì biết rằng anh em sẽ được hưởng phần gia nghiệp mà Chúa ban thưởng cho.