Thánh Giáo Hoàng Gioan I, Tử Đạo
1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Gioan I (Latinh: Joannes I) là người kế nhiệm Giáo hoàng Hormisdas và là vị Giáo hoàng thứ 53 của Giáo Hội. Theo niên giám tòa thánh năm 1806 thì ngài đắc cử năm 523 và ở ngôi trong 2 năm 9 tháng.
Niên giám tòa thánh năm 2003 xác định triều đại của ngài bắt đầu vào ngày 13 tháng 8 năm 523 và kết thúc vào ngày 18 tháng 5 năm 526. Ngài đã được suy tôn là thánh của Giáo hội. Triều đại giáo hoàng của ngài đầy sóng gió vì sự thù hằn của hoàng đế Theodoric.
Gioan I sinh tại Polonia, miền Tuscia, Ý. Giống như nhiều Giáo hoàng khác, chúng ta không biết gì về thời niên thiếu của vị Giáo Hoàng này. Ngài là tổng phó tế của hàng giáo sĩ Rôma trước khi được bầu chọn làm Giáo hoàng vào ngày 13 tháng 8 năm 523. Giáo hoàng Gioan I đã rất có công trong việc hoàn tất điệu hát bình ca (Chant grégorien) mà các vị tiền nhiệm Ðức Cêlestinô I, Lêô cả và Gêlase.đã khởi xướng. Ngài còn tỏ ra là một vị chủ chăn đầy khôn ngoan và đạo đức. Khẩu hiệu sống làm chỉ nam cho cuộc đời của ngài là: “tất cả vì danh Chúa”.
Năm 524, vua Théodoric ủng hộ nhóm Arius, từ Ravenne cai trị cả nước Ý. Vua phái Đức Giáo Hoàng Gioan đến Constantinople nhưng ngài từ chối việc tham gia vào bè rối Arius. Tại Đông Phương, ngài được Đức Thượng phụ Constantinople và hoàng đế Justin tiếp đón rất trân trọng. Hoàng đế cũng xin Đức Giáo Hoàng phong vương ngày 19 tháng 4 năm 526, trước sự hiện diện của các giáo sĩ Hy Lạp và La Tinh, cả triều thần và quần chúng. Ngay hôm ấy, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ Phục Sinh trong đại thánh đường Sophia. Nhưng khi trở về Ý, thánh nhân đã bị cầm tù tại Ravenne: Vì cho mình bị gạt, nên Théodoric đã bỏ đói ngài cho đến chết. Trên bia mộ ngài, người ta đọc được dòng chữ: “Bị tù ngục và chết vì Đức Kitô”. Bốn năm sau, năm 530, thi hài của ngài được chuyển về Rôma và mai táng trong đại thánh đường Phêrô, với các nghi thức trang trọng dành cho các vị tử đạo.
Khi Ðức Gioan I trở về Ravenna, thủ phủ của Théodoric, ngài mới khám phá rằng Theodoric đã giết chết người bạn của mình là triết gia Severinus Boethius, cũng như cha vợ của ông là Symmachus. Về phần Theodoric, vì nghi ngờ Ðức Gioan thông đồng với Hoàng Ðế Justin để chống lại mình nên ngay khi ngài đặt chân lên đất Ý, Theodoric đã cho người bắt giam ngay lập tức và định đem xử tử nhưng lại sợ dân chúng nổi loạn, liền giam Giáo hoàng Gioan I tại Ravenne và bỏ đói cho đến khi chết ngày 18/5/526.
Trên bia mộ ngài, người ta đọc được dòng chữ: “Bị tù ngục và chết vì Đức Kitô”. Bốn năm sau, năm 530, thi hài của ngài được chuyển về Rôma và mai táng trong đại thánh đường Phêrô, với các nghi thức trang trọng dành cho các vị tử đạo.
2. BÀI HỌC
Cái chết của Thánh Gioan I không đau đớn, không tàn nhẫn như nhiều cái chết của các thánh tử đạo khác. Lịch sử ghi lại ngài phải chết vì bị bỏ đói. Một vị Giáo Hoàng phải chết vì bị bỏ đói. Lý do là vị hoàng đế Theodoric không dám xử trảm ngài bởi vì việc xử trảm như thế có thể đưa đến việc nổi loạn trong dân chúng.
Phải nói cái chết vì bị bỏ đói là cái chết cũng không kém phần đau khổ.
Chúng ta còn nhớ sự kiện Jêrusalem bị tàn phá năm 70 sau Chúa Giáng Sinh.
Năm 66, người Do thái đã tàn sát những binh lính La Mã trong đồn binh Antonia, lập tức, hoàng đế Néron gởi đến Giuđêa tướng Vespasien với một đạo binh hùng hậu. Giữa chiến dịch, Néron chết và Vespasien được lên ngôi hoàng đế. Ông trao quyền chỉ huy đội binh cho con là Titus. Titus cho vây hãm thành vào lễ vượt qua năm 70 và lúc đó Giêrusalem, đang chứa khoảng một triệu rưỡi người Do thái tụ họp nhân ngày đại lễ. Bị vây hãm kín mít tứ bề, nội bất xuất, ngoại bất nhập, cả thành bị lâm vào cảnh đói. Đây chính là mưu lược cao cơ của tướng Titus. Ông không cần đánh. Ông chỉ cần bao vậy thật chặt để những người dân và lính tráng trong thành bị đói mà chết. Kế hoạch của Titus đã thành công. Mỗi ngày có cả ngàn người chết đói. Vào tháng năm, người ta khiêng ra khỏi thành 116.000 người chết bị quăng ra tường thành. Các xác chết đã sinh ra bệnh truyền nhiễm, làm cho số người chết lại càng tăng lên. Khi tai họa lên đến cực điểm lúc ba phe trong thành đánh nhau để tranh giành thực phẩm, tới một một hôm thì vị thầy cả thượng phẩm bị giết với 8.000 bộ hạ của ông.
Titus còn trả thù bằng cách cho đóng đinh 300 người Do thái tại chân núi Sọ sau đó mỗi ngày lại cho đóng đinh thêm gần 500 người Do thái nữa.
Sau 4 tháng vây hãm người La Mã mới chiếm được đền thờ, với những sân thượng rải rác khác. Làm chủ được đền thờ người La Mã tàn sát tất cả và hỏa thiêu cả thành phố lẫn đền thờ. Giêrusalem bốc cháy hai ngày hai đêm, ngày thứ ba nó chỉ còn là một đống gạch vụn hoang tàn. Hơn 200.000 bị chôn vùi dưới đó. Cả ngàn phụ nữ và trẻ em bị giết ngay trong đền thờ. 97.000 người Do thái bị bắt làm nô lệ ở Roma, và bị bán rẻ mạt cho hí trường để họ đánh nhau với thú dữ hoặc chiến đấu giết nhau làm trò vui cho người La Mã chiến thắng. 2.000 nhà quí tộc Do thái phải dự buổi khải hoàn của Titus ở Roma. Vận áo trắng, họ phải vác lấy chiến lợi phẩm lớn lao mà người chiến thắng đem về từ Giêrusalem. Đến đền Chiếm Thần, họ bị giết và đó là lễ đăng quang bằng máu của cuộc chiến đẫm máu được trả giá bằng mạng sống của hơn một triệu người Do thái. Sử gia Joshephe, một nhà biên niên sử thời đó, người đã kể lại sử truyền này, đã cho là những điều kinh tởm của cuộc vây hãm thành Giêrusalem kinh khủng đến nỗi thế giới sẽ không bao giờ chứng kiến những điều như vậy nữa.
Một Giáo hoàng bị bỏ đói.
Một con người bị bỏ đói vì Chúa!
Một con người đã chết để giữ vững niềm tin!
Một con người dám chết vì sứ mạng của mình!
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn trung thành.
Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn. (Cha Piô)