“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ;
kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”. (Mt 15,4)
Bài đọc I: Hc 44,1.10-15
“Chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.”
Bài trích sách Huấn Ca.
Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.
Ðó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 127 (Đ. c. 1)
Đáp: Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối Người.
1. Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối Người. Công khó do tay bạn làm, bạn được an hưởng, Bạn quả là lắm phúc nhiều may. Đ./
2. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà/ khác nào cây nho đầy hoa trái; Và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đ./
3. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho những kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Xion/ xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Đ./
4. Ước chi trong suốt cả cuộc đời/ bạn được thấy Giêrusalem được phồn thịnh, Được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình. Đ./
Bài đọc II: Ep 6,1-4.18.23
“Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Êphêsô.
Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng: “để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên mặt địa cầu”. Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa.
Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy cầu nguyện mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó và cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh.
Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.
Ðó là lời Chúa.
Tin mừng: Mt 15, 1-6
1 Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?”
3 Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ? 4 Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.
5 Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, 6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”.
Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.
“NGƯƠI PHẢI THỜ CHA KÍNH MẸ”
Mồng Hai Tết
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.
Thật là ý nghĩa ngày Mồng Một Tết chúng ta đã xum họp bên nhau để “mừng tuổi” Thiên Chúa – là Cha muôn loài. Và hôm nay Mồng Hai Tết chúng ta hướng về tổ tiên ông bà cha mẹ thầy cô của chúng ta để tri ân báo hiếu các ngài. Vì ai trong chúng ta cũng được sinh ra từ cha từ mẹ không ai từ lỗ nẻ chui lên. Thành ra, tâm tình báo hiếu tổ tiên được coi là đạo lý tự nhiên của loài người, ở mọi nơi, mọi thời. Dân tộc ta đã sống đạo lý ấy qua câu nói đầy ý nghĩa “sống tết – chết giỗ”.
Không biết tự bao giời cha ông ta đã khéo răn bảo chúng ta về đạo làm người qua câu ca dao:
Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
Hơn thế nữa, đối với Kitô giáo chúng ta, hiếu kính ông bà cha mẹ thầy cô không chỉ là tình cảm tự nhiên mà thôi, nhưng là điều răn Chúa dạy: “Mến Chúa và Yêu Người”. Nếu xét đạo hiếu trong điều răn “mến Chúa” thì chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì cha mẹ là người đã trực tiếp cộng tác với Thiên Chúa sinh thành dưỡng dục chúng ta. Còn nếu xét đạo hiếu trong điều răn “yêu người” thì cha mẹ là người thân cận nhất, là vị ân nhân vĩ đại nhất đã cho ta hiện hữu với máu thịt này, bởi vậy chúng ta có bổn phận thảo kính các ngài.
Phụng vụ Lời Chúa Mồng Hai Tết nêu bật cho chúng ta ý nghĩa này. Bài trích sách Huấn ca (44,1.10-15) dạy chúng ta ghi nhớ ca ngợi công đức – đạo hạnh của tổ tiên hầu tiếp nối sự nghiệp tốt đẹp của các ngài.
Và thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Êphêxô (6,1-4.18-23) cũng là đang nói với mỗi người chúng ta: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ… Ngài cũng không quên nhắc “những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.
Đặc biệt, trong bài Tim mừng (Mt 15,1-6) Chúa Giêsu cương quyết nhắc lại cho những ai đang cố tình tránh né bổn phận đối với cha mẹ: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ”. Vâng, đây là luật Chúa truyền, mà đã là luật Chúa thì mọi người phải thi hành, không ai được chuẩn miễn. Chính Chúa Giêsu đã không tự chuẩn miễn cho mình, trái lại Ngài hằng hiếu thảo với Cha trên trời và với cha mẹ trần gian. Cho nên, không có cớ gì để chúng ta vin vào đó mà nói rằng: Tôi đã đi tu hiến dâng cho Chúa, nên đã làm xong bổn phận với cha mẹ, hoặc Tôi đã xây dựng gia đình riêng, tôi phải lo cho con cái, nên không còn nghĩa vụ với cha mẹ nữa. Không! mỗi chúng ta dù lập gia đình hay đi tu cũng đều phải chu toàn điều răn thứ bốn Thảo Kính Cha Mẹ.
Khi thành tâm phụng dưỡng cha mẹ hẳn chúng ta cảm nhận rõ lắm sự yếu đuối bất lực của cha mẹ mình: muốn đi thăm những người thân thuộc mà không tự đi được, muốn mình khỏe mạnh để khỏi phiền hà đến con cháu mà sao cứ đau yếu hoài, muốn tự mình đút miếng cơm vào miệng mà không làm được… Vâng, đó là hình ảnh của mỗi người chúng ta thuở ấu thơ đó, và cũng là hình ảnh chúng ta lúc về già có lẽ nào khác được.
Vậy thì không có lẽ nào mà chúng ta lại không lo nghĩ tới tương lai của mình. Thực ra, khi thi hành đạo hiếu không phải là ta làm ơn cho cha mẹ đâu, nhưng ta mới phần nào báo đáp công ơn các ngài mà thôi, cũng là đang xây dựng thiên đàng hay hỏa ngục cho chính chúng ta, như ca dao đã nói: “Nếu mình hiếu với mẹ cha/ Thì con cũng hiếu với ta khác gì/ Nếu mình ăn ở vô nghì/ Đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.
Tạ ơn Chúa nơi các xứ họ đạo của chúng ta, con cháu vẫn giữ lòng thảo kính ông bà cha mẹ; cho dẫu rằng cha mẹ già thường sinh ra trái tính trái nết… làm cực lòng con cháu. Qua đó chúng ta đang tôn vinh Chúa trước mặt thiên hạ, chúng ta góp phần tích cực trong công cuộc truyền giáo, xóa đi những nghi kị sai lầm rằng người Công giáo thờ Chúa là bất hiếu, là từ bỏ cha mẹ ông bà tổ tiên.
Với các tu sĩ, có lẽ khoan nói về những động lực thiêng liêng thúc đẩy người tu sĩ theo ơn gọi dâng mình cho Chúa, trước tiên phải nói đến chính ý hướng và tinh thần đạo hạnh của cha mẹ đã có sức thúc đẩy tu sĩ nên can đảm và trung thành trong ơn gọi tu trì, vốn nhiều thử thách gian nan. Bên cạnh đó, các anh chị em, cô dì chú bác, cậu mợ, dòng tộc… chẳng những không ngăn cản mà cùng động viên khích lệ giúp đỡ cho tu sĩ vững bước theo Chúa. Thế thì người đi tu, đâu phải là người trốn tránh trách nhiệm, họ là những người đang giữ đạo hiếu theo nghĩa là nuôi chí lớn, làm viên thành ý hướng tốt lành của cha mẹ, làm vinh danh Chúa, làm rạng danh cha mẹ, dòng họ, quê hương đấy chứ!
Suốt cuộc đời người tu sĩ sốt sắng dâng lễ, cầu nguyện, phục vụ Chúa và tha nhân, không có nghiã là họ vô cảm với gia đình. Trái lại hằng ngày với những hi sinh âm thầm họ cầu xin phúc lành của Chúa cho cha mẹ ông bà tổ tiên, quê hương, xứ sở… Với trái tim của một người con, tu sĩ nhớ thương cha mẹ nhiều lắm khi vui, buồn, cô đơn, lúc được người ta tiếp đãi của ngon vật lạ, dúi cho đồ quý giá, rồi khi cha mẹ già cả, đau bệnh thương các ngài mà không giúp được gì thì nỗi quặn đau lại càng da diết! Có những trường hợp ông bà cố không còn con cháu nào phụng dưỡng thì tu sĩ đành phải bỏ dở đời tu để chu toàn điều răn thảo hiếu.
Vâng. Điều răn thảo kính cha mẹ là điều răn quan trọng chỉ sau điều răn mến Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương vâng phục Thánh Giuse và Đức Mẹ, Chúa cũng tuyên dương mẹ Ngài giữa đám đông, và trước khi trút hơi thở Chúa đã trao phó Đức Mẹ cho Thánh Gioan phụng dưỡng.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta những môn đệ của Chúa hôn nay, cũng biết sống trọn đạo hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt trong năm mới này. Amen
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu dạy ta phải hiếu kính cha mẹ thật lòng. Đó là giới răn quan trọng, không được vịn cớ nào đó để coi thường hay bỏ rơi cha mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày đầu năm, con nhớ về cội nguồn của đời sống con. Chính Chúa đã nhờ cha mẹ để tác tạo nên con, nuôi dưỡng và giáo dục con để con được như ngày hôm nay. Công lao của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đổ dồn lên tấm thân con. Con mang nặng trên vai món nợ công ơn và tình thương bao la ấy. Và qua đó con nhận ra tình thương Chúa dành cho con thật vô bờ bến. Con cảm tạ Chúa. Khi con biết ơn ông bà cha mẹ, chính là lúc con bày tỏ lòng biết ơn Chúa. Con bất hiếu với các ngài chính là con vô ơn đối với Chúa.
Chính vì vậy, Chúa dạy con phải sống hiếu thảo, thờ cha kính mẹ cho phải đạo làm con. Nhưng lạy Chúa, trong thực tế, con thiếu sót rất nhiều. Cũng như các biệt phái và luật sĩ ngày xưa, con vẫn lớn tiếng tuyên bố lòng hiếu thảo, nhưng lại vịn đủ mọi lý lẽ để bỏ rơi hoặc khinh thường cha mẹ. Con vịn cớ bận rộn, vất vả, con cái, con nại đến những bổn phận đạo đức, xã hội, học hành, để rồi bỏ mặc cha mẹ con sống thiếu thốn, cô đơn tủi nhục. Lạy Chúa, thậm chí có những lúc con đã có những lời nói việc làm khinh thường hoặc xúc phạm đến ông bà cha mẹ con.
Con xin Chúa tha thứ cho con, xin Chúa dạy con biết noi gương vâng phục và hiếu thảo của Chúa Giêsu. Xin giúp con biết đem lại niềm vui và an ủi cho các bậc sinh thành. Xin ban cho con sống xứng đáng với công ơn các ngài dành cho con. Xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành hồn xác trên các ngài. Và xin cho những vị đã an nghỉ được Chúa ban phúc trường sinh bên Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “ Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.”
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
ẤM ÁP NGHĨA TÌNH
Ngày đầu Năm Mới, chúng ta được mời gọi sống truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bởi lẽ tất cả những gì ta nhận được hôm nay đều do ông bà cha mẹ để lại, cho nên đạo hiếu nhắc nhở chúng ta bổn phận: “Uống nước nhớ nguồn”. Mùa Xuân là dịp khơi gợi lại trong chúng ta nguồn sống ấy. Mùa xuân cũng là cơ hội để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính, biết ơn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục ta nên người. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta sống lại truyền thống ấy với một chiều kích sâu xa hơn trong tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại, hay giữa con người với nhau. Do đó, khi chúng ta sống trọn tình thảo hiếu với ông bà, cha mẹ thì cũng đồng thời ta đáp trả lời mời gọi của Tin mừng trong thái độ yêu mến và tôn phục Thiên Chúa.
Cùng quy tụ bên gia đình trong bữa cơm ấm áp nghĩa tình ngày đầu năm, chúng ta không khỏi không nhắc đến những kỷ niệm thân thương của ông bà, cha mẹ khi các ngài còn hiện diện với chúng ta. Nhiều gia đình còn xum họp bên nhau quanh nấm mồ của những người đã khuất, cùng thắp lên nén hương gói trọn bao lời cầu nguyện trong yêu thương luyến nhớ. Ngày mùng Hai tết không chỉ nhắc chúng ta tưởng nhớ đến những người đã khuất, mà còn nhắc ta bổn phận làm con đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành dưỡng dục đang còn sống. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta bày tỏ lòng hiếu thảo với những người còn sống, đồng thời cũng để nói lên lời tạ lỗi với mẹ cha.
Lần giở lại những trang Tin Mừng, chúng ta gặp lời của Thiên Chúa trong sách Huấn ca: “Của dâng cho Cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi” (Hc 3, 14-15). Theo đó, lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ sẽ làm cho ta trở nên công chính và bản thân ta, cuộc đời của ta có ý nghĩa và giá trị hơn trước mặt người đời. Sau bổn phận đối với Thiên Chúa thì thái độ thảo hiếu đối với cha mẹ được coi là yếu tố căn bản của nhân vị trong tương quan với tha nhân. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi người ta đề cao chủ nghĩa duy vật thì các giá trị đạo đức xuống cấp. Chúng ta không thể không đau lòng khi thấy trong nhiều gia đình con cái đối xử tệ bạc với cha mẹ. Khi cha mẹ già yếu, họ không thương tiếc đẩy cha mẹ vào các viện dưỡng lão mà không một lời thăm hỏi, trong khi họ có đủ điều kiện để phụng dưỡng cha mẹ. Chúng ta không thể không đau lòng khi có người bỏ bê cha mẹ già đau ốm, hầu mong cha mẹ chết sớm đi để rảnh nợ. Trong nhiều gia đình, con cái còn đùn đẩy trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ cho nhau… Như những người Pharisêu và Kinh sư trong Tin mừng hôm nay, một số những người trẻ sẵn sàng quay lưng lại với truyền thống, với các chuẩn mực đạo đức xã hội mà coi thường giá trị nền tảng của gia đình, không tuân giữ luật Chúa “thảo kính Cha mẹ”. Mỗi chúng ta, hơn một lần trong cuộc đời, cũng đã có lúc làm cha mẹ buồn lòng, gây cho cha mẹ những khổ đau phiền lụy và cả những hao tổn về tinh thần.
Chúng ta không khỏi ngậm ngùi ân hận khi nghĩ lại bao lầm lỗi, xúc phạm gây bao khổ đau cho ông bà cha mẹ hôm nào. Những gì của quá khứ đang sống lại trong chúng ta như đang mời gọi ta tìm cách đền đáp công ơn cha mẹ, thảo hiếu với ông bà. Chúng ta không khỏi xúc động khi nghĩ lại bao yêu thương, hy sinh mà các ngài đã dành cho mình: “Cha thời sinh ta, mẹ thời nuôi ta. Cái ơn sâu nghĩa nặng cao vời ấy tựa Thái Sơn, làm sao ta báo đáp”. Chúng ta, kẻ làm con ít khi thực sự cảm nhận được hạnh phúc có cha có mẹ, hạnh phúc được sống trong tình yêu nồng ấm của mẹ cha, thường khi các ngài đã về với Chúa, chúng ta mới cảm nhận sâu xa tình yêu của các ngài, mới thèm được cha thương, mẹ chiều, mới ngậm ngùi hiểu ra cái lẽ: ngọn roi cha dạy làm xót lòng cha, làm đau lòng mẹ hơn là làm con đau đớn; mới hiểu ra rằng tất cả những gì cha mẹ làm cho ta cũng chỉ vì mong con nên thân nên người, mong con hạnh phúc. Những gì chúng ta có được hôm nay đều ghi đậm dấu ấn của mẹ cha; sự thành đạt, niềm hạnh phúc của chúng ta hôm nay có sự đánh đổi những hy sinh vất vả của cha mẹ. Cha mẹ đã phải hao gầy, cằn khô theo năm tháng bởi bao lo lắng, hy sinh, bao vất vả đắng cay, bao giọt lệ chảy ngược vào lòng để chúng ta khôn lớn, nên người. Lòng cha mẹ quá quảng đại, bao dung, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, chấp nhận mọi khổ đau để đời chúng ta được thành đạt, hạnh phúc.
Nhớ về công ơn cha mẹ, luôn là lời mời chúng ta hướng về nguồn cội của sự sống, của tình yêu, của mọi ân phúc trong đời là chính Chúa để chúng ta tỏ lòng yêu mến, biết ơn trước hết với Chúa là nguồn cội mọi ân phúc và với mẹ cha là những người sinh thành dưỡng dục ta nên người. Tạ ơn Chúa đã thương cho chúng ta được sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình có ông bà, có cha mẹ, có những người thân bên cạnh để yêu thương, nâng đỡ dạy dỗ, bảo ban để chúng ta không ngừng lớn lên trong thân xác và nhân bản, về trí tuệ và tình yêu, nhất là được giáo dục trong lòng tin yêu Chúa.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Mồng Hai Tết: Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ (Mt 15,1-6)
- Luật của Chúa
Hằng tuần chúng ta vẫn đọc kinh Mười điều răn Đức Chúa Trời, khi đọc đến giới răn thứ bốn, ta nhớ ngay đến nghĩa vụ phải thảo kính cha mẹ. Thảo kính cha mẹ là gì ? Thưa là phải yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và khi đã qua đời. Ta phải hiếu thảo ngay cả khi cha mẹ đã qua đời, vì tuy các ngài đã khuất nhưng vẫn còn ở bên chúng ta.
- Chữ hiếu của người Á đông
a) Người Á đông đề cao chữ hiếu, coi như cội rễ của mọi đức. Người con bất hiếu là người con bỏ đi, và tội nặng nhất là tội “bất hiếu”.
b) Người Phật giáo cũng có một lễ riêng vào ngày rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân mà ta gọi là lễ Vu Lan. Ngày này, người ta có những nghi lễ đặc biệt để nhớ đến ông bà tổ tiên.
c) Người ta còn có lệ “cúng cô hồn”, tặng cho các cô hồn thức ăn cho khỏi đói, một nghĩa cử cao quý đối với những hồn cô đơn không ai nhớ tới. Bên Công giáo chúng ta gọi là cứu giúp các linh hồn mồ côi trong luyện ngục.
- Sự tử như sự sinh
Những người thờ cúng tổ tiên có vẻ sống gần gũi với ông bà cha mẹ đã khuất. Người ta coi “sự tử như sự sinh” (phụng dưỡng người chết cũng như người sống). Do đó, người ta khấn vái, nói chuyện với cha mẹ đã chết giống như nói chuyện với người còn sống. Họ dâng cho cha mẹ hoa quả, nén hương, thậm chí cả mâm cơm để tỏ tấm lòng thành với các ngài.
- Truyện: Đôi đũa thứ năm
Bác Năm Hớn có một vợ và hai con. Chẳng may vợ mất sớm. Một hôm bác mời cha Piô Ngô Phúc Hậu đến dùng cơm với bác. Trong mâm chỉ có bốn người mà sao lại thắp những 5 đôi đũa bát. Cha Hậu ngạc nhiên hỏi: “Bát đũa này dành cho ai ?” Bác trả lời: “Dành cho vợ bác”. Tuy vợ bác đã khuất, nhưng bác vẫn mời vợ về cùng dùng cơm.
- Giáo hội Việt Nam luôn đồng hành với dân tộc, không những phải giữ lấy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn nâng cao lên, cho nó một ý nghĩa cao quý. Vì thế, Giáo hội Việt Nam muốn dùng ngày mùng hai Tết để chúng ta kính nhớ ông bà tổ tiên, vì
Người ta có cố có ông,
Như cây có cội, như sông có nguồn (Ca dao)
Không có ông bà tổ tiên thì không có ta, tất cả những cái ta có là do ông bà cha mẹ để lại. Không ai được quên công ơn lớn lao đó:Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm (Ca dao)
- Một Phong trào vô danh đã gợi ý các thành viên mình suy nghĩ về câu châm ngôn: “Những cụ già là một hồng ân”, với những tư tưởng như sau:
– Phúc cho anh chị khi hiểu rằng: tay tôi đã khởi sự run rẩy và chân tôi bắt đầu yếu dần.
– Phúc cho anh chị khi nhớ rằng: tai tôi không còn nghe rõ như xưa và dù muốn hay không những người lớn tuổi cũng phải chấp nhận câu: “Trẻ khôn ra, già lú lại”.
– Phúc cho anh chị, nếu biết rằng: mắt tôi không còn sáng được như xưa.
– Phúc cho anh chị, nếu không giận dữ vì tôi đánh rơi một cái tách đắt tiền, khi tôi năm lần bảy lượt thuật lại cùng một câu truyện.
– Phúc cho anh chị, nếu anh chị biết trao cho tôi những nụ cười thông cảm, nếu anh chị hỏi tôi về quãng đời quá khứ, những kinh nghiệm của tuổi thanh xuân, nếu anh chị hiểu được những dòng nước mắt cô đơn của tôi, nếu anh chị dành cho tôi chút tình yêu thương kính trọng.
– Phúc cho anh chị, nếu ở lại với tôi thêm giây lát dù trời sắp tối.
– Phúc cho anh chị, nếu nắm lấy tay tôi khi tôi phải giã từ cõi đời để một mình đi vào bóng đêm, bóng đêm của sự chết.
– Phải, phúc cho anh chị, vì khi lên thiên đàng, tôi sẽ thắp cho anh chị những vì sao.
- Chúng ta có hiểu câu thành ngữ tha thiết và trách móc này không:
Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.
Để dễ dàng lấp đầy hố sâu chia cách hai thế hệ, giới trẻ chúng ta phải ghi nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ mà giữ trọn chữ hiếu. Đấy là bài học hữu hiệu để giữ được mãi trong xã hội chúng ta nét đặc thù mà xã hội Âu Mỹ đã đánh mất từ lâu.
Hôm nay chúng ta hãy làm hai việc khẩn thiết trong ngày kính nhớ ông bà tổ tiên:
– Sốt sắng hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các ngài, vì Thánh lễ là một phương thế hiệu nghiệm nhất chúng ta có thể kéo ơn Chúa xuống cho ông bà cha mẹ chúng ta khi các ngài còn sống cũng như đã qua đời.
– Khơi lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với các ngài bằng những việc làm cụ thể nhất là trong những ngày Tết này. Hãy ghi nhớ lại điều răn Chúa đã dạy chúng ta trong kinh Mười điều răn: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ”.
Ơn ai một chút chớ quên,
Phiền ai một chút để bên cạnh lòng (Ca dao)
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Đã có lúc người ta cho rằng theo đạo Công giáo là bỏ ông bà, nhất là khi Hội thánh chưa cho phép bày tỏ lòng hiếu thảo bằng cử chỉ vái lạy tổ tiên đã khuất. Ở đất nước ta, thờ cúng tổ tiên là chuyện quan trọng, đến độ người ta có thể nói đến đạo thờ ông bà, đạo hiếu. Ai không giữ đạo hiếu thật đáng khinh. Nhiều người tin khi chết thì con người đi về thế giới bên kia, và thế giới bên kia cũng không khác lắm với thế giới bên này, người chết cũng có những nhu cầu vật chất cần thỏa mãn. Tết là thời gian mời ông bà đã khuất về ăn Tết với con cháu. Như thế ông bà và con cháu được gần nhau, thông hiệp với nhau.
Đạo Công giáo tin có thế giới bên kia, nhưng không quan niệm thế giới ấy một cách vật chất. Người chết không cần ăn uống, không cần xài tiền vàng mã, nhưng lại rất cần lời cầu nguyện để sớm hưởng nhan Chúa. Thảo kính cha mẹ là điều răn đặc biệt trong Mười điều răn, vì không cấm làm một điều xấu, nhưng buộc làm một điều tốt.
Các sách Cựu Ước đều coi trọng mệnh lệnh này (Xh 20,12; Đnl 5,16).
Thậm chí một người con có thể bị xử tử bằng cách ném đá nếu không vâng lời hay nguyền rủa cha mẹ (Xh 21,17; Lv 20,9; Đnl 21,21). Còn ai hiếu thảo sẽ được Chúa cho sống thọ trên đất hứa (Xh 20,12). Thảo kính cha mẹ là kính trọng và yêu mến kẻ đã sinh dưỡng mình, thăm viếng khi khỏe mạnh, chăm sóc khi yếu đau, hầu hạ khi cao tuổi. Thảo kính cha mẹ cũng là làm cho cha mẹ được vinh danh. Nhờ con cháu mà “danh thơm mãi lưu truyền hậu thế” (Hc 44,14).
Có thể nói Đức Giêsu đã giữ điều răn này một cách nghiêm chỉnh.
Khi nghe Ngài giảng, có người đã kêu lên để ca ngợi Mẹ Ngài: “Phúc cho người đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm” (Lc 11,27).
Bà Êlisabét đã ca ngợi Mẹ Maria là có phúc hơn mọi phụ nữ, vì Người Con mà Mẹ đang cưu mang là Đấng có phúc tuyệt vời (Lc 1,42). Đức Giêsu hằng vâng phục cha mẹ khi lớn lên ở Nadarét (Lc 2,51), Và lo liệu cho Mẹ Ngài trước khi nhắm mắt (Ga 19,25-27).
Mồng Hai Tết, Giáo Hội mời ta nhớ lại nguồn cội tổ tiên đã xa ta, và cũng nhớ đến nguồn cội đang ở gần ta với lòng biết ơn. Đạo thờ ông bà, dù khác, nhưng cũng rất gần với đức tin Công giáo. Thảo kính cha mẹ là “lời”, là “điều răn”của Thiên Chúa (Mt 15,3.6). Không ai được phép bỏ qua hay coi nhẹ. Qua tổ tiên, Thiên Chúa tạo dựng nên con người chúng ta. Qua ông bà cha mẹ, Thiên Chúa cho chúng ta nên người thành toàn. Tri ân tổ tiên là tri ân chính Thiên Chúa, Nguồn Cội của mọi nguồn cội. Sách Nhị Thập Tứ Hiếu kể lại 24 gương hiếu thảo đối với mẹ cha. Lão Lai tuy đã già vẫn nhảy múa như con nít để giúp vui cho cha mẹ. Lục Tích là đứa bé ăn cắp quýt ở bữa tiệc để đem về, vì biết mẹ thích. Ngô Mãnh, tám tuổi, cởi trần cho muỗi đốt mình để khỏi đốt cha mẹ. Diễm Tử có cha mẹ già, thèm sữa hươu, nên ông khoác bộ da hươu, giả làm hươu con vào rừng, để đến gần hươu mẹ vắt sữa. nên suýt nữa bị các thợ săn nhắm bắn. Nếu không hiếu thảo đến mức cao như các gương trên đây thì ít là hôm nay chúng ta biết ngước lên trời cầu nguyện cho cha mẹ:
“Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, sau hơn ba mươi năm
sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng thành,
Sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh Ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo Hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.
Nguồn: tgpsaigon.net