“Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?”
Bài Ðọc I: St 1, 26 – 2, 3
“Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó”.
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa. Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống thị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”.
Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất và mọi vật trang điểm của chúng đã hoàn thành.
Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó Người nghỉ việc tạo thành.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc: Cl 3, 14-15. 17. 23-24
“Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chớ không phải cho người đời”.
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
Anh em thân mến, trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Ki-tô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa.
Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chứ không phải cho người đời; vì anh em biết rằng anh em sẽ lãnh nhận phần thưởng gia nghiệp do Thiên Chúa trao ban, nên anh em hãy phục vụ Chúa Ki-tô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 89, 2. 3-4. 12-13. 14 và 16
Ðáp: Lạy Chúa, xin củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở này qua thuở kia, vẫn có Ngài.
Xướng: Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”.
Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài!
Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con được mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài.
Alleluia: Tv 67, 20
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Chúa trong mọi ngày, Thiên Chúa là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, Người vác lấy gánh nặng của chúng ta. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 13, 54-58
“Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Chúa Giê-su trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Ma-ri-a? và Gia-cô-bê, Giu-se, Si-mon và Giu-đa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?” Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giê-su nói với họ: “Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình”. Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
BÁC THỢ VÀ CON BÁC THỢ
Họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông ta không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,54-55)
Suy niệm: Những người đồng hương với Chúa Giê-su sửng sốt và ghen tỵ vì người “con bác thợ” lại có thể làm những phép lạ lớn lao và giảng dạy những lời khôn ngoan như thế. Nhưng ‘bác thợ cha’ Giu-se không chỉ dạy cho ‘bác thợ con’ Giê-su cái nghề ‘thợ đụng’ ‘gia truyền’ mà thôi. Phải chăng sứ mạng của thánh Giu-se còn là tỏ cho Đức Giê-su biết phải làm “công việc của Cha trên trời” như thế nào? Phải chăng nhờ sự im lặng của thánh cả, Chúa Giê-su “lên mười hai tuổi” hiểu rằng đây chưa phải lúc, cũng không phải cách để “làm bổn phận ở nhà của Cha” (x. Lc 2,41tt). Trái lại, phải trải qua bấy nhiêu năm ẩn dật tại Na-da-rét, để “học biết thế nào là vâng phục” (Hr 5,8) bên người cha nuôi dưới thế, thì giờ đây, Đức Giê-su mới toàn tâm toàn ý “làm việc của Cha trên trời” (x. Ga 5,17.36), cho tới khi có thể nói từ trên cây thập giá: “Mọi sự đã hoàn tất” (x. Ga 19,28-30).
Mời Bạn: Người ta nói: “Cha nào con nấy.” Đảo lại, có thể chiêm ngắm Đức Giê-su để nhận ra gương thánh cả Giu-se. Việc của người thợ không phải là nói mà là làm. Thánh Giu-se còn dạy phải làm lúc nào và cách nào cho đúng thánh ý của Thiên Chúa. Ham hố thể hiện, hành động nôn nóng là những cách khiến bạn khó nhận biết và thi hành thánh ý Chúa. Trái lại, noi gương thánh cả, bạn luôn cầu nguyện trước khi hành động và hành động thì ưa chuộng âm thầm khiêm tốn.
Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa hằng ngày để nhận biết và thi hành thánh ý Chúa đúng giờ và đúng cách.
Cầu nguyện: Lạy thánh cả Giu-se, xin dạy con nhận biết thánh ý Chúa và thi hành cách mau mắn và khiêm tốn.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Tinh thần phục vụ
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính Thánh Giuse với tước hiệu Thánh Giuse lao động. Trong ngôn ngữ đời thường người ta vẫn nói với nhau: Lao động là vinh quang. Có lẽ đúng như vậy, và hơn thế nữa lao động theo nhãn quan Kitô giáo còn là vinh quang tột bậc vì được cộng tác vào công trình sáng tạo cùng Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhờ lao động mà ta thực thi đức bác ái với tha nhân. Thánh Giuse đã chu toàn tuyệt hảo sứ mệnh này đối với Thiên Chúa và đối với gia đình Nadarét. Cho nên ngài trở nên gương mẫu cho chúng ta noi theo; thánh hóa công việc lao động hằng ngày để nên thánh. Mỗi công việc, mỗi hy sinh trở nên những lời kinh tự làn hương bay lên nhan Chúa.
Trong xã hội của chúng ta, lao động được đề cao và tôn vinh, xem như con người chỉ có giá trị khi còn sức lao động, dường như con người tự làm chủ vận mạng đời mình khi lao động với chủ trương “Bàn tay ta làm nên tất cả có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhưng có thực là như vậy? Có biết bao công việc con người đã dồn hết tâm trí lực để làm nhưng không đi đến đâu. Đối với Kitô hữu chúng ta, là việc theo gương Thiên Chúa Ba Ngôi – Đấng hằng làm việc và theo Chúa Giêsu: Cha ta hằng làm việc nên ta cũng làm việc luôn. Chúng ta làm mọi việc là nhờ ơn Chúa giúp và cộng tác với ơn Chúa để làm cho thế giới này ngày càng tươi đẹp hơn và hướng tới cuộc sống vĩnh cửu.
Hơn ai hết Thánh Giuse đã sống được như thế, khi nhận trách nhiệm làm cha nuôi Con Chúa, và gìn giữ Đức Mẹ đồng trinh. Thánh nhân đã trung tín khôn ngoan can đảm phục vụ gia đình Thánh gia với tình yêu nồng nàn trọn vẹn ngay cả trong những hoàn cảnh đầy gian nan. Ngài cần mẫn với công việc thường ngày với tình yêu Chúa và yêu tha nhân. Với vai trò dưỡng phụ, ngài dạy cho Chúa Giêsu về nhân bản, về công ăn việc làm hằng ngày. Chính khi phục vụ trong vâng phục khiêm tốn và với tình yêu, thánh nhân trở nên thánh trong Gia đình Thánh, ngay trong những công việc thường ngày.
Có một bà mẹ tâm sự với cha xứ: “Thưa cha, chưa bao giờ gia đình chúng con được hạnh phúc như bây giờ”. Cha xứ hỏi tại sao. Bà nhanh nhảu kể một tràng: Sáng hôm ấy, như mọi hôm, con dậy sớm nấu cơm canh, nhưng món canh hơi mặn. Con bé nhà con vùng vằng giận dỗi không thèm ăn, không chịu đi học. Con rất bực mình. Thế là chồng của con can thiệp, anh bình tĩnh ngồi vào bàn, chan canh vào bát, anh cũng công nhận canh hơi mặn, nhưng không sao có thể chêm thêm nước. Anh dỗ con bé lại ăn và nói với nó: “Con thấy từ sáng đến giờ mẹ phải thức dậy sớm, tất bật lo bữa cho bố con mình, dù hôm nay canh có mặn một chút thì con cũng đừng làm mẹ buồn! Con có thương mẹ không?” -Dạ có! Thế rồi con bé tự động xin lỗi.
Vâng! Gia đình mọi nơi, và mọi thời, đều có những “sự cố”, những tình cảnh “cơm không lành canh không ngọt”. Đây chỉ là câu chuyện nhỏ xảy ra trong gia đình, khởi đầu bằng một sự kiện không hay và có đoạn kết hậu, bởi cách quan tâm, yêu thương và trân trọng nhau, như sự ứng xử khôn ngoan của người bố trong câu chuyện trên. Gia đình Thánh Gia xưa cũng không tránh được những sự cố, điều quan trọng là ở cách giải quyết thế nào cho tốt. Trong đó cách giải quyết tốt nhất mà Thánh Giuse gợi lên cho chúng ta đó là bình tĩnh, khôn ngoan, và tuyệt đối tín thác vào Chúa bằng đời sống cầu nguyện không ngừng.
Xin Thánh Giuse cầu bầu giúp chúng ta luôn sống yêu thương mọi người, phục vụ trong khiêm tốn và nhẫn nại. Amen
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Thánh Giuse Thợ (Mt 13-54-58)
1. “Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu và có tính cách tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Chúa Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm.
Chúa Giêsu trở về quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Đền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận hoặc từ chối.
2. Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?” Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu Tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng: cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài (Mỗi ngày một tin vui).
3. Thành kiến được định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình “như đúng rồi” lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Đức Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối với họ thì gà thì đẻ ra gà, chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Đức Giêsu mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được (5 phút Lời Chúa).