THÁNH LỄ CUNG HIẾN
NHÀ THỜ GIÁO HỌ LÊ BẢO TỊNH
Giáo xứ Lâm Phát
15/01/2019
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Nhà thờ mới được cung hiến với tước hiệu thánh Lê Bảo Tịnh, một linh mục tử vì đạo năm 1857. Đây là dịp để mọi người ôn lại tiểu sử của vị thánh đã được chọn làm bổn mạng của giáo họ này, đồng thời cũng để rút ra một bài học cho cuộc sống đạo của chúng ta.
Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh sinh năm 1793 tại xã Trinh Hà, huyện Hoàng Hoa, tỉnh Thanh Hóa, là người con thứ ba trong một gia đình 6 anh chị em. Năm 12 tuổi cậu Tịnh được cha xứ giúp chuẩn bị vào chủng viện, và 3 năm sau được gửi vào chủng viện Vĩnh Trị (Giáo xứ Vĩnh Trị nay thuộc giáo phận Hà Nội).
Trong chủng viện, thầy Tịnh thích đời sống khắc khổ của các vị tu rừng nên thường ăn chay hãm mình. Một ngày kia thầy đã âm thầm bỏ chủng viện trốn lên rừng để sống đời ẩn tu. Nhưng Đức Giám mục Giáo phận đã ra lệnh đi tìm thầy và khoảng một năm sau đã tìm thấy và bắt buộc thầy phải trở về chủng viện.
Sau thời gian tu học tại chủng viện, năm 1837 thầy được sai đi truyền giáo tại nước Lào. Sau một năm hoạt động truyền giáo, thầy thấy công việc tiến triển tốt nên trở về giáo phận xin Đức Cha cho thêm nhân sự. Thế nhưng lúc đó tình thế tại quê nhà vô cùng khó khăn: các linh mục bị truy lùng gắt gao theo lệnh của nhà vua, chủng viện Vĩnh Trị phải đóng cửa, Đức Giám mục cũng bị bắt và chịu tử vì đạo. Trong thời gian đó, thầy Phaolô Lê Bảo Tịnh được Bề Trên sai đi dạy giáo lý cho tân tòng tại một làng thuộc tỉnh Hà Nam. Những ai chỉ gặp thầy một lần cũng đủ biết thầy là một người có lòng nhân ái, khôn ngoan, lịch thiệp. Chính vì thầy được mọi người yêu mến mà lý trưởng làng này sinh lòng ghen tị muốn mưu hại thầy. Ông theo dõi và biết rõ thầy Tịnh đi truyền đạo và thu phục được nhiều người theo đạo nên ông quyết định bắt nộp thầy cho quan tổng đốc tỉnh. Khi thầy bị bắt, giáo dân đem tiền nộp quan xin chuộc thầy, nhưng thầy nói: “Nếu chỉ vì tiền mà tha thì tôi không muốn”. Thế là thầy bị giải về nộp cho quan Tuần Phủ Hà Nam rồi chuyển về giam giữ tại Hà Nội.
Sau 7 năm bị giam giữ tại Hà Nội rồi bị đi đầy tại Bình Định. Khi vua Tự Đức mới lên ngôi, ban ân xá và phóng thích các tù nhân, thầy Lê Bảo Tịnh được tha và trở về giáo phận. Trong dịp này, Đức Giám Mục giáo phận quyết định truyền chức linh mục cho thầy lúc thầy đã 56 tuổi. Một năm sau, cha Lê Bảo Tịnh được bổ nhiệm làm giám đốc Chủng Viện Vĩnh Trị. Cha đã viết nhiều tác phẩm đạo đức như: Phúc Âm Dẫn Giải, Giáo Lý Đại Cương, Lục Vấn Lương Tâm, Những Lời Khuyên Thực Hành Dọn Mình Chết Lành.
Trong thời gian làm giám đốc chủng viện, cha thường khuyên các chủng sinh giữ kỷ luật và quan tâm đến việc cầu nguyện. Cha rất yêu mến Thánh Giá và Thánh Thể. Cha thường đọc Kinh Thánh và có lòng sùng kính Đức Mẹ, siêng năng lần hạt Mân Côi. Cha thường thăm viếng bệnh nhân, ban các bí tích, giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật.
Ngày 27 tháng 02 năm 1857 quan phủ Nghĩa Hưng đích thân chỉ huy một lực lượng hùng hậu kéo về bao vây làng Vĩnh Trị. Quan Tổng đốc vốn có lòng quí mến cha Lê Bảo Tịnh nên đã cho người mật báo cho cha biết, nhưng người đó bất ưng bị bệnh nặng, không thể đi thông báo được, nên khi quan quân đã về vây kín khắp làng Vĩnh Trị, Đức Cha và các Cha trong chủng viện quyết định chạy trốn, chỉ để một mình cha Lê Bảo Tịnh ở lại để đối phó. Khi quan phủ tới, cha Lê Bảo Tịnh vui vẻ mời các vị đó vào phòng khách, tiếp nước trà rồi trình bày giấy phép của quan Tổng Đốc. Nhưng sau khi khám xét, quan phủ thấy chủng viện có nhiều sách đạo, áo lễ, đồ thờ phượng, nên quan làm biên bản rồi bắt cha Lê Bảo Tịnh giải về tỉnh để điều tra thêm. Trước khi đi, cha Lê Bảo Tịnh cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ rồi từ giã các chủng sinh rồi theo quan phủ và đoàn quân về phủ.
Sau nhiều lần tra hỏi, quan tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng vẫn nhớ ân tình với cha Lê Bảo Tịnh vì trước kia cha đã chữa bệnh đau mắt cho quan. Quan ân cần khuyên dụ cha bước qua Thánh Giá để quan tha cho cha. Nhưng là chứng nhân của Thiên Chúa, cha lịch sự và thành thật trình bày với quan tổng đốc rằng: dù có phải chết thì cha vẫn sẵn lòng chấp nhận chết chứ không bao giờ cha phản bội Thiên Chúa. Cha cũng nhân dịp này cắt nghĩa cho quan tổng đốc về ý nghĩa cuộc sống ở đời này và sự sống đời sau. Cha nhấn mạnh với quan rằng đạo Công giáo thờ kính Thiên Chúa là đạo chân thật, không có gì chống đối vua quan và triều đình. Vua quan hiểu sai lầm về đạo rồi bị các cận thần có ác ý xúi bẩy mà cấm đạo và giết hại những người theo đạo mà thôi. Quan tổng đốc tỉnh Nam Định nghe cha nói thì cám ơn cha, nhưng lệnh vua thì quan phải thi hành và xin cha thông cảm.
Lần cuối cùng quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hưng muốn cứu vị ân nhân của mình bằng cách chính tay ông viết bản án: “Xét rằng Lê Bảo Tịnh đã già ngoài 60 tuổi. Chiếu theo luật nước, không nên xử tử những người già nua tuổi tác như thế. Xin cứ giam ở Nam Định và cứ giữ tại đó cho tiện”. Khi bản án gửi về kinh thì cha Lê Bảo Tịnh được giam ở nơi có nhiều người Công Giáo bị bắt giam. Tại đây, cha củng cố đức tin cho anh em. Phần cha, cha cũng dành nhiều thời giờ để cầu nguyện, dọn mình đổ máu vì lòng yêu mến Chúa. Sau khi đọc bản án do quan tổng đốc đệ trình, ngày 05 tháng 4 năm 1857 vua Tự Đức cải án giam bằng án tử hình rồi gửi trả lại để quan tổng đốc thi hành. Cha Phaolô Lê Bảo Tịnh đã viết cho quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hưng một lá thư ngắn gọn với những lời lẽ như sau: “Tôi xin chân thành cám ơn quan Tổng Đốc vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý. Tôi rất vui lòng, không oán than gì. Nó chết đi nhưng mai ngày sẽ sống lại vinh quang. Còn linh hồn tôi là của Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể làm lay chuyển lòng tin của tôi”.
Ngày 06 tháng 4 năm 1857, cha Phaolô Lê Bảo Tịnh đã hiên ngang tiến ra pháp trường Bảy Mẫu tỉnh Nam Định, trên tay vẫn cầm cuốn sách nguyện và tràng hạt Mân Côi. Sau khi bị chém đầu, Ngài được đưa về an táng tại Chủng Viện Vĩnh Trị.
Cha Lê Bảo Tịnh đã chết vì đạo, nhưng khi còn sống Cha đã chỉ dẫn cho các chủng sinh cách tử đạo bằng đời sống thường ngày. Cha nói: “Tử đạo bằng máu quả thực là họa hiếm, Thiên Chúa chỉ ban cho một số ít người. Nhưng tử đạo bằng sống Tám Mối Phúc thì được ban cho hết mọi người, đặc biệt cho những người có tinh thần nghèo khó, hiếu hoà và tâm hồn trong sạch”.
Như thế, bài học chúng ta có thể rút ra từ cuộc sống và cái chết của Cha Lê Bảo Tịnh là sống Tám Mối Phúc Thật. Chúng ta cùng đọc kinh Phúc Thật Tám Mối:
Thứ nhất: | Ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy. |
Thứ hai: | Ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy. |
Thứ ba: | Ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy. |
Thứ bốn: | Ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy. |
Thứ năm: | Ai thương xót người, ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy. |
Thứ sáu: | Ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy. |
Thứ bảy: | Ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy. |
Thứ tám: | Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy. |
Cha Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh đã khuyên dạy: những ai sống khiêm tốn, hiền hòa thì sẽ được hạnh phúc đời này và đời sau. Trong bài Phúc Âm, khi cảm nhận được tình yêu của Chúa Giêsu ông Giakêu đã thưa với Chúa: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19, 8-10).
Chúng ta vui mừng khánh thành nhà thờ mới, nhưng các bài đọc Kinh Thánh trong Thánh Lễ hôm nay đều mời gọi chúng ta cố gắng xây dựng đền thờ là chính bản thân mỗi người, mỗi gia đình và giáo họ, giáo xứ bằng cách noi gương các tín hữu thưở ban đầu đã được sách Tông đồ Công vụ ghi nhận: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (TđCv 2, 42-46). “Chuyên cần nghe giáo huấn của các tông đồ”, đặc biệt qua việc học hỏi giáo lý, nhằm xây dựng một cộng đoàn đức tin; “Siêng năng tham dự lễ bẻ bánh”, với lời kinh tiếng hát cộng đồng khi tham dự Thánh Lễ, nhằm xây dựng một cộng đoàn phụng tự; “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau” nhằm xây dựng một cộng đoàn bác ái, mở rộng tình yêu thương đối với mọi người, nhất là những người nghèo khổ neo đơn trong xã hội; nhờ đó mà trở thành một cộng đoàn truyền giáo: “Chúa cho mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”.
Lạy thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, cầu cho chúng con.