THỨ TƯ TUẦN 23 TN . Lc 6,20-26
Ngày rằm, mồng một, lễ tết, đặc biệt là những ngày đầu năm,
nhiều Phật tử và cả những người “không tôn giáo”
thường đi chùa hoặc đến các đình, đền, miếu. v.v…
để cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, hoặc “cúng sao giải hạn”…
Ai cũng khát mong có được “chữ phúc”.
Với người này, “phúc” có thể là “tiền vô như nước”,
với người kia có thể là sức khỏe dồi dào, đỗ đạt,
“thăng quan tiến chức”, gia đình an vui, hoặc “thoát hạn”, v.v…
Nhưng nhiều khi họa phúc khôn lường!
Có những cái chúng ta tưởng là phúc
nhiều khi lại là họa, và những cái tưởng là họa,
rốt cuộc lại là…phúc, như chuyện “Tái ông thất mã”.
Hôm nay Thầy Giêsu dạy chúng ta
biết phân biệt đâu là cái họa đâu là cái phúc thực.
Đây là một “nghệ thuật” vì phải khéo lắm mới phân biệt được,
nếu không sẽ dễ lạc vào… “mê hồn trận” của “dư luận quần chúng”,
theo cái nhìn của người đời, bởi lẽ chẳng ai “dám” coi cái nghèo, cái đói,
cái khổ, bị ghét bỏ, bắt bớ, v.v… là cái… phúc! Họa thì có!
Thực ra những cái “họa” này tự nó chẳng phải là cái phúc
mà chỉ là bước “buông bỏ” cần thiết để đạt tới cái phúc đích thực.
Và chìa khóa để biến “cái họa hôm nay” thành “cái phúc mai sau”
đó là bớt “sân si”, buông bỏ những gì mình cố bám víu dù là cái “tốt”
để bình tâm “thuận theo ý Chúa”, vì biết rằng:
“Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích
cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28)
bởi chính Thầy Giêsu đã đi bước trước,
để chúng ta yên tâm dõi bước theo Thầy:
“Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế,
rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26)
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)