LỜI CHÚA
“Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1,20)
BÀI HỌC
Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng theo thánh Phaolô, chúng có thể nhận biết Thiên Chúa nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí khi chiêm ngắm vũ trụ là những công trình của Thiên Chúa.
I- KHÁT VỌNG HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI
Sống ở đời ai cũng mong muốn hạnh phúc. Đó là khát vọng chung của con người, của bất cứ mọi nỗ lực nào. Người giàu mong hạnh phúc, kẻ nghèo cũng khát khao hạnh phúc. Người lành thánh cũng chỉ ước mơ hạnh phúc, kẻ gian ác cũng chẳng đi ra ngoài hạnh phúc, và thậm chí, kẻ tự tử cũng mong tìm hạnh phúc.
Vấn đề quan trọng là chúng ta đi tìm hạnh phúc bằng con đường nào?
Của cải vật chất, quyền thế danh vọng không phải là hạnh phúc. Chúng có thể là con đường đưa tới hạnh phúc nhưng không đương nhiên. Khóc lóc là chuyện thường tình của nhà nghèo, song thiếu gì ‘người giàu cũng khóc’. Hạnh phúc mà chúng ta đang tìm kiếm và sở hữu thì nhất thời, nghĩa là không bền vững mãi mãi. Nay gặp mai mất, mất rồi lại đi tìm. Tình nghĩa vợ chồng keo sơn đến thế mà cũng khó tránh khỏi cảnh ‘Anh đi đàng anh, tôi đi đường tôi; tình nghĩa đôi ta có thế thôi’! Giàu sang danh vọng cũng thích thật đấy, nhưng có ai mang chúng theo xuống mộ phần đâu ! Hoàn cảnh rủi ro, thời thế không thuận lợi, bệnh tật luôn đe doạ và nhất là cái chết thì đến bất ngờ làm cho hạnh phúc ra dở dang.
Cái chết cắt đứt tất cả mọi mơ ước, phá đổ mọi công sức của con người, cào bằng mọi hạng người. Bản chất con người là thụ tạo nên gắn liền với sự hủy hoại, và cái chết là đương nhiên không thể tránh khỏi. Các vua chúa ngày xưa có đầy đủ mọi thứ trong tay, quyền uy danh vọng, của cải đầy kho và vợ đẹp con khôn thì không kể xiết, song chỉ thiếu có một thứ là thuốc trường sinh bất tử, vì đó là cái quyết định tất cả.
Khát vọng hạnh phúc của con người là hạnh phúc đời đời, chứ không phải tạm thời. Muốn có hạnh phúc vĩnh cửu thì nhất thiết phải sống đời đời. Tuy nhiên, bất cứ cái gì không tự mình mà có thì sẽ không tồn tại mãi mãi (nhà cửa, máy móc, cây cối, con người, vũ trụ, trăng sao liệu có tồn tại vĩnh cữu không?). Đó là quy luật tự nhiên và tất yếu. Vậy chúng ta cũng có thể suy ngược lại: bất cứ cái gì tự hữu, tự mình mà có, không do cái khác tạo thành, thì nó sẽ tồn tại mãi mãi. Cái đó chỉ có thể là Đấng Tối Cao (Ông Trời), Đấng tạo dựng trời đất muôn loài mà thôi. Nếu chúng ta đồng ý chỉ có Đấng Tối Cao, tạm gọi là Thiên Chúa, mới có sự sống đời đời, thì chúng ta cũng chỉ có thể sống đời đời khi được tháp nhập vào Thiên Chúa mà thôi; và như vậy, mới mong có hạnh phúc đời đời.
Theo đạo chính là tìm một con đường để dẫn tới hạnh phúc đời đời. Đạo là con đường, mà không ai thích cứ ở mãi trên đường. Ai cũng mong tới Nhà, tới Bến; nhà đó, bến đó là sự sống vĩnh cửu, là hạnh phúc đời đời. ‘Ăn ngay ở lành’ cũng chỉ là một phương tiện chứ không phải là mục đích, vì cùng đích là hạnh phúc vĩnh cửu ! Tôn giáo phải dẫn tới cùng đích là sự sống đời đời, là chính Thiên Chúa (Thiên đàng, Nước trời).
II- NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA BẰNG LÝ TRÍ
Chúng ta có thể dùng lý trí để suy luận rằng phải có một Đấng Tối Cao dựng nên muôn loài, chứ muôn loài không thể tự mình hiện hữu, tự mình triển nở.
– Bất cứ một cái gì, dù to dù nhỏ, dù mộc mạc hay tinh vi đến đâu, cũng phải có nguồn gốc, phải có người tạo ra chúng. Chiếc đồng hồ không thể tự quay tròn theo ngày tháng, chiếc máy vi tính không thể tạo lập các chương trình, nếu không có một bộ óc, một bàn tay con người sắp xếp để chúng hoạt động. Song vũ trụ kia, mặt trời mặt trăng xoay chuyển kỳ diệu theo một quỹ đạo nhất định mà không do sự sắp xếp của con người. Con người không phải là tác giả của vũ trụ bao la ấy. Vũ trụ cũng chẳng tự dưng mà có, bằng chứng là nó cũng đang lão hoá, và nguy cơ tan vỡ một ngày nào đó là chuyện không thể tránh khỏi, dù không biết ngày đó bao giờ sẽ xảy ra, nhưng nhất thiết sẽ xảy đến (tận thế).
Từ đó chúng ta suy ra phải có một Ai đó cao hơn con người đã tạo dựng và an bài để thế giới vũ trụ này luân chuyển đi đến cùng đích của chúng.
– Chúng ta cũng có thể nhìn vào lòng mình thấy có tiếng nói lương tâm mà chúng ta không phải là chủ của tiếng nói nội tâm đó, cũng không phải cha mẹ chúng ta. Chúng ta muốn nó im đi nhưng nó lại cứ cắn rứt cõi lòng chúng ta. Vậy phải có một Ai đó thật cao cả và thật tốt lành điều khiển lương tâm chúng ta. Đấng đó, cứ tạm gọi là Thiên Chúa mà chúng ta đang tìm kiếm.
Tuy nhiên, lý trí con người có hạn nên cũng chỉ biết rằng có một Thiên Chúa tối cao, toàn năng và tốt lành, thế thôi. Muốn biết rõ hơn, cần phải có sự tỏ bày của chính Thiên Chúa, gọi là mặc khải.
CẦU NGUYỆN
“Ôi lạy Chúa, xin mở cho con đôi mắt, thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi, thấy Chúa là tác giả của mọi công trình. Con dâng lời cảm tạ vì Chúa vẫn yêu thương con, dù con chỉ là tạo vật nhỏ bé, chứ chưa phải là con Chúa.”
Học Kinh : Cám ơn, trang 14
Bài hát : Cầu cho cha mẹ 5, trang 196
TÓM LƯỢC
1* Người ta sống ở đời này để làm gì ?
– Người ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc, và hạnh phúc đích thực chỉ có ở trong Thiên Chúa là cùng đích của mọi loài.
2* Làm sao lý trí con người nhận biết có Thiên Chúa ?
– Khi nhìn vào vũ trụ và tiếng nói lương tâm, chúng ta suy ra phải có một Thiên Chúa tối cao tạo dựng ra tất cả và Đấng đó phải thật là tốt lành.
QUYẾT TÂM
Khi tôi chiêm ngắm bất cứ một công trình tự nhiên nào là tôi nghĩ ngay đến Thiên Chúa là tác giả tối cao, và tôi tạ ơn Chúa.