LỜI CHÚA : (Lc 3,21-22).
“Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22)
BÀI HỌC :
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần, “Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”. Như vậy, ngoài Chúa Cha và Chúa Con ra, còn một ngôi vị Thiên Chúa nữa mà chúng ta cần tìm hiểu để yêu mến và tôn thờ là Chúa Thánh Thần.
I . CHÚA THÁNH THẦN LÀ AI ?
1* Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa vô hình :
Một số người lẫn lộn Thánh Thần với thiên thần, đang khi Thánh Thần là một Ngôi Vị Thiên Chúa, còn thiên thần chỉ là một thụ tạo thiêng liêng của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng vô hình, Ngài không nhập thể làm người nên không có hình ảnh cụ thể rõ ràng như Ngôi Hai, Con Thiên Chúa làm người.
2* Hình ảnh biểu trưng về Chúa Thánh Thần :
Để dễ cảm nhận được vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta cần đến những hình ảnh biểu trưng như NƯỚC (tẩy rửa, giải khát, môi sinh tăng trưởng), DẦU (tăng lực, trang điểm, chữa lành), LỬA (thanh tẩy, sưởi ấm soi sáng), BÀN TAY và NGÓN TAY (chỉ sự hoạt động, sức mạnh, uy quyền), ÁNG MÂY vaØ ÁNH SÁNG (bóng mát, vinh quang), CHIM BỒ CÂU (khiêm tốn, hiền hậu, hoà bình), GIÓ và KHÍ (dịu mát, thở) … Tất cả những hình ảnh biểu trưng này không nhằm diễn tả bản chất của Chúa Thánh Thần, song chỉ muốn ám chỉ các hoạt động hữu hiệu của Chúa Thánh Thần trong đời sống con người.
Gió và Khí là hình ảnh biểu trưng đặc biệt gắn liền với danh xưng Thánh Thần, còn gọi là Thần Khí. ‘Thần’ và ‘Thánh’ là những thuộc tính thiêng liêng chung cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng khi nối kết hai từ này với nhau, là muốn ám chỉ ngôi vị khôn tả là Chúa Thánh Thần mà không lẫn lộn với các cách sử dụng khác về các từ ‘thần’ và ‘thánh’, như thiên đàng, thiên thần, thần thánh, thần sứ, thiên sứ, quỷ thần, thần nhạc…
II * CHÚA THÁNH THẦN HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO ?
1* Chúa Thánh Thần được ban cho các tông đồ :
Ngay khi Đức Kitô Phục Sinh là Thánh Thần được ban cho các tông đồ, nhưng phải 50 ngày sau ( Lễ Ngũ Tuần, Hiện Xuống), Chúa Thánh Thần mới xuống cách long trọng để khai mở cộng đoàn Hội Thánh (Cv 2,1-13). Chúa Thánh Thần làm cho các tông đồ hiểu mầu nhiệm Chúa Giêsu, hiểu những giáo huấn của Chúa Giêsu về Nước Trời, về con đường Tử Nạn và Phục Sinh. Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà các tông đồ được biến đổi trở thành con người mới, mạnh mẽ, can đảm, nhiệt thành và dấn thân rao giảng Tin Mừng khắp thế gian.
2* Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh :
Chúa Thánh Thần được ban cho các tông đồ cũng có nghĩa là được ban cho toàn thể Hội Thánh, những tín hữu Kitô. Hết mọi sinh hoạt của Hội Thánh được Chúa Thánh Thần khơi động và hỗ trợ. Chúa Thánh Thần ban sức sống cho Hội Thánh, canh tân và hợp nhất các tín hữu nên một trong Chúa Kitô (Cv 11,15) và thúc đẩy Hội Thánh chu toàn sứ mạng được trao phó, giống như linh hồn làm cho thể xác sống động.
3* Chúa Thánh Thần thánh hoá các tín hữu :
Chúa Thánh Thần ngự xuống đầy lòng chúng ta, biến con người chúng ta thành đền thờ của Thiên Chúa (1Cr 3,16). Ngày xưa, Chúa Thánh Thần đã soi lòng mở trí các tông đồ thì nay Ngài cũng chỉ bảo, mở lòng chúng ta đón nhận các giáo huấn của Chúa Kitô, và bước theo Chúa Kitô trong niềm vui và bình an.
Chúa Thánh Thần làm cho thửa vườn Hội Thánh trổ sinh nhiều hoa quả : “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, lương thiện, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22).
4* Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống :
Ađam – con người đầu tiên – từ nắm bùn đất đã trở thành con người có sự sống là nhờ hơi thở của Thiên Chúa (St 2,7). Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Kitô cũng thổi hơi trên các tông đồ để biến đổi các ông trở thành những con người mới (Ga 20.22). Hơi thở của Thiên Chúa chính là Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Kitô. Nơi nào có không khí, có nước là có sự sống. Cũng thế, không có Chúa Thánh Thần thì không có sự sống, nhất là sự sống đời đời, vì Ngài chính là môi sinh của sự sống thần linh.
Sự sống mà chúng ta đã lãnh nhận qua cha mẹ là hồng ân, là hơi thở của Thiên Chúa; chỉ cần Ngài rút lại hơi thở là chúng ta lại trở về tro bụi. Phụng vụ thánh lễ an táng khẳng định: sự sống không mất đi, mà chỉ thay hình đổi dạng để trở thành sự sống đời đời của Thiên Chúa. Giống như con tằm đã mang sẵn trong mình sự sống của con bướm thế nào, chúng ta cũng đang mang trong mình sự sống bất diệt của Thiên Chúa. Khởi đầu sự sống đã là công trình của Chúa Thánh Thần thì chóp đỉnh của sự sống vinh quang cũng là do Chúa Thánh Thần. Trong thế giới hôm nay, Chúa Thánh Thần đang ra sức biến đổi, âm thầm như hạt giống đang nảy mầm trong lòng đất, dai dẳng như hạt men vùi lấp giữa đống bột để rồi một ngày nào đó sẽ đơm bông kết trái, sẽ dậy men toàn bộ sự sống trần thế này thành sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Chúa Kitô rao giảng nhưng Chúa Thánh Thần mở lòng cho người ta tiếp thu và đón nhận sự Sống. Vậy “nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì cũng hãy nhờ Thánh Thần mà tiến bước” (Gl 5,25).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa như Làn Gió Mới, xin quét sạch mọi đam mê xấu xa khỏi lòng trí con; xin làm dịu mát và thuần thục lòng người để một ngày gần đây, khi được gia nhập Hội Thánh, thân xác con sẽ trở thành đền thờ của Chúa.
Học kinh : kinh Chúa Thánh Thần, trang 11
Bài hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần, trang 192
TÓM LƯỢC :
1* Chúa Thánh Thần là ai ?
– Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.
2* Những hình ảnh biểu trưng về Chúa Thánh Thần là gì?
– Có nhiều hình ảnh biểu trưng để chỉ vai trò và hoạt động của Chúa Thánh Thần như gió, khí, nước, lửa, dầu, ngón tay, chim bồ câu .
3* Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong Hội Thánh ?
– Chúa Thánh Thần gìn giữ, hướng dẫn Hội Thánh cùng thánh hoá và canh tân Hội Thánh ở thế gian này.
4* Chúa Thánh Thần tác động thế nào nơi các tín hữu?
– Chúa Thánh Thần soi sáng dạy dỗ các tín hữu hiểu biết Tin Mừng, bước theo Chúa Kitô để trổ sinh những hoa quả thánh thiện.
5* Chúa Thánh Thần biến đổi thế giới này như thế nào?
– Chúa Thánh Thần đang ra sức biến đổi thế giới này trở thành thế giới của Thiên Chúa qua sự cộng tác của nhân loại khi xây dựng xã hội trong công bình và bác ái.
QUYẾT TÂM :
Hãy cầu nguyện và sống theo Thánh Thần, và như vậy, tôi sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt (Gl 5,16).