LỜI CHÚA : (Mc1,14-15).
“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
BÀI HỌC :
Qua lời rao giảng, các dấu lạ, cũng như chính bản thân, Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời (Nước TC) đã khởi đầu khi Ngài xuất hiện. Nước Trời đã khai mạc nhưng chỉ hoàn tất trọn vẹn vào ngày tận thế. Ngài mời gọi mọi người hối cải và đón nhận Tin Mừng (Phúc Âm) và gia nhập Hội Thánh. Vậy Tin Mừng Nước Thiên Chúa là gì?
I . TIN MỪNG : THIÊN CHÚA LÀ CHA
1) Tình thương của Cha :
Trọng tâm của Tin Mừng là tình thương của Thiên Chúa. Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta có một người Cha ở trên trời. Chính Cha đã dựng nên vũ trụ và con người, và muốn ban cho con người và vạn vật được sống và sống dồi dào, nghĩa là sống hạnh phúc đời đời (Ga 17,3).
Thiên Chúa là Cha, và đương nhiên, là một người Cha hằng yêu thương chúng ta là con cái của Ngài. Dầu chúng ta, tốt hay xấu, Thiên Chúa vẫn che chở giữ gìn, vẫn mưa hồng ân, và Ngài có thể biến cải sự dữ thành sự lành cho những ai có lòng yêu mến (Lc 6,35-36; Mt 5,43-48; Rm 8,28).
Cha trên trời biết rõ mọi nhu cầu của con cái (Mt 6,6), và hằng nhận lời những ai thành tâm kêu cầu với niềm tin yêu phó thác (7,7-11). Cha mẹ trần gian còn biết cho con cái của tốt lành thì Cha trên trời còn tốt lành hơn nữa, luôn luôn tìm kiếm và tha thứ cho chúng ta là con cái (Lc 15,1-32).
2) Tâm tình người con :
Đức Giêsu dạy chúng ta đạo làm con Thiên Chúa. Đã làm con thì phải yêu mến Cha trên hết mọi sự (Lc 22,39-46), và mỗi ngày trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.
Đức Giêsu là mẫu gương cho chúng ta noi theo để nên giống Cha trên trời. Ngài dạy chúng ta sống nhân từ, không xét đoán (Lc 6,36-38), sống trong sạch (Lc 19,1-9; Mt 5,27-32), sống khoan dung (Lc 6,27-35; Ga 8,1-11), hay cứu giúp (Lc 10,19-37; Mt 20,1-16), luôn tha thứ (Mt 5,21-26.38-48; 18,21-35) đối với hết mọi hạng người (Lc 13,24-30; 15,1-32). Ngài còn dạy chúng ta tin tưởng (Lc 12,22-31) cũng như cách thức cầu nguyện (Mt 6,7-15) và cầu nguyện không ngừng (Lc 11,5-13; 21,34-36).
Nếu chúng ta nỗ lực bước theo Chúa Giêsu trên con đường hẹp (Lc 13,22-24), tuân giữ các giáo huấn của Chúa, chúng ta sẽ gặp Cha trên trời (Lc 19,1-10), vì chúng ta đang xây đời mình trên nền đá vững chắc (Lc 6,46-49; Mt 13,4-9.18-23.33-35) và thuộc về gia đình của Thiên Chúa (Lc 8,19-21; 11,27-28).
Đó là nội dung những điều Chúa Giêsu đã rao giảng về một Thiên Chúa là Cha và là người Cha hằng yêu thương, đón đợi chúng ta về chung hưởng hạnh phúc đời đời. Đó cũng là điều mà Hội Thánh đã tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng”, và sách thánh nói đó là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Em-ma-nu-en; Mt 1,23).
II . NƯỚC TRỜI ĐANG Ở GIỮA CHÚNG TA
Nước Trời hay Nước Thiên Chúa (Triều Đại TC) không phải là một nơi chốn, một xứ sở trù phú, song đúng hơn phải hiểu là một tình trạng được sống ở trong Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới tồn tại vĩnh viễn, còn ngoài Thiên Chúa chỉ là hư mất đời đời mà thôi. Đức Giêsu luôn tìm mọi cách, mọi cơ hội để rao giảng về Nước Trời, và Ngài dùng những hình ảnh cụ thể trong đời sống thường ngày để nói về thực tại vô hình ấy.
1) Tính phổ quát :
Nước Trời là nước đại đồng mời gọi tất cả mọi người (Mt 13,3-9.24-30.47-50), không loại trừ bất cứ hạng người nào (Lc 14,15-24) vì Nhà Cha có nhiều chỗ (Ga 14,2), miễn là họ thành tâm tìm kiếm (Lc 10,21; 14,27). Đạo công giáo, một tên gọi cũng mang ý nghĩa đó, là đạo phổ quát, là ơn cứu độ của Đức Giê-su Kitô dành cho hết mọi hạng người.
2) Tính ưu việt :
Chúa dạy chúng ta phải ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết, còn mọi thứ khác Ngài sẽ ban cho sau (Lc 12,31). Ngài còn dạy : “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,33). Nước Thiên Chúa là cùng đích đời người nên có giá trị tuyệt đối, phải đặt lên trên hết mọi sự, phải sẵn sàng hy sinh tất cả và bằng mọi giá để vào được Nước Trời (Mt 13,44-46; 16,24-26; 18,8-9).
3) Tính hiện thực :
Nước Trời không phải là một thế giới xa lạ được Thiên Chúa tạo sẵn ở đâu đó để sau này làm phần thưởng cho người ngay lành. Nước Trời đã bắt đầu ngay từ ở đời này (Lc 17,20-21), nghĩa là thế giới này đang tăng trưởng và được biến đổi dần dần trở thành thế giới của Thiên Chúa (Mt 13,31). Như con tằm mang sẵn sự sống của con bướm thế nào, chúng ta cũng đang mang trong mình mầm sống bất diệt như vậy. Bông hoa tuy có khác hạt giống, song hoa lại là kết tinh những ưu phẩm của hạt. Tất cả những gì chúng ta làm cho thế giới nhân loại này trở nên tốt đẹp, công bình và bác ái hơn, đều làm cho thế giới này dậy men Nước Trời (Mt 13,33), để trở nên giống Thiên Chúa vì Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu (1Ga 4,8).
Thánh Phaolô nói: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Hơn nữa, chúng ta cần xác tín: “Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Chúng ta không biết được cách thức và thời gian hoàn tất của cuộc biến đổi thế giới này thành thế giới của Nước Trời, song tất cả những gì lệch lạc vì tội lỗi chắc chắn sẽ qua đi. Vì thế, tất cả những hoạt động của chúng ta, miễn là tốt lành, đều tồn tại trong Trời Mới Đất Mới.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa Giêsu Kitô, nhờ Chúa làm người và nhờ Hội Thánh rao giảng mà chúng con nhận biết Chúa Cha, Đấng hằng mong đợi chúng con về chung hưởng hạnh phúc Nước Trời. Xin Chúa ban Thánh Thần để chúng con nỗ lực sống yêu thương mà biến đổi thế giới này thành thế giới của Thiên Chúa.
TÓM LƯỢC :
1* Trọng tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu là gì ?
– Chúa Giêsu rao giảng cho chúng ta biết có một Thiên Chúa là Cha ở trên trời hằng yêu thương, đón đợi chúng ta về chung hưởng hạnh phúc Nước Thiên Chúa, dù chúng ta như thế nào, miễn là có lòng hối cải và tin vào Chúa.
2* Chúng ta phải sống thế nào cho đẹp lòng Cha trên trời ?
– Chúng ta phải yêu mến Cha trên hết mọi sự và yêu thương mọi người như anh chị em theo gương Chúa Giêsu bằng con đường thập giá là quên đi bản thân mình.
3* Khi nào Nước Trời hiện diện ?
– Từ khi Chúa Giêsu chào đời, Nước Trời đã hiện diện vì Chúa đang ở cùng chúng ta, và chỉ hoàn tất vào ngày tận thế.
4* Phải xây dựng Nước Trời như thế nào ?
– Xây dựng Nước Trời trong công bình và bác ái là đang làm cho con người và thế giới này trở thành Trời Mới Đất Mới.
QUYẾT TÂM :
Tôi tập thói quen tạ ơn Chúa trước khi dùng bữa bằng cách đọc kinh Lạy Cha