LỜI CHÚA : (Mc 3,13-19).
“Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,14)
BÀI HỌC :
Đức Giêsu đã hoàn tất công cuộc cứu độ nhân loại qua cái chết và sống lại, nhưng ơn cứu độ này còn cần được phân phát cho hết mọi người qua Hội Thánh. Sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng ở nhiều nơi. Có những người không đón nhận thì tìm cách bách hại, còn những người đón nhận thì tập hợp thành cộng đoàn những người tin vào Chúa Kitô qua lời rao giảng của các tông đồ, gọi là Hội Thánh.
Có ba thành phần trong Hội Thánh:
– Giáo dân là những người tin vào Chúa Kitô và lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.
– Tu sĩ là những tín hữu có ba lời khấn Phúc Âm trong một Hội Dòng hay Tu Hội chính thức của Hội Thánh.
– Giáo sĩ là những tín hữu có chức thánh qua bí tích Truyền Chức thánh: Phó Tế,
Linh Mục hay Giám Mục.
Hồng Y hay Đức Ông không phải là chức thánh mà chỉ là tước hiệu danh dự trong Hội Thánh. Đức Giáo Hoàng là vị Giám Mục Giáo Phận Rôma, kế vị tông đồ trưởng Phêrô; và vì thế ngài là người đứng đầu Giáo Hội toàn cầu.
I – HỘI THÁNH DUY NHẤT
Tại sao có nhiều cùng tin vào Chúa Kitô, nhưng lại thuộc các Giáo Hội khác nhau ?
1* Chỉ có một Hội Thánh duy nhất :
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã thiết lập chỉ có một Hội Thánh duy nhất đặt nền tảng trên nhóm 12 tông đồ và Phêrô là người anh cả, đứng đầu Hội Thánh (tông đồ trưởng). Mỗi tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng và lập thành các Giáo Hội địa phương, song tất cả đều hiệp thông với nhau dưới sự lãnh đạo của tông đồ trưởng Phêrô và những người kế vị Phêrô (Giáo Hội toàn cầu).
Thánh Phêrô truyền giáo, tử đạo và vì đặt toà ở Rôma cho nên vị Giám Mục nào kế vị Phêrô thì đương nhiên là người đứng đầu Hội Thánh (Đức Giáo Hoàng).
2* Hội Thánh có sự phân rẽ trong lịch sử :
Vào khoảng thế kỷ 11 mới có sự phân ly thành hai Giáo Hội: Công Giáo và Chính Thống Giáo. Do sự khác biệt về văn hóa (Đông Phương dùng tiếng Hy Lạp; Tây Phương dùng tiếng La-Tinh…), Phụng Vụ (ĐP: bánh có men, tu sĩ và giám mục độc thân còn linh mục có gia đình…; TP: bánh không men, lúc đầu linh mục có gia đình sau có luật buộc độc thân) và giáo lý (ĐP: “Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha mà ra”; TP: “Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra”) ở Đông Phương và Tây Phương sau một ngàn năm đã có sự hiểu lầm và rạn nứt (1054). Giáo Hội ở Đông Phương xưng mình là Chính Thống Giáo, còn Giáo Hội ở Tây Phương vẫn được gọi là Công Giáo.
Vào thế kỷ 16, Giáo Hội Công Giáo ở Tây Phương có sự sa sút, Luther muốn canh tân Giáo Hội nhưng đi quá đà thành lạc giáo và tách rời (năm 1515) khỏi Giáo Hội Công Giáo thành Giáo Hội Thệ Phản (Tin Lành). Do sự không đồng nhất trong việc tìm hiểu Thánh Kinh và chống cơ chế Giáo Hội nên trong Giáo Hội Tin Lành đã phân chia thành cả ngàn giáo phái khác nhau.
Vào năm 1532, vua Henri VIII ở Anh quốc muốn ly dị với hoàng hậu để cưới một người khác nhưng luật Hội Thánh không cho phép ly dị. Vua Henri đã dùng quyền của mình ép các giám mục nước Anh ly khai khỏi Toà Thánh Rôma và lập thành một Giáo Hội Anh Giáo tự trị, và dĩ nhiên nhà vua hay nữ hoàng có chỗ đứng quan trọng trong Giáo Hội Anh Giáo.
3* Nỗ lực tiến tới sự hiệp nhất :
Dù thuộc các Giáo Hội khác nhau, song các tín hữu Kitô đều ý thức cần phải có sự hiệp nhất thành một mối vì tất cả các Kitô hữu chỉ có một Thủ Lãnh là Chúa Giêsu, và vì Thân Thể Đức Kitô không thể bị phân mảnh như vậy. Hàng năm, các Giáo Hội đều dành riêng tuần lễ từ 18/1 – 25/1 để sống và cầu nguyện cho việc hiệp nhất.
II – HỘI THÁNH THÁNH THIỆN
Hội Thánh tự bản chất là thánh vì do Chúa Kitô thiết lập và trao quyền phân phát ơn cứu độ. Hội Thánh là thân thể nhiệm mầu của Chúa (nhiệm thể Chúa Kitô), trong đó, Chúa Kitô là Đầu, chi phối hoạt động của các chi thể trong quyền năng của Chúa Thánh Thần (1Cr 12,12-30). Các tín hữu là những chi thể của Chúa, hoạt động theo chức năng của mình, song ai cũng phải trở nên thánh vì Đức Kitô là Đấng Thánh. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mọi tín hữu Kitô được mời gọi nên thánh bằng cách liên lỉ hoán cải, sống mến Chúa yêu người ngay trong đời sống thường nhật của mình.
Hội Thánh tuy thánh thiện, song lại bao gồm cả những người tội lỗi, vì đó là sứ mạng của Chúa Kitô trao cho Hội Thánh; hơn nữa Hội Thánh sử dụng các phương tiện Chúa ban để tự thanh tẩy và giúp các tín hữu nên thánh.
III – HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang tới là dành để cho tất cả mọi người, không trừ một ai. Hội Thánh là con đường của Chúa, nên bất cứ ai cũng có thể bước đi trên đó mà đạt tới ơn cứu độ của Chúa Kitô.
Như vậy, toàn bộ chân lý đức tin đã được uỷ thác cho Hội Thánh gìn giữ và loan truyền. Chúa Kitô hằng hiện diện trong Hội Thánh bằng quyền năng Chúa Thánh Thần nên Hội Thánh mang trong mình đầy đủ phương tiện cứu độ cho mọi hạng người thuộc mọi thời đại.
Truyền giáo là sứ mệnh của Hội Thánh, gắn liền với mệnh lệnh của Chúa Giêsu, không riêng gì các linh mục hay tu sĩ mà toàn thể các tín hữu có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa để mọi người trở thành môn đệ của Chúa Kitô.
IV – HỘI THÁNH TÔNG TRUYỀN
Hội Thánh được gọi là tông truyền vì do các tông đồ, những chứng nhân trực tiếp, truyền lại cho chúng ta những lời rao giảng và nhất là cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Hội Thánh gìn giữ và lưu truyền các giáo huấn của các tông đồ qua các giám mục, những vị kế nhiệm các tông đồ (1Cr 11,23).
Bởi đó, các tín hữu phải tôn trọng và vâng phục các huấn quyền của Hội Thánh. Đứng đầu Giáo Hội địa phương là Đức Giám Mục, lãnh đạo Giáo Phận. Hàng linh mục cộng tác với Giám Mục Giáo Phận ở các Giáo Xứ, và được gọi là Cha Quản Xứ.
Chính trong lòng Hội Thánh mà chúng ta được tái sinh làm con Chúa và lãnh nhận các hồng ân của Chúa, vì thế chúng ta có bổn phận yêu mến, vâng phục và xây dựng Hội Thánh qua các vị Mục Tử của Giáo Xứ và Giáo Phận mình sinh sống; và hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa Giêsu Kitô, con tin và bước theo Chúa, song không chỉ có mình con mà còn có biết bao người cùng đồng hành. Xin cho chúng con sớm trở thành Kitô hữu, để thuộc về một đoàn chiên duy nhất của Chúa là Hội Thánh.
Học kinh : Hội Thánh có sáu điều răn, trang 18
TÓM LƯỢC :
1* Hội Thánh là gì ?
– Hội Thánh là cộng đoàn những người tin vào Chúa Kitô, còn được gọi là Nhiệm Thể Chúa Kitô hay là Dân Thiên Chúa.
2* Trong Hội Thánh có mấy thành phần ?
– Trong Hội Thánh có ba thành phần: một là giáo dân gồm những tín hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội; hai là tu sĩ gồm những Kitô hữu có ba lời khấn Phúc Âm; ba là giáo sĩ gồm những Kitô hữu lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh.
3* Tại sao gọi là Hội Thánh duy nhất ?
– Duy nhất vì chỉ có một Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng Nhóm Mười Hai tông đồ, và mãi về sau này mới phân rẽ thành nhiều Giáo Hội.
4* Tại sao đạo chúng ta đang tìm hiểu gọi là Hội Thánh Công Giáo ?
– Hội Thánh được gọi là Công Giáo vì ơn cứu độ của Chúa Kitô dành để cho hết mọi hạng người. Hơn nữa, Hội Thánh có đầy đủ chân lý và phương tiện cứu độ do Chúa Kitô uỷ thác.
5* Tại sao gọi là Hội Thánh tông truyền ?
– Hội Thánh được gọi là tông truyền vì đức tin mà ta lãnh nhận là do các tông đồ truyền lại qua những người kế vị.
QUYẾT TÂM :
Tôi cố gắng sống ngay thẳng, tránh những điều xấu để chuẩn bị gia nhập Hội Thánh Công Giáo .