THÁNH LỄ TIỆC LY
Dơng Kơnơh – 17g45 Thứ năm Tiệc Ly
DẪN
Bài Phúc Âm như đưa chúng ta vào tận phòng Tiệc Ly, cùng các tông đồ quây quần bên Chúa Giêsu tham dự Thánh lễ đầu tiên. Phòng Tiệc Ly đã trở nên vô cùng linh thiêng, bởi không chỉ là nơi Chúa Giêsu ăn bữa tối sau cùng với các môn đệ, mà còn là nơi Ngài hiện ra với các ông sau khi sống lại, cũng là nơi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức Maria và các tông đồ 50 ngày sau, và là nơi Hội Thánh được khai sinh để từ đó ra đi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất.
Bữa Tiệc Ly đầy ắp ấn tượng. Như Chúa Giêsu báo trước, Chúa Thánh Thần sẽ nhắc lại cho các Tông đồ nhớ lại từng lời nói cử chỉ của Ngài và vén mở cho thấy ý nghĩa của chúng; và trong Thánh lễ Tiệc Ly hôm nay, chúng ta lập lại tất cả những cử chỉ ấy.
NHỮNG TƯỞNG NIỆM CHÍNH TRONG BTL
Cụ thể là Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ của Người. Hôm nay chủ tế cũng sẽ rửa chân cho một số người trong cộng đoàn chúng ta.
Rồi việc lập phép Thánh Thể. Chủ tế sẽ đọc lại lời Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể trong phần truyền phép khi cầm lấy bánh mà nói: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”, rồi lấy cầm chén rượu mà nói: “Này là chén máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.
Và cùng với việc lập phép Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng lập bí tích truyền chức thánh khi Người nói với các tông đồ: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Cuối cùng, sau bữa ăn tối Chúa Giêsu rời nhà tiệc ly, đi đến vườn Cây Dầu, ở đó Ngài trải qua một cơn hấp hối khủng khiếp. Cũng vậy vào cuối thánh lễ, chúng ta sẽ kiệu MTC từ bàn thờ chính đến bàn thờ phụ, nghĩa là đi lại con đường Chúa Giêsu đã đi từ nhà tiệc ly đến vườn Cây Dầu. Rồi chúng ta sẽ thay phiên nhau chầu Thánh Thể để ở bên Chúa ít là một giờ trong đêm Người hấp hối, như Người tha thiết mời gọi: “Hãy ở lại đây tỉnh thức với Thầy”.
TÌNH YÊU ĐẾN CÙNG
Đâu là ý nghĩa sâu xa của tất cả những nghi thức cử chỉ ấy? Thưa “Tình yêu đến cùng”.
Ngay ở đầu bài Phúc âm, thánh Gioan đã ghi: Đức Giêsu biết đã đến “Giờ của Ngài”, giờ Ngài Vượt Qua thế gian này mà về cùng Chúa Cha, và giờ Ngài bày tỏ “Tình yêu đến cùng” đối với các môn đệ. Câu nói cuối cùng của Ngài trước khi gục đầu trên thập giá “đã hoàn tất” (x. Ga 19,30) làm sáng tỏ “Tình yêu đến cùng” này. Ngài chủ động hiến tặng trọn vẹn bản thân mình, sự sống mình, cho đến chết.
Chính trong Tình Yêu đến cùng này mà Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Phêrô lúc đầu chưa hiểu nên phản đối quyết liệt: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Và ông nhấn mạnh “Không đời nào con chịu đâu”. Nhưng khi bình tĩnh lắng nghe thầy giải thích: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ chẳng được chung phần với Thầy”, và nhìn thái độ của Thầy cương quyết, trong tư thế của một người tôi tớ, cởi áo, thắt lưng, cầm chậu quỳ xuống trước môn đệ mình, Phêrô như sực nhớ một lời của Thầy: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, và như ngộ ra chiều sâu của tình yêu đích thực, trước là của Thầy Giêsu, và sau đó của người môn đệ Chúa Kitô buộc phải có nếu muốn bước theo Thầy, ông đã sẵn sàng để Chúa rửa; một tình yêu hiền lành không làm hại ai và một tình yêu khiêm nhường quên mình trong phục vụ, trong tự hủy, như mô tả trong Pl 2,6 “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.
Rồi Thánh Thể: Thánh Thể sẽ biến mọi người cùng ăn thịt máu Chúa trở thành chi thể của Chúa, và thành anh chị em của nhau. Mà Lời Chúa dạy : «Ai lớn nhất trong anh em, hãy phục vụ như người rốt bét». Nơi Thánh Thể, cũng một bài học phục vụ khiêm nhường đến sẵn sàng tiêu hao mình đi, nên sự sống cho người khác.
4. MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
Bài đọc II trích thư 1 C 11 còn cho thấy Thánh Thể như lễ Vượt Qua của Chúa Kitô. Người sắp từ bỏ mạng sống để về cùng Cha Người trên trời: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp”, “Này là Máu Thầy, sẽ đổ ra”. Chén rượu trở thành chén máu mà Người sẽ đổ ra trên thập giá trong ngày thứ sáu hôm sau.
Bởi vậy, Thánh Thể đã là lễ tế trên thập giá. Mà ở đâu có thập giá, thì ở đó đã ẩn tàng phục sinh, nên khi tuyên bố : “Đây là máu giao ước mới vĩnh cửu“, Chúa Giêsu đã cho thấy Thánh Thể sẽ đổi mới tất cả.
5. KẾT
Giờ đây, chúng ta sắp cử hành những việc trọng đại ấy, xin cho chúng ta từ bỏ con người cũ trong nghi thức rửa chân, để tiến đến kết hiệp mật thiết với Chúa trong Thánh Thể, hầu sau đó sống cuộc đời Thánh Thể, yêu thương anh em trong nỗ lực phục vụ khiêm cung.
Chỉ có yêu thương, phục vụ, khiêm nhường, trong vui tươi mới sưởi ấm đức tin cho nhau và mới tỏa sáng đức tin cho những người chưa biết Chúa.