LỄ HUYNH ĐOÀN ĐAMINH
TTMV – 10g30 sáng TS 12/08/2022
1. DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
– Chúng ta mới lắng nghe ba bài đọc Is 52,7-10; 2 Cr 4,1-2.5-7; Mt 28,16-20, và dường như bài đọc nào cũng nổi bật từ “rao giảng, loan báo, dạy bảo”. Ngay câu đầu tiên bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Isaia: “Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng, người loan tin hạnh phúc”. – Bài đọc 2 trích thư 2 Corintô: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa”. Bài Phúc Âm Matthêu là đoạn kết của cả Tin Mừng và kết bằng lệnh truyền giảng dạy: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-20).
– Như vậy, ba bài đọc, theo lộ trình xem-xét-làm, đã đi từ công bố niềm vui và vẻ đẹp của việc loan báo Tin Mừng, đến lệnh truyền hãy đi khắp muôn dân loan báo Đức Kitô và dạy bảo điều Đức Kitô truyền, và cuối cùng Tông đồ Phaolô chứng thực mình đã miệt mài với sứ vụ rao giảng Tin Mừng: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa. Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu” (2 Cr 4,5).
2. TH.ĐAMINH, TỔ PHỤ DÒNG GIẢNG THUYẾT
– Trên mặt trận rao giảng Tin Mừng, chắc hẳn thánh Đaminh là một khuôn mặt nổi bật. Ngài được ban đặc sủng giảng thuyết, và đã giảng thuyết ngay tại những nơi bè rối hoành hành. Với thánh Đaminh, rao giảng Đức Kitô vừa là bổn phận vừa là đam mê, đến nỗi ngài không chỉ đi giảng thuyết mà còn trở thành Tổ phụ một Dòng Giảng Thuyết đến nay vẫn còn mạnh mẽ, mà Huynh Đoàn Đaminh đang hội họp đây là một bằng chứng.
– Thánh Đaminh không những quyết định cho Dòng giảng thuyết của ngài “sống chung, cầu nguyện chung và đi giảng thuyết chung với nhau”, mà một điều đáng lưu ý trong phong cách giảng thuyết của ngài, đó là ngài luôn đặt mình trong lòng Giáo Hội, trong sự hiệp thông thực sự với Giáo Hội của Chúa Kitô.
– Một hôm, thánh Đaminh đang ở Rôma và cầu nguyện tại đền thờ thánh Phêrô trước khi trình Đức Thánh Cha xin phê chuẩn Dòng giảng thuyết của ngài, ngài thị kiến thấy hai thánh Phêrô và Phaolô. Thánh Phêrô trao cho ngài một cây gậy, còn thánh Phaolô thì trao cuốn sách. Rồi hai vị cùng nói: ‘Hãy đi và rao giảng, vì Thiên Chúa đã chọn con thi hành sứ vụ này’. Trong khoảnh khắc, Đaminh như nhìn thấy đoàn con cái mình tản mác khắp thế giới, từng hai người một, rao giảng Lời Chúa cho muôn dân”. Quả thực, sau đó Dòng Giảng Thuyết của ngài đã được ĐTC chuẩn nhận ngay.
– Thị kiến này cho thấy thánh Đaminh liên kết với hai thánh Tông đồ chặt chẽ thế nào. Nhà giảng thuyết ra đi với gậy và sách, nhưng là gậy và sách nhận được từ tay hai cột trụ của Giáo Hội. Quả là “Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng” do chính Thiên Chúa và Hội Thánh sai đi. Với thánh Đaminh, không thể có một sự giảng thuyết nào khác với sự giảng thuyết trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Lòng yêu mến Đức Kitô của thánh Đaminh hoàn toàn không tách rời lòng yêu mến Giáo Hội, mà cụ thể là gắn bó với các vị chủ chăn, với giám mục giáo phận, giữa anh em với nhau, hướng đến mọi người, đặc biệt những người rối đạo, người nghèo, người không được ai quan tâm.
– Chúng ta thấy phong cách hiệp hành nơi thánh Đaminh và trong Dòng anh em giảng thuyết của Ngài.
3. TH.ĐAMINH, CON NGƯỜI QUẢN TRỊ CÓ ĐỨC
– Ngoài ra, trong bối cảnh của Khóa học hỏi về “Điều hành và Quản trị”, chúng ta thử chiêm ngắm con người quản trị nơi thánh Đaminh. Thế nào là người quản trị giỏi? Đó là người biết lãnh đạo, biết quyết định và biết tổ chức.
– Các anh em thời đầu rất cảm động khi nhớ lại quyết định lớn lao của thánh Đaminh vào ngày 15/08/1217. Dòng khi ấy chỉ mới được thành lập ít lâu, thế mà ngài quyết định phân tán anh em đi khắp các nước. Rất nhiều người bất đồng, phản bác, không chỉ trong số anh em, bạn hữu, mà cả những người bảo trợ. Nhưng thánh Đaminh vẫn kiên quyết giữ vững ý định. Anh Gioan người Tây Ban Nha là một trong những người từ chối không chịu lên đường kể lại: “Tôi đang ở cộng đoàn Toulouse với thánh Đaminh. Ngài sai tôi đi Paris cùng với 6 anh em khác để học, để giảng và để thiết lập tu viện mới. Tôi không muốn đi, viện lẽ không đủ tiền. Thánh Đaminh đã nhượng bộ cho tiền, nhưng buộc phải lên đường với một mệnh lệnh cương quyết, không chút e dè: “Đừng ngăn cản tôi, tôi biết việc tôi làm” (Vie, tr. 52).
– Câu nói lừng danh này đã đi vào ký ức của anh em và không bao giờ phai mờ. Phát xuất từ một tâm hồn đạo đức, không nghĩ đến bản thân mình mà luôn đặt trước mắt thánh ý Chúa và lợi ích chung của Dòng, quyết định của ngài quả là sáng suốt và mang tính ngôn sứ. Nếu không có cái nhìn ngôn sứ về tương lai để sớm phân tán anh em đi thực hiện đặc sủng, Dòng của ngài đã chẳng phát triển.
– Là Đấng Sáng Lập Dòng, lúc ban đầu, thánh Đaminh đi đi về về giữa Rôma và Toulouse. Đi Rôma để đệ trình ĐTC ý định lập Dòng; trở lại Toulouse để thảo luận với anh em về những quy tắc luật lệ. Rồi lại qua Rôma để chính thức xin châu phê Dòng.
– Là người tổ chức, Ngài đã trang bị cho Dòng những cơ sở nền tảng pháp lý để những người kế vị có thể ấn định hữu hiệu. Đó là hai Tổng Hội năm 1220 và 1221. Tổng Hội đầu tiên được tổ chức tại Bologna, thánh Đaminh đã thiết lập cơ chế Giám định viên. Các vị này trong suốt thời gian họp Tổng Hội có toàn quyền trên Dòng, với quyền quyết định, truyền lệnh, ra hình phạt, kể cả đối với các bề trên.
– Các “Tổng Hội luân phiên” cũng là một sáng kiến độc đáo của thánh Đaminh. Các Tổng Hội sẽ được nhóm họp luân phiên giữa các giám tỉnh là những giáo sĩ lãnh đạo và các giám định viên là những tu huynh không thuộc hàng lãnh đạo. Việc luân phiên này cho phép tôn trọng và đáp ứng nhu cầu của người lãnh đạo cũng như người được lãnh đạo, vì sẽ thay nhau ở vị trí này vị trí kia. Đây là một quyết định khôn ngoan và sáng suốt.
4. KẾT
– Thánh Đaminh là Đấng Sáng Lập Dòng, và được tất cả anh chị em trong Dòng kính trọng suốt cả đời. Đây là một nét son đặc biệt, vì không ít Đấng Sáng Lập đã gặp nhiều đau khổ với chính con cái mình. Thánh Đaminh trái lại, để lại ấn tượng đẹp cho con cái: Ngài không nói xấu người này với người kia. Và ngài rất được yêu thương, tín nhiệm. Đúng là một thủ lãnh có tư cách đạo đức, một dung mạo quản trị thực sự.
– Theo gương thánh Đaminh, xin Chúa ban cho Huynh Đoàn Đaminh chúng ta ơn này của ngài: cầm lấy Kinh Thánh, đọc trong bầu khí cầu nguyện (lectio divina), để lời Chúa giúp chúng ta phân định, thực hành. Từ thực hành dẫn đến rao giảng, rao giảng nhiệt thành theo gương thánh Phaolô: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa. Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ anh em, vì Đức Giêsu” (2 C 4,5).