LỄ NHẬM XỨ ĐƯNG K’NỚ
Thánh lễ: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
Cha Cil Yon nhậm xứ – 09g30 sáng thứ tư 10/08/2022
I. DẪN
Hôm nay, nhân ngày cha tân quản xứ nhậm xứ Đưng K’Nớ, chúng ta cử hành lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn mạng giáo xứ. Ba bài đọc lời Chúa hôm nay như gợi lên cho chúng ta cả một lịch sử của tình yêu và lòng Chúa thương xót trước những yếu đuối tội lỗi của con người.
II. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
1. Chúng ta có thấy như vậy ngay ở bài đọc một trích sách Sáng Thế không?
“Thiên Chúa gọi con người: ngươi ở đâu?”. Đó không là sự quan tâm, thăm viếng, thân tình Thiên Chúa dành cho con người ư? – Thế lời đáp của con người là gì? “Tôi sợ hãi vì tôi trần truồng, và tôi đang ẩn núp”; Con người đã phạm tội, đã ăn quả cây trái cấm… – Tiếp theo thế nào: “Con rắn, mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật, Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người phụ nữ. Dòng giống người phụ nữ sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người” (St 3,10-15).
– Đó là lời hứa cứu độ, là lòng thương xót tự muôn đời của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy thể hiện qua ân sủng.
2. Bài đọc 2 trích thư Ephêsô là cảm nhận ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa: ơn tuyển chọn trong Đức Kitô, ơn tiền định làm con nhờ Đức Kitô, ơn tha thứ tội lỗi nhờ Máu Đức Kitô, ơn được biết thiên ý nhiệm mầu, ơn trở nên gia nghiệp riêng, ơn được nghe lời Tin Mừng, ơn chờ ngày được vinh quang v.v…
3. Muôn vàn ân sủng, “đầy ơn phúc” đã trở thành như tên riêng của một người: Đức Maria trong bài Phúc Âm. Chúng ta hãy lưu ý thật kỹ lời sứ thần chào Đức Maria: “Vui lên, hỡi người đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Thường chào ai, người ta sẽ nêu tên người ấy chứ, ở đây chỉ ở câu sau, khi Đức Maria bối rối, thiên thần mới nhắc đến tên của Mẹ: “Hỡi Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa v.v…” (Lc 1,30). “Đầy ơn phúc” được thiên thần dùng để chào như tên riêng của Mẹ vậy.
Và nếu Đức Mẹ “đầy ơn phúc”, mỗi người chúng ta và đặc biệt giáo xứ Đưng K’Nớ có cảm nhận mình cũng như vậy, dựa theo lời thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Corinthô không: “Tôi có là gì, cũng là nhờ Ơn Thiên Chúa” (1 C 15,10).
III. SỨ ĐIỆP TỪ LỜI CHÚA
1. Đức Mẹ đã đáp lại lời chào “đầy ơn phúc” thế nào? Mẹ bối rối, đặt câu hỏi, nhưng rồi rất nhanh chóng Mẹ đã ngoan ngoãn vâng phục Ý Chúa, dâng hiến trái tim và chính bản thân mình: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa (ecce), tôi xin vâng như lời sứ thần truyền (fiat)”.
2. Không khác gì thái độ của Đức Kitô khi nhập thể vào trần gian: “Lạy Thiên Chúa, này con xin đến, để thực thi Ý Ngài” (Hr 10,5-7). Hai thái độ rất biểu trưng và rất đáng noi theo: Ecce (Này tôi), Fiat (xin vâng); Này tôi đây, tôi xin vâng; một thái độ khiêm nhường vâng phục, và một thái độ nhiệt thành dấn thân.
II. ÁP DỤNG
– Noi gương Đức Mẹ, một cha tân quản xứ mà nhiệt thành dấn thân, mục vụ sẽ thế nào? Thiết nghĩ sẽ là “yêu thương – chăm sóc – thăm viếng – và biết con chiên mình” theo gương Đức Kitô Mục Tử tốt lành như được mô tả trong Phúc Âm Gioan 10: “Tôi là Mục Tử tốt lành. Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi, và Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14-15).
– Để biết chiên, người chăn chiên thật sẽ biết dành nhiều thời gian cho sự thăm viếng, nhưng trước hết là viếng Thánh Thể, rồi thăm gia đình giáo dân.
a. Trước hết, viếng Thánh Thể
– Chúng ta ai cũng biết Thánh Thể là nguồn mạch mọi ân sủng, là lương thực dồi dào cho linh mục. Mỗi ngày dành ra năm mười phút chầu Thánh Thể thì quý báu hơn bỏ ra hằng giờ để giải trí bằng bất cứ thứ gì khác.
– Mỗi ngày dành ít phút lần chuỗi mân côi kính Đức Mẹ.
– Thánh Thể, Tràng chuỗi Mân côi sẽ là nguồn ân sủng cho linh mục tìm ra được sức mạnh để hướng dẫn và lãnh đạo dân Chúa.
b. Thứ đến, thăm viếng mục vụ
– Là người khéo chăm sóc và lãnh đạo, linh mục biết lên kế hoạch thăm viếng giáo dân mà không làm phiền hà họ, trái lại đem tình thương đến. Một vài cha sở ít biết chiên mình. Có bao nhiêu con chiên không đến nhà thờ ngài cũng không biết, vì không quan tâm, không đi thăm.
– Bối cảnh truyền giáo bây giờ, sau Vatican II và nhất là với ĐTC Phanxicô, là phải đi đến với muôn dân. Linh mục không phải cứ ngồi ở nhà thờ đợi con chiên đến, nhưng phải đi ra khỏi nhà thờ, đến với giáo dân, đem ánh sáng lời Chúa mà các ngài đã cảm nghiệm, đã sống mà chiếu soi cho giáo dân của mình.
– Đi thăm giáo dân là công việc của một mục tử, nên được gọi là “thăm viếng mục vụ”. Nó rất có ý nghĩa và làm cho tình cảm cha con trong giáo xứ thêm khắng khít.
– Nhưng tránh lui tới chỉ vài gia đình thế giá giàu có. Giáo dân rất tế nhị trong cách đối xử với mục tử của mình thì linh mục cũng phải tế nhị trong cách giao thiệp, làm sao cho được chan hòa với hết mọi giáo dân trong giáo xứ của mình, nhất là những gia đình ít điều kiện hơn.
– Sáng nay tôi mới nhận được cuốn sách tựa đề “Diện mạo đang thay đổi của các sứ vụ truyền giáo trên thế giới”, mới xuất bản quí III/2022, tác giả Jonathan Bonk khẳng định: “Bài kiểm tra thực sự chứng thực cho sự tiến bộ trong việc truyền giáo chính là kiểm chứng xem chúng ta yêu mến Chúa và tha nhân như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là phù phiếm, và thậm chí là mớ bòng bong tiềm ẩn nguy cơ. Nó che mờ con mắt, khiến chúng ta không còn trông thấy rõ như Chúa nhìn” (tr. 21).
– Một vài gợi ý để chúng ta thêm cầu nguyện, cảm thông và yêu thương cha tân quản xứ của chúng ta với những nghĩa vụ rất cao cả, nhưng cũng là nhiêu khê và vất vả, nếu tận tình.
V. KẾT
– Tiếp theo đây, sẽ là nghi lễ diễn nghĩa những chức vụ được trao cho linh mục quản xứ. Ngài sẽ nhận sứ vụ lãnh đạo hướng dẫn khi đến ngồi tại ghế chủ sự, sứ vụ hòa giải tha thứ khi ngồi Tòa giải tội, sứ vụ quy tụ dân Chúa khi kéo chuông, sứ vụ làm cho Chúa Giêsu Thánh Thể luôn hiện diện và đồng hành trong cuộc sống của mọi người khi mở cửa Nhà Tạm và cùng Dân Chúa thờ lạy…
– Ở mỗi điểm này chúng ta vỗ tay không để hoan nghênh cá nhân người linh mục, mà để bảy tỏ sự hiệp thông, chia sẻ gánh nặng với ngài.
– Nếu phải thêm thắt, tôi sẽ thêm thắt điều gì? Thưa sự cộng tác chân thành và nghiêm chỉnh của giáo dân. Một thí dụ đơn giản: việc kéo chuông. Trong nghi thức hôm nay cha tân quản xứ sẽ kéo chuông với ý chỉ nhiệm vụ qui tụ dân Chúa. Thế nhưng trong thực tế có những người cộng tác chân thành đã nhận kéo chuông giúp cha xứ không chỉ một ngày một tháng, mà một năm, mười năm, hai mươi năm. Một ngày một tháng thì không khó, nhưng một năm thì khó, mười năm, hai mươi năm thì cực kỳ khó và cũng cực kỳ quí giá. Bởi nếu lễ 05g00 sáng, chuông nhất 04g30, thì ông phải thức dậy 04g00 sáng, không chỉ một ngày mà một năm, mười năm, hai mươi năm. Không quí hóa sao được!! Phúc cho linh mục quản xứ nào có được bên cạnh mình những cộng sự viên yêu thương, cộng tác và trung thành như vậy. Bởi cùng với họ, linh mục cảm nhận và biểu lộ được một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ.
– Chúng ta hãy đi vào nghi lễ và sốt sắng cầu nguyện cho cha Tân quản xứ Bartôlômêô,