LỄ TRUYỀN TIN 2022
Gx Kala làm phép Đền NVCTTĐVN – 09g30 thứ sáu 25/03/2022
I. DẪN
· “Chỉ có Tình Yêu mới đáng tin cậy”, đó là khẳng định của ĐHY Von Balthasar qua tựa đề một cuốn sách của ngài. Và nếu “chỉ có Tình Yêu mới đáng tin cậy”, thì xuyên suốt cả ba bài đọc lời Chúa vừa nghe, chúng ta có thấy quả thật chính Thiên Chúa là Tình Yêu và Đức Maria là “Tình yêu được đón nhận, Tình yêu đáp trả và Tình yêu được chia sẻ” không? Và như vậy, ba bài đọc có soi sáng cho lễ Truyền Tin và có khiến cho việc làm phép Đền Nữ Vương các Thánh Tử đạo Việt Nam hôm nay trở nên hết sức dễ thương không?
II. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
· Trước hết, bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Isaia mặc khải Tình yêu lớn lao đi bước trước của Đức Chúa, có liên quan đến một trinh nữ mang thai, sinh hạ. Lời của Đức Chúa nói với vua Akhaz: “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi một dấu: Này đây người trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen” (Is 7,14).
· Bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Do Thái nói đến tình yêu dâng hiến của Đức Giêsu và tóm tắt thật cảm động: “Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Hr 10,10).
· Cuối cùng, hoạt cảnh Truyền Tin được thuật lại trong bài Phúc Âm theo thánh Luca quá đẹp, quá súc tích và là nền tảng, nguồn suối của điều chúng ta nói ngay ở đầu: Đức Maria là Tình yêu được đón nhận, Tình yêu đáp trả, và Tình yêu được sẻ chia. Nói cách khác, Mẹ đã biết đón nhận Tình yêu Chúa, đáp trả Tình yêu ấy và chia sẻ Tình yêu Chúa cho mọi người.
III. ĐỨC MARIA, TÌNH YÊU ĐƯỢC ĐÓN NHẬN, ĐÁP TRẢ VÀ SẺ CHIA
3.1. Đức Maria, Tình yêu được đón nhận:
· Trước hết, lời chào của sứ thần Gabrien và lời cắt nghĩa sau đó của ngài mặc khải cho thấy Đức Maria là Tình yêu được đón nhận cách trọn vẹn và tuyệt hảo nhất: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”, hay theo một bản dịch khác: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). “Đầy ơn phúc” hay “đầy ân sủng”, thì Mẹ cũng là người quá sức được yêu và là người đầu tiên được tràn đầy ơn cứu độ. Mẹ là chính bình minh của Hội Thánh.
· “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31). Đây là mầu nhiệm Nhập Thể cao cả. Con của Chúa Cha ở trên trời tìm thấy ở dưới đất, nơi Đức Maria, một cung lòng xứng đáng với Ngài. Và qua lời “xin vâng”, Đức Maria trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể (Lưu ý: “Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể”, chứ không bao giờ và cũng không thể là “Mẹ của Chúa Cha”). – Trong 9 tháng 10 ngày tiếp sau ngày Truyền Tin, Mẹ là thụ tạo duy nhất sống kinh nghiệm cưu mang Đức Giêsu trong cung lòng mình trên bình diện thể lý, trong xác thịt cụ thể. Hội Thánh cũng được kêu mời trở nên “cung lòng” trao tặng Chúa Giêsu cho thế giới.
3.2. Đức Maria là Tình yêu đáp trả:
Còn Tình yêu đáp trả và Tình yêu chia sẻ thì sao? Chúng ta sẽ đọc được ở những đoạn khác của Tin Mừng mà ở đây hôm nay chúng ta chỉ có thể liệt kê cách tóm tắt. Thí dụ “Tình yêu đáp trả” qua 4 lời Tin Mừng sau:
· “Em thật có phúc vì đã tin” (Lc 1,45). Mẹ đáp trả Tình yêu Chúa bằng TIN.
· “Đức Giêsu hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51), hàm ý Mẹ dạy dỗ Đức Giêsu. Mẹ đáp trả bằng cách chăm sóc, yêu thương và hằng quan tâm phục vụ Chúa Giêsu.
· “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46). Bài ca Magnificat cho thấy Mẹ đáp trả cách trọn vẹn lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia bằng hớn hở vui mừng, bằng ngợi khen, bằng công bố lòng thương xót Chúa từ nay và cho hết mọi thời.
· “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có Mẹ Người” (Ga 19,25). Mẹ đã kết hợp với Con mình trong cuộc Khổ Nạn và cái chết cho nhân loại. Một lưỡi gươm đã đâm thấu tâm hồn Mẹ, nhưng Mẹ vẫn đứng vững. Chúng ta lưu ý chữ “đứng”. Trong giây phút hệ trọng nhất của cuộc đời Đức Giêsu, Mẹ đã có mặt, đã đứng bên, và hiệp thông trong sự dâng hiến. Tình yêu đáp trả Tình yêu, và đáp trả theo cung điệu của lời “xin vâng”, FIAT.
3.3. Còn Tình yêu được chia sẻ, Phúc Âm ghi lại gì?
· Tại Ain Kharim, “Trong những ngày ấy, Maria vội vã lên đường, đến miền núi. Bà vào nhà ông Giacaria và chào hỏi bà Êlisabeth” (Lc 1,39-40). Và chúng ta biết tình yêu Mẹ chia sẻ đã khiến không những bà Êlisabeth thốt lên một tiếng lớn mà cả Gioan trong bụng mẹ cũng “vui sướng nhảy mừng” (Lc 1,42.44).
· Còn tại Bêlem, “Đến nơi, các mục đồng gặp bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Ngày nay cũng thế, tại La Vang, Mẹ đem Chúa Giêsu cho người nghèo.
· Tại Cana, “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Và “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Mẹ chia sẻ niềm vui, và cũng chia sẻ lo lắng, chia sẻ cả niềm hy vọng.
· Và cuối cùng, “Đây là con bà; đây là Mẹ của anh. Và từ giờ đó, môn đệ ruớc bà về nhà mình” (Ga 19,26-27). Đứng bên thập giá, đón nhận Gioan và người trộm lành, Mẹ đón nhận vai trò làm Mẹ của lòng thương xót, của tình yêu chăm sóc và lo lắng cho toàn thể nhân loại.
IV. Đ.MARIA, NỮ VƯƠNG CÁC TTĐVN
– Trong văn mạch của những đoạn lời Chúa như trên, chúng ta hiểu tại sao các Thánh Tử Đạo Việt Nam lại có lòng sùng kính Mẹ khăng khăng, không rời, hết tình và đến tận giây phút hiến mạng sống mình.
– Ông Năm Thuông quê Gò Thị Qui Nhơn mà tôi mới có dịp đến thăm tận nơi cách đây đúng 2 tuần, ngày nào cũng lần chuỗi Mân Côi và xây cả một nhà nguyện dâng kính Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ. – Ông Lý Mỹ, mỗi tối tập họp các phu tuần đọc 50 kinh Kính Mừng rồi mới chia phiên nhau đi canh gác. – Linh mục Frédérich Tế tự nhận là “con điên” của Đức Mẹ khi đứng ở bến cảng đợi tàu:
“Lạy Thánh Mẫu cao vời nhân ái,
Tấm lòng con điên dại đáng thương,
Ngày đêm nung nấu can trường,
Lòng bao la Mẹ, đâu phương đáp đền…
Giờ con gặp cảnh sầu thương,
Như thuyền neo bến trùng dương xa vời.”
· Có Mẹ, thì dù gặp cảnh sầu thương giữa biển khổ mênh mông, thuyền cũng đã như neo bến. Bởi vậy, bà thánh Inê Đê (Lê Thị Thành) tâm sự: “Nhờ ơn Đức Mẹ giúp sức, tôi không thấy đau đớn”.
· Từ trại giam ra pháp trường, hai linh mục Gia và Liêm đã hát vang kinh Lạy Nữ Vương “Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống được vui được cậy…Xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Mẹ…”.
· Các ngài tin tưởng rằng hy tế cuộc đời của các ngài cần có Mẹ để dâng lên Thiên Chúa, như lời Cha Venard Ven: “Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé, như trái nho chín được hái, như bông hồng nở được ngắt về dâng kính trên bàn thờ. Ave Maria”.
V. KẾT
· Để kết, chúng ta hãy noi gương Mẹ, hãy theo chân Mẹ để tiếp bước trên con đường là “tình yêu được đón nhận, tình yêu đáp trả, và tình yêu được sẻ chia”.
· Đền Nữ Vương các Thánh Tử đạo Việt Nam tại Kala đây ước gì là nơi mọi người đều có thể đến để chiêm ngắm Mẹ, để được đón nhận tình yêu, để trở thành tình yêu biết đáp trả, sẻ chia, và được Chúa trả công.
· Chúng ta hãy kết bằng một tâm tình hết sức đơn sơ của một thi sĩ người Pháp mang tên Paul Claudel:
“Lạy Mẹ Chúa Giêsu,
thấy giáo đường mở, con vào.
Con không vào để cầu nguyện
vì con không có gì để dâng lên Mẹ
mà cũng chẳng xin Mẹ điều gì.
Con đến chỉ để ngắm nhìn Mẹ thôi, ôi lạy Mẹ.
Ngắm nhìn Mẹ và khóc lên vì hạnh phúc.
Con không nói gì cả,
con chỉ ngắm nhìn dung nhan Mẹ,
để tim con hát vang lên trong ngôn ngữ riêng của nó.
Con không nói gì, chỉ hát thôi,
bởi trái tim con đang tràn ngập tâm tình”.
============================================================
Gx. Kala: Thánh Lễ Tạ Ơn – Làm Phép Đền Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.