THÁNH LỄ TẠ ƠN
Hội Nghị Tiền Thượng Hội Đồng Giáo phận
TGM – thứ hai 08/08/2022
- DẪN
Chúng ta mới lắng nghe ba bài đọc trích trong sách Ezêkien 1, Công vụ 2, và Mt 17,21-26. Ba bài đọc như trong thế liên hoàn lần lượt giúp chúng ta cảm nhận được lời Chúa trong bối cảnh lễ thánh Đaminh và Giáo phận cử hành ngày Hội Nghị Tiền Thượng Hội Đồng Giáo phận.
- BÀI ĐỌC 1
- Trước hết, bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Êzêkien ghi lại: “Tay Đức Chúa đặt trên tôi” (Ez 1,3). Ezêkien đi vào cơn xuất thần, choáng váng bởi một lô những hình ảnh rất đậm nét đi kèm với những lời Đức Chúa phán. Ông thị kiến thấy một cơn gió bão, đám mây lớn, lửa lóe ra, ánh sáng chiếu tỏa, rồi “cái gì tựa như bốn sinh vật”, đến “cái gì tựa như cái ngai”, và “trên cái gì tựa như cái ngai đó, có cái trông như hình dáng một người”, đầy ánh sáng, “trông tựa vinh quang Thiên Chúa”. “Vừa trông thấy, tôi liền sấp mặt xuống”. Kiểu nói “tựa như, giống như” là kiểu diễn tả của loại văn khải huyền.
- Thị kiến phức tạp, nhưng ý nghĩa đơn giản thế này: Ezêkien đã được thị kiến thấy Đức Chúa ngay trên đất lưu đày ông đang ở. Đức Chúa đã rời khỏi đền thờ của Người ở Giêrusalem để đến Babylon với dân lưu đày và sống giữa họ. Vô cùng ngọt ngào tình yêu của Đức Chúa với dân Người, trung tín cả khi họ đã bị lưu đày.
- BÀI PHÚC ÂM
- Với bài Phúc Âm Matthêu, Thiên Chúa yêu thương không chỉ đến hiện diện với con người, mà còn mặc xác thân con người, “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, hạ mình vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).
- “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa đã sống thích nghi, vâng phục, theo đúng qui luật của “Nhập thể làm người”. Là người Do Thái dưới thời đế quốc Roma bảo hộ, Đức Giêsu đã “đi” đăng ký trong một cuộc tổng kiểm tra dân số trên toàn đế quốc, đã đóng thuế cho đế quốc. Và dĩ nhiên là người Do Thái, Ngài cũng đã tuân phục lề luật của Do Thái giáo: Ngài chịu phép cắt bì, được dâng vào đền thờ, đến nguyện đường ngày sabbat, ăn chay. Và hôm nay, ta thấy Ngài đóng thuế đền thờ : “Con hãy ra biển thả câu, bắt được con cá nào đầu tiên, hãy mở miệng nó ra, thấy có đồng tiền bốn quan, con hãy lấy đóng thuế cho Thầy và cho con”.
- Chúng ta biết thuế đền thờ, gọi là thuế hai dramach, tương đương với hai ngày công thời bấy giờ. Mỗi năm một lần, mỗi nam công dân Do Thái phải đóng hai dramach để chi phí việc thờ phượng. Thuế này thu khoảng 15 ngày trước lễ Vượt Qua.
- “Con hãy nộp thuế cho Thầy và cho con”. Luật của nhập thể là luật của vâng phục, và Đức Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ngài đã tiên báo cái chết của Ngài đến lần thứ hai.
- Chúng ta cũng lưu ý phần đối đáp giữa Đức Giêsu và Phêrô: “Vua chúa trần gian thu thuế con cái hay người ngoài ? – Thưa người ngoài. – Nếu thu thuế người ngoài, thì con cái được miễn”. “Con cái được miễn” nghĩa là gì, nếu không ngậm ý nói Ngài là Con Thiên Chúa. Như vậy đây là một mạc khải về tư cách làm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu ; nhưng lại mạc khải một cách kín đáo, trong tư thế khiêm hạ, vâng phục. Là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu vẫn tự nguyện đóng thuế, vẫn vâng phục và là vâng phục cho đến chết. Vì lẽ nào ? Vì yêu mến. Yêu mến Chúa Cha, Ngài chấp nhận liều mình trong tay Cha: “Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, ấy là vì Ta thí mạng sống Ta”.
- BÀI ĐỌC 2
- Tình yêu hiến mạng này của Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, và rực chiếu ánh sáng trong một nếp sống yêu thương quên mình như được mô tả trong bài đọc 2 trích Sách Tông đồ Công Vụ: “Khi ấy, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”; – “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”.
- Chúng ta thấy: một lối sống hiệp hành ngay trong cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi, được Chúa chúc lành và ban cho mỗi ngày cứ có thêm những người được cứu độ.
- THÁNH ĐAMINH
- Với thánh Đaminh, được Chúa ban cho đặc sủng giảng thuyết, không những ngài quyết định cho Dòng giảng thuyết của ngài “sống chung, cầu nguyện chung và đi giảng thuyết chung với nhau”, mà một điều đáng lưu ý trong phong cách giảng thuyết của ngài, đó là ngài luôn đặt mình trong lòng Giáo Hội, trong sự hiệp thông thực sự với Giáo Hội của Chúa Kitô.
- Một hôm, thánh Đaminh đang ở Rôma và cầu nguyện tại đền thờ thánh Phêrô trước khi trình Đức Thánh Cha xin phê chuẩn Dòng giảng thuyết của ngài, ngài thị kiến thấy hai thánh Phêrô và Phaolô. Thánh Phêrô trao cho ngài một cây gậy, còn thánh Phaolô thì trao cuốn sách. Rồi hai vị cùng nói: ‘Hãy đi và rao giảng, vì Thiên Chúa đã chọn con thi hành sứ vụ này’. Trong khoảnh khắc, Đaminh như nhìn thấy đoàn con cái mình tản mác khắp thế giới, từng hai người một, rao giảng Lời Chúa cho muôn dân”. Quả thực, sau đó Dòng Giảng Thuyết của ngài đã được ĐTC chuẩn nhận ngay.
- Thị kiến này cho thấy thánh Đaminh liên kết với hai thánh Tông đồ chặt chẽ thế nào. Nhà giảng thuyết ra đi với gậy và sách, nhưng là gậy và sách nhận được từ tay hai cột trụ của Giáo Hội. Quả là “Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng” do chính Thiên Chúa và Hội Thánh sai đi. Với thánh Đaminh, không thể có một sự giảng thuyết nào khác với sự giảng thuyết trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Lòng yêu mến Đức Kitô của thánh Đaminh hoàn toàn không tách rời lòng yêu mến Giáo Hội, mà cụ thể là gắn bó với các vị chủ chăn, với giám mục giáo phận, giữa anh em với nhau, hướng đến mọi người, đặc biệt những người rối đạo, người nghèo, người không được ai quan tâm.
- Chúng ta thấp thoáng thấy phong cách hiệp hành nơi thánh Đaminh và trong Dòng anh em giảng thuyết của Ngài.
- KẾT
- Nhờ lời chuyển cầu của ngài, xin Chúa ban cho Giáo phận chúng ta tiếp tục hành trình Hiệp Hành trong lòng một Hội Thánh Hiệp Hành, để dưới ánh sáng lời Chúa và sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, chúng ta mãi mãi trung thành với đường lối hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ.
- Ngoài ra, theo gương thánh Đaminh, chúng ta cầm lấy Kinh Thánh, đọc trong bầu khí cầu nguyện (lectio divina), để lời Chúa giúp chúng ta phân định, thực hành. Từ thực hành dẫn đến rao giảng, rao giảng nhiệt thành theo gương thánh Phaolô: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa. Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ anh em, vì Đức Giêsu” (2 C 4,5). “Đức Giêsu Kitô, anh em tất cả, và tông đồ”: “Khung tuyến ba nhân vật” của mô hình hiệp hành (x. Tài liệu chuẩn bị, số 20).