LỄ DẦU 2023
NTCT
I. DẪN
Kính thưa cộng đoàn dân Chúa, xin cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục của anh chị em, hôm nay tưởng niệm ngày thụ phong.
II. CÁC BÀI ĐỌC: NGƯỜI ĐƯỢC XỨC DẦU
1. Những người được xức dầu
– Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Dầu, và các bài đọc nói với chúng ta về những người “được xức dầu”: ‘người tôi tớ của Đức Chúa’ trong bài đọc 1, ‘vua Đavit’ trong thánh vịnh đáp ca (Tv 88), và ‘Đức Giêsu’ trong bài Phúc Âm: “Thánh Thần của Đức Chúa ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu cho tôi”. Mẫu số chung cho cả ba là các ngài được xức dầu để được thánh hiến cho Chúa cách đặc biệt, và được sai đi phục vụ những người nghèo khó, các tù nhân, những người bị áp bức.
2. Với sứ mạng phục vụ
– Một hình ảnh rất đẹp nói lên sứ mạng phục vụ của người được xức dầu được mô tả trong thánh vịnh 133 như sau: “Như dầu quí đổ trên dầu, xuống râu xuống cổ áo chầu Aaron. Như sương từ đỉnh Khécmon, tỏa trên đồi núi Sion lan tràn” (Tv 133,2). Hình ảnh dầu được đổ trên đầu, chảy tràn xuống râu xuống cổ, xuống cả đến vạt áo chầu của ông Aaron là hình ảnh xức dầu cho vị tư tế, và qua ngài thấm tới tận “đồi núi Sion”, tới tận bờ cõi vũ trụ được tượng trưng qua tấm áo chầu tư tế ấy. Hình ảnh thật đẹp và sống động nữa.
3. Vẻ đẹp của phẩm phục tư tế
– Phẩm phục thánh của vị tư tế mang rất nhiều trang sức biểu tượng, và một trong những biểu tượng ấy là: tên 12 con cái Itraen được khắc trên những viên ngọc đính vào áo: 6 tên bên vai phải, 6 tên bên vai trái (x. Xh 28,6-14). Viên ngọc đeo ở ngực cũng khắc tên 12 chi tộc Itraen như vậy (Xh 28,21). Điều này có nghĩa là vị tư tế, khi hành lễ,mang trên vai dân Chúa được ủy thác cho mình, và mang tên của họ trong trái tim mình. Các tư tế chúng ta khi mặc chiếc áo lễ khiêm hạ, chúng ta cảm nhận như mang trên vai và trong tâm hồn sứcnặng và khuôn mặt các tín hữu và cộng đoàn hiệp thông các thánh của chúng ta.
– Vẻ đẹp của phẩm phục phụng vụ không chỉ ở những trang sức mỹ thuật sang trọng, mà những trang sức ấy diễn tả vinh quang của Thiên Chúa tỏa rạng trên dân Người.
4. Hoạt động của tư tế
– Từ vẻ đẹp ấy, chúng ta nhìn đến hoạt động. Dầu quí được xức trên đầu ông Aaron không chỉ làm thơm tho cho bản thân ông, mà còn chảy tràn tới khu vực chung quanh. Bài đọc 1 trích sách Isaia sẽ nói rõ: “những khu vực chung quanh” đó, là những người nghèo, người tâm hồn tan nát, bệnh nhân, phiền muộn, lẻ loi, lưu đày, di dân, những nạn nhân của bạo lực…Việc xức dầu không phải để thơm riêng cho bản thân cá nhân người được xức dầu, mà để chảy tràn xuống cho những người cần.
III. ÁP DỤNG: TƯ TẾ CHÚNG TA…
1. Xức dầu cho dân
– Và người ta nhận ra vị tư tế tốt lành qua cách thức ngài xức dầu cho dân thế nào. Thí dụ một khi các tín hữu được xức cho “dầu thơm hoan lạc” như lời Isaia (Is 61,3) thì người ta sẽ nhận ra, chẳng hạn khi dự lễ xong ra về mà mặt mũi tươi vui bởi đã nhận được tin vui. Người tín hữu vui mừng khi Tin Mừng mà chúng ta loan báo đi vào đời sống hằng ngày của họ, khi bài giảng của chúng ta chảy tới tận vạt áo của những thực tế thường nhật, khi nó soi sáng cho những cảnh sống cùng cực, tăm tối, nghi nan, hoặc chí ít là những cảnh sống nhàm chán cần được khích lệ.
2. Vai trò trung gian
– Và một khi họ cảm thấy dầu thơm của Chúa Kitô, Đấng được xức dầu, chạm đến họ, tựa như người đàn bà loạn huyết đã chạm được gấu áo choàng của Đức Giêsu, thì họ sẽ được khích lệ phó thác cho chúng ta những gì họ muốn dâng lên Chúa. Đó chính là ý nghĩa của những lời họ “Xin Cha cầu nguyện cho con”; “Xin cha chúc lành cho con, con gặp vấn đề này, vấn đề này…”. Khi ấy, chúng ta quả là những tư tế, những người trung gian giữa Thiên Chúa và con người.
3. Biết phân định cho dân
– Cần luôn khơi dậy “dầu xức” và sự phân định trong mỗi lời khẩn xin của các tín hữu. Đôi khi những ý họ cầu xin không thích hợp, hoàn toàn vật chất, thậm chí vụ lợi, tầm thường. Thế nhưng, đó chỉ là bề ngoài như thế. Vì thực sự ước muốn của họ là mong nhận được sự xức dầu và họ biết chúng ta có dầu xức ấy. Giai thoại người đàn bà loạn huyết chạm tay đến vạt áo choàng của Đức Giêsu để lộ đúng ý nghĩa này. Ý nghĩa vẻ đẹp của Aaron mặc phẩm phục tư tế với dầu chảy xuống tận vạt áo choàng của ông, đó là một vẻ đẹp thầm kín, chỉ chiếu tỏa trước những con mắt đầy đức tin của người đàn bà bị bệnh loạn huyết. Chính các môn đệ, tuy là tư tế tương lai, cũng không thấy được, không hiểu được, nhưng Đức Giêsu thì Ngài cảm nhận sức mạnh thần linh của dầu xức từ trong Ngài chảy tràn xuống đến tận vạt áo choàng của Ngài.
4. Được xức dầu là để “đi ra ngoài”
– Chính như thế mà các tư tế chúng ta cần “đi ra ngoài”để cảm nghiệm năng lực, hoạt động, và hiệu quả cứu độ của dầu xức tư tế chúng ta đã lãnh nhận ngày thụ phong;đến những nơi có đau khổ, những nơi sách Isaia, Phúc Âm Luca, hoặc Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô liệt kê mà chúng ta thuộc lòng khi hát: nơi oán thù, nơi lăng nhục, nơi tranh chấp, chốn lỗi lầm, nơi nghi nan, nơi thất vọng, nơi tối tăm, chốn ưu sầu…
– Chúng ta được mời gọi “đi ra ngoài” để trao ban Tin Mừng cho chính bản thân mình và cho tha nhân, trao dầu xức cho những ai không có. Ai không ra khỏi mình, thì thay vì là người trung gian chuyển giao ơn thánh, người ấy dần dần sẽ trở thành người quản trị, giữ dầu đó mà không ban phát, và bởi vậy không nhận được lời cảm ơn cùng với lòng quí mến. Từ đó, nảy sinh tình trạng khô cằn, khó tính, thiếu niềm vui và nhất là “thiếu mùi chiên” mà ĐTC Phanxicô hay nhắc đến. Thế đó cái mà người ta gọi là “khủng hoảng căn tính linh mục”. Chúng ta xác tín: cái căn bản, cái đáng kể là sự xức dầu, chứ không phải chức năng–nhiệm vụ–công việc, sự xức dầu để phục vụ những người nghèo khó mà chúng ta đã được nhận lãnh ngày thụ phong. Không phục vụ, sẽ dễ dàng mất căn tính.
IV. KẾT
– Tin tưởng phó thác vào Chúa, Đấng đã xức dầu cho chúng ta, chúng ta tiếp tục phục vụ, tiếp tục thả lưới. Lưới sẽ đầy cá như Ngài bảo đảm: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo… Và đây những dấu lạ sẽ đi theo những người tin…” Và Phúc Âm Marcô viết tiếp để kết: “Các Tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).
– Điều ấn tượng cho chúng ta là“Các Tông đồ đã ra đi”, để chúng ta hôm nay tiếp bước các ngài, như ĐTC Phanxicô khích lệ: ra đi đến “những vùng ngoại biên”.
– Giờ đây, cộng đoàn chúng ta cầu nguyện cách riêng cho các linh mục trong gia đình Giáo phận. Xin cho các ngài biết chăm chú nhìn lên Đức Giêsu, và được ơn trung thành với nhiệm vụ phục vụ, đi đến tận vùng ngoại biên, mà các ngài sẽ tuyên bố qua việc lặp lại lời hứa ngày chịu chức linh mục.