LỄ NHẬM XỨ
Gx Lạc Nghiệp (Cha G.Lê Anh Tuấn) – 09g30, 04/01/2022
I. DẪN
– Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Kitô Vua, Bổn mạng giáo xứ. Các bài đọc rất thích hợp để soi sáng người tín hữu biết cách sống trong Nước Chúa, đồng thời cũng định hướng cho cha Tân quản xứ Giuse ngay từ giây phút đầu tiên nhậm xứ biết thế nào là phục vụ theo tinh thần Vua Giêsu.
– Xu hướng chính trị của thế giới hiện đại là xu hướng dân chủ, chứ không phải vua chúa, quân chủ. – Tại Việt Nam, việc vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị vào tháng 8.1945, sau đó lưu vong sang Pháp và chết tại Paris năm 1997 đã hoàn toàn chấm dứt triều đại vua chúa cả ngàn năm tại Việt Nam.
– Vậy tại sao Phụng vụ còn có lễ Kitô vua ? Thưa bởi vì tuy dè dặt với tước hiệu “vua”, nhưng cuối cùng Chúa Giêsu đã có lúc công khai tuyên bố : “Tôi là vua”. Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là vua, và tôi sinh ra là để làm chứng cho sự thật”. Sự thật nào ? Sự thật về “bản thân” vua và cách thức làm vua của Ngài.
II. LỜI CHÚA
– Ba bài đọc hôm nay cho thấy vua Giêsu là thế nào (2 Sm 5,1-3; Cl 1,12-20; Lc 23,35-43).
1) Trước hết bài đọc 1 trích 2 Sm 5,1-3 thuật lại việc Đavit lên làm vua Itraen, vị vua với dung mạo mục tử.
– Đavit lúc ấy mới chỉ là vua chi tộc Giuđa. Các chi tộc khác ở phía Bắc vẫn chưa công nhận vương quyền của ông. Nhưng thất vọng với nhà Saul cứ tranh quyền sát hại nhau, họ liền đến Hêbron yết kiến và xin qui phục vương quyền của Đavit. Chúng ta lưu ý những lý lẽ họ đưa ra: “cùng cốt nhục; từng là tướng trong triều Saul, vua chúng tôi; đã được Thiên Chúa chọn để chăn dắt dân Người”. Những lời lẽ này cho thấy những đòi hỏi tiên quyết của một vị vua Itraen: phải cốt nhục với đồng bào; phải vào sinh ra tử cho Đất Nước; và nhất là phải được Thiên Chúa chọn. Đavit hội đủ những điều kiện ấy, và ông đã được xức dầu tấn phong làm vua.
– Quả thật, Đavit xuất thân là mục tử chăn chiên, được Đức Chúa xức dầu tuyển chọn, và được mô tả là nhân ái, đạo đức, đầy can đảm, đã bao phen không nề hà vào sinh ra tử cho sự an nguy và hạnh phúc của dân tộc, đã dám xung phong đối đầu với tên khổng lồ Gôliat. Người ta lại không thấy ông hống hách, bạo quyền.
2) Chúa Giêsu “con vua Đavit” làm vua thế nào?
– Suốt đời, Chúa Giêsu không có vẻ gì là một ông vua. Ngài còn từ chối khi dân muốn tôn phong Ngài sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Nhưng bỗng Ngài bất ngờ thay đổi. Hôm vào Giêrusalem, Ngài muốn tỏ ra mình là một ông vua thái hòa. Ngài cỡi lừa và để người ta lấy lá, lấy áo lót đường, tung hô Ngài là con vua Đavit, Vua Itraen. Thế rồi, Ngài bị bắt, bị trói, bị nộp ra trước tòa. Chính ở đây, Ngài lại tự nhận mình là vua.
– Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại Đức Giêsu bấy giờ đã bị đóng đinh trên thập giá ở giữa hai tên gian phi. – Dân chúng đứng nhìn. – Các đầu mục thì nhạo báng rằng: nó đã cứu được người khác thì hãy cứu lấy mình nếu nó là Đức Kitô. Vì hẹp hòi và xấu bụng, họ đã muốn cho Đức Giêsu cũng ích kỷ như họ, trước hết chỉ lo cho bản thân mình. – Lính tráng, những người Rôma cai trị, không thể cao thượng hơn: họ cũng muốn nếu Ngài là vua Do Thái thì phải tự cứu lấy mình. – Một trong hai kẻ gian phi cũng hùa theo mắng nhiếc: “Phải chăng mày là Kitô, hãy cứu lấy mình và chúng ta với”. Quả là lời thách thức ghê tởm, phản ánh luận lý khôn ngoan của người đời: nghĩ đến mình trước rồi mới nghĩ đến người khác. Thế nhưng, đó không phải là tiếng nói cuối cùng. – Kẻ gian phi bị treo phía bên kia đã lên tiếng: “Mày không kính sợ Thiên Chúa sao, ngay lúc mày cũng mắc đồng một án?”, nghĩa là đây là lúc để nhớ đến Thiên Chúa và kính sợ Người, lúc người ta gặp hoạn nạn, đau thương và nhất là sắp chết. Không được lăng mạ, nói lời hư hốt nữa. Phải biết nhận lỗi mình và xin ơn tha thứ. Và người ấy nói tiếp: “Chúng ta đáng tội, nhưng Ngài không hề làm gì trái”. Người này đã có giờ quan sát Chúa Giêsu trên đường thập giá “không thấy làm gì trái”, và nãy giờ nghe những lời thật đáng suy nghĩ: tất cả đều đã mở miệng bằng những câu: nếu là Kitô, nếu là Đấng Thiên Chúa chọn, nếu là vua Do Thái…và đều nói đến việc cứu giúp. Đáp lại lời người ấy tin tưởng van xin “hãy nhớ đến tôi, khi Ngài đến trong Nước của Ngài” là khẳng định của Chúa Giêsu “Quả thật, Tôi bảo anh, hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng làm một với tôi” (Lc 23,43). Đúng phong cách vua, và là vua quảng đại hào phóng. Anh ta chỉ xin Ngài nhớ đến anh, nhưng Ngài đã cho anh “ở làm một” với Ngài. Anh chẳng rõ nước Ngài là gì, Ngài đã cho biết đó là “Thiên Đàng”, nơi người công chính hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.
3) Đấy, Chúa Giêsu là vua trên thánh giá, tức là trong hành vi trở thành của lễ đền tội mọi người, trong tư thế “thí mạng vì đàn chiên”. Trên thánh giá, Chúa Giêsu không những là vua mục tử hơn Đavit mà còn là vua cứu độ, là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa sẽ thống trị cả địa cầu, như bài đọc 2 trích thư Colosê: “Thánh Tử là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo…cũng là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại…Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,15.18.20).
– Trong khi luận lý của người đời là ích kỷ và vinh thân, nghĩ đến mình trước rồi mới đến người khác, thì luận lý của Chúa Giêsu hiện tỏ trên thập giá: “Mục tử tốt thí mạng vì đàn chiên” (Ga 10,11.15). Và bảng hiệu VUA gắn trên thập giá mang ý nghĩa như lời Kinh Tiền Tụng khẳng định: “Vua của một vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an”.
III. BÀI HỌC ÁP DỤNG
– Chúng ta phải nói gì trong ngày cha Giuse nhậm xứ Lạc Nghiệp hôm nay?
1) Chúa Giêsu là Vua cả vũ trụ, nhưng sẽ chẳng ý nghĩa gì nếu không là “vua của chính tôi”. Bởi vậy, điều cần là mỗi người phải khơi thắm lại mối thân tình với Chúa. Từ tương quan vua-tôi, Chúa Giêsu đã âu yếm nâng tầm: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). – ĐTC Phanxicô nhắc nhở: “Chính Chúa Giêsu chọn chúng ta để phục vụ. Hãy gắn bó, gặp gỡ cá nhân với Ngài hằng ngày. Tôi tha thiết mời tất cả các linh mục hãy cắm neo cuộc đời mình nơi tình bạn với Chúa Giêsu”.
– Người linh mục không thể tránh khỏi những lúc mệt nhọc. Nhưng đừng bao giờ quên rằng chìa khóa cho sứ vụ linh mục nằm ở chỗ chúng ta nghỉ ngơi như thế nào. Chúng ta cần học nghỉ ngơi trong vòng tay của Vua chúng ta, Giêsu Mục Tử nhân lành. – Mỗi ngày dành ra năm mười phút chầu Thánh Thể thì quý báu hơn bỏ ra hằng nửa ngày để giải trí bằng games vi tính hay bất cứ thứ gì. Chính từ nguồn Thánh Thể mà linh mục tìm ra được sức mạnh để hướng dẫn và lãnh đạo dân Chúa. Một linh mục thiếu vắng Thánh Thể sẽ tư lợi, sẽ nghĩ nhiều đến sự hưởng thụ bản thân mà không bồi dưỡng đào sâu tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống.
2) Tiếp đến, người linh mục đi vào đường lối “thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” của Vua Giêsu, bằng một đời sống bình dị, gần gũi. Đời sống bình dị của một linh mục làm cho người ta nhận ra khuôn mặt khả ái của Chúa Kitô.
– Có nhiều linh mục sống bình dị. Các ngài tâm niệm rằng mình được sai đến họ đạo là vì phần rỗi của giáo dân chứ không vì cá nhân mình. Nên các ngài hết sức phục vụ giáo dân và ưu tiên cho công việc mục vụ. Vì thế, đời sống của các ngài bình dị, không cầu kỳ kiểu cách. Giáo dân cần, là linh mục có thể đi ngay đến với họ. Cuộc sống bình dị này làm cho người linh mục gần gũi thân tình với giáo dân hơn, phá bỏ quan niệm các cha là bậc cao sang, cách biệt. Thường giáo dân không coi thường linh mục, mà chính linh mục làm cho họ coi thường mình bằng đời sống buông lỏng, không xứng hợp với chức vụ thánh mà Thiên Chúa đã trao phó cho các ngài.
– Sống bình dị trong cách ăn mặc là biểu hiện một tâm hồn đơn sơ rộng rãi, không cố chấp. Sống bình dị trong cách ăn uống là biểu hiện một tâm hồn đạo đức, hy sinh, và vui tươi.
– Có những linh mục rất bình dị trong cuộc sống, không đòi phải có người phục vụ, cũng không đòi mọi người phải quan tâm đến mình. Và vì sống bình dị, đi đâu các ngài cũng được thương mến, và trong nhà xứ đầy ắp tiếng cười vui vẻ của giáo dân; trong nhà thờ giáo dân sốt sắng nghe ngài giảng dạy giáo huấn…
KẾT
– Tiếp theo đây, sẽ là nghi lễ diễn nghĩa những chức vụ được trao cho linh mục quản xứ. Ngài sẽ nhận sứ vụ lãnh đạo khi đến ngồi tại ghế chủ sự, sứ vụ hòa giải tha thứ khi ngồi Tòa giải tội, sứ vụ quy tụ dân Chúa khi kéo chuông, sứ vụ làm cho Chúa Giêsu Thánh Thể luôn hiện diện và đồng hành trong cuộc sống của mọi người khi mở cửa Nhà Tạm và cùng Dân Chúa thờ lạy…
– Ở mỗi điểm này chúng ta vỗ tay không phải để hoan nghênh cá nhân ngài, mà để bảy tỏ sự hiệp thông với ngài trong việc ngài thi hành sứ vụ. Chúng ta hãy đi vào nghi lễ và sốt sắng cầu nguyện cho cha Tân quản xứ Giuse.