LỄ NHẬM XỨ ĐẠ R’SAL
09g30 sáng 05/07/2020 – Chúa nhật 14 A TN
1. DẪN
Chúng ta vừa lắng nghe ba bài đọc của Chúa nhật 14 A thường niên. Cả ba bài đọc (Za 9,9-10; 1 P 5,1-4; Mt 11,25-30) như đều phác họa cho chúng ta dung mạo của vị Thiên Chúa đến cách hiền lành-khiêm tốn, như một mục tử đến chăm sóc những con chiên của mình.
2. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
2.1. Bài đọc 1
– Trước hết, bài đọc I trích Za 9,9-10 giới thiệu vị Thiên Chúa đến cách hiền lành, khác hẳn hình ảnh của đại đế Alexandre lúc đó vào năm 333 TCN bách chiến bách thắng; bản thân ông oai phong lẫm liệt nhưng thần dân ông thì khiếp sợ. Đức Chúa được Zacaria loan báo khác hẳn: “Này thiếu nữ Xion, kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi…Người khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Người là vua hòa bình, chứ không phải vua chiến tranh. Người đến không phải để giết, mà để cứu độ”.
– Chúng ta biết hơn 300 năm sau hình ảnh “Đức Vua đang đến khiêm tốn ngồi trên lưng lừa này đã hoàn toàn ứng nghiệm và thể hiện nơi Đức Giêsu, khi Ngài long trọng tiến vào Giêrusalem “hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của lừa mẹ” (x. Mt 21,5).
2.2. Bài Phúc âm
– Và trong bài Phúc Âm hôm nay (Mt 11,25-30) Chúa Giêsu tự mô tả mình là “hiền lành, khiêm nhượng”, và mời gọi chúng ta đến với Ngài:
“Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề,
hãy đến cùng tôi.
Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Hãy mang lấy ách của tôi,
và hãy học với tôi,
vì tôi hiền hậu và khiêm nhượng trong lòng.
Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Vì ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng”.
(x. Lc 10,21-22; Còn thêm 23-24: “Phúc cho mắt anh em, vì…; Phúc cho tai anh em, vì…”).
– Chúa Giêsu còn sung sướng hoan lạc cho chúng ta biết rằng: yêu thương, ưu đãi người bé mọn cũng chính là tấm lòng, là đường lối của Chúa Cha.
– Đối với người Do Thái, “mang lấy ách của ai” là học với người ấy. Còn “gánh” là chỉ lề luật. Như vậy, Chúa Giêsu mời gọi mọi người: học lấy sự hiền lành-khiêm nhượng của Ngài, và đón nhận luật Ngài là luật yêu thương.
– Chúng ta học được không? Và có thấy bài học này thật ý nghĩa, và đặc biệt thích hợp cho cha Vicentê Vũ Tấn Thành hôm nay chính thức nhận sứ vụ quản xứ tiên khởi của Tân Giáo xứ Đạ RSal mới được thiết không? Bài học Yêu thương, hiền lành-khiêm nhượng.
2.3. Bài đọc 2
– Bài đọc hai trích thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ (1 P 5) diễn tả nét hiền lành khiêm nhường của vị chủ chăn Hội Thánh như sau:
“Hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, không miễn cưỡng mà hoàn toàn tự nguyện.
Lo lắng cho họ không vì ham hố lợi lộc thấp hèn,
mà vì lòng nhiệt thành tận tụy.
Không lấy quyền thống trị,
mà nêu gương sáng cho đoàn chiên…”.
– Tất cả những nét tuyệt vời ấy mà chúng ta thấy đã thể hiện tuyệt vời nơi Chúa Giêsu Kitô nay cha Vicentê được mời gọi thi hành, cho những người đơn sơ, nghèo nàn, bệnh tật thể xác tâm thần, người bị coi thường, hay tệ hơn bị gạt ra bên lề xã hội, cả những người có thể giàu có nhưng tâm hồn không bình an đau khổ buồn phiền. Hãy đi tìm, gần gũi, chia sẻ, cứu giúp, chữa lành…, không phán xét, phê bình, coi thường hay hờ hững.
3. MINH HỌA
Cha Piô Ngô Phúc Hậu trong “Nhật ký truyền giáo” có chuyện “Đi tìm chiên” có thể giúp minh họa. Nhật ký vào tháng 09 năm 1995 tại vùng Cái Rắn Cà Mâu, và vì là nhật ký nên cứ tuần tự ghi lại, mỗi ngày một chuyện.
Chuyện 1:
Bà Bảy mời tôi đi Rạch Lùm xức dầu cho người anh Hai đã xa đạo trên 40 năm. Xuồng máy phải chạy mất hai tiếng rưỡi. Ông Hai đã ngoài 80, chân và mặt phù lên, nhưng trí vẫn tỉnh táo. Ông xưng tội và rước lễ sốt sắng. Sau khi cử hành các bí tích, tôi mời ông một điếu “bảy hột xoàn” và dìu ông vào chuyện vui, từ vui đến tếu.
– Ông Hai có sợ chết không?
– Không, Chúa kêu thì dạ, sợ gì?
– Hồi còn trẻ, ông Hai có ham chơi không?
– Bà Bảy tếu táo xen vô: Ảnh trời đất lắm đó ông cố. Vì ảnh mà ông già con bị cố Quimbrô đánh cho 16 hèo.
– Tại sao vậy?
– Thì ảnh chèo ghe cho ông cố mà rinh ngay cô bếp của ông cố trốn đi mất tiêu, chẳng làm phép gì ráo trọi.
– Thế ông cố Quimbrô có bị Đức Cha đánh cho 32 hèo không?
– Có con hư mới bị đánh chứ.
– Thì chèo ghe cho ông cố kể như là con của ông cố rồi. Nấu cơm cho ông cố cũng là con ông cố. Như thế là ông cố có những hai đứa con hư. Vậy ông cố phải ăn hai lần đòn. Hai lần 16 là 32…
Bữa cơm gia đình thật vui. Con cháu tề tựu khá đông. Để chia sẻ sự tốn kém của gia đình, tôi nhét vào túi ông Hai hai tờ 50 ngàn.
– Biếu ông Hai một chút để bồi dưỡng. Nếu ông Hai về chầu Chúa trước, thì nhớ cầu nguyện cho tôi, cho con cháu và lối xóm. Tôi trao Rạch Lùm này cho ông Hai. Ông Hai nhõng nhẽo với Chúa để Rạch Lùm này sớm có nhà thờ, và dân chúng đỡ phải vất vả đi xa, khỏi bỏ đạo nhé.
– Dạ.
Chuyện 2:
– Xin Cha xức dầu và trao Mình Chúa cho Mẹ con.
– Ông ở đâu nhỉ?
– Con ở Quản Phú.
– Xa dữ ạ. Chắc tôi phải ngủ lại, mai mới về được.
Bà Út 90 tuổi nằm im lìm. Bà không nói được, nhưng vẫn nghe. Nói bà ăn năn tội, bà gật đầu. Giải tội xong, tôi dâng Thánh lễ và cho bà rước lễ. Bà sẽ ra đi ngọt lịm như ngọn đèn hết dầu.
– Chuyện 3:
Hai chàng thanh niên và một cô gái lạ mặt bước vào phòng:
– Mai là ngày giỗ của mẹ tụi con. Xin ông cố làm cho mẹ chúng con lễ.
– Tụi con ở đâu?
– Vợ chồng con ở đầm Bà Tường.
– Bao xa?
– Con chèo xuồng 3 tiếng.
– Còn con thì ở đâu?
– Con ở Tân Ánh.
– Bao xa?
– Chừng 8 cây số.
– Sao tụi con không mời cha đến tận nhà làm lễ cho mẹ tụi con?
– Tụi con nghèo lắm.
– Kệ, mai cha sẽ tới làm lễ cho mẹ tụi con, và thăm tụi con luôn.
Hôm sau tôi chèo ghe đi Tân Ánh. Có ba bà phước và hai người giáo dân cùng đi. Ghe đi hết 45 phút.
Gia đình nghèo thật. Căn chòi nhỏ quá. Bàn thờ kê giữa nhà thì hai cái giường hai bên sát luôn. Dự lễ có bà mẹ già và các con cháu của người quá cố. Bà mẹ già 82 tuổi. Vì hoàn cảnh chiến tranh, bà chỉ rửa tội cho mình đứa con gái út mà hôm nay tôi làm lễ giỗ. Bản thân bà cũng đã trên 40 năm chưa xưng tội. Bà có rất nhiều con cháu ở Cái Rắn, thuộc xứ tôi, thế mà hôm nay tôi mới gặp bà lần đầu tiên.
Ba bà phước năn nỉ bà già 82 về Cái Rắn xưng tội và dự lễ. Bà từ chối lấy cớ là lu bu công chuyện. Nhưng khi tôi xuống ghe về, thì bà cũng xách túi đi theo. Bà phước có tài năn nỉ thật.
– Những câu chuyện nhật ký trên minh họa thật cảm động một linh mục quản xứ “đi tìm chiên”, và học được một cách cụ thể bài học thế nào là yêu thương, hiền lành và khiêm nhượng để phục vụ ơn cứu độ cho chiên của mình.
4. KẾT
– Tiếp theo đây, sẽ là nghi lễ diễn nghĩa những chức vụ được trao cho linh mục quản xứ. Ngài sẽ nhận sứ vụ lãnh đạo hướng dẫn khi đến ngồi tại ghế chủ sự, sứ vụ hòa giải tha thứ khi ngồi Tòa giải tội, sứ vụ quy tụ dân Chúa khi kéo chuông, sứ vụ làm cho Chúa Giêsu Thánh Thể luôn hiện diện và đồng hành trong cuộc sống của mọi người khi mở cửa Nhà Tạm và cùng Dân Chúa thờ lạy…
– Ở mỗi điểm này chúng ta vỗ tay không để hoan nghênh, mà để bảy tỏ sự hiệp thông cùng chia sẻ một sứ vụ. Chúng ta hãy đi vào nghi lễ và sốt sắng cầu nguyện cho cha Tân quản xứ Vicentê.
——————————————————————
Thiết Lập Giáo Xứ Đạ R’sal – 93 Em Lãnh Nhận Bí Tích Rước Lễ Lần Đầu Và Thêm Sức