THÁNH LỄ
MỪNG BỔN MẠNG CHỦNG VIỆN
+ TẠ ƠN KIM KHÁNH LINH MỤC
TTMV – 09g30 sáng thứ bảy 11/12/2021
I. DẪN
– Hôm nay chúng ta cử hành lễ Thánh Simon Phan Đắc Hòa Tử Đạo năm 1840 và Thánh Philipphê Phan Văn Minh Tử Đạo năm 1853. Hai vị Thánh kết hợp nên tên MINH HÒA và cũng đã được chúng ta ưu ái chọn làm Bổn mạng của ĐCV Giáo phận mang tên MINH HÒA đây. Hai ngài tử đạo vì sao, thế nào, được gì, tại sao Giáo Hội lại tôn phong và hôm nay chúng ta lại mừng lễ? Sẽ là những bài học cụ thể cho chúng ta.
– Trước hết, hai ngài thuộc hàng các vị thánh “tử đạo”. Cuốn tự điển công giáo của HĐGMVN (xuất bản năm 2016) định nghĩa: “Tử đạo” hay “Tử vì đạo”có nghĩa là chết vì đạo. Gốc từ tiếng Hy Lạp Marturion, có nghĩa là “làm chứng”. Tử vì đạo là làm chứng cho đức tin bằng chính cái chết của mình.
II. CÁC BÀI ĐỌC KINH THÁNH
Chúng ta trở lại các bài đọc Kinh Thánh vừa nghe, đào sâu 2 chữ “tử đạo” và “làm chứng”. Các vị tử đạo làm chứng điều chi?
1. Bài đọc 1:
– Trước hết, bài đọc 1 trích sách Khôn Ngoan rất mạch lạc. Có thể tóm tắt: linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa. Họ chết như những kẻ vô phúc, bởi phải chịu cực hình và như bị tiêu diệt. Người đời nghĩ vậy. Nhưng không, đấy là Thiên Chúa thử thách và tinh luyện họ cho nên xứng đáng với Người. Họ sẽ am tường sự thật, được ở gần Chúa, được Người yêu thương. Đức Chúa sẽ là Vua của họ đến muôn đời.
– Cùng với bài đọc 1, chúng ta có thể khẳng định: các vị tử đạo làm chứng một đức tin trong sáng, vững vàng, không thể lay chuyển, vừa là gắn bó cá nhân với Thiên Chúa vừa là gắn bó với những Chân Lý Ngài mặc khải, như lời thánh Phaolô trong thư II Timothê (1,12): “Tôi biết tôi đã tin vào ai”.
– “Tôi biết”, tính cách sắt đá, vững vàng này có thấy trong cuộc đời và đặc biệt trong cái chết làm chứng của 2 thánh tử đạo Simon Hòa và Philipphê Minh không? Thiên Chúa có ngự trị như là Đấng Tuyệt Đối trong cuộc sống và trong cái chết của 2 ngài không? Thánh Simon Hòa nói gì với con cái đến thăm trong tù: “Các con hãy vui lòng theo Thánh Ý Chúa. Đừng buồn. Cha không còn lo được gì cho các con nữa, nhưng Cha phó thác mọi sự cho Chúa. Chúa sẽ lo liệu cho Mẹ và các con. Cha vui lòng chịu mọi khổ hình vì Chúa. Cha xin vâng trọn Thánh Ý Chúa định”.
2. Bài đọc 2
– Bài đọc 2 trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma tuyên xưng gì, làm chứng gì? Thưa làm chứng tình yêu, một tình yêu cháy bỏng bất khuất không gì có thể tách khỏi hay dập tắt: “Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách…?”; “Cho dầu là sự chết hay sự sống, hiện tại hay tương lai, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác…”. Đây là tình yêu đáp trả, bởi như cảm nhận được, như sờ mó được Tình yêu của một Thiên Chúa đã đi bước trước: đến như chính Con Một Người cũng chẳng tha, mà đã trao nộp vì hết thảy chúng ta.
3. Bài Phúc Âm
– Một khi “ngộ ra” Thiên Chúa đã yêu đến độ trao nộp chính Con Một mình, và Người Con Một ấy cũng sẵn sàng vâng lệnh Chúa Cha hiến mình cho chúng ta, thì đáp trả từ phía người cảm nhận được tình yêu ấy cũng sẽ là tình yêu sẵn sàng “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày và đi theo Chúa” như lời Phúc Âm Luca chúng ta vừa nghe.
4. Trong cuộc đời hai thánh Tử đạo
– Tình yêu ấy chúng ta có đọc được trong cuộc sống và trong cái chết tử đạo của hai thánh Simon Hòa và Philipphê Minh không? Cũng lời thánh Simon Hòa với con cái: “Cha yêu thương chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu mến Chúa hơn. Cha vui lòng chịu mọi khổ hình vì yêu mến Chúa. Cha xin vâng trọn Thánh Ý Chúa định”. Nói lên chữ yêu giữa những tra tấn cực hình không là gì khác hơn lời Chúa Giêsu: “Không có tình yêu nào lớn hơn” (Ga 15,13). Thánh Philipphê Minh thì: “Các quan làm án chém đầu tôi, tôi xin cám ơn chứ không thể bước qua thánh giá Chúa tôi được”; và lời cầu nguyện của ngài tại pháp trường Đình Khao Vĩnh Long trước lúc bị chém đầu: “Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con sức mạnh và can đảm chịu khổ hình để vinh danh Chúa. Lạy Mẹ Maria, xin nâng đỡ con”. Giờ chết mà chỉ nghĩ đến Chúa, đến Mẹ, đến vinh danh Chúa.
– Chúng ta lưu ý: khổ hình đấy, mất mát đấy, cái chết đấy, nhưng không chút than thân trách phận, trái lại là phó thác, ca ngợi và tạ ơn.
– Phải chăng chứng tá về một đức tin vững vàng, một Đức mến không thể chia tách, và về một hạnh phúc tỏa lan ngay cả giữa những tăm tối, khổ đau bởi tất cả đều thuộc về Chúa và phó thác cho Chúa, không soi sáng và định hướng cho tâm tình tạ ơn vì 50 năm linh mục của ĐC Antôn và Cha Giám đốc Micae hôm nay sao?
III. TẠ ƠN KIM KHÁNH LINH MỤC
– Đức Cha Antôn trong dịp mừng Kim Khánh Linh Mục của một cha Cố cách đây sáu năm đã chia sẻ lại tâm tình của một linh mục thần học gia nổi tiếng dòng Tên là cha Karl Rahner trong dịp ngài mừng Ngân Khánh Linh mục như sau:
“Nếu muốn làm bảng tổng kết 25 năm qua, chúng tôi sẽ làm thế nào đây? Nhưng có cần làm bảng tổng kết không? Với tâm tình biết ơn và hoan hỉ, hãy trao 25 năm ấy cho lòng thương xót Chúa, và thế là đủ. Điều tốt Chúa đã làm, chắc chắn sẽ còn. Nhưng song song với điều tốt ấy vẫn còn khối điều tiêu cực, như sự mù quáng thiêng liêng của chúng ta, sự hèn nhát, sự dửng dưng, sự máy móc của chúng ta. Chính sự nghèo nàn đáng thương ấy đã được tình thương TC bao bọc lấy. Chính vì thế, trong tâm tình tri ân Giáo Hội, tri ân những người mà trong những năm qua chúng tôi đã có thể làm được một điều gì đó cho họ, tri ân cả những người đã từng thấy chúng tôi làm cớ cho họ vấp phạm, tri ân TC vì các hồng ân của Người, trong tâm tình tri ân ấy, chúng tôi sẵn sàng nói “Chúng tôi không bao giờ hối tiếc vì đã làm linh mục !”.
ĐC Antôn và Cha Giám đốc Micae đây, không chỉ 25 năm mà đã tròn 50 năm linh mục.
– Chúng ta nghe tiếp tâm tình của Cha Karl Rahner:
“Chúng tôi sẽ còn tiếp tục công việc của Chúa trên trần gian này bao lâu nữa ? Đó là một mầu nhiệm… Hiện nay cũng như trước đây, chúng tôi luôn luôn là những con người đáng thương, yếu đuối và bất lực. Và có lẽ chúng tôi sẽ còn đáng thương hơn như thế nữa trong tương lai, bởi thời gian làm chúng ta già nua, đất đai đã cầy cấy từ lâu sẽ kiệt quệ và không còn mầu mỡ nữa.
Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra. Nhưng ít là có một điều chúng ta biết chắc : Thiên Chúa luôn trung thành và hay thương xót. Thiên Chúa luôn ban ơn, Thiên Chúa sẽ hoàn tất những gì Ngài đã khởi sự. Chính vì thế, chúng ta có thể tin tưởng thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, xin hãy sai chúng con đi bao lâu trời còn sáng, nhưng chúng con vẫn biết bảng tổng kết cuộc đời phục vụ của chúng con là: những tôi tớ vô dụng… Lạy Chúa, chúng con cậy trông vào lòng thương xót của Chúa”.
– Chúng ta thấy: đầy đức tin, đầy lòng mến, và đầy sự khiêm tốn phó thác. ĐC Antôn còn nhắc đến lời nguyện của một tu sĩ ở tuổi xế chiều rất ý nghĩa và thích hợp để trầm mặc trong đạo đức:
“Lạy Chúa,
Xin dạy con biết cách già như một người Kitô hữu. – Xin thuyết phục con rằng: người ta không hề bất công khi cất khỏi con mọi trách nhiệm, khi chẳng còn ai tìm đến hỏi ý kiến của con, khi một người khác được đặt vào chỗ vốn là của con. – Xin hãy tước khỏi con niềm tự hào với những kinh nghiệm đã thuộc về quá khứ.
Ôi lạy Chúa!
Ước gì qua sự mất mát từng ngày đối với những phù hoa vật chất, con nhìn ra được quy luật của thời gian, và nhận ra cuộc đời con vẫn đang diễn tiến từng ngày dưới sự điều hướng của một bàn tay quan phòng kỳ diệu. – Lạy Chúa, xin hãy giúp con, để con vẫn còn hữu ích với người khác, bằng sự lạc quan và lời kinh nguyện, bằng sự vui tươi và nhiệt huyết sống. – Xin dạy con biết chấp nhận bước ra khỏi sân chơi của cuộc đời, như con đã từng thản nhiên đón nhận khi những buổi hoàng hôn lịm tắt nắng trời…
Con cầu xin Chúa tha thứ, nếu mãi đến lúc này, ở buổi chiều tà bóng xế, con mới nhận ra Chúa đã yêu con đến dường nào.
Xin Chúa tiếp tục dạy con, biết nhìn ngắm phúc phận của đời mình với một lòng biết ơn sâu xa, phúc phận mà Chúa đã chuẩn bị cho con, và không ngừng dẫn bước con tiến về, khởi từ giây phút đầu tiên của cuộc đời con.
Lạy Chúa, xin dạy con biết già như thế! Amen”.
IV. KẾT
Tử đạo là làm chứng, làm chứng cho Chúa bằng một đức tin vững vàng, một đức mến dấn thân, một tinh thần Hội Thánh hết mình, một đời sống không nề hà bất cứ một hy sinh, từ bỏ, gian khổ nào, nhưng lòng lại luôn nhẹ nhàng thanh thoát bởi một đức cậy đã cắm neo trong Chúa, để cuối cùng dù sống dù chết, chỉ muốn thuộc về Chúa và làm vinh danh Ngài. Amen.
—————————————
Đức Cha Đaminh: Đôi Lời Chúc Mừng Lễ Kim Khánh Linh Mục Của ĐC Antôn Và Cha Micae
Mừng Bổn Mạng ĐCV Minh Hòa và Tạ ơn 50 Linh Mục Đức Cha An Tôn và Cha Micae Giám Đốc Đại Chủng Viện
Bản Tin Chủng Viện Minh Hòa: Đại Chủng Viện Minh Hòa Dalat Mừng Lễ Bổn Mạng