Trong 2 ngày 10-11/5/2024, tại Trung tâm Mục vụ Đà Lạt, Caritas Đà Lạt đã tổ chức “Diễn đàn văn hóa” lần thứ nhất. Diễn đàn đã quy tụ đông đảo bà con các cộng đồng: Ntol, Taly, Đà Loan, thôn 2, thôn 3 Lộc Tân, Đạ Nhinh 1, Đinh Trang Hòa, Đưng K’ Nớ, Ma Đanh, Ka Tip, Păng Sim, Liêng Krac 2 và Bokabang.
Khách mời đặc biệt đến tham dự có cộng đồng KLip thuộc Caritas Phan Thiết, cô Y Thoai – người khôi phục văn hóa đến từ Kon Tum, và đại diện NTFP-EP Việt Nam.
Diễn đàn văn hóa được tổ chức với mong muốn giúp bà con có dịp được trao đổi học hỏi, nắm bắt tổng quan các mô hình, kinh nghiệm khôi phục văn hóa truyền thống; từ đó truyền cảm hứng để bà con có thể lên kế hoạch khôi phục văn hóa trong cộng đồng của mình.
Trong thông điệp Laudato Si của Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến chủ nghĩa tiêu thụ đang được cổ võ bởi kinh tế toàn cầu làm san bằng các nền văn hóa, hạ thấp nền đa dạng phong phú vốn là di sản của toàn nhân loại. Số người biết nói tiếng, biết mặc đồ truyền thống, biết giữ nền văn hóa của mình ngày càng ít đi. Vì vậy, việc bảo tồn văn hóa mang một ý nghĩa đặc biệt. Nó không chỉ phục hồi lại sự đa dạng phong phú của di sản nhân loại, nó còn giúp các dân tộc bản địa khơi dậy các giá trị tốt đẹp của dân tộc và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Diễn đàn văn hóa diễn ra với nhiều sự lạ lẫm, khi lần đầu tiên người Kinh lại trở thành một dân tộc thiểu số, lọt thỏm trong sự đa dạng cộng đồng đến từ 10 dân tộc khác: Cil, Mạ, Châu Mạ, Raglay, Koho, Churu, M’Nông, BaNa, Hoa, Sén Dìu. Sân khấu quây quần lại được thiết kế theo kiểu “tập tàng”, không đèn led xa hoa, không sân khấu rộng lớn, vật phẩm trang trí chỉ đơn giản từ những thứ sẵn có: vải thổ cẩm tổ tiên, cồng chiêng từ cộng đồng, phông màn cũ đi mượn, cây cỏ đem từ ngoài vườn vào… Mỗi góc chút chút tạo nên không gian nho nhỏ gần gũi mộc mạc là bao!
Bà con cũng không quên chuẩn bị và mang theo các đặc sản của địa phương, nào là bánh truyền thống thơm ngon được làm từ các nguyên liệu thân thuộc: gạo, nếp, bắp, khoai, đậu; nào là quả mít nhà trồng nay đã được 3 năm tuổi; nào là rượu cần tự ủ với những công thức gia truyền riêng biệt… cứ thế mọi người cùng nhau quây quần, vừa nếm, vừa phân tích các thành phần, vừa chia sẻ công thức “món ngon” tuyệt vời!
Liveshow cây nhà lá vườn là một phần không thể thiếu – một buổi giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống theo đúng nghĩa: Cồng chiêng, kèn bầu, múa xoan, thổi sáo kết hợp với các điệu hát, điệu hò… từng nhịp… từng nhịp… uyển chuyển kết nối với cội nguồn, với từng hoạt động trong cuộc sống: từ việc lên rẫy, gặt lúa, đón khách ghé thăm đến cả những tâm tình lắng đọng, tình cảm gia đình và Đức tin sâu lắng.
Trong hội thảo về dệt, bà con cùng nhau chia sẻ các chất liệu, hoa văn và màu sắc trên vải dệt, cách tạo màu thiên nhiên từ gạo, lá chàm, lá vong, quả cà ri, củ nghệ, củ dền… Trước đây, bà con dùng sợi bông tự trồng, tự dệt, tự nhuộm, 70% phụ nữ trong làng đều biết dệt. Nhưng hiện nay, nhuộm truyền thống không còn phổ biến, mọi người thường mua sợi len bên ngoài về để dệt, các bạn trẻ cũng không còn biết đến nghề thủ công này.
Trung bình một tấm vải dệt mất khoảng một tháng để hoàn thành, nhưng giá bán ra lại rất thấp, việc làm sao để sống được với nghề, đồng thời truyền lại cho thế hệ con cháu là một thách thức rất lớn.
Chị Y Thoai người dân tộc Bana Kon Tum đã chia sẻ cùng bà con về cách chị và gia đình kế thừa nghề dệt, đưa nghề dệt vào cuộc sống. Chị chia sẻ: “Nếu làm theo đặc trưng dân tộc thì khó bán, nên phải kết hợp giữa đặc trưng dân tộc với thị hiếu của thị trường, đồng thời cần truyền tải câu chuyện trong từng sản phẩm. Để duy trì ngành dệt cần có đam mê và cố gắng, nỗ lực bản thân là yếu tố rất quan trọng; cần cân đối lại hình thức sản xuất, mẫu mã; cố gắng thiết kế hoa văn, màu sắc đa dạng, phong phú lồng ghép vào các vật dụng nhưng không làm mất đi nét đặc sắc của dân tộc.
Song song đó, bà con Dân tộc Churu, K’ho, Cil, Mạ, Mnong cũng chia sẻ với nhau những kinh nghiệm khôi phục văn hóa nhà sàn: về phương thức xây dựng và lối kiến trúc riêng theo từng cộng đồng. Mặc dù việc phục dựng lại nhà sàn cũng như việc duy trì các hoạt động truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nghĩ đến một khoảng không gian lành mạnh để cộng đồng cùng sinh hoạt, cùng lưu giữ văn hóa, cùng phát triển du lịch bản địa, giúp bà con có thêm nguồn động lực, cổ vũ nhau cùng thực hiện.
Trên hết, là một diễn đàn của tinh thần hăng say: “Em không thấy ai bỏ ra ngoài để làm việc riêng” “mọi người rất ham học hỏi” “tinh thần vì nhau rất tuyệt vời”… tinh thần đó còn được hun đúc qua những giây phút được thăm nhà truyền thống Gioan Cassaigne, được nhìn lại lịch sử của những dân tộc đầu tiên sinh sống tại Đà Lạt, cùng với lịch sử truyền giáo đầy gian nan của Giáo hội Công Giáo sơ khai lúc bấy giờ, cách riêng là của Đức cha Gioan Cassaigne – vị tông đồ người cùi. Qua đó, cộng đồng chúng ta lại càng ý thức rõ nét hơn điều tuyệt diệu của văn hóa – sợi dây liên kết vĩnh cửu, vượt qua không gian và thời gian, để kết nối các thế hệ tổ tiên với con cháu.
Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài, muôn vật tươi đẹp, đầy màu sắc, việc bảo tồn phát huy văn hóa cũng chính là cách chúng ta cộng tác làm cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa thêm hoàn thiện.
Maria Goretti Đinh Thị Hồng Phúc