Chúa Nhật 24 quanh năm
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: 1 Ti-mô-thê 1: 12-17
Thư 1 & 2 gửi Ti-mô-thê và thư gửi Ti-tô được gọi là các Thư Mục vụ, hướng dẫn các vị lãnh đạo của Giáo Hội giữ vững giáo lý cốt yếu họ đã lãnh nhận và trung thành truyền lại giáo lý ấy cho những người lãnh đạo giáo dân. Do đó, các Thư Mục vụ rất quan trọng vì chúng giúp chúng ta hiểu thế nào là gìn giữ kho tàng đức tin (1 Tm 6:20). Kho tàng đức tin ấy chính là giáo lý mà thánh Phao-lô đã ủy thác cho Ti-mô-thê và Ti-tô để họ đem đến cho tín hữu. Để giúp Ti-mô-thê và Ti-tô chu toàn được sứ mệnh này, thánh Phao-lô đã mô tả những đức tính cần thiết mà những ai muốn lãnh nhận những chức vụ liên hệ đến sứ mệnh ấy cần phải có, thí dụ giám mục (1 Tm 3:1-7), phó tế (1 Tm 3:8-13), kỳ mục (1 Tm 5:17-23) và ngay cả các bà góa nữa (1 Tm 5:9-16). Như thế, theo các Thư Mục vụ, Giáo Hội đã bắt đầu được tổ chức thành một cơ cấu vững chắc để bảo vệ kho tàng đức tin và chống lại những thầy dạy lừa dối và giả hiệu (2 Tm 3:1-9).
Để hiểu rõ được nội dung những bài đọc trích các Thư Mục vụ, trước hết chúng ta hãy nhìn lại hoàn cảnh và mạch văn của thư 1 Ti-mô-thê. Theo như thư cho biết, thánh Phao-lô để môn đệ Ti-mô-thê ở lại Ê-phê-xô để trông coi giáo đoàn, còn ngài thì đi Ma-kê-đô-ni-a (Hy-lạp). Ngài ủy thác cho ông những nhiệm vụ đặc biệt và chỉ dẫn ông phải chăm sóc cộng đoàn như thế nào. Cấu trúc tư tưởng chính của thư có thể được phân chia như sau, và chúng ta sẽ thấy các bài đọc (Chúa Nhật 24 đến 26) được trích ra từ những phần nào, cũng như hiểu được Phụng vụ Lời Chúa muốn nói lên điều gì:
1 Tm 1:3-20. Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê bổn phận ngài trao cho ông là “để anh truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác” (1:3). Phao-lô nêu lên ơn gọi và sứ mệnh của chính ngài như một gương mẫu. Trong phần này là bài đọc Chúa Nhật 24: 1 Tm 1:12-17.
– 1 Tm 2:1-3:16. Sau khi nhắc nhở Ti-mô-thê về bổn phận cốt yếu ấy, Phao-lô hướng dẫn Ti-mô-thê phải chăm sóc cộng đoàn dân Chúa thế nào. Ở đây, ngài nói đến những đức tính giám mục và phó tế phải có. Trong phần này là bài đọc Chúa Nhật 25: 1 Tm 2:1-8.
– 1 Tm 4:1-16. Phao-lô lập lại bổn phận ngài ủy thác cho Ti-mô-thê và khuyên ông cảnh giác trước những giáo lý giả dối làm hại đến Giáo Hội. Vậy Ti-mô-thê cần phải chuyên cần đọc và học hỏi Kinh Thánh.
– 1 Tm 5:1-6:2a. Tiếp tục huấn dụ Ti-mô-thê về bổn phận chăm sóc cộng đoàn. Cư xử đối với các bà góa, hàng kỳ mục và các nô lệ.
– 1 Tm 6:2b-21. Bổn phận thứ ba và cuối cùng được ủy thác cho Ti-mô-thê: Ông phải “gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, nhẫn nại và hiền hòa…” và “hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó”. Trong phần này là bài đọc Chúa Nhật 26: 1 Tm 6:11-16.
Bây giờ chúng ta xem bài đọc Chúa Nhật tuần này (1 Tm 1:12-17) muốn nói gì. Sau khi khuyên Ti-mô-thê phải ra lệnh cho một số người đừng dạy một giáo lý giả dối (1:3-7) và cho thấy những kẻ nào đã dạy giáo lý giả dối ấy, thánh Phao-lô trở về với kinh nghiệm bản thân mình để rút ra bài học. Trước đây chính ngài đã là kẻ tội lỗi vì xúc phạm Chúa và bách hại Ki-tô hữu. Nhưng ngài đã được lòng nhân từ Chúa xót thương dù ngài đã hành động trong sự mù quáng và không tin. Nhận thức lòng nhân từ của Chúa, ngài đã trở nên gương mẫu cho tất cả những ai muốn tuyên tín Tin Mừng chân chính sau đây: “Đó là Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi” (1:15).
Nhận thức mình là kẻ tội lỗi, Phao-lô hiểu rằng việc ngài trở về với Chúa nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa là muốn biến ngài thành một thứ gương mẫu, để bất cứ ai tội lỗi hễ nhìn vào tấm gương Chúa đã xót thương Phao-lô thì cũng có được niềm hy vọng chắc chắn Chúa xót thương mình. Bởi vì nếu Chúa đã tỏ lòng xót thương một kẻ tội lỗi điển hình như Phao-lô, thì Người sẽ không bỏ rơi bất cứ kẻ tội lỗi nào khác. Vì mục đích của Tin Mừng là để cứu những kẻ tội lỗi, cho nên Phao-lô dạy Ti-mô-thê phải ngăn cấm những kẻ dạy bất cứ giáo lý nào đi ngược với Tin Mừng ấy.
Mặc dù thư 1 Ti-mô-thê nhắm đến những vị chủ chiên của Giáo Hội, nhưng khi trích dẫn cho bài đọc Chúa Nhật hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa muốn chúng ta suy niệm về lòng nhân từ vô bờ của Thiên Chúa qua kinh nghiệm cá nhân thánh Phao-lô. Qua kinh nghiệm được tha thứ và còn được kêu gọi làm tông đồ, Phao-lô hiểu được phần nào thế nào là lòng Chúa xót thương và tại sao Người đã cho Đức Giê-su Ki-tô đến thế gian, chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta là những kẻ tội lỗi.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Ý thức ơn gọi của mình, thánh Phao-lô không còn lời nào hơn là “Tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su.” Tôi có thái độ ấy không? Và nếu có, tôi đã “tạ ơn” bằng cách nào?
Ý thức ơn gọi là phải nhìn nhận sự bất xứng của mình và lòng thương của Chúa. Tôi đã nhìn lại “quá khứ” để nhận ra sự bất xứng và nhìn vào “hiện tại” để nhận ra mình đáp trả lời gọi của Chúa như thế nào?
Tôi suy niệm thế nào về lòng đại lượng từ bi của Thiên Chúa? Được biểu lộ qua Đức Ki-tô? Và được cảm nhận qua kinh nghiệm của riêng tôi?
Thánh Phao-lô đã lấy chính đời mình để làm chứng nhân cho lòng nhân từ của Chúa. Vậy tôi có thể lấy những kinh nghiệm gì để nói cho anh chị em biết về lòng nhân từ thương xót của Chúa?
Cầu nguyện kết thúc
Sau phần cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát “Chúa thương chúng ta”, Ca nguyện Linh Thao, trang 40, hoặc “Chúa là tình yêu”, CNLT 35.
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi