THIÊN CHÚA LÀ CHA ĐỨC GIÊSU KITÔ
VÀ LÀ CHA CHÚNG TA
ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc
I. ABBA !
Chúa Giêsu đã nhiều lần xưng hô với Chúa Cha bằng từ ngữ “Abba”, nhất là trong lúc cầu nguyện. Chữ Abba tiếng Aram giống như từ ngữ các trẻ thơ Hy Lạp thường dùng để gọi cha mình, khi chúng cầu xin một điều gì. Cách xưng hô ám chỉ một một sự tin tưởng trìu mến, một tương quan thân mật, tự nhiên, không e dè.
Vào thời Chúa Giêsu, ít ai dám dùng từ ngữ này để xưng hô với Thiên Chúa, vì sợ xúc phạm đến tính siêu việt của Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu dùng thường xuyên và dạy các môn đệ dùng. Do đó, từ ngữ này đã trở thành một cách xưng hô riêng của cộng đồng kitô-hữu đối với Thiên Chúa. Cộng đồng đã gìn giữ kỹ lưỡng trong ký ức của mình và nhận thấy không cần phải dịch ra tiếng Hylạp.
Trên môi miệng Đức Giêsu, từ ngữ mang một giá trị mạc khải : Thiên Chúa không còn ở xa như một Vị Chúa Tể ngự trị trên vạn vật, nhưng siêu việt và quãng cách ; Ngài đã đến gần và ở giữa chúng ta, vì chính Đức Giêsu, Con của Ngài là anh em với chúng ta ; Con ngườøi không còn đượïc giữ thái độ kính nhi viễn chi, như trướùc đây từng có đối với thần thánh.
Theo nhà chú giải Kinh Thánh J. Jeremias, từ ngữ “Abba” đã trở thành thông dụng thời Đức Giêsu, mặc dù không được dùng cho Thiên Chúa. Chữ Abba trở thành cách xưng hô trong đời sống hằng ngày và chính người lớn cũng sử dụng. Nói cách khác, từ ngữ Abba ám chỉ một tương quan thân mật trong đời sống gia đình.
Nhưng trong kinh nguyện Dothái, dù là kinh nguyệïn phụng vụ hay kinh nguyện riêng tư, không có một dấu vết nào về từ ngữ Abba áp dụng cho Thiên Chúa. Người Dothái muốn tránh sự thân mật quá đáng đối với Thiên Chúa.
Có một quãng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người mà chỉ một mình Đức Giêsu có thể vượt qua và đã vượt qua, Ngài đã dùng từ Abba để chuyện vãn với Thiên Chúa một cách tự nhiên, đơn sơ và thân mật, như một người con nói với cha mình. Vì thế, chữ Abba mạc khải tương quan đặc biệt giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa.
Chữ Abba trên môi miệng Đức Giêsu chứa đựng một tâm tình phó thác trọn vẹn của Con đối với Cha, tâm tình dâng hiến và vâng phục :
“Abba ! Lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cất chén này xa Con, nhưng không, xin đừng theo ý Con, một xin theo ý Cha” (Mc 14,36).
Cũng theo Jeremias, chữ Abba mà Đức Giêsu dùng nói lên sự xác tín là Chúa Cha đã mạc khải cho Ngài mọi sự, không che giấu với Ngài điều gì, và do đó Ngài là Đấng có uy quyền, là Đấng mạc khải Chúa Cha.
Với cái “phông” được phác họa như trên, chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng của việc Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ cách xưng hô “Abba” với Thiên Chúa. Đó là dấu hiệu phân biệt Cộâng đồng kitô-hữu với những người khác, là cách nói lên sự gắn bó đặc biệt giữa Chúa Kitô và các kitô-hữu. Chúa Giêsu đã cho phép các môn đệ được tham gia vào tương quan đặc biệt giữa Ngài và Thiên Chúa. Chỉ có Thánh Thần của Đức Kitô mới có thể giúp các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha :
“… Anh em đã chịu lấy Thần khí của hàng nghĩa tử ; nhờ đó ta kêu lên : Abba, lạy Cha !” (Rm 8,15).
“… Bởi vì anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Người đến trong lòng anh em, Thần khí kêu lên : Abba, lạy Cha” (Ga 4,6).
Gọi Thiên Chúa là Abba vượt tất cả mọi khả năng và giới hạn của con người. Việc này chỉ có thể xảy ra trong một tương quan hoàn toàn mới mẻ giữa con người với Thiên Chúa, do chính Đức Giêsu Kitô thiết lập, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Đó là đặc ân vượt trên đặc ân của dân Israel thời Cựu Ước, và hồng ân này chỉ có thể ban cho những ai tin vào Danh Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
II. CHA TRÊN TRỜI LÀ ĐẤNG HOÀN HẢO
Khi dùng thành ngữ “Cha trên trời”, các tác giả Phúc Âm Nhất lãm, đặc biệt là Matthêu, không có ý đối lập trời với đất. Thành ngữ không phải là một cách nói mô tả Thiên Chúa, nhưng là một cách xưng hô, là Danh Xưng gán cho Thiên Chúa. Dĩ nhiên thành ngữ này có một chút màu sắc “kính trọng” sự siêu việt của Thiên Chúa, do đó thường có một danh từ kèm theo (chúng tôi, các người), dường như để rút lại quãõng cách giữa trời và đất.
Kinh lạy Cha trong Mt 6,9 cung cấp cho chúng ta chìa khóa để hiểu ý nghĩa Danh Xưng “Cha trên trời” : trần thế phải theo hướng đi do Thiên Chúa vạch ra, phải làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha được thể hiện. Những điều hoàn hảo ở trên cao phải được thực thi dưới đất để làm Vinh Danh Thiên Chúa và đưa hạnh phúc đến cho con người.
So với Marcô và Luca dùng một lần, Matthêu dùng thành ngữ này 20 lần. Vì thế có người cho đó là một cách nói riêng của Matthêu. Ngày nay, một số lớn các nhà chú giải nghĩ rằng Matthêu đã lấy lại thành ngữ này từ một truyền thống cổ thường dùng trong phụng vụ.
Cha trên trời là Đấng Hoàn Hảo, Người yêu thương đặc biệt những kẻ xấu số. Người là Thiên Chúa của bình an và giao hòa. Ai tin nhận Người làm Cha, phải biết tha thứ và làm hòa với anh em :
“Nếu các ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và ở đó nhớ ra anh em có điều gì bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, mà đi làm hòa với anh em ngươi trước đã, rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi” (Mt 5,23-24).
Ai tác tạo hòa bình sẽ được làm con của Người (Mt 5,9).
Ai có tâm hồn trong trắng, sẽ được nhìn thấy Người (Mt 5,8).
Người là Đấng luôn trung thành với Giao Ước, là Đấng Chân Thật ; ai tin ở Người, phải sống chân thật, có nói có, không nói không (Mt 5,37).
Người là Thiên Chúa của ân sủng cho mặt trời mọc lên trên kẻ lành người dữ, làm mưa xuống cho người ngay và kẻ ác (Mt 5,45).
Người là Đấng yêu thương hết thảy mọi người. Con cái phải bắt chước Người yêu mến thù địch và cầu nguyện cho họ (Mt 5,44).
Cha trên trời là Đấng hay thương yêu chăm sóc. Chúng ta không nên quá bận tâm về đời sống vật chất, vì Người biết chúng ta cần gì và sẵn sàng ban cho (Lc 13,32). Cây cỏ và muông chim còn được Người nuôi nấng, huống nữa là con người (Lc 12,22-28).
Lòng thương yêu chăm sóc của Chúa Cha không chấm dứt khi ban cho con người sự sống trần thế. Nhưng Người đã quyết định khai mở Nước Trời cho con người. Dân ngoại thường mong chờ những hồng ân vật chất, còn người kitô-hữu thì nhận ra tình thương của Chúa Cha nơi Hồng Ân lớn lao và căn bản nhất là Nước Trời. Nước Trời là viên ngọc quý, phải bán hết của cải mới mua được (Mt 13,44-46), là kho tàng không bao giờ vơi, là ví tiền không hề cũ nát (Lc 12,29-34).
Ai trung thành với Thánh Ý Chúa Cha trên trời sẽ được làm người thân của Chúa Giêsu (Mt 12,49).
Chúa Cha mạc khải cho các môn đệ chân tướng của Đức Giêsu Con Yêu Dấu duy nhất của Người (Mt 17,5). Và Chúa
Cha cũng tự mạc khải chính mình trong Đức Giêsu Kitô. Cả Chúa Cha và Chúa Kitô, Con của Người, đều thuộc về thế giới huyền nhiệm khôn tả. Không ai biết được Con ngoài ra Cha, và không ai biết được Cha ngoài ra Con (Mt 11, 25-27 ; Lc 10, 21-22).
III. CHA TA VÀ CHA CÁC NGƯƠI
Marcô ít dùng thành ngữ “Cha Ta và Cha các ngươi”, nhưng Luca và đặc biệt là Matthêu thì dùng nhiều.
Trong Luca cũng như Matthêu, Đức Giêsu thường dùng những cách nói này khi ngỏ lời cùng các môn đệ. Hai cách nói “Cha Ta” và “Cha các ngươi” liên hệ với nhau mật thiết và quy chiếu về con người Đức Giêsu. Nhưng lời giáo huấn Đức Giêsu dành cho các môn đệ không chỉ là những bài học luân lý, mà là những lời hằng sống phát xuất từ việc Chúa Cha ban Nước Trời, và chính Đức Giêsu Kitô là Nước Trời hiện thân. Mạc Khải của Chúa Con Là Sự Thật về Chúa Cha. Các môn đệ chỉ có được chân lý nhờ Chúa Con.
Đức Giêsu dạy cho các môn đệ Kinh Lạy Cha, nhưng Ngài không đồng hóa mình với họ hoặc đặt họ ngang hàng trong tương quan với Chúa Cha.
Khi nói chuyện với các môn đệ và giáo huấn các ông, Đức Giêsu thường dùng hai chữ “Cha Ta” để nói về Chúa Cha. Tương quan được diễn tả bằng cách nói này không thể chuyển qua cho các môn đệ, vì Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha theo nghĩa trọn vẹn và đích thực.
Có thể coi đó là niềm tin chắc chắn của Cộng đồng tín hữu sơ khai, và là một Kitô học phôi thai đang thành hình. Tác giả Phúc Âm Matthêu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành này.
Luca cũng chứng tỏ một lập trường thần học khá rõ ràng. Những lời lẽ ông đặt trên môi Đức Giêsu lúc lên mười hai tuổi giả thiết ý thức của Đức Giêsu về tương quan đặc biệt của Ngài với Chúa Cha
(Lc 2,49). Lời của Đức Giêsu lúc sắp chết trên thập giá cũng giả thiết mối tương quan như thế (Lc 23,34).
Matthêu dường như cố ý đối lập hai cách nói “Cha Ta” và “Cha các ngươi”, và dùng thường xuyên đến nỗi có người cho rằng đó là tư tưởng đã được xếp đặt thành hệ thống. Nhưng điều chắc chắn mà chúng ta có thể nhận ra là đức tin của Cộng đồng Giáo Hội, là lời tuyên xưng Đức Kitô, có lúc mặc nhiên, có lúc minh nhiên, và là một lời tuyên xưng phổ quát.
Lời tuyên tín của Phêrô trong Phúc âm Mt 16,16-17 không phải của một mình Phêrô, mà là của toàn thể Giáo Hội.
Lời hứa của Đức Giêsu trong Mt 18,19 cũng là một cách diễn tả sự hiện diện của Ngài giữa Cộng đồng Giáo Hội sau khi đã phục sinh từ cõi chết.
Chúng ta có thể chia các đoạn Kinh Thánh nói về Chúa Cha trong Phúc âm Nhất lãm thành nhiều nhóm khác nhau có những ý tưởng chủ lực như sau :
1. Thiên Chúa là Cha và Người tự mạc khải chính mình trong Chúa Con (Mt 11,27 ; 15,13 ; Lc 10,21-22).
2. Giáo huấn của Chúa Giêsu cho biết Thánh Ý của Chúa Cha ; thực hiện giáo huấn ấy là thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa. Tuyên xưng Chúa Giêsu cũng là tuyên xưng Chúa Cha (Mt 7,21 ; 10,32 ; 12,50 ; 18,35 ; Lc 9,26).
3. Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu thực thi trọn vẹn Thánh Ý Chúa Cha (Mt 26,42-51 ; Mc 36 ; Lc 23, 34-36).
4. Vì là một với Chúa Cha, Đức Giêsu bảo đảm ơn cứu độ và hứa nhậm lời các môn đệ (Mt 18,10-19).
5. Lời hứa của Đức Giêsu hướng tới sự hoàn tất cánh chung là nội dung tư tưởng cao nhất hàm chứa trong cách nói “Cha Ta” (Mt 20,23 ; 25,34 ; 26,29 ; Lc 24,49).
IV. CHA, ĐẤNG SAI TA (thần học của gioan)
Cách nói vắn tắt “Cha” ít được dùng trong Dothái-giáo thời Đức Giêsu để ám chỉ Thiên Chúa.
Theo Phúc âm Nhất lãm, đặc biệt là Matthêu, Chúa Giêsu đã dùng từ này song song với chữ “Con” hay chữ “Con Người” (Mt 16,27 ; 26,63 ; Mc 8,38 ; 14,61 ; Lc 22,69).
1. Khác với Phúc âm Nhất Lãm, Phúc âm Gioan không dùng thành ngữ “Cha chúng tôi” và chỉ dùng một lần cách nói “Cha các ngươi” (20,17), nhưng dùng thường xuyên từ “Cha” để ám chỉ Thiên Chúa (khoảng 115 lần). Chữ Cha được sử dụng còn nhiều lần hơn là chữ Thiên Chúa (Theos, được dùng khoảng 73 lần).
Sứ điệp của Gioan về Chúa Cha giả thiết những quan niệm nền tảng đã có trong các Phúc âm Nhất lãm, nhưng chứa đựng một quan niệm vừa sâu sắc, vừa rộng rãi hơn. Từ ngữ “Cha” có một ý nghĩa chuyên biệt hơn, làm nổi bật tương quan giữa Đấng Mạc Khải và vị Thiên Chúa được mạc khải. Từ ngữ được xây dựng trên nền tảng Kitô-học và Cứu-chuộc-học. Chắc chắn từ ngữ không nhắm diễm tả ý tưởng “Chủ Tể” hay “Chúa Cả trời đất” , nhưng có ý ám chỉ tương quan chặt chẽ giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu, Đấng được Cha sai đến và là một với Cha.
Cha là Đấng ban phát mạc khải và hồng ân cứu độ, Con là Đấng Mạc Khải Cha. Cha là Đấng Vô Hình đã được biểu lộ nhờ Con. Con đến nhân Danh Cha, theo lệnh Cha. Thánh Ý của Cha luôn “ở đàng sau” Con và là nền tảng cho tất cả biến cố cứu độ.
Cha thương Con một cách đặc biệt (Ga 5,20) và Con cư ngụ trong tình yêu của Cha (Ga 15,10), ở lại trong ý muốn và lệnh truyền của Cha.
Cha luôn hiện diện, không bao giờ vắng mặt hay bỏ Chúa Con một mình (Ga 8,29). Ngay cả trong những lúc cô đơn nhất, vẫn có Cha ở bên Con.
Cha làm chứng về Con trong Kinh Thánh (Ga 5,37). Nếu Israel từ khước, không tin vào Con, thì chính Môsê sẽ tố cáo họ trước mặt Cha (Ga 5,43).
Tình yêu của Cha đối với Con đã có từ thuở ban đầu, khi chưa tạo thành vạn vật (Ga 17,24). Nhưng Cha cũng yêu thế gian và sai Con đến trong thế gian.
2. Gioan dùng lẫn lộn và thay đổi nhau các từ “Cha” và “Đấng sai Ta”. Hai từ này giải thích lẫn nhau : Cha là Đấng sai Ta, Đấng sai Ta là Cha.
Cha giao phó cho Con sứ mạng phục vụ cho ý muốn của Người, thừa hành công việc của Người.
Cha tác thánh Con khi sai Con đến thế gian (Ga 10,36), để Con tác thánh những người Cha đã ban cho Con. Cha liên hệ sâu xa và mật thiết đến sứ vụ của Đức Giêsu, Người là nền tảng và là nguồn gốc của sứ vụ. Vì thế, sứ vụ của Đức Giêsu là sứ vụ bởi trời. “Cha” cũng là nội dung của mạc khải. “Danh Cha” được mạc khải sẽ gìn giữ các môn đệ (Ga 17,11-12). Đức Giêsu không mạc khải điều gì khác hơn là Chúa Cha. Mạc khải cuối cùng và trọn vẹn cũng chỉ là nói trống ra cho các môn đệ về Cha (Ga 16,25).
Từ ngữ “Cha” không chỉ là một ý niệm suông, một biểu tượng ngôn từ về Thiên Chúa, vì mạc khải không bao giờ tách rời cứu độ. Mạc khải về Chúa Cha được ban cho trong chính biến cố cứu độ, cũng là nội dung của chứng từ về Cha. Nhận biết Con là nhận biết Cha, từ chối Con là khước từ Cha (Ga 14,7-10 ; 12,45 ; 8,19).
Toàn bộ biến cố cứu rỗi được xây dựng trên tương quan mật thiết giữa Cha và Con. “Chúa Cha yêu Chúa Con” (Ga 3,35) là một thành ngữ đơn sơ nhất và cũng là nền tảng nhất. Hai chữ “tình yêu” là cách diễn tả sâu thẳm nhất tương quan giữa Thiên Chúa Tự Khải với Đức Giêsu, Con của Người, Sứ Giả của Người và là Dụng cụ của Người.
Tương tri và tương tại là những đặc tính vô điều kiện của tình yêu (Ga 8,55 ; 10,15). Sứ mạng Thiên sai của Đức Giêsu xây dựng trên nền tảng tương ái và tương tri sâu thẳm (Ga 7,29 ; 8,55 ; 17,25).
3. Duy-nhất-tính giữa Chúa Cha và Chúa Con được diễn tả qua việc Cha xác định những gì Con phải nói và phải làm (Ga 5,19 ; 7,17 ; 8,28 ; 12,49). Chúa Cha giao cho Chúa Con công việc để hoàn thành (Ga 17,4). Các công việc Con làm là nhân Danh Cha (Ga 10,25), là công việc do Chúa Cha (Ga 10,32), của Chúa Cha (Ga 10,37).
Lời Chúa Con nói ra do Chúa Cha dạy bảo và ra lệnh (Ga 8,28 ; 12,49). Lời và công việc luôn đi đôi và làm chứng cho cả Chúa Cha là Đấng Sai Phái lẫn Chúa Con là Đấng đượïc sai.
Tất cả ơn cứu độ đều là Hồng ân của Chúa Cha (Ga 6,37 ; 10,29 ; 17,24). Và Hồng Ân này hướng mọi sự tới phục sinh và vinh quang (Ga 6,39.44). Sự Hiệp Nhất giữa Cha và Con đượïc diễn tả trọn vẹn trong lễ tế hy sinh của Chúa Con : Chúa Cha ban Chúa Con cho chúng ta là những kẻ tội lỗi, và Chúa Con chấp nhận trở thành Hồng Ân, Quà Tặng của Chúa Cha.
Cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu không gián đoạn tương quan hòa hợp giữa Cha và Con. Ngược lại, cái chết cũng là một Hồng ân, vì Chúa Cha ban cho Chúa Con chén để uống (Ga 18,11). Cái chết biểu lộ tình yêu của Chúa Cha đồng ý cho Chúa Con tự nguyện hy sinh mạng sống (Ga 10,17). Việc vâng phục chứng tỏ tình yêu của Chúa Con vâng giữ lệnh truyền của Chúa Cha (Ga 10,17 ; 14,31). Cùng đích cuộc sống của Chúa Con là tôn vinh Chúa Cha (Ga 13,31 ; 14,13 ; 17,1).
4. Tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con là mạc khải thâm sâu nhất cho các môn đệ, nhưng cũng là đầu mối các cuộc tranh luận và xung khắc giữa Chúa Giêsu với những người Dothái cứng lòng. Chúa Giêsu đã phải chết vì sự xung đột này (Ga 5,18 ; 19,7). Người Dothái cũng gọi Thiên Chúa là Cha (Ga 8,14) để khẳng định độc thần giáo tuyệt đối của họ và bài bác giáo huấn cùng sứ mạng của Chúa Giêsu.
Cuộc chiến vì chân lý và sứ vụ của Chúa Giêsu là để làm chứng cho Sự Thật, và Sự Thật là tương quan Phụ Tử giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần tiếp nối cuộc chiến của Chúa Giêsu sẽ lên án thế gian về sự cứng lòng tin (Ga 16,8-11).
Sự xung đột giữa Chúa Giêsu và người Dothái phát xuất từ sự tương phản về nguồn gốc : Cha của Đức Giêsu là Thiên Chúa, còn cha của những người Dothái cứng lòng là Satan. Chúa Giêsu học hỏi mọi sự từ Chúa Cha ; còn những người Dothái thì học đòi Satan là kẻ nói dối từ thuở ban đầu (Ga 8,44).
V. THẦN HỌC CỦA PHAOLÔ
1. Muốn hiểu thần học của Phaolô về tương quan giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, cần phải nhớ tới “biến cố trên đường Đamas” :
– Trước biến cố Đamas, đối với Phaolô, Đức Giêsu là một con người phạm thượng, lạc giáo, đáng nguyền rủa : phải tiêu diệt “cái đạo” mà Người đã khai trương.
– Sau biến cố Đamas, Phaolô thấy rõ là trước kia ông đã biết Thiên Chúa, nhưng cũng như chưa biết, vì ông đã không biết điều chính yếu : Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
2. Có thể nói, khám phá của ông khi gặp Đức Giêsu Kitô gồm hai mặt : ông khám phá Đức Giêsu Kitô là Chúa (Kurios), Chúa Phục Sinh ; vừa nhận ra Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô. Và chỉ nhờ Đức Giêsu Kitô, mới có thể biết Thiên Chúa thực sự, chính vì thế biết Đức Giêsu Kitô, đối với ông, là mối lợi tuyệt vời, không gì có thể sánh ví (Pl 3,7-9).
Phaolô khám phá ra rằng “sự công chính hóa” mà ông hằng khao khát không thể có được nhờ Lề Luật, nhưng nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô (Rm 3,21-26 ; Gl 3,6-14). Thiên Chúa ban cho chúng ta “ơn công chính” qua Đức Giêsu Kitô, chứ không phải qua Lề Luật. Lề Luật chỉ đóng vai trò “Quản giáo” (Cl 3,25) ; Lề Luật không có khả năng làm cho sống (Gl 3,21). Không nhờ Lề Luật, mà ta hưởng gia tài của Thiên Chúa (Gl 3,18), nhưng nhờ Lời Hứa với Abraham, và Đấng hoàn tất Lời Hứùa là Đức Giêsu Kitô (dòng dõi Abraham Gl 3,29).
Phaolô cũng khám phá lại ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu. Trước Đamas, ông coi cái chết ấy là dấu hiệu Đức Giêsu bị Thiên Chúa chúc dữ (Gl 3,13). Sau Đamas, ông thấy rõ cái chết ấy là dấu chỉ Tình Yêu Thương tha thứ của Thiên Chúa : Thiên Chúa không tha cho Con Một, nhưng phó nộp Người vì chúng ta hết thảy (Rm 8,32) ; Đức Giêsu Kitô chính là ơn Giao Hòa giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại (Cl 1,20).
3. Kinh nghiệm của Phaolô gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trên đường Đamas, cũng là kinh nghiệm về Giáo Hội : ông đã bắt bớ Giáo Hội, và đó là bắt bớ Đức Giêsu Kitô, vì Đức Giêsu Kitô như tự đồng hóa mình với Giáo Hội, Đức Giêsu Kitô được Thiên Chúa đặt làm Đầu Giáo Hội (Cl 1,18). Nhờ phép Rửa trong Thánh Thần, ông đã trở thành chi thể của Thân Mình Duy Nhất của Đức Kitô là Giáo Hội (1 Cr 12,12-30).
4. Biến cố Đamas cũng là một kinh nghiệm về Thần Khí Phục Sinh. Phaolô đã không gặp Đức Kitô theo xác thịt, nhưng đã gặp Đức Kitô đầy Thần Khí, đến nỗi ông gọi Đức Kitô là “Thần Khí Tác Sinh”. Đức Giêsu Kitô là Đấng Sống, Đấng đang sống, vì Thiên Chúa đã ban cho Người Thần Khí, và Thần Khí ấy là Thánh Thần ban Sự Sống, làm cho sống (Dominum et Vivificantem). Chính vì thế mà Thiên Chúa được Phaolô coi như “Đấng Phục Sinh Đức Giêsu Kitô” (đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết nhờ bởi Thần Khí của Người : Rm 8,11).
Thiên Chúa còn là Đấng ban cho chúng ta ơn nghĩa tử trong Đức Giêsu Kitô là Con Yêu Dấu của Người. Chính Thánh Thần của Con (Gl 4,6) cũng là Thánh Thần của Cha (Rm 8,14) làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Đức Kitô (Rm 8,14-17 ; Gl 4,4-7).
5. Phaolô còn khám phá “Đức Giêsu không chỉ là một con người sống trong thời gian, mà đã hiện hữu từ đời đời” như là Đấng Trung Gian Tạo Dựng và Mạc khải cứu độ (Cl 1,15-17 ; 1,18). Phaolô đã dựa trên một phạm trù quan trọng trong Cựu Ước là “Khôn ngoan” để đào sâu mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô. Khi đã đào sâu mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, Phaolô đưa ra rất nhiều tước hiệu để xác định chân tính của Đức Kitô trong tương quan với Thiên Chúa : Đức Giêsu Kitô là :
– Đấng Thánh của Thiên Chúa (Agios)
– Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (Eklektos)
– Con Duy Nhất của Thiên Chúa (Monogenes)
– Trưởng Tử của Thiên Chúa (Prototokos) : (Tạo dựng + Cứu độ)
– Hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa (Eikon) : Mạc khải
– Đấng Trung Gian của Thiên Chúa (Mesites)
– Thượng Tế của Thiên Chúa (Arkhiereus)
– Đấng Kitô của Thiên Chúa
Trong một vài trường hợp, Phaolô còn dùng chính chữ “Thiên Chúa” (Theos) để chỉ Đức Giêsu Kitô (Rm 9,4 : Thiên Chúa đáng chúc tụng ; Tt 2,13 : Thiên Chúa vĩ đại và là Cứu Chúa).
6. Ngoại trừ vài lần rất hiếm hoi, chữ “Thiên Chúa” (Theos) được Phaolô dùng để chỉ Chúa Cha. Phaolô cũng hay dùng chung một chữ : chữ Thiên Chúa và chữ Cha (Theos + Pater) : Thiên Chúa Cha.
– Có khi nói tắt là : Thiên Chúa Cha (Rm 1,7)
– Có khi : Thiên Chúa là Cha (1 Cr 8,6)
– Có khi : Thiên Chúa và Cha(1 Tx 3,11-13)
– Có khi : Thiên Chúa và Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (2 Cr 1,3).
Khi dùng chung hai từ Thiên Chúa và Cha, Phaolô bao hàm nhiều ý :
+ Cha là Thiên Chúa Toàn Năng ; Thiên Chúa toàn năng là Cha (kinh Tin kính).
+ Cha là Nguồn gốc Tuyệt đối của Thần tính, Nguồn gốc và kích thước của mọi biến cố cứu độ (ý định, chương trình của Thiên Chúa Cha).
+ Thiên Chúa Cha là Chúa và là Chủ của toàn thể vũ trụ (Cha của Đấng Kurios).
KẾT LUẬN
Việc dùng chung hai từ Thiên Chúa + Cha nhằm làm nổi bật mạc khải trong Đức Giêsu Kitô, nhờ Đức Giêsu Kitô. Biến cố hoàn tất mạc khải là “Tử Nạn Phục Sinh”. Tin vào Đức Kitô Tử Nạn Phục Sinh là tin vào Thiên Chúa trọn vẹn nhất. Vì Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Ân sủng của Người là ơn Cứu Độ trong Đức Giêsu Kitô, là ơn Công Chính (Thánh Thần).