GIỚI THIỆU THÔNG ÐIỆP“ÐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT”
Lm. Alexis TỐNG PHƯỚC HẬU
Nhập đề
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II giới thiệu năm toàn xá 2000 như Ngài đã khai mạc triều Giáo Hoàng của Ngài, bằng cách suy gẫm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là trung tâm điểm của Ðức Tin Hội Thánh, là trọng tâm của đời sống kitô-hữu. Chúng ta được mời gọi trở về nguồn, về cái chính yếu để múc lấy một sinh lực mới giúp chúng ta sống đức tin giữa lòng thế giới.
Thông điệp Ðấng giàu lòng thương xót (ÐGLTX 30-11-80) được công bố vào năm thứ 3 của triều đại Ngài; Thông điệp này theo sau Thông điệp về Ðức Giêsu Kitô (Ðấng Cứu Chuộc con người: ÐCCCN- 1978), và kế tiếp là Thông Ðiệp về Ðức Chúa Thánh Thần (Ðấng ban Sự Sống: ÐBSS- 1986).
Như thế, chúng ta thấy rõ có một sự liên tục và một sự bao quát trong lối suy tư và giáo huấn của Ngài.
Thông điệp gồm 8 chương, 15 số, mà chúng ta có thể chia làm 4 phần rõ rệt như sau:
Phần I: Phần loan báo (partie kérygmatique)- chương I-II-số 1-3.
Loan báo về Mạc Khải và Nhập Thể của lòng thương xót Ðức Chúa Cha nhờ Ðức Giêsu Ðấng Cứu Thế.
Phần II: Phần Kinh Thánh (partie biblique)- chương III-IV-số 4-6.
Nhắc đến lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước và trong Tân Ước, đặc biệt trong các sách Tin Mừng, từ dụ ngôn thường được gọi là dụ ngôn “người con hoang đàng” mà đáng lý ra chúng ta phải gọi đó là dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” (Lc 15).
Phần III: Phần thần học (partie théologique)- chương V-số 7-9.
Phần này qui chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa vào Mầu Nhiệm Phục Sinh, vì Mầu Nhiệm Phục Sinh diễn tả một cách đầy đủ hơn hết lòng thương xót của Thiên Chúa.
Phần IV: Phần mục vụ (partie pastorale)- chương VI-VIII- số 10-15.
Phần này hiện đại hóa sứ điệp và mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa cho thời đại chúng ta và cho sứ vụ của Hội Thánh muốn, phải và đang cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa – Phần cầu nguyện chương VIII- số 15.
Trong khuôn khổ bài này, chúng ta cố gắng làm nổi bật những điểm cốt yếu nối kết các phần của thông điệp để giúp chúng ta nắm vững và hiểu rõ tư tưởng của thông điệp, đồng thời có những định hướng cho đời sống kitô-hữu và cho Hội Thánh.
I. PHẦN LOAN BÁO (Chương I-II-số 1-3)
Tựa đề của thông điệp là một câu trích từ thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô: Ep 2, 4
Thiên Chúa giàu lòng thương xót là Thiên Chúa của Người kitô-hữu. Một Thiên Chúa được mạc khải như là Cha nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con của Ngài – Chính Thiên Chúa là Cha đã làm cho chúng ta sống lại trong Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô (Ep 2, 5).
Chúa Kitô, Adam mới (MV 22) là Ðấng cứu chuộc con người và là Ðấng Mạc Khải con người, Ngài là Ðấng Cứu Thế vì Ngài mạc khải Cha của Ngài và tình yêu của Cha Ngài.
Như thế, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh đến mối dây liên kết hai thông điệp đầu tiên của triều đại ngài. Mối liên kết này không phải là một sự liên kết về hình thức, hoặc về sư phạm, nhưng là một sự liên kết trong cấu trúc (structurel). Phải đi sâu vào trọng tâm của Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi mới thấu hiểu về Thiên Chúa là Cha và về con người. Chỉ có Ðức Giêsu Kitô mới mạc khải cho chúng ta, qua việc nhập thể, tình yêu của Ðức Chúa Cha và ý nghĩa, hướng đi của con người. Vì vậy, Hội Thánh càng đi sát con người chừng nào – vì con người “chính là con đường của Hội Thánh” (ÐCCCN) (anthropocentrisme) – thì Hội Thánh càng giống Ðức Giêsu Kitô và trong Ðức Giêsu Kitô hướng về Ðức Chúa Cha (théocentrisme).
Tóm lại, Thông điệp ÐCCCN: sự thật về con người. Thông điệp ÐGLTX: sự thật về Thiên Chúa.
Ðức Thánh Cha dựa trên truyền thống của Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh, đặc biết giáo huấn của Vatican II mà Ngài muốn thực hành.
Lòng thương xót, trong viễn tượng Thiên Chúa Ba Ngôi, không phải là điều quá xa vời, siêu phàm, nhưng rất gần gũi và có thể thấy được trong và nhờ Ðức Kitô.
Ðức Thánh Cha muốn trình bày giáo huấn của Ngài cho thế giới ngày nay, một thế giới đầy khiếm khuyết, bị đe dọa, với những nhu cầu lớn lao. Ngài kêu mời thế giới hôm nay phải tỏ lòng thương xót hơn. Ðây chính là sứ vụ và trách nhiệm của Hội Thánh được Chúa Thánh Thần linh hoạt.
Sứ vụ của Hội Thánh là tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần xức dầu và thánh hóa (Lc 4, 18-19). Ngay từ khi Chúa Kitô mạc khải cuộc đời rao giảng, Ngài đã tuyên bố sứ vụ cứu thế của Ngài (déclaration messianique). Trong hành động cũng như trong lời rao giảng, Chúa Kitô làm cho Ðức Chúa Cha hiện diện giữa con người, đặc biệt giữa những người nghèo khổ. Với Chúa Kitô, tình yêu của Thiên Chúa Cha ở giữa thế gian. Vì thế, những ai thuộc về Chúa Kitô và thuộc về Hội Thánh cũng được mời gọi làm cho sứ điệp cứu thế, mà nội dung chính là lòng thương xót của Thiên Chúa, có một chiều kích con người, để cho thế giới ngày hôm nay thấy rõ ràng là Thiên Chúa đang mặc khải chính Ngài cho chúng ta qua lòng thương xót của Chúa Kitô.
II. PHẦN KINH THÁNH (Chương III-IV-Số 4-6)
Lòng thương xót trong Cựu Ước
Trong Cựu Ước, khái niệm và thực chất của lòng thương xót có một nguồn gốc lịch sử. Khái niệm và thực chất này luôn qui chiếu về kinh nghiệm có tính cách xã hội, cộng đoàn của Dân Chúa, và sau đó về kinh nghiệm có tính cách cá nhân và nội tâm.
Chính trong Giao Ước (Alliance) mà lòng thương xót được tỏ bày hơn heat. Lòng thương xót mạnh hơn kẻ thù, mạnh hơn tội lỗi và mạnh hơn lòng bất trung của Dân Chúa. “Thiên Chúa thấy sự cùng khổ của dân Ngài” (Xh 3).
Chính biến cố xuất hành làm cho dân Chúa cảm nghiệm được lòng thong xót của Thiên Chúa và giúp dân Chúa củng cố lòng tin vào Thiên Chúa (Xh 34,61). Lòng thương xót diễn tả và cụ thể hóa Giao Ước, vì Giao Ước là lời cam kết giữa Thiên Chúa và con người và những ai tin vào Thiên Chúa. Nhờ những lời dạy bảo của các ngôn sứ – đặc biệt ngôn sứ hôsê – mà các tác giả Kinh Thánh sau này dùng lại để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lòng thương xót và sự công chính: Lòng thương xót vượt hẳn sự công chính. Vì công chính là để phục vụ tình yêu. Tính cách ưu tiên của lòng thương xót được biểu lộ qua việc sáng tạo và việc tuyển chọn dân Chúa. Sáng tạo và tuyển chọn có một tầm vóc cánh chung (caractère eschatologique) nghĩa là tất cả vũ trụ này, và tất cả nhân loại đều được mời gọi hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa.
Bởi thế, Cựu Ước giống như “một mảnh đất, một môi trường đã được dọn sẵn” để cho Chúa Kitô đến và đến để mạc khải Thiên Chúa Cha, Ðấng giàu lòng thương xót.
Lòng thương xót trong Tân Ước
Trong Tin Mừng Luca, biến cố Ðức Maria thăm viếng bà Isave là một tiếng vang của truyền thống Cựu Ước về lòng thương xót.
“Thiên Chúa tỏ lòng thương xót vì Ngài nhớ lại lời giao ước của Ngài”.
Về Zacharia và sự ra đời của Gioan Tẩy giả: Tên của Ðấng Tẩy giả là Gioan: có nghĩa là “Thiên Chúa tỏ lòng xót thương”. Vì thế, khi ông Zachria viết tên của con mình là “Gioan” trên tấm bảng, ông nói lại được. Ông đã bị câm (ngôn sứ của đại họa) vì ông đã không tin vào lời của Thiên Chúa. Zacharia, một thượng tế, đã được tha thứ khi ông tin vào lời của Thiên Chúa (Zacharia, có nghĩa là “Thiên Chúa đã xóa bỏ”) (Lưu ý: đây là một chú giải không có trong thông điệp).
Dụ ngôn người Cha nhân hậu
Ðể diễn giải tư tưởng chính về lòng thương xót của Thiên Chúa, Ðức Thánh Cha khai triển rất dài dụ ngôn người Cha nhân hậu – tuy từ ngữ “lòng thương xót” không có trong bài dụ ngôn – ngoại trừ Lc 15, 20 (người cha động lòng thương?.).
Người con hoang đàng, theo Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chính là con người hoặc là biểu tượng của con người của tất cả mọi thời đại. Con người đó rất có thể hủy bỏ, hoặc chối từ giao ước tình yêu với cha mình, với cộng đoàn, với chính mình. Người con đánh mất cái phẩm giá được làm con. Người con ý thức từ từ điều nó đánh mất và ý thức đó đã dẫn nó đến một quyết định: Ði gặp cha và thú nhận tội mình.
Từ ngữ “công chính” cũng không có trong bài dụ ngôn, nhưng phần sau của dụ ngôn cho thấy rõ là mối tương quan giữa “công chính” và “tình yêu” được biểu lộ qua “lòng thương xót”.
Sự tương đồng của tình yêu người cha đối với người con mình với tình yêu Thiên Chúa như là một người cha rất rõ rệt và đầy ngụ ý. Cả hai người cha vẫn một lòng trung tín với giao ước:cả hai đón nhận và rất hạnh phúc. Ðây chính là lúc mà người cha và Thiên Chúa bày tỏ sự trung tín qua lòng thương xót (Hesed).
Tuy người con hoang đàng đã mất tất cả, mất về vật chất, nhưng cái phẩm giá làm con, gia tài đích thực, thì đã được cứu vớt và tìm lại được.
“Tình yêu vọt ra từ bản tính làm cha, bắt buộc người cha phải quan tâm đến phẩm giá của con mình”. Sự quan tâm (sollilitude) đầy thương xót đó, Tân Ước, và đặc biệt Thánh Phaolô, gọi là Agapé (1 Cr 13, 4-8). Apapé là một tình yêu thăng tiến, phục hồi giá trị và “đem lại sự thiện từ mọi hình thức của sự ác”.
III. PHẦN THẦN HỌC (Chương V-số 7-9)
Chúng ta phải đi sâu vào mầu nhiệm Phục sinh để hiểu sứ điệp và sự nghiệp cứu thế của Ðức Kitô. Ðức Thánh Cha suy gẫm mầu nhiệm Phục sinh, một mầu nhiệm mà chúng ta không thể nào thấu hiểu triệt để. Ngài lấy lại điều mà ngài đã trình bày và suy gẫm trong thông điệp đầu tiên là thông điệp Ðấng Cứu Chuộc con người.
Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, từ trên thập giá đến cơn hấp hối và cái chết trên thập giá “nói lên sự công chính tuyệt đối”. “Vì Chúa Kitô chịu khổ hình thập giá vì tội lỗi của nhân loại”. Nhưng chiều kích thần linh của cứu độ không phải chỉ là chết cho chúng ta và tha tội cho chúng ta mà thôi (khía cạnh tiêu cực), nhưng trước hết là để đem lại cho tình yêu một sức mạnh tái tạo làm cho con người được hưởng vào sự sung mãn của sự sống và sự thánh thiện với Thiên Chúa (khía cạnh tích cực). Ngôn ngữ của thập giá là: Trong sự tuyển chọn, con người được phẩm giá làm con thừa tự của Thiên Chúa. Thập giá nói lên lời Giao Ước của Thiên Chúa Cha với tất cả mọi người.
Tin vào Con Thiên Chúa bị đóng đinh có nghĩa là thấy Ðức Chúa Cha (Ga 14,9) và có nghĩa là tin rằng tình yêu có ở trong thế gian nhờ quyền năng Thánh Thần, Quyền Năng mà nhờ đó Chúa Con sống lại.
Lòng thương xót là từ ngữ thứ hai của tình yêu
Trên thập giá của Chúa Kitô, chính Chúa Con – đồng bản tính với Ðức Chúa Cha – đã thực hiện sự công chính đối với Thiên Chúa và đã mạc khải lòng thương xót đồng nghĩa với tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết, mạnh hơn tội lỗi. “Chúa Kitô Phục Sinh là sự nhập thể dứt khoát của lòng thương xót”.
Mẹ Maria, trong sự đón nhận và hiểu biết ý nghĩa của Thập Giá đau khổ và vinh quang, là người “hiểu biết triệt để Mầu Nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa”. Mẹ Maria là Mẹ của lòng thương xót.
IV. PHẦN MỤC VỤ (Chương VI-VIII-số 10-15)
Bước vào ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ III, thế hệ chúng ta ý thức về khả năng vô tận của sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật, nhưng đồng thời cũng thấu hiểu về những lo âu, bất lực, những điểm còn đen tối, sự mất thăng bằng của thời đại mình. Công Ðồng Vatican II đã thấy và phân tích những điều này (MV 10). Dường như từ Vatican II đến nay, những vấn đề này càng thêm trầm trọng.
Trước những đe dọa của thế giới ngày nay, công lý mà thôi cũng không đủ dẹp tan những nỗi lo âu. Công lý cũng cần phải có sức mạnh của tình yêu xây dựng đời sống con người.
Bởi thế, Hội Thánh của Bài Ca Magnificat và của Tám Mối Phúc Thật phải làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, bằng lời nói và bằng hành động, để cho “lòng thương xót” nhập thể trong đời sống các Kitô hữu.
Lời loan báo (Kérygme) và sự dấn thân (hành động mục vụ) được nuôi dưỡng bằng đời sống bí tích (Thánh Thể, Hòa Giải), bằng việc suy gẫm Bài Giảng Trên Núi, Thập Giá và bằng việc tỏ lòng nhân hậu đối với người nghèo. Làm như thế, Hội Thánh sẽ đem lại cho thế giới hôm nay một “nền văn minh của tình yêu” mà Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã đề ra, nếu Hội Thánh này muốn làm cho thế giới này trở nên nhân hậu hơn. Hội Thánh múc lấy tận nguồn ơn cứu độ là Ðức Giêsu Kitô sức mạnh của lòng tha thứ, can đảm của tình hòa giải, âu yếm của lòng thương xót.
– Lời cầu xin của Hội Thánh (Chương VIII).
Lời kết
Ðọc lại thông điệp Ðấng Giàu Lòng Thương Xót cũng như các giáo huấn khác của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng ta thấy rõ là Ngài lấy lại điểm chính yếu trong thông điệp này để làm đề tài suy gẫm cho “Mùa Vọng Năm 2000” vào năm 1999, là năm dành cho Ðức Mến. Chúng ta nên và phải đọc cả ba Thông Ðiệp của đầu triều đại Ngài (ÐCCCN- 1978; ÐGLTX- 1980; ÐBSS- 1986). Cả ba Thông Ðiệp này chiếu tỏa ánh sáng trên những lời giáo huấn của Ðức Thánh Cha từ 1987-1997.
Các giáo huấn và những hành động mục vụ của Hội Thánh được đặt nền tảng trên Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nền tảng Chúa Ba Ngôi diễn tả và hoàn thành đức tin Kitô giáo, đem lại cho việc huấn giáo một cấu trúc. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi nhận thấy năm đầu tiên của “Mùa Vọng Năm 2000” được dành cho Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, là Ðấng Cứu Thế (Saveur) và là Ðấng Cứu Chuộc con người (Rédempteur). Vì chính Chúa Kitô hoàn thành và kiện toàn Giao Ước mới được ký kết trên thập giá, giữa Ðức Chúa Cha, Ðấng Giàu Lòng Thương Xót, và con người.