II
“KHÔNG CÒN SỰ PHÂN BIỆT
HY LẠP HAY DO THÁI, MAN DI, MỌI RỢ”
Đợt sóng lớn thứ hai Phúc Âm hóa
Giờ đây chúng ta nghiên cứu đợt sóng lớn thứ hai Phúc Âm hóa, đợt sóng mà trong lịch sử Giáo Hội, theo sau sự sụp đổ của Đế quốc Rôma và sự pha trộn các dân tộc mới do các cuộc xâm lược của dân man di gây ra, để thấy một lần nữa, cách cụ thể, nó có thể dạy chúng ta điều gì hôm nay. Vì chiều kích rộng lớn của giai đoạn lịch sử được xem xét, đây chỉ có thể là một sự tái tạo, như người ta nói, theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa”.
1. Một quyết định ghi dấu tất cả giai đoạn
Vào thời điểm kết thúc chính thức của Đế quốc Rôma năm 476, châu Âu từ lâu đã mang một bộ mặt mới. Thay cho một Đế quốc duy nhất, có nhiều vương quốc gọi là vương quốc rôma – man di. Nhìn chung, bắt đầu từ phía bắc, tình hình như sau: trong tỉnh Britannia của Rôma, người ta thấy người Angles và người Saxons, trong các tỉnh cũ của xứ Gaule là người Francs, phía đông sông Rhin là người Frisons và người Alamans, ở bán đảo Iberia là người Wisigoths, ở Ý là người Ostrogoths, sau này là người Lombards, và ở Bắc Phi là người Vandales. Ở phương Đông, Đế quốc Byzantin vẫn còn cầm cự được.
Giáo Hội đứng trước một quyết định sẽ ghi dấu tất cả gian đoạn này: phải chấp nhận thái độ nào khi đối mặt với tình hình mới này? Quyết định mở cửa Giáo Hội cho tương lai không phải là chuyện xẩy ra tức thời hoặc không có một sự rạn nứt nào. Chúng ta thấy lại một chút những gì đã xảy ra khi Giáo Hội tách khỏi Do Thái giáo để đón nhận những người ngoại giáo vào Giáo Hội. Sự mất phương hướng chung của các Kitô hữu lên đến đỉnh điểm, khi Alaric, vua của người Goths, cướp phá thành Roma năm 410. Người ta tưởng đã đến ngày tận thế, lúc mà người ta còn đồng hóa thế giới với thế giới Rôma, và thế giới Rôma với Kitô giáo. Tiếng nói của thánh Giêrônimô là tiêu biểu nhất giữa tình trạng mất phương hướng chung chung này. Ngài viết: “Ai có thể tin được rằng Roma sẽ sụp đổ, một Rôma với biết bao chiến thắng trên khắp thế giới tạo thành những nền móng của nó?[1]“
Về phương diện trí thức, chính Augustinô là người đóng góp nhiều nhất trong việc truyền đạt niềm tin vào thế giới mới, với tác phẩm “De civitate Dei[2]” (Về Thành đô Thiên Chúa). Theo nhãn quan của ngài, một nhãn quan ghi dấu bước đầu của một thứ triết học về lịch sử, Thành đô Thiên Chúa được phân biệt với Thành đô trần thế, mà có những lúc (do suy nghĩ hơi quá) ngài đã đồng hóa nó với Thành đô của Satan. Ngài muốn nói Thành đô trần thế là tất cả những gì liên quan đến lãnh vực chính trị, bao gồm cả lãnh vực chính trị của Rôma. Vì vậy, không phải ngày tận cùng của thế giới, mà chỉ là ngày tận cùng của một thế giới!
Một cách cụ thể, chính Đức Giáo Hoàng Rôma có nhiệm vụ mang tính quyết định mở cửa tôn giáo cho thực tại mới mẻ và phối hợp các sáng kiến. Thánh Lêô Cả tin chắc rằng Rôma Kitô giáo sẽ tồn tại sau khi Rôma ngoại giáo đã bị diệt vong, thậm chí “sẽ làm cho tôn giáo thần linh của mình có ảnh hưởng rộng rãi hơn nhiều so với ảnh hưởng của nó trong việc thống trị trần gian[3]“.
Dần dần, thái độ của các Kitô hữu đối với các dân man di bắt đầu thay đổi; những dân này không còn bị coi là những sinh vật thấp kém, không có khả năng hấp thụ văn minh, từ đây được xem như những người có thể trở thành anh em trong đức tin. Thế giới man di, từng được coi là một mối đe dọa thường xuyên, bắt đầu xuất hiện trước mắt các Kitô hữu như một lãnh vực truyền giáo mới mẻ, rộng lớn. Cùng với Đức Giêsu Kitô, Phaolô đã tuyên bố xóa bỏ những phân biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hóa và giai cấp xã hội, khi nói: “Không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả, và ở trong mọi người” (Cl 3,11); nhưng có biết bao nỗ lực để biến cuộc cách mạng này thành thực tế của Lịch sử! Và không chỉ là chuyện ngày xưa!
2. Một cuộc Phúc Âm hóa mới ở châu Âu
Đối với các dân man di, Giáo Hội đã phải chiến đấu trên hai mặt trận. Mặt trận thứ nhất là chống lại lạc giáo Ariô. Một số lớn các bộ lạc man di, đặc biệt người Goths, trước khi xâm nhập vào trung tâm của Đế quốc, với tư cách là những kẻ chinh phục, đã tiếp xúc với Kitô giáo ở phương Đông và đã đón nhận nó dưới dạng lạc giáo Ariô khi ấy đang rất thịnh hành, đặc biệt nhờ công của giám mục đang ở với họ là Wulfila (311-383), người đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Gôtích. Sau khi định cư ở lãnh thổ phía Tây, người Goths đã mang theo mình dạng lạc giáo Ariô này.
Nhưng lạc giáo Ariô không có một tổ chức tập trung, cũng không có một văn hóa hay thần học nào sánh được với những người Công giáo. Trong suốt thế kỷ thứ sáu, các vương quốc man di lần lượt từ bỏ lạc giáo Ariô để gắn bó với đức tin công giáo, nhờ công của một số giám mục và nhà văn lớn công giáo, nhưng đôi khi cũng do tính toán chính trị. Công đồng Toledo năm 589 là một thời điểm quyết định. Được Leandro thành Sevilla khích lệ, nó xóa sổ lạc giáo Ariô Wisigoth ở Tây Ban Nha và trên thực tế, trong khắp phương Tây.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại lạc giáo Ariô không có gì mới. Nó đã bắt đầu từ rất lâu trước đó, vào năm 325. Đề xuất mới thật sự mà Giáo Hội đã theo đuổi đến cùng sau khi Đế quốc Rôma suy tàn, là Phúc Âm hóa cho người ngoại giáo. Công việc này, có thể nói, đi theo hai hướng ad intra và ad extra, nghĩa là hướng tới các dân của Đế quốc cũ và tới các dân xuất hiện gần đây. Trong các lãnh thổ của Đế quốc cũ, tức là Ý và các tỉnh, cho đến nay Giáo Hội hầu như chỉ cắm rễ trong các thành phố. Đây là lúc Giáo Hội mở rộng sự hiện diện của mình đến các vùng nông thôn và làng mạc. Như chúng ta biết, thuật ngữ “ngoại giáo” xuất phát từ “pagus“, có nghĩa “làng mạc”, có nghĩa như vậy là vì việc Phúc Âm hóa ở nông thôn, nói chung, thường xẩy ra rất lâu sau việc Phúc Âm hóa ở thành thị.
Chắc chắn sẽ là chuyện thú vị nếu cũng đi theo con đường truyền giáo đã dẫn đến sự khai sinh và phát triển của hệ thống giáo xứ, như là các phân khu nhỏ của giáo phận, nhưng mục tiêu mà tôi đặt ra buộc tôi phải giới hạn ở hướng truyền giáo khác, hướng ad extra, nhằm đem Phúc Âm đến cho các dân man di định cư ở các đảo và trung tâm châu Âu, tức ở Anh, Hòa Lan, Pháp và Đức ngày nay.
Việc vua Clovis trở lại đạo, người được giám mục của Reims là thánh Rémi rửa tội trong đêm Giáng Sinh năm 498 hoặc 499, là một thời điểm có tính quyết định của đề xướng này. Như vậy, theo phong tục thời đó, ông định đoạt không chỉ tương lai tôn giáo của người Francs, mà còn của những dân tộc khác mà ông đã chinh phục bên này và bên kia sông Rhin. Khi rửa tội cho Clovis, giám mục Rémi đã nói câu nổi tiếng: “Mitis depone colla, Sigamber; adora quod incendisti, incende quod adorasti“: “Này Sigamber, hãy khiêm tốn cúi đầu, hãy tôn thờ những gì ông đã thiêu hủy, hãy thiêu hủy những gì ông đã tôn thờ[4]“. Chính do biến cố này mà nước Pháp mang danh hiệu “trưởng nữ của Giáo Hội”.
Việc Kitô hóa lục địa được hoàn thành vào thế kỷ thứ IX khi hai thánh Cyrillô và Mêthođiô đưa các dân Slavô vào đạo. Những dân này đã đến xâm chiếm những lãnh thổ ở phía đông châu Âu, mà những đợt di dân trước đó đã bỏ lại để chuyển sang phương Tây.
Các điều kiện Phúc Âm hóa nơi những dân man di có một hình thức hoàn toàn khác, khác với những điều kiện mà người ta đã biết nơi thế giới Hy Lạp và Rôma, nơi mà trước mắt Kitô giáo là một thế giới có văn hóa, có tổ chức, với các quy tắc, luật lệ, ngôn ngữ chung. Có thể nói, Kitô giáo đã có một nền văn hóa để đối thoại, đương đầu. Giờ đây Kitô giáo sẽ phải đối mặt với hai nhiệm vụ cùng một lúc: khai hóa và Phúc Âm hóa. Dạy người ta đọc và viết, trong khi đào tạo họ về giáo lý Kitô giáo. Việc hội nhập văn hóa được thực hiện dưới một hình thức hoàn toàn mới lạ.
3. Thiên anh hùng ca của các đan sĩ
Công trình lớn lao mà tôi chỉ có thể phác họa những nét lớn ở đây, đã được thực hiện trực tiếp với sự tham gia của tất cả các thành phần trong Giáo Hội. Trước hết, là của Đức Giáo Hoàng, người có sáng kiến trực tiếp đưa đến việc Phúc Âm hóa dân Anglô và đã tham gia tích cực vào việc Phúc Âm hóa nước Đức do thánh Bonifaciô thực hiện, và vào việc Phúc Âm hóa các dân Slavô được các thánh Cyrillô và Methođiô tiến hành; sau đó là của các giám mục và linh mục quản xứ, khi các cộng đồng địa phương đã hình thành và trở nên ổn định. Một số phụ nữ cũng đóng một vai trò, một vai trò thầm lặng nhưng mang tính quyết định. Đằng sau việc trở lại của các vua chúa man di, thường thấy có ảnh hưởng của những bà vợ liên hệ: thánh Clotilde đối với vua Clovis, thánh Theodolinde đối với vua người Lombards là Autharis, bà vợ công giáo của vua Edwin, người đã du nhập Kitô giáo vào phía bắc nước Anh.
Nhưng những tác nhân thực sự của công cuộc tái Phúc Âm hoá châu Âu sau các cuộc xâm lăng của dân man di là các đan sĩ. Ở phương Tây, chế độ đan viện, bắt đầu từ thế kỷ thứ IV, nhanh chóng lan rộng, nhưng theo hai thời kỳ và từ hai hướng khác nhau. Đợt sóng đầu tiên bắt đầu từ phía nam và trung tâm của xứ Gaule, đặc biệt từ Lérins (410) và Auxerre (418), và nhờ thánh Patrick, người đã được đào tạo ở hai trung tâm này, nó lan đến Ai Len, nơi mà tất cả đời sống tôn giáo nhờ nó mà sinh động. Từ đó, Patrick đến Scotland, cùng với thánh Colomban, người sáng lập đan viện Iona (521-597), và cùng với Thánh Cuthbert ở Lindisfarne (635-687), miền bắc nước Anh, nơi ngài thiết lập một Kitô giáo và một chế độ đan viện mang màu mầu sắc đặc thù Celtic.
Những bước đầu của đợt sóng đan viện thứ hai, nhằm tận dụng và thống nhất các hình thức khác nhau của chế độ đan viện ở phương Tây, phát sinh từ thời thánh Biển Đức (+547). Thuộc về đợt sóng này là đan sĩ Augustinô và các bạn đồng hành của ông, được thánh Giáo Hoàng Grêgoriô Cả sai đi. Họ đã truyền bá Phúc Âm cho miền nam nước Anh, mang lại một Kitô giáo kiểu Rôma mà cuối cùng đã chiếm ưu thế hơn Kitô giáo kiểu Celtic và hài hòa quần đảo Anh với phần còn lại của Kitô giới (chẳng hạn về ngày cử hành lễ Phục Sinh).
Từ thế kỷ V đến thế kỷ VIII, châu Âu thực sự rợp bóng các đan viện, trong số đó nhiều đan viện sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc hình thành lục địa, không chỉ trong việc đào tạo tôn giáo mà còn trong việc đào tạo nghệ thuật, văn hóa và nông nghiệp. Chính vì vậy mà thánh Biển Đức được tôn xưng là thánh Bảo Trợ của châu Âu, và Đức Hồng Y Ratzinger, năm 2005, ngay trước khi trở thành Giáo Hoàng Biển Đức XVI, đã chọn Subiaco làm nơi trình bày long trọng về những nguồn gốc Kitô giáo cua châu Âu.
Hầu hết các đan sĩ truyền giáo vĩ đại đều xuất thân từ trào lưu đầu tiên trong số hai trào lưu nói trên, là trào lưu từ Ai Len và Anh đi vào lục địa. Những cái tên tiêu biểu nhất là thánh Colomban (542-615) và thánh Bonifaciô (672-754). Người trước bắt đầu từ Luxeuil, đã truyền giáo trong nhiều vùng của miền bắc xứ Gaule và các bộ tộc ở miền nam nước Đức, tiến xa tới tận Bobbio, thuộc Ý; người sau được coi là nhà truyền giáo của nước Đức, đã mở rộng hoạt động truyền giáo của mình đến tận Friesland, thuộc Hòa Lan ngày nay. Đọc câu chuyện về cuộc đời của các ngài, người ta có cảm tưởng như đang sống lại cuộc phiêu lưu truyền giáo của Tông đồ Phaolô: cùng nóng lòng khao khát mang Phúc Âm đến cho mọi thụ tạo, cùng can đảm đương đầu với mọi thứ nguy hiểm hay trở ngại, ngay cả đối với thánh Bonifaciô và nhiều người khác, và số phận cuối cùng là tử đạo.
Những lỗ hổng của công cuộc Phúc Âm hóa có quy mô lớn này đã từng được biết đến nhiều và chính nhờ so sánh với thánh Phaolô người ta thấy rõ lỗ hổng chính. Trong khi truyền bá Phúc Âm, thánh Tông Đồ đã quan tâm thiết lập một Giáo Hội ở mọi nơi ngài đến, để có thể bảo đảm cho sự liên tục và phát triển của đời sống Kitô giáo. Nhiều khi, vì thiếu phương tiện và vì những khó khăn di chuyển trong một xã hội còn đang biến động, những người tiên phong này đã không thể bảo đảm cho công việc của họ được liên tục.
Các dân man di có xu hướng chỉ áp dụng một phần chương trình do thánh Remi chỉ định cho vua Clovis: họ tôn thờ những gì họ đã thiêu hủy, nhưng không thiêu hủy những gì họ đã tôn thờ. Phần lớn hành trang thờ thần và ngoại giáo của họ vẫn còn đó và tái hiện khi có cơ hội. Giống như một số con đường mòn trong rừng: vì không được bảo trì và hầu như không được sử dụng, chúng nhanh chóng bị khu rừng xung quanh xâm lấn và xóa sổ. Công việc duy nhất tồn tại lâu nhất nơi những nhà truyền giáo vĩ đại này chính là thiết lập một mạng lưới các đan viện và, cùng với Augustinô ở Anh và thánh Bonifaciô ở Đức, việc thiết lập các giáo phận và tổ chức các hội nghị ngay sau đó sẽ bảo đảm cho việc tái tục một cuộc Phúc Âm hóa lâu dài và sâu sắc hơn.
4. Truyền giáo và chiêm niệm
Từ khuôn khổ lịch sử này, đã đến lúc rút ra một vài chỉ dẫn cho ngày hôm nay. Đầu tiên chúng ta ghi nhận một sự tương tự nào đó giữa giai đoạn chúng ta đã nhìn lại và tình hình hiện tại. Hồi đó, phong trào của dân chúng đi từ đông sang tây, bây giờ đi từ nam ra bắc. Cũng trong trường hợp này, Giáo Hội, với huấn quyền của mình, đã chọn phạm vi hoạt động của mình: cởi mở cho những cái mới và đón nhận những dân mới.
Điều khác biệt là ngày nay không phải các dân ngoại hoặc các Kitô hữu lạc giáo đến châu Âu, mà thường là các dân tộc đã có tôn giáo riêng của họ, được cấu trúc hẳn hoi và có ý thức về chính mình. Như vậy, sự kiện mới là: cuộc đối thoại không đi ngược lại việc Phúc Âm hóa, nhưng xác định phong cách của nó. Trong thông điệp Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc) về giá trị vĩnh viễn của lệnh truyền giáo, Đức Gioan Phaolô II đã bày tỏ rõ ràng về chủ đề này như sau:
“Đối thoại liên tôn là một thành phần trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Được hiểu như cách thức và phương thế nhằm hướng tới sự hiểu biết và làm phong phú lẫn nhau, việc đối thoại không mâu thuẫn với sứ vụ ad gentes (đến với muôn dân), ngược lại, còn có liên hệ đặc biệt và diễn tả sứ vụ ấy. […] Dưới ánh sáng của nhiệm cục cứu độ, Giáo Hội nhận thấy rắng không có mâu thuẫn giữa việc loan báo Đức Kitô với việc đối thoại liên tôn, nhưng Giáo Hội cảm thấy cần phải điều hợp những vấn đề ấy trong bối cảnh sứ vụ ad gentes. Thật vậy, hai yếu tố này cần phải liên hệ mật thiết với nhau, đồng thời lại phải phân biệt nhau. Vì thế không được lẫn lộn, không được lợi dụng, không được coi chúng ngang hàng với nhau, như thể chúng có thể hoán chuyển cho nhau[5]”.
Những gì đã xảy ra ở châu Âu sau các cuộc xâm lược của dân man di cho chúng ta thấy trên hết tầm quan trọng của đời sống chiêm niệm đối với việc Phúc Âm hóa. Đây là những gì sắc lệnh “Ad gentes” của Công đồng viết về chủ đề này:
“Cũng đáng đặc biệt nhắc tới những sáng kiến khác nhau nhằm làm cho đời sống chiêm niệm cắm rễ sâu: có người chủ trương duy trì những yếu tố căn bản của tổ chức đan viện, nhưng vẫn cố gắng xen vào đó những truyền thống rất phong phú của dòng mình; có người lại trở về với những hình thức đơn giản hơn của bậc đan tu thời trước. Tuy nhiên, tất cả đều phải cố gắng tìm cách để thực sự thích nghi với những hoàn cảnh địa phương. Thực vậy, vì đời sống chiêm niệm thuộc về sự hiện diện trọn vẹn của Giáo Hội, nên phải được thiết lập khắp nơi trong các Giáo Hội trẻ[6]”.
Lời mời gọi tìm kiếm các hình thức đan viện mới nhằm mục đích Phúc Âm hóa, cũng lấy cảm hứng từ chế độ đan viện cổ xưa, không phải không có hiệu lực. Một trong những hình thức đáp ứng mong muốn này, được thực hiện bởi “Các Huynh đoàn đan viện ở Giêrusalem”, được biết đến như là các đan sĩ và nữ đan sĩ ở các thành phố. Người sáng lập là cha Pierre-Marie Delfieux, sau hai năm sống trong sa mạc Sahara, chỉ có Thánh Thể và Kinh Thánh là bạn đồng hành, đã hiểu rằng ngày nay sa mạc là các thành phố lớn đã bị tục hóa. Ra mắt tại Paris năm 1975 vào ngày lễ Các Thánh, các huynh đoàn này hiện có mặt tại một số thành phố lớn ở châu Âu, bao gồm cả Roma, nơi họ phụ trách nhà thờ Trinité-des-Monts. Đặc sủng của họ là truyền giáo qua vẻ đẹp của nghệ thuật và phụng vụ. Tu phục của họ, lối sống sống của họ, giản dị và khắc khổ, thời giờ phân bố giữa lao động và cầu nguyện, tất cả giống như của một đời sống đan viện. Điểm mới là họ cư ngụ ở trung tâm các thành phố, thường là trong các nhà thờ cổ có giá trị nghệ thuật cao, và sự hợp tác này giữa các đan sĩ và các nữ đan sĩ trong lãnh vực phụng vụ, không làm thay đổi sự độc lập của họ về phương diện cư trú và quyền bính. Số lượng người vào đạo và các Kitô hữu trở lại với đức tin, xung quanh những nơi này, không phải là ít.
Và rồi có tu viện Bose ở Ý, là một loại hình hoàn toàn khác, nhưng cũng góp phần vào sự nở rộ này của các hình thức đan viện mới. Trong lãnh vực đại kết, chúng ta có đan viện Taizé ở Pháp, một ví dụ cho thấy nỗ lực trực tiếp đưa đời sống chiêm niệm vào mặt trận Phúc Âm hóa.
Ngày 1 tháng 11 năm 1982, tại Avila, Đức Gioan-Phaolô II, khi tiếp một phái đoàn rất đông đại biểu của các nữ đan sĩ, cũng đã đề xuất với các nữ tu dòng kín là họ có thể dấn thân trực tiếp hơn vào công việc Phúc Âm hóa. Ngài nói:
“Các đan viện của các con là những cộng đồng cầu nguyện giữa các cộng đồng Kitô giáo, nơi các con mang lại cho họ sự giúp đỡ, lương thực và niềm hy vọng. Đó là những nơi được thánh hiến và cũng sẽ có thể là những trung tâm đón nhận theo tinh thần Kitô giáo những con người, đặc biệt là những người trẻ, vốn thường tìm kiếm một cuộc sống giản dị và trong sáng, trái ngược với cuộc sống mà xã hội tiêu thụ cung cấp cho họ”.
Lời kêu gọi của ngài không phải là không có tiếng vang và được phản ánh trong các sáng kiến ban đầu của các nữ đan sĩ sống chiêm niệm hướng tới việc Phúc Âm hóa. Tất cả những hình thức mới này không nhằm thay thế các thực thể đan viện truyền thống, trong đó nhiều đan viện cũng là những trung tâm tỏa sáng những giá trị thuộc linh, những trung tâm truyền bá Phúc Âm, nhưng nhằm hoạt động song hành với chúng và làm cho chúng được phong phú.
Trong Giáo Hội nếu chỉ có những người hiến thân cho việc chiêm niệm và những người khác hiến thân cho việc truyền giáo, thì không đủ; cần tổng hợp hai loại người này trong đời sống của mỗi nhà truyền giáo. Nói cách khác, cầu nguyện “cho” các nhà truyền giáo là không đủ, mà còn cần lời cầu nguyện “của” các nhà truyền giáo. Những đan sĩ lớn đã tái Phúc Âm hóa châu Âu sau các cuộc xâm lăng của dân man di đã là những người ra khỏi sự thinh lặng của việc chiêm niệm và trở lại đó ngay khi hoàn cảnh cho phép. Hoặc đúng hơn, trong thâm tâm, họ chưa bao giờ hoàn toàn rời bỏ đan viện. Họ đã áp dụng trước lời khuyên của Phanxicô Assisi dành cho các anh em mình khi gửi họ đi trên mọi nẻo đường của thế giới. Ngài nói:
“Dù đi đâu, chúng ta cũng mang theo mình phòng riêng của chúng ta, và khi nào muốn, thì, giống như các ẩn sĩ, chúng ta có thể lại vào trong phòng riêng của chúng ta. Phòng riêng ấy chính là người anh em thân xác chúng ta, và linh hồn chúng ta là ẩn sĩ cư ngụ trong phòng riêng này để cầu nguyện với Chúa và suy niệm[7]“.
Về điều này, chúng ta có một gương mẫu có thế giá hơn nhiều. Ngày sống của Đức Giêsu là một sự đan xen tuyệt vời giữa cầu nguyện và suy niệm. Đức Giêsu không chỉ cầu nguyện trước khi rao giảng, ngài cầu nguyện để biết điều cần giảng, rút ra từ lời cầu nguyện những điều phải loan báo cho thế gian: “Những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi”. (Ga 12,50). “Thế giá” của Ngài khi nói, và đã gây ấn tượng đến vậy, phát xuất từ đó.
Những nỗ lực cho một công cuộc Phúc Âm hóa mới đang phải đối mặt với hai nguy cơ. Một là sức ì, lười biếng, không làm gì cả và để mặc mọi việc cho người khác. Hai là lao vào một thứ hiếu động sôi nổi và trống rỗng theo cách con người, cuối cùng là dần dần không còn tiếp xúc với nguồn mạch lời Chúa và hiệu năng của nó. Người ta bảo: “Làm sao có thể ở đó, lặng lẽ cầu nguyện, trong khi có quá nhiều nhu cầu đòi chúng ta hiện diện? Làm sao không chạy đến khi ngôi nhà đang cháy?” Đúng, nhưng hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu những người lính cứu hỏa, vội vã đến hiện trường để dập lửa, nhận ra rằng, khi đến nơi, họ không còn một giọt nước nào trong bồn chứa của mình. Chính là trường hợp chúng ta, khi chúng ta đi rao giảng mà không cầu nguyện.
Cầu nguyện là việc thiết yếu cho công cuộc Phúc Âm hóa, vì việc rao giảng Kitô giáo tiên vàn không phải là truyền đạt giáo lý nhưng là sự sống. Người cầu nguyện mà không nói sẽ rao giảng Phúc Âm hơn người nói mà không cầu nguyện.
5. Đức Maria, ngôi sao của việc Phúc Âm hóa
Chúng ta kết thúc bằng một suy nghĩ về Đức Trinh Nữ. Một hôm, trong một cuộc đối thoại đại kết, một anh em Tin lành hỏi tôi, không phải có ý định tranh luận, nhưng chỉ để hiểu thôi: “Tại sao bên Công giáo các anh lại nói rằng Đức Maria là Ngôi sao của việc Phúc Âm hóa”? Đức Maria đã làm gì để xứng đáng với danh hiệu như vậy?”. Câu hỏi này là cơ hội để tôi suy nghĩ về vấn đề và tôi mau chóng tìm ra lý do sâu xa. Đức Maria là Ngôi sao của việc Phúc Âm hóa, vì Mẹ đã đem Lời đến, không phải cho người này người kia, nhưng cho toàn thế giới!
Nhưng không chỉ có thế. Đức Maria mang Lời trong lòng dạ, chứ không phải trên môi miệng. Mẹ đã được tràn đầy Đức Kitô ngay cả về mặt thể lý, và tỏa sáng chỉ nhờ sự hiện diện của Ngài. Đức Giêsu tỏa ra từ đôi mắt, khuôn mặt, tất cả con người của Mẹ. Khi ai đó xức nước hoa, thì không cần cho biết mình xức nước hoa, chỉ cần ở bên cạnh người ấy cũng đủ nhận ra và Đức Maria, nhất là trong giai đoạn Mẹ mang thai Đức Giêsu, thì đầy hương thơm của Ngài.
Người ta có thể nói rằng Đức Maria đã là khu vực nội cấm đầu tiên của Giáo Hội. Sau Lễ Ngũ Tuần, Mẹ như đi vào khu vực nội cấm. Qua thư của các Tông Đồ, chúng ta biết được vô số nhân vật, nhưng cũng biết được rất nhiều phụ nữ thuộc cộng đồng Kitô hữu đầu tiên. Có lúc người ta nói về một Maria nào đó (x. Rm 16,6), nhưng không phải là về Mẹ. Về Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu, người ta không nói gì hết. Mẹ mất hút trong im lặng sâu thẳm nhất. Nhưng Gioan có Mẹ ở bên cạnh khi viết Phúc Âm, điều đó có ý nghĩa gì đối với ông chăng, và chúng ta có Người ở bên cạnh khi chúng ta loan báo cũng Phúc Âm ấy, điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta chăng? Origen viết:
“Bông hoa của các sách Phúc Âm là bông hoa của Gioan, mà ý nghĩa sâu xa của nó thì chỉ người đã gục đầu vào ngực Đức Giêsu và đã nhận được từ Ngài Đức Maria như là mẹ của mình, chỉ người đó mới hiểu được mà thôi[8]“.
Trong Giáo Hội, Đức Maria đã khai mào linh hồn thứ hai, hay còn gọi là ơn gọi, là linh hồn ẩn kín và cầu nguyện, bên cạnh linh hồn tông đồ hoặc hoạt động. Linh ảnh (icône) truyền thống về cuộc Thăng Thiên là một cách diễn tả tuyệt vời về điều này. Đức Maria đứng, hai cánh tay giang rộng trong tư thế cầu nguyện. Xung quanh Mẹ là các Tông đồ, tất cả đều giơ một chân hay một tay lên, nói cách khác là đang di chuyển, biểu thị một Giáo Hội sắp lên đường truyền giáo, rao giảng và hoạt động. Còn Đức Maria thì bất động, bên dưới Chúa Giêsu, ngay tại nơi Ngài đã lên trời, như để ghi nhớ mãi kỷ niệm này và mong đợi Ngài trở lại.
Chúng ta kết thúc bằng việc lắng nghe những lời cuối trong tông huấn Evangelii nuntiandi (Loan Báo Phúc Âm) của Đức Phaolô VI, nơi mà lần đầu tiên trong các văn kiện của Giáo Hoàng, tên của Đức Maria được đi kèm với tước hiệu Ngôi sao của việc Phúc Âm hóa:
“Vào buổi sáng ngày lễ Hiện Xuống, trong lúc cầu nguyện, Mẹ đã chủ tọa buổi khởi sự công cuộc Phúc Âm hóa dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Xin cho Mẹ là Ngôi sao của việc Phúc Âm hóa luôn luôn được làm mới lại mãi, mà Giáo hội, thừa lệnh Chúa, phải xúc tiến và thực hiện, nhất là giữa thời buổi vừa khó khăn vừa đầy hy vọng này[9]!”
[1] Jérôme, Commentaire sur Ezéchiel, III, préf. PL. 25, 75; cf. les Lettres, LX, 16; CXXIII, 15-16; CXXVI, 2 PL 22, 600. 1057, 1086).
[2] Augustinô, La Cité de Dieu, Poche-Sagesse, 2004.
[3] Lêô Cả, Sermons IV, 82 (SCh 200, Cerf 1973).
[4] Grégoire de Tours, Histoire des Francs, Les Belles Lettres, 1995. (Bộ lạc Sicambres là bộ lạc người Gaulois mà từ đó Clovis xuất thân).
[5] In Redemptoris Missio, sous Le dialogue avec les frères d’autres religions, n. 55.
[6] Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes, số 18.
[7] La légende de Pérouse in Le miroir de la perfection, Ed. Franciscaines, 1996
[8] Origen, Commentaire sur saint Jean, I, 6, 23 (SCh 385).
[9] Evangelii Nuntiandi, no 82