“Ngươi không được làm chứng gian hại người”(Xh 20,16).
“Anh em còn nghe luật xưa dạy rằng: “Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Chúa” (Mt 5.33).
Điều răn thứ tám cấm xuyên tạc chân lý trong tương quan với tha nhân. Chỉ thị luân lý này xuất phát từ ơn gọi của Dân Thánh, là làm chứng cho Thiên Chúa của mình, Đấng là chân lý và muốn chân lý. Những xúc phạm đến chân lý, bằng lời nói hay hành động, đều là từ chối dấn thân theo sự ngay thẳng về luân lý. Những sự xúc phạm đó là những bất trung căn bản đối với Thiên Chúa, đồng thời hủy hoại các nền tảng của Giao Ước.
I. SỐNG TRONG SỰ THẬT
Con người không thể sống với nhau nếu không tin tưởng lẫn nhau và thành thật với nhau. Không có sự thành thật, cuộc sống chung sẽ rất nặng nề, vì người ta phải thường xuyên cảnh giác và lo sợ. Vì thế, sự thành thật là một đức tính rất cần thiết trong đời sống cộng đoàn.
Đối với người Kitô hữu, lời mời gọi sống theo sự thật được bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Cựu Ước xác quyết rằng Thiên Chúa là nguồn mọi sự thật nên dân của Ngài được mời gọi sống trong sự thật (x. Rm 3,4).
Toàn bộ chân lý của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu là chân lý (x.Ga 14,6) đến trong thế gian để làm ánh sáng cho con người. Bước theo Đức Giêsu là sống trong Thánh Thần chân lý, Đấng dẫn đưa chúng ta vào tất cả sự thật (x.Ga 16,13).
Vì thế, người môn đệ của Đức Giêsu phải là người yêu mến sự thật, “có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,33), tránh lối sống hai mặt, dối trá va giả hình.
II. LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
Không những sống trong sự thật, người Kitô hữu còn phải làm chứng cho sự thật, theo gương Đức Giêsu, Đấng “đã đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Vì Chúa Giêsu Kitô chính là sự thật, nên làm chứng cho sự thật cũng là làm chứng cho Chúa, cho niềm tin vào Người, cho Tin Mừng của Người. Thánh Phaolô viết: “Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta” (2Tm 1,8).
Người Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho chân lý Tin Mừng trong mọi lãnh vực của hoạt động công khai và riêng tư, dù phải hy sinh mạng sống mình, nếu cần thiết. Tử đạo là chứng từ cao nhất cho chân lý đức tin. Các Thánh Tử Đạo là những mẫu chứng nhân tuyệt vời. Các ngài đã làm chứng cho Chúa Kitô đã chết và sống lại, cho chân lý đức tin bằng chính mạng sống mình.
III. NHỮNG TỘI NGHỊCH VỚI ĐIỀU RĂN THỨ TÁM
1. Làm chứng dối và thề gian
Mức độ nặng nhẹ căn cứ trên sự sai lệch của sự thật, trên những hoàn cảnh, trên những ý hướng của kẻ nói dối và mức độ thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu.
2. Phán đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống, bôi nhọ
Đây là những tội làm giảm hay phá hoại uy tín và danh dự mà mỗi người có quyền hưởng.
3. Nịnh hót, tâng bốc và xu nịnh
Là nói sai sự thật để làm cho người ta hài lòng và có cảm tình với mình hay thuận theo ý mình. Những tội này sẽ trở nên trầm trọng khi nhằm mục đích bao che việc phạm tội trọng hay thủ lợi bất chính.
4. Khoe khoang, khoác lác, mỉa mai
Khoe khoang, khoác lác là lỗi phạm nghịch với sự thật. Về tội châm biếm, khi có ý làm mất uy tín một ai đó, bằng cách diễu cợt, với ý xấu, một điều gì trong cách hành động của người đó.
5. Nói dối
Nói dối là sự xúc phạm trực tiếp đến chân lý. Nói dối là nói hay hành động nghịch với chân lý để dẫn đến sự sai lầm. Nói dối, vì làm hại cho tương quan của con người với chân lý và với người lân cận, nên xúc phạm đến tương quan nền tảng giữa con người và lời nói của con người với Chúa. Tội nói dối nặng nhẹ tùy ở tác hại của nó gây ra cho người khác. Nhiều khi nói dối bên ngoài xem ra có vẻ nhẹ, nhưng lại trở thành sự xúc phạm nặng đối với đức công bình và bác ái.
v Tất cả các tội phạm nghịch với sự thật buộc phải đền bù lại nếu gây tai hại cho kẻ khác.
IV. TÔN TRỌNG SỰ THẬT
Điều răn thứ tám đòi buộc chúng ta phải tôn trọng sự thật, kèm theo sự tế nhị của đức ái. Đức ái đòi buộc ta phải cẩn trọng xem xét có nên nói sự thật cho người khác không, vì có thể dẫn đến những hậu quả không tốt. Ngoài ra, còn phải bảo vệ các bí mật nghề nghiệp. Ta chỉ được phép nói ra vì những lý do nghiêm trọng và cân xứng, hoặc vì tai nạn có thể xảy ra nếu không nói. Cũng phải tôn trọng những chuyện tâm sự mà chúng ta đã hứa giữ bí mật.
Ø Tôn trọng sự thật khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Thông tin bằng các phương tiện truyền thông phải phục vụ lợi ích chung. Về nội dung, thông tin phải luôn đúng sự thật và trong giới hạn của công lý và bác ái, phải mang tính chất toàn vẹn. Mặt khác, thông tin phải được diễn tả cách chân thật và thích hợp, cẩn thận tuân giữ các luật luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con người.
Ø Tôn trọng sự thật trong mỹ thuật,chủ yếu là nghệ thuật thánh: Sự thật hay Chân lý tự bản chất là vẻ đẹp. Chân lý bao gồm sự huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Ngoài lời nói, còn có nhiều cách diễn tả chân lý, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật. Xuất phát từ tài năng được Thiên Chúa trao ban và cố gắng của con người, nghệ thuật là một hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp với kiến thức, với tài khéo léo, để tạo hình thể cho chân lý của một thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận được bằng mắt thấy và tai nghe. Như vậy, nghệ thuật bao hàm một sự tương tự nào đó với hoạt động của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, theo mức độ nghệ thuật được gợi hứng bởi chân lý về vạn vật và lòng yêu mến vạn vật. Cũng như bất cứ hành động nào khác của con người, nghệ thuật không có mục đích tuyệt đối nơi chính nó, nhưng được quy hướng về con người, và trở nên cao quý nhờ mục đích tối hậu là con người.
Đặc biệt, nghệ thuật thánh “tự bản chất nhằm diễn tả vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, được cảm nghiệm cách nào đó qua những tác phẩm của con người; nghệ thuật thánh càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn ,một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ,ngoài sự góp phần tối đa để quy hướng tâm trí con người về cùng Thiên Chúa” (HCPV 122). Nghệ thuật thánh được xem là chân thật và đẹp đẽ, phải gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, phải dẫn đến tình yêu Thiên Chúa và thờ lạy Ngài là Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ, là Vẻ Đẹp tối cao của Chân Lý và Tình Yêu.