LỄ HIỂN LINH
09g30 CN 02/01/2022 – Cha Trọng Thành nhậm xứ Thạnh Mỹ
1. Các bài đọc Lời Chúa:
– Chúng ta mới lắng nghe ba bài đọc: Is 60,1-6; Ep 3,2-6; Mt 2,1-12. Mẫu số chung, cũng là chủ đề chung xuyên suốt cả ba bài đọc, đó là dân ngoại ở phương xa cũng được Thiên Chúa chiếu cố, dọi chiếu ánh sáng cứu độ của Ngài. – Tiêu biểu là bài Phúc Âm thuật lại chuyện các đạo sĩ từ Phương Đông theo ánh sao lạ dẫn đường đã đến bái lạy Hài Nhi Giêsu.
– ĐTC Biển Đức 16, khi giảng về đoạn Phúc Âm này cho giới trẻ tại Đức vào năm 2005, đã có một gợi ý rất hay: Ngài nói các vị đạo sĩ sau khi đã đến được Bêlem và gặp được Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, thì coi như họ đã kết thúc được một cuộc hành trình rất xa xôi vất vả ; thế nhưng chính lúc ấy, họ lại bắt đầu một hành trình bên trong, đó là khám phá lại dung mạo của Thiên Chúa, và tiếp đó tìm lại được con đường mà mình phải đi.
2. Trước hết, khám phá lại dung mạo của TC.
– Chúng ta thấy ba vị đạo sĩ này đi tìm Vua Do Thái, cho nên họ hỏi: “Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu ?”. Họ đi tìm vua, họ tưởng tượng Chúa là một ông vua, có quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế. Vì thế, khi ngôi sao dẫn đường biến mất, họ đã đi vào trong triều đình của vua Hêrôđê mà hỏi, chứ không vào nhà dân hay tìm bá tánh mà hỏi. Đấy, một quan niệm quen thuộc về Thiên Chúa quyền uy.
– Nhưng cuối cùng họ lại đến Bêlem và quì gối xuống bái lạy một trẻ sơ sinh, và dâng cho trẻ sơ sinh đó nào là vàng, nhũ hương, một dược, nghĩa là nhìn nhận rằng Trẻ Thơ này, Trẻ Thơ nằm trong máng cỏ cho bò lừa ăn, trẻ thơ ở trong cái hang dành cho súc vật, Trẻ Thơ ấy chính là Thiên Chúa.
– Và như vậy là thay đổi hoàn toàn cái nhìn về Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là một ông vua quyền lực theo kiểu thế gian, mà lại xuất hiện dưới hình hài của một trẻ thơ được bọc trong tã. Và chính trong sự nhỏ bé đơn nghèo mà Thiên Chúa đến, chạm tới trái tim con người, cho con người thấy Ngài là Tình yêu lạ lùng, hoàn toàn cho đi, hiến thân hy sinh. Cho nên, họ thay đổi hẳn cả một cái nhìn của mình về Thiên Chúa.
3. Tiếp đó, họ thay đổi con đường sống của mình.
– Sau khi đã gặp Hài Nhi Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse ở Bêlem, họ không quay trở lại với vua Hêrôđê nữa. Nếu họ quay trở lại gặp Hêrôđê là họ quay trở lại con đường cũ, con đường cho giá trị đời người là ở quyền lực, rồi họ sẽ thỏa hiệp với Hêrôđê: bây giờ tôi dẫn đường cho ông đến Bêlem giết Hài Nhi Giêsu đi, ông tiếp tục làm vua, còn tôi làm tướng ở bên ông. Nhưng không! Họ không quay trở lại với vua Hêrôđê, mà như Thánh Kinh ghi: “Họ tìm lối khác mà về”. Tìm lối khác, con đường khác. Không còn là con đường của quyền lực thế gian nữa, mà con đường của tình yêu.
– Như vậy, hôm nay chúng ta đối diện với hai khuôn mặt, hai lối sống, hai cách suy nghĩ: một bên là Hêrôđê và bên kia là các đạo sĩ.
§ Hêrôđê là biểu tượng của những con người sống ở đời mà trước hết chỉ nghĩ đến mình và chỉ lo bảo vệ quyền lợi cá nhân mình, chỉ lo làm sao thỏa mãn cái sở thích riêng tư của mình, và sẵn sàng làm bất cứ điều gì, sẵn sàng giết chết Hài Nhi Giêsu, chà đạp những người yếu thế, chiếm đoạt tài sản người khác, miễn sao mình được sướng. Loại người này phải chăng chúng ta không thấy nhan nhản?
§ Còn các đạo sĩ là đại diện cho một hạng người khác. Các đạo sĩ khi bái lạy Hài Nhi Giêsu là họ nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trẻ sơ sinh, nơi những sự nhỏ bé của đời thường.
4. Áp dụng cho lễ nhậm xứ hôm nay
– Điều này gợi ý gì cho chúng ta trong lễ nhậm xứ Thạnh Mỹ hôm nay của cha tân quản xứ Gioan? Thưa: đón nhận TC nơi sự bé nhỏ.
– Trước hết, Thiên Chúa muốn đến ngang qua những điều nhỏ bé của đời thường, những cử chỉ đơn sơ được thực hiện trong gia đình, nơi trường học, ngoài xã hội. Chính trong khung cảnh bình thường của đời sống mỗi ngày mà Thiên Chúa muốn thực hiện những điều phi thường. Xã hội hôm nay quảng cáo và tiêu thụ, khơi dậy những thèm thuồng, khát khao, tham vọng đủ thứ để rồi dẫn đến nhiều những thất vọng. Quan trọng nhất là chúng ta có Chúa; và có Chúa chúng ta còn lo thiếu gì?
– Thứ đến, Thiên Chúa còn đến qua chính sự nhỏ bé của chúng ta, nơi chúng ta kinh nghiệm về sự yếu đuối, mỏng dòn, thiếu thốn, thậm chí cả những sai lầm. Nếu thấy đời mình tăm tối như đêm đen ở Bêlem, bao quanh mình là sự dửng dưng vô cảm, nếu cảm thấy mình bạc phước, mặc cảm, bị chèn ép quá sức, không được yêu thương như mình mong muốn, thì tiếng của Thiên Chúa Giáng Sinh hay Hiển Linh hôm nay nói với chúng ta: “Ta yêu con dù con nhỏ bé, mỏng manh, yếu đuối, lỗi lầm. Chính Ta đã trở nên nhỏ bé là vì con, để trở nên anh em của con. Hãy tái khám phá sự vĩ đại của con ở nơi Ta. Cần là con tin tưởng và phó thác”.
– Điều 3: hãy yêu mến, hãy ôm lấy những con người bé nhỏ của hôm nay, những người nghèo, người bệnh, người già, những thai nhi, trẻ mồ côi, những người đang cần đến chúng ta. Họ chính là những người giống Hài Nhi Giêsu nhất, Đấng đã sinh ra trong khó nghèo.
– Cuối cùng, chúng ta hãy trở lại Bêlem để chiêm ngắm và thấy tất cả được liên kết trong sự quây quần hiệp nhất bên Hài Nhi Giêsu: không chỉ có những mục đồng, những người nhỏ bé rốt hết, mà còn có cả những bậc thông thái, những người giàu có, các đạo sĩ. Nơi Bêlem, mọi người hiện diện liên kết hiệp nhất với nhau vì có Hài Nhi Giêsu ở giữa, Ngài là Đấng Hằng Sống. Ước gì đây là hình ảnh của giáo xứ Thạnh Mỹ, trước đây cũng như sau này.
5. Kết
– Hôm nay chúng ta chiêm ngắm các đạo sĩ trong cuộc hành trình. Và như Giáo Hội hiệp hành đang tiến bước, chúng ta hãy đến Bêlem, – nơi Thiên Chúa Hài Nhi chiếm chỗ cao nhất và được tôn thờ, – nơi mà người rốt hết cũng có chỗ gần bên Người, – nơi mà các mục đồng và đạo sĩ cùng hiện diện trong tình huynh đệ, vốn mạnh mẽ hơn mọi phân rẽ tầng lớp. Xin Chúa ban cho chúng ta trở nên một cộng đoàn biết thờ phượng Chúa, khó nghèo bản thân và huynh đệ với nhau.
– Hôm nay ngôi sao dẫn đường các đạo sĩ bừng lên trên chúng ta. Những chủ chăn Chúa ban cho chúng ta là để phản chiếu trên chúng ta ánh sáng cứu độ của Chúa qua những nhiệm vụ rao giảng, cử hành các bí tích, và lãnh đạo phục vụ.
– Tiếp theo đây, sẽ là nghi lễ diễn nghĩa những chức vụ được trao cho linh mục quản xứ. Ngài sẽ nhận sứ vụ lãnh đạo khi đến ngồi tại ghế chủ sự, sứ vụ hòa giải tha thứ khi ngồi Tòa giải tội, sứ vụ quy tụ dân Chúa khi kéo chuông, sứ vụ làm cho Chúa Giêsu Thánh Thể luôn hiện diện và đồng hành trong cuộc sống của mọi người khi mở cửa Nhà Tạm và cùng Dân Chúa thờ lạy…
– Ở mỗi điểm này chúng ta vỗ tay không phải để hoan nghênh cá nhân ngài, mà để bảy tỏ sự hiệp thông với ngài trong việc ngài thi hành sứ vụ. Chúng ta hãy đi vào nghi lễ và sốt sắng cầu nguyện cho cha Tân quản xứ Gioan.