LỄ NHẬM XỨ
Giáo xứ Chân Lộc (Cha Micae Nguyễn Quang Cường) – 09g30 TT 29/12/2021
I. DẪN
Hôm nay ngày thứ năm trong tuần Bát nhật Giáng Sinh, hai bài đọc lời Chúa trích trong thư I Ga 2 và Lc 2 dẫn chúng ta vào trọng tâm đời sống Kitô hữu. Và chúng ta có thể nói ngay: trọng tâm ấy chính là tương quan hai chiều dọc-ngang, chiều dọc với Chúa và chiều ngang với anh em mình.
II. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
1. Bài đọc 1: 1 Ga 2,3-11
Thư thứ nhất Gioan nói: “Căn cứ điều này mà chứng thực chúng ta biết Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa (đó là chiều dọc), ấy là chúng ta yêu mến anh em mình (đây là chiều ngang)”. – Nếu trọng tâm cuộc đời người tín hữu Kitô là tương quan hai chiều dọc ngang với Chúa và tha nhân, thì sứ vụ và cuộc đời của người linh mục quản xứ như cha Michel đây cũng không thể đi ra ngoài, nghĩa là cũng dệt cuộc đời linh mục qua tương quan thật tốt đẹp với Thiên Chúa trong cầu nguyện và với tha nhân trong đức ái mục tử.
2. Bài Phúc Âm: Lc 2,22-35
Bài Phúc Âm Lc 2 cuốn hút cái nhìn vào Hài Nhi Giêsu. Đó là chiều dọc. Nhưng ngay lập tức là chiều ngang: “ánh sáng soi đường cho dân ngoại và là vinh quang của Itraen dân Ngài”.
Cách thức thánh Luca bố cục trình thuật dâng Chúa Giêsu trong đền thờ thật hay, nếu không nói là hết sức thú vị. Nó cho thấy như ứng nghiệm lời ngôn sứ Malakhi: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm đi vào thánh điện của Người” (Ml 3,1). Gioan Tẩy Giả là sứ giả đến trước dọn đường. – Thế thì Luca kể dài về việc Gioan chịu cắt bì, được đặt tên, với bài ca “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Itraen”, rồi ông vào trong hoang địa và lớn lên ở đó. Đến Chúa Giêsu, chỉ đôi câu về việc Chúa Giêsu được cắt bì và đặt tên. Sau đó, chuyện Ngài được dâng vào đền thờ thì lại dài, và có sự xuất hiện làm chứng của Simêon và Anna hai ông bà già suốt đời trông đợi Chúa Cứu Thế. – Ta có thể hình dung cảnh tượng xe mở đường hụ còi trước xe của các nhân vật quan trọng ngày nay để so sánh: tới nơi thì xe hụ còi dạt ra một bên, nhân vật quan trọng bước vào dinh hay lên lễ đài. Chúa Giêsu chính là nhân vật quan trọng ấy, chính là “Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm” nay “đi vào thánh điện của Người”, và ông già Simêon và bà già Anna tiêu biểu cho sự chờ đợi, được Thánh Thần soi sáng, đã vào đền thờ đúng lúc ấy để tiếp đón và công bố cho mọi người.
Ông Simêon còn được Thánh Thần soi sáng, nói về tương lai của Hài Nhi Giêsu: “sẽ là dấu hiệu cho người đời chống báng”. Còn lời bí ẩn về nỗi đau của người mẹ “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” gợi lại một lời trong sách Dacaria: “Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đavit và dân cư Giêrusalem, giúp chúng biết tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu qua” (Dcr 12,10). Chúa Giêsu sẽ bị đinh sắt đâm thâu, và tâm hồn Mẹ thì sẽ bị đâm thâu bởi những đau khổ của Con. Thế là thập giá đã in bóng ở cuối chân trời.
Thánh Inhaxiô cũng đi vào hướng này và bảo chúng ta: “Hãy nhìn xem Đức Mẹ, thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu… Sau hoạt cảnh Giáng Sinh trong khó nghèo tột cùng là cái chết trên thập giá sau bao nhiêu khó nhọc, bất công, nhục nhã, và tất cả những sự ấy là vì tôi” (Linh Thao, số 114.116). Chúa sinh ra đời vì tôi. Chúa đi đến thập giá vì tôi. Đức Mẹ thì tham dự vào mầu nhiệm thập giá ngay từ khi chấp thuận thưa lời “xin vâng” để cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng. Còn tôi, còn cha tân quản xứ? Tất cả chúng ta được mời gọi thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa để xây dựng Hội Thánh như lời thánh Phaolô: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
IV. ÁP DỤNG VÀO TRƯỜNG HỢP NHẬM XỨ
4.1. Tôi xin một lời dành riêng cho cha tân quản xứ: nếu cha muốn thi hành chức năng chăm sóc mục vụ giáo xứ, hãy “ngắm nhìn Đức Giêsu là Thượng tế cho chúng ta tuyên xưng đức tin”, nói theo thư Do Thái 3 (Dt 3,10); hay “Hãy cởi bỏ mọi gánh nặng tội lỗi đang trói buộc mình, hãy kiên trì chạy trong cuộc đua, mắt hướng nhìn về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”, nói theo thư Do Thái 12 (Dt 12,1-2).
4.2. Để nói một cách cụ thể, tôi xin gợi 2 ý, theo 2 chiều dọc ngang thế này: Người mục tử đích thực biết dành nhiều thời gian cho việc viếng Thánh Thể và thăm gia đình giáo dân.
a. Viếng Thánh Thể
– Chúng ta ai cũng biết Thánh Thể là nguồn mạch mọi ân sủng, là lương thực phong phú cho linh mục. Mỗi ngày dành ra năm mười phút chầu Thánh Thể thì quý báu hơn bỏ ra hằng nửa ngày để giải trí bằng games vi tính hay bất cứ thứ gì.
– Chính từ nguồn Thánh Thể mà linh mục tìm ra được sức mạnh để hướng dẫn và lãnh đạo dân Chúa. Một linh mục thiếu vắng Thánh Thể sẽ đấy ắp tư lợi, sẽ nghĩ nhiều đến sự hưởng thụ bản thân mà không bồi dưỡng đào sâu tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống.
b. Thăm mục vụ
– Tiếp theo, thăm gia đình giáo dân là công việc mục vụ của cha sở. Qua thăm viếng mới hiểu được hoàn cảnh và “biết tên chiên của mình”.
– Là người khéo chăm sóc và lãnh đạo, linh mục biết lên kế hoạch thăm viếng giáo dân mà không làm phiền hà họ, trái lại đem tình thương đến. Một vài cha sở ít biết chiên mình vì không đi thăm viếng họ.
– Một vài cha sở khi có người muốn gặp mà không được, thì được mách nhỏ: “Cứ đến nhà bà ấy, bà ấy…là ngài ở đó”…Giáo dân rất tế nhị trong cách đối xử với mục tử của mình thì linh mục cũng phải tế nhị trong cách giao thiệp, làm sao cho được chan hòa với hết mọi giáo dân trong giáo xứ của mình, nhất là những người nghèo.
IV. KẾT
Chúng ta nghe câu chuyện tự thuật của một linh mục đã hồi tục vì coi thường hai chiều dọc-ngang của đời linh mục và quá tự quy về mình. Ngài kể:
“Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô, dù khó khăn bão táp...”. Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Thế nhưng, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn, đã không chỉ tách tôi mà còn “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa, đó là một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay tựa đề “Tiếng thở dài”. Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của đau khổ trong kiếp nhân sinh, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt.
Có những người viết thư cho tôi biết họ tìm lại được đức tin và đời sống cầu nguyện sau khi đọc cuốn sách, và họ khen tôi nức nở.
Thế nhưng, khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít thời gian dành cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Và cuối cùng, những sách vở uyên bác đã không giữ được tôi trong lòng mến của Thiên Chúa. Tôi đã hồi tục.
Và sau nhiều năm tháng lạc đường, tôi mới thấm thía chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Chính đời sống đơn sơ cầu nguyện thật của quý ông bà cố…
Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Chúa Giêsu lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”. Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha.
Rồi các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã chẳng nói gì hơn là lặp đi lập lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao? Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh. Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.
Tôi đặc biệt muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”: “Cầu nguyện vừa là con người đi tìm Thiên Chúa, vừa là Thiên Chúa đến mặc khải cho con người… – Trong cầu nguyện, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là lòng thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tìm gặp con người đau khổ. Chính Tình yêu này nâng đỡ và vực chúng ta dậy”.
Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng, chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi linh mục trong tôi.
Có thể kết ở lời cảnh tỉnh này không nhỉ?