THÁNH GIUSE
SỐNG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
Đạ Tông 19/03/2019
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Ý nghĩa mầu nhiệm Vượt Qua
Mừng lễ Thánh Giuse trong Mùa Chay, chúng ta cùng nhau noi gương Thánh Cả sống mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, mỗi năm Giáo hội dành thời gian 40 ngày Mùa Chay để Dân Chúa cử hành và nhắc nhau sống mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu.
Từ “mầu nhiệm” (tiếng Hilạp: mysterion) có nghĩa là điều bí ẩn, điều được giấu kín. Từ này cũng xuất hiện trong Kinh Thánh, nhất là trong các thư của Thánh Phaolô. Theo Thánh Phaolô, mầu nhiệm là việc Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ loài người, nhờ sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô. Đó chính là bí mật của Thiên Chúa, vượt mọi khả năng hiểu biết của loài người, nhưng đã được Thiên Chúa tỏ bày qua Đức Kitô (x. 1 Cr 2,7; Ep 3,5-6). Thánh Phaolô nói ngắn gọn: “Mầu nhiệm, chính là Đức Kitô ở giữa anh em” (Cl 1,27).
Trong quá trình triển khai Năm Phụng vụ, Giáo Hội tuần tự tưởng niệm việc Ngôi Hai xuống thế làm người, rao giảng Tin Mừng và thi hành ý định của Chúa Cha cho đến khi chết trên thập giá và sống lại vinh quang. Vì thế, từ “mầu nhiệm” cũng được dùng với số nhiều: người ta nói đến NHỮNG MẨU NHIỆM của Đức Kitô, để chỉ những sự việc liên quan đến cuộc đời của Đấng Cứu Thế, cao điểm là sự chết và sống lại của Người, tức là MẦU NHIỆM VƯỢT QUA.
Theo lịch sử, thoạt tiên, lễ Vượt Qua là lễ của dân tộc Sêmít mừng đón mùa xuân trở lại, với cỏ cây hoa lá xanh tươi. Lễ hội này lại trùng với một biến cố quan trọng của dân Israel: Israel được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập (x. Xh 12, 23). Từ “vượt qua” theo tiếng Hípri (pasah: đi qua) mang ý nghĩa là “miễn trừ”: khi đó, theo lệnh của Thiên Chúa, nhà lãnh đạo Môsen yêu cầu vua Pharaon để cho dân Israel ra khỏi nước Ai Cập tiến về Đất Hứa. Nhà vua không tuân lệnh Thiên Chúa nên đã gặp nhiều tai họa. Tai họa chót là các con đầu lòng phải chết, trừ con cái Israel khi Thiên Chúa “vượt qua” nhà của họ nhờ máu chiên ghi trên cửa nhà. Từ đó, dân Israel mừng lễ Vượt Qua để tưởng niệm sự can thiệp tiêu biểu của Thiên Chúa nhằm giải thoát con cái Israel và gầy dựng dân tộc của Ngài.
Chính vì thế, sau thời lưu đày Babilon, cuộc trở về nguyên quán của dân Israel được mô tả như một cuộc Xuất hành mới, một lễ Vượt Qua mới (x. Hs 2,16 ; Is 63,7).
Chính Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”
(Lc 22,19). Vì thế, chúng ta biết ý nghĩa và sống lời tuyên xưng trong Thánh Lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.
Như vậy, khi lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, người kitô hữu thực sự được tham dự vào Tình Yêu Cứu Độ nhờ sự chết và sống lại của ĐGK, được thông hiệp với Đấng đã cứu vớt và đưa con người tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Vượt Qua, chết và sống lại của Chúa Giêsu, được cử hành đặc biệt trong ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh, nhưng là mầu nhiệm mà mọi Kitô hữu phải sống: đó là cùng chết với Đức Kitô, tức là từ bỏ tội lỗi, để được cùng sống lại với Đức Kitô Phục Sinh.
Thánh Giuse sống mầu nhiệm Vượt Qua
Tuy Kinh Thánh không nói đến việc Thánh Giuse có mặt trong cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, nhưng thực sự ngài đã sống Mầu nhiệm Vượt Qua, tức là từ bỏ ý riêng để làm theo ý Thiên Chúa.
Thánh Matthêu thuật rằng: “Bà Maria, mẹ Người (Đức Giêsu), đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”… Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 18-25). Thánh Giuse đã “làm như sứ thần Chúa dạy”, tức là đã làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Sau đó Thánh Giuse lại được báo mộng:“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2, 13-14). Rồi “sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen” (Mt 2, 19-23). Thánh Giuse cứ âm thầm lặng lẽ làm theo ý TC.
Riêng Thánh Luca thuật lại việc tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa như sau: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2, 22-23). Đây đúng là một mẫu gương cho mỗi gia đình Công giáo, mà giáo phận, giáo hạt, giáo xứ, giáo họ cũng là một gia đình.
Mọi gia đình đều nỗ lực sống theo gương Thánh Gia mà cộng đoàn tín hữu thuở ban đầu đã sống:“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”.
Như thế, trong việc xây dựng gia đình cũng như xây dựng giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, cần quan tâm: một là, trở thành một cộng đoàn đức tin, “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy”, cụ thể qua việc học giáo lý cộng đồng; hai là, trở thành một cộng đoàn phụng tự, “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”, cụ thể qua việc đọc và hát cộng đồng; ba là, trở thành một cộng đoàn bác ái, “luôn luôn hiệp thông với nhau”, cụ thể qua các hoạt động bác ái; nhờ đó trở nên một cộng đoàn truyền giáo,“Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Thánh Giuse bầu cử cùng Thiên Chúa cho mỗi gia đình và cho đại gia đình giáo xứ, giáo hạt, giáo phận chúng ta, đặc biệt cho giáo hạt mới Đạ Tông, biết sống Mầu Nhiệm Vượt Qua trong Mùa Chay và trong suốt hành trình cuộc đời đang tiến về Giêrusalem trên trời, cụ thể là luôn nỗ lực sống theo ý Thiên Chúa theo gương Thánh Gia. Amen.