THÁNH LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI
Vai trò Thiên Chúa Ba Ngôi
trong việc đào tạo linh mục
(bài giảng của Đức Cha Antôn)
Khi nói “khai giảng năm học mới”, chắc hẳn chúng ta không chỉ nghĩ đến việc “học” tức là đào tạo chiều kích tri thức, mà là học tập toàn diện, đào tạo toàn diện cả 4 chiều kích (nhân bản, đạo đức, tri thức và mục vụ). Cụ thể, ở đây là việc đào tạo về ơn gọi làm linh mục.
Liên quan đến việc chọn gọi các tông đồ, Thánh Luca ghi lại sự kiện này: “Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13). Như thế, trước khi quyết định chọn những cộng sự viên, Đức Giêsu đã đàm đạo với Chúa Cha nhiều giờ để xin Người sai những kẻ Người muốn cho sứ vụ này. Tin Mừng theo thánh Matthêu để lại cho chúng ta một chứng tá rất ý nghĩa khi tường thuật rằng: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, người nói với môn đệ rằng: ‘Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa sai thợ gặt ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38).
Như thế, cần lưu ý 3 điều này:
Một là, các ơn gọi trong Giáo Hội đều phát xuất từ Chúa Cha. Nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần xuống trần gian, thì cũng chính Người kêu gọi và sai mỗi người chúng ta lên đường theo tiếng gọi của Thiên Chúa.
Hai là, Giáo Hội phải cầu xin “chủ mùa gặt” là Chúa Cha sai các thợ gặt cho cánh đồng truyền giáo. Giáo Hội được giao phó nhiệm vụ trung gian để phân định, hướng dẫn và đồng hành với ơn gọi. Vì thế, do trách nhiệm được Giáo Hội ủy thác, khi làm công tác chọn lựa ứng sinh, những người hữu trách về ơn gọi đóng vai trò quan trọng trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội: đó là cùng với ứng sinh tìm ra thánh ý Chúa Cha và chương trình của Người nơi từng ứng sinh để phân định ơn gọi. Công việc này đòi hỏi tất cả những ai tham gia vào việc tuyển chọn phải cầu nguyện, với lương tâm ngay thẳng và sự công bằng theo những tiêu chuẩn khách quan mà Giáo Luật đòi hỏi.
Ba là, đối với ứng sinh, không thể tự mình trở thành linh mục hay tu sĩ nếu Chúa Cha không kêu gọi họ. Thiên Chúa kêu gọi những ai Người muốn (x. Mc 3,13). Điều này làm nên sự huyền nhiệm của ơn gọi. Ơn gọi phải đến trước tiên từ lời mời gọi của Thiên Chúa, và tiếp theo là quyết định đáp trả của con người trong ý thức và tự do.
Xin được lưu ý đặc biệt một điều mà có lẽ chúng ta ít nghe nói, đó là: Chúa Cha là nhà đào tạo đầu tiên. Thật vậy, “đào tạo” tiếng Latinh là “educere” nghĩa là “lôi ra, kéo ra”. Chúa Cha là Đấng Tạo Dựng, đã lôi kéo muôn vật từ chỗ hỗn mang ra và tạo dựng các thụ tạo từ hư không, để thiết lập trật tự và ban sự sống cho chúng. Chúa Cha còn giáo dục dân Người bằng cách sử dụng bàn tay uy quyền và cánh tay mạnh mẽ mà kéo họ ra khỏi vòng nô lệ bên Ai Cập. Tuy Thiên Chúa luôn lấy lòng nhân lành và dịu hiền mà lôi kéo họ đến với Người, nhưng Người cũng khiển trách và sửa dạy họ như người cha khiển trách và sửa dạy con cái, Người phải kiên nhẫn và cần 40 năm để huấn luyện họ, để rồi đem họ vào đất hứa (Đnl 1,31; 6,21; 9,26…).
Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã khẳng định: “Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy, và Tôi, Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với Tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6, 44-46). Tin Mừng theo thánh Matthêu tường thuật sự kiện: Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?” Ông Simon trả lời: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Vì là một câu trả lời đúng, nên Chúa Giêsu khen ngợi và nói rằng: “Simon con Gioan, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay huyết nhục đã cho con biết, nhưng là Chúa Cha trên Trời” (Mt 16,17).
Như thế, chủ thể đầu tiên của tiến trình đào tạo là Chúa Cha, Đấng uốn nắn người thụ huấn theo hình ảnh và tâm tình của Chúa Con nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
Nếu giáo dục (educere) là công việc của Chúa Cha, thì huấn luyện (tiếng Latinh: formare) là hoạt động chính của Chúa Con. Chúa Con là khuôn mẫu của ơn gọi. Huấn luyện là giới thiệu cho người thụ huấn một hình mẫu cụ thể, như một cách sống mới, hoặc một “khuôn mẫu” làm cho người thụ huấn hình thành một căn tính mới, đó là cái tôi lý tưởng mà họ được mời gọi trở thành. Chính Chúa Cha đã giới thiệu mô hình đó cho các môn đệ trên núi Taborê: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe Lời Người”. Như thế, mục đích căn bản của quá trình đào tạo là “bước theo Chúa Kitô”, trở nên đồng hình đồng dạng với Người.
Điều kiện căn bản để có thể bước theo Chúa Kitô là từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Các bài đọc hôm nay do Chủng viện chọn cho thấy rõ ý tưởng đó. Bài Phúc Âm theo thánh Marcô (x. Mc 10,17-27) thuật lại có một người đã giữ các giới răn từ thưở nhỏ, nhưng đến xin Chúa Giêsu hướng dẫn cần làm gì hơn nữa, Chúa bảo là phải từ bỏ của cải. Thánh Matthêu (x. Mt 19, 16-22) ghi nhận người đó là một thanh niên; còn thánh Luca (x. Lc 18. 18-23) thì ghi nhận người đó là một thủ lãnh. Như thế, “của cải” ở đây không chỉ là tiền của, mà còn là tuổi trẻ (thanh niên), là thiện chí (đã giữ các điều răn từ nhỏ mà còn muốn làm gì hơn nữa), là địa vị (thủ lãnh), là tài năng (trẻ mà tài cao, đã làm thủ lãnh). Chúa Giêsu bảo phải từ bỏ tất cả những thứ giầu có đó, tuy “khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim”, nhưng để chứng tỏ họ chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Tin Mừng Nhất Lãm ghi nhận rằng: “người đó buồn lắm vì rất giầu”.
Thật đáng buồn cho người đó và cả thân quyến của người đó nữa, vì thực tế có những linh mục, chủng sinh còn gợi lên cho thân quyến của mình niềm tự hào và hãnh diện về địa vị và tài năng của mình do đã quên lời nhắc nhớ trong bài đọc 2, trích thư gửi tín hữu Do Thái (x. Dt 5,1-10): “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm… Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi”.
Các môn đệ muốn theo Chúa Giêsu mà không muốn từ bỏ, cũng giống như được mô tả trong bài đọc 1 (x. XH 3,1-6, 9-12), Chúa phải nhắc ông Môsê “bỏ dép” khi được gọi để lãnh đạo dân Chúa.
Chúng ta cần nhớ lời chủ tế đọc trong Thánh Lễ: “Mọi vinh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng…”.
Còn Chúa Thánh Thần nắm giữ vai trò thánh hóa và đồng hành với mỗi con người cũng như mỗi ơn gọi. Thật vậy, Kinh Thánh minh chứng rằng Thánh Thần là Paraclitus, theo nguyên nghĩa Hy lạp là “người đi bên cạnh, người đồng hành, người bảo vệ”.
Trong Thánh Thần, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa và trở nên những người em của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần biến đổi tận căn con người khi Người “thần hóa” chúng ta. Chính Người làm cho chúng ta được tham dự vào chính bản tính và đời sống của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con.
Tóm lại, những ai tham gia vào công tác giáo dục là tham gia vào hoạt động sáng tạo và xây dựng của Chúa Cha, theo khuôn mẫu Chúa Con, với ơn thánh hóa và đồng hành của Chúa Thánh Thần. Công việc đào tạo này được thực hiện trong thời gian dài, qua từng giai đoạn (trước, trong và sau đại chủng viện), gọi là đào tạo trường kỳ. Nó đòi hỏi một tình yêu mãnh liệt và dịu hiền, cho nên các nhà đào tạo và huấn luyện cần có thái độ kiên nhẫn, hy vọng và nhân ái. Các nhà đào tạo là những người đồng hành; các ứng sinh là những người chủ động để cùng với các nhà đào tạo cộng tác với Chúa Thánh Thần trong công việc huấn luyện bản thân theo gương mẫu Chúa Con, đáp lời mời gọi từ Chúa Cha.
Ước gì được như vậy (Amen).