“Tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống;
và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
(Lc 18,14)
BÀI ĐỌC I: Hs 6, 1b-6
“Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ”.
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Đây Chúa phán: Trong cảnh khốn khổ, từ ban mai, họ chỗi dậy chạy tìm kiếm Ta. “Hãy đến, và chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa bắt chúng ta, rồi sẽ tha chúng ta; Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất”.
Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi ? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi ? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng. Vì chưng, Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu.
ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 18-19. 20-21ab
Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ.
Xướng:
1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. – Đáp.
2) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. – Đáp.
3) Lạy Chúa, xin thịnh tình với Sion theo lòng nhân hậu, hầu xây lại thành trì của Giêrusalem. Bấy giờ Chúa con sẽ nhận những lễ vật chính đáng, những hy sinh với lễ toàn thiêu. – Đáp.
TIN MỪNG: Lc 18, 9-14
9 Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế.
11 Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; 12 tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’.
13 Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’.
14 Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
HÃY TỰ HÀO TRONG CHÚA
Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác… Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế đứng từ đằng xa, vừa đấm ngực, vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,11-13)
Suy niệm: Thánh Lu-ca cho biết, Chúa Giê-su kể dụ ngôn này nhắm đến “những người tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê người khác.” Ông Pha-ri-sêu ấy nghĩ rằng, ông được nên công chính nhờ những việc ông làm, nên sinh ra kiêu ngạo mà coi khinh người khác (c.11). Nhưng ông quên rằng con đường đích thực để nên công chính không phải là nhờ công trạng của ông mà là nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa. Con đường này được Thiên Chúa vạch ra và hoàn thành qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô: “Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô” (Rm 3,22). Thế nên Chúa Giê-su khẳng định: “người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà, thì được nên công chính; còn người Pha-ri-sêu thì không” (c.14).
Mời Bạn: Thánh Gia-cô-bê bảo: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Việc làm ở đây không phải là điều kiện để được nên công chính, mà là hoa trái trổ sinh của ơn công chính đó, là dấu hiệu của đức tin đang sống sung mãn. Vì thế, chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Nếu ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1,31).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian xét mình xem: những việc tôi làm có phải là hoa trái của đức tin mình đã lãnh nhận hay không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay
Lc 18, 9-14
“Còn người thu thuế thì đứng từ đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
Cùng lên đền thờ, cùng cầu nguyện như nhau, nhưng hai người có hai kết quả khác nhau, do hai thái độ trái ngược nhau trong khi cầu nguyện.
Người biệt phái rất là “đạo đức” : đạo đức xét về công việc, ông làm được nhiều việc tốt, thậm chí còn “trên cả tuyệt vời” nữa. Nhưng ông cầu nguyện trong tự mãn, ông thấy mình quá đạo đức rồi, nghĩa là ông đã đầy rồi; không cần cầu xin thêm ơn gì nữa. Thế là Chúa bị đẩy ra khỏi đời ông, và trong ông, người anh em cũng không còn chỗ đứng.
Còn người thu thuế không có gì để “khoe”, ông chỉ thấy mình tội lỗi, nghĩa là thấy mình trống rỗng, thiếu Chúa, thiếu mọi sự, cần được Chúa lấp đầy. Lòng khiêm nhường của ông nói lên ông vẫn còn yêu Chúa, nên ông cảm nhận được chính lầm lỗi của mình đã làm Chúa buồn và ông phải xa cách Ngài. Ông muốn nối lại mối thâm tình ấy. Và thế là ông được tha thứ. Lòng khiêm nhường chính là khởi đầu của yêu mến .
Nếu như “lòng kiêu ngạo ăn mòn năng lực của tình yêu, thì Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu thương bằng cách sống khiêm tốn, để tâm hồn ngày càng tràn đầy tình yêu Chúa, và mối quan hệ giữa chúng ta với mọi người ngày càng thắt chặt trong hiệp nhất và bình an.
Trong mùa chay này, chúng ta hãy bắt chước người thu thuế, năng cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi.”
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
THẤM NHUẦN MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 3 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: chúng ta đang vui mừng cử hành phụng vụ Mùa Chay Thánh, xin Chúa cho chúng ta được thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua, để tận hưởng ơn Chúa cứu độ.
Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là thấm nhuần mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ, Người là Đấng Cứu Độ đích thực của chúng ta. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Các vật dụng để trong Nhà Tạm được ghi lại, để giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng nào. Thư gửi tín hữu Hípri sẽ giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa, khi chiếu lên các đồ thờ phượng một ánh sáng mới. Thật vậy, tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy tràn nhà tạm. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây, nhờ liên kết với ông Môsê.
Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là thấm nhuần mầu nhiệm Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta, Người đã tự đồng hóa mình với những kẻ hèn mọn. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Nadien đã nói: Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Xưa Thầy đói, anh em đã cho ăn; Thầy khát, anh em đã cho uống; Thầy là khách lạ, anh em đã tiếp rước. Thầy bảo thật anh em, mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là anh em đã làm cho chính Thầy vậy.
Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là thấm nhuần Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Hôsê đã cho thấy: Không ai cảm nghiệm được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho bằng Ítraen, khi họ nói: Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 50, vịnh gia cũng nại đến Lòng Thương Xót để kêu xin Chúa: Ta muốn lòng nhân từ chứ không cần hy lễ. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là nhận biết: ơn cứu độ là của Chúa, hoàn toàn do tình yêu nhưng không của Chúa, để rồi, chúng ta luôn biết tin tưởng, cậy trông vào Chúa, chứ không dựa vào sức riêng của mình, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay đã nhắc nhở chúng ta điều đó: Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính, còn người Pharisêu thì không.
Hai người lên đền thờ cầu nguyện, nhưng chỉ có người thu thuế trở về, là được nên công chính, bởi vì, ông ta đã khiêm nhường xác định đúng căn tính của mình trước Chúa: là một thụ tạo nhỏ bé không thể tự mình cứu được mình, nhưng phải cậy nhờ vào Lòng Thương Xót của Chúa. Ông đã sống tâm tình như Đức Maria nữ tỳ hèn mọn, đơn sơ phó thác hoàn toàn cuộc đời mình trong bàn tay quan phòng của Chúa, như chiếc lá khô bay theo làn gió Thánh Thần. Chiếc lá khô không có ý riêng, gió thổi và mang nó đi, nó đi cùng gió. Người Pharisêu cố công làm rất nhiều việc đạo đức với niềm kiêu hãnh, nhưng, điều đó chẳng giúp ích gì cho ông, ngược lại, còn phương hại đến việc trở nên công chính của ông. Ước gì chúng ta sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: buông mình trong tay Chúa, để Chúa hoàn toàn định đoạt những gì Chúa muốn cho cuộc đời chúng ta, ước gì chúng ta đừng biến Chúa thành con nợ: phải trả công cho chúng ta về các việc lành, mà chúng ta cố gắng thực thiện. Ước gì được như thế!
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
THÁI ĐỘ KHI CẦU NGUYỆN
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca đưa ra hình ảnh hai người lên Đền thờ cầu nguyện. Người biệt phái đứng riêng một mình, tách khỏi người thu thuế mà ông khinh chê. Thật sự ông đã chu toàn các phận sự mà luật buộc và ông cho rằng đó là những điều bảo đảm cho ông được công chính. Ông không cần điều gì nơi Thiên Chúa. Nhưng thật ra, sự công chính cũng là một ân huệ Chúa ban. Chính vì tự kiêu, nên lời cầu nguyện của ông không được Thiên Chúa chấp nhận.
Còn người thu thuế cũng đứng đàng xa, cũng tách khỏi cộng đoàn. Vì thấy mình bất xứng, tội lỗi, ông chẳng dám ngước mắt lên trời. Nhờ sự khiêm tốn mà ông đến được với Thiên Chúa và được ân sủng của Người.
Đối với xã hội Do thái, có hai hạng người đối nghịch nhau, đó là những luật sĩ, biệt phái và người thu thuế. Người biệt phái thì tuân giữ luật Maisen cách nghiêm ngặt, họ là mẫu gương cho mọi người và được mọi người kính trọng; còn người thu thuế bị dân chúng khinh miệt và xa lánh như tránh xa những người phung hủi, tội lỗi. Người biệt phái với bước đi hãnh diện tiến vào Đền thờ trước những con mắt ngưỡng mộ. Người thu thuế, vào Đền thờ với bước đi nhẹ nhàng như kẻ trộm lành trốn tránh cái nhìn của người đời.
Người biệt phái cầu nguyện: ông bước vào cung thánh đứng thẳng người, cất tiếng ca vang “Con không như kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia”. Lời cầu nguyện của ông đầy hãnh diện. Anh khoe sự đạo đức cho mọi người thấy mình thánh thiện và đấm ngực người thu thuế quân tội lỗi.
Đạo đức là một điều tốt, nhưng tự hào về đạo đức của mình lại là một nguy cơ. Vì cho rằng sự thánh thiện của mình làm nên sự công chính. Coi sự cố gắng của mình trên cả ân sủng. Chính sự thánh thiện của mình che lấp sự thánh tuôn trào hồng ân của Thiên Chúa. Ông tự hào, cái tự hào tự mãn làm cho ông cảm thấy không cần nhu cầu ân thánh và tình thương của Thiên Chúa, không cần cậy dựa vào Ngài. Tin tưởng tự mình có thể công chính hóa cho mình. Chính lúc tự hào, đóng kín với ân sủng, ông biệt phái đã mất ơn Chúa và không còn công chính nữa.
Người thu thuế cầu nguyện: anh này không dám ngẩng đầu lên, không tiến về cung thánh nhưng ẩn khuất cuối Đền thờ, anh cúi đầu thú tội: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Anh ý thức mình là một tội nhân, kẻ ngang hàng với bọn đĩ điếm. Anh đấm ngực xin Thiên Chúa thứ tha, tẩy rửa tâm hồn. Anh làm thức dậy tâm tình sách Khôn ngoan: “Lời cầu nguyện khiêm nhu xuyên qua những đám mây, nó không nghỉ ngơi cho đến khi nó đạt tới mục đích”. Thật thế, Thiên Chúa đã cúi xuống với người thu thuế và đáp lại lời nài xin của anh, vì anh chỉ biết dựa vào lòng thương xót đầy tình yêu của Ngài.
“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống…”
Sinh vào đời ai cũng có một cái tôi thật đơn sơ và dễ thương. Thế nhưng nó dễ bị biến tướng trở thành cái tôi đáng ghét như Blaise Pascal đã nói: “Le moi est haissable”: cái tôi đáng ghét. Cha Quang Uy đã “đánh vần” cái tôi biến tướng đó thành một bài hát dí dỏm và thật ý nghĩa:
Khi kiêu căng tôi sắc sảo, tôi thành tôi sắc tối.
Huênh hoang tôi huyền hoặc, tôi thành tôi huyền tồi.
Tự ái tôi nặng nề, tôi thành tôi nặng tội.
Khiêm tốn tôi thật thà, tôi thành tô-ôi-tôi.
Cũng vậy, ông biệt phái đã huênh hoang, tự cao tự đại, “khoe” thành tích cái tôi của ông với Chúa. Do đó, những việc ông làm – dù rằng rất tốt – thay vì trở nên công phúc thì lại biến thành bọt bèo cái tôi tồi tệ và tội lỗi của ông. Ngược lại, với lòng khiêm hạ, người thu thuế nhìn thấy sự yếu đuối của mình và cần đến lòng thương xót của Chúa. Chính vì vậy, ông hoán cải và được Chúa kể là người công chính (5 phút Lời Chúa)
Truyện: Quỷ không khiêm nhường sám hối
Một hôm có một tên quỷ kia chạy đến trước mặt Thiên Chúa mà thưa rằng:
Tôi thấy Chúa xử không công minh chút nào!
Chúa liền hỏi nó rằng:
Tại sao ngươi dám bảo Ta đối xử không công bằng ?
Bấy giờ tên quỷ mới đáp:
Chúa thấy đó, loài người phạm rất nhiều tội to lớn, và mỗi tội chúng đều phạm đi phạm lại nhiều lần. Thế mà lần nào Chúa cũng tha thứ cho chúng và còn ban hạnh phúc thiên đàng đời đời cho chúng nữa. Còn chúng tôi chỉ phạm tội có một lần duy nhất, thế mà Chúa không khi nào tha thứ mà còn phạt chúng tôi phải xuống hỏa ngục muôn đời. Như vậy chẳng phải là Chúa đối xử thiên vị và bất công lắm hay sao ?
Bấy giờ Chúa mới ôn tồn nói:
Loài người có phạm tội đi với Ta thật, và vì yếu đuối mà chúng đã phạm đi phạm lại nhiều lần thật. Nhưng sau mỗi lần phạm tội, chúng đều biết hồi tâm sám hối và xin Ta tha tội.
Nghe thấy sám hối và xin tha tội, tên quỷ liền thét lên rằng:
Ma quỷ chúng tôi không đời nào chấp nhận thái độ hèn hạ là sám hối và xin ai tha tội cho cả.
Nói thế rồi quỷ liền cong đuôi chạy mất.